Friday, November 11, 2022

SỞ THUẾ MỸ LÀM VIỆC THEO HƯỚNG CÓ LỢI CHO DÂN, THA PHẠT, THA TRUY THU TÔI GẦN MỘT TỶ ĐỒNG (Thúc Phạm)

 



Sở thuế Mỹ làm việc theo hướng có lợi cho dân, tha phạt, tha truy thu tôi gần một tỷ đồng

Thức Phạm

11/11/2022

https://baotiengdan.com/2022/11/11/so-thue-my-lam-viec-theo-huong-co-loi-cho-dan-tha-phat-tha-truy-thu-toi-gan-mot-ty-dong/

 

Tóm tắt câu chuyện:

 

– Do mới đến sống ở Mỹ, chưa nắm luật nên mình khai thuế thiếu.

– Sở thuế phạt một khoản 37.000 đôla, truy thu một khoản khác 2.500 đôla.

– Mình tự tìm hiểu luật, viết đơn trình bày, xin xỏ.

– Sau vài tháng, Sở thuế trả lời là tha.

– Qua đây, thấy thêm hiểu thêm yêu nước Mỹ.

 

Ai muốn biết chuyện dây cà ra dây muống thì đọc thêm dưới đây.

 

                                                       ***

Có thực sự sống lâu dài ở Mỹ mới hiểu được chính phủ tốt với dân, có lý có tình với dân thế nào.

 

Mình vừa được nhà nước tha phạt tổng cộng gần 40.000 đôla sau khi mình xin xỏ, trình bày đàng hoàng (không có chuyện chạy chọt, đi cửa sau, phong bì phong bao…).

 

Sự thể bắt đầu vào năm 2018, tức là mình mới chân ướt chân ráo đến Mỹ định cư được hai năm. Năm đó, người thân chuyển từ VN sang Mỹ cho mình một số tiền hơi lớn.

 

Đến tháng 1/2019, khi đi khai thuế, mình đã nói rất rõ và hỏi với người làm dịch vụ khai thuế hộ là trong năm 2018, mình nhận một khoản cho tặng giá trị lớn từ nước ngoài, nghe nói là phải khai báo, dù không phải đóng thuế, có đúng không?

 

Người này bảo mình: anh đang ở diện thẻ xanh, chưa phải công dân Mỹ nên không cần khai đâu.

 

Mình còn lơ ngơ ở Mỹ nên nghĩ rằng họ chuyên khai thuế chắc phải nắm luật hơn mình nên thôi cứ tin và nghe theo vậy.

 

Đến tầm giữa năm 2019, một lần vô tình thấy mọi người trong group Gia đình Việt ở Mỹ thảo luận về chuyện khai thuế khi nhận tiền cho tặng từ người thân, mình toát mồ hôi hột vì nhận ra rằng, mình đã mắc lỗi lớn khi nghe lời nhân viên dịch vụ khai thuế kia.

 

Để sửa sai, mình viết một thư đến Sở thuế trình bày trung thực, đại ý là: Tôi có sai sót khi không khai báo về số tiền người thân gửi cho, lý do là tôi mới đến Mỹ, chưa nắm luật, nên phụ thuộc vào người khai thuế hộ, dù tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin cho người đó. Tôi kính mong Sở tha cho, không phạt.

 

Thư gửi đi rồi nhiều tháng trôi qua không thấy hồi âm nên mình nghĩ chắc êm rồi.

 

Cũng năm 2019, mình mua nhà, thiếu một chút tiền, phải đóng tài khoản và rút hết tiền trong một quỹ đầu tư hưu trí. Cái tài khoản này mình mở cuối năm 2018, sau vài ba tháng, đến đầu năm 2019 thì giải tán, không lời lãi gì.

 

Đến mùa khai thuế vào đầu năm 2020, về lý thuyết, việc đóng tài khoản này bị xem như là rút tiền trước hạn (đối với quỹ đầu tư hưu trí) và số tiền đó bị xem là một khoản thu nhập phải đóng thuế. Vì vậy, phía quỹ họ gửi cho Sở thuế thông tin về việc này và cũng gửi sao kê cho mình biết.

 

Vào đầu năm 2020, khi mình đi khai thuế cho năm 2019, mình cũng cung cấp sao kê này cho người làm dịch vụ khai thuế để xem có phải khai không, người này bảo không phải khai, mình chỉ biết vậy.

 

Thời gian trôi qua êm đẹp, mình vui sướng với căn nhà mới, rồi đại dịch ập đến, làm việc ở nhà, càng có thêm thời gian để hưởng thụ căn nhà.

 

Cũng vì đại dịch nên đầu năm 2021, mình không gặp trực tiếp người khai thuế, chỉ gửi hồ sơ qua phong bì. Mình nghĩ họ sẽ tự cập địa chỉ mới hộ. Lúc nhận lại, mình thấy họ không sửa nhưng mình nghĩ chắc không quan trọng nên bỏ qua.

 

Rồi một ngày cuối tháng 11/2021, tự nhiên mình thấy kỳ lương nửa tháng bị trừ 400 đôla không rõ là tiền gì. Mình email hỏi bộ phận tiền lương, họ bảo bọn tôi không biết cụ thể, chỉ biết đây là lệnh của Sở thuế siết nợ của anh, mà theo luật, chúng tôi phải làm theo Sở thuế. Anh hãy liên lạc với Sở thuế hỏi cho rõ.

 

Thì phải hỏi thôi. Có mỗi một cách là gọi điện, phải chờ cỡ một tiếng mới có người nghe (vì hầu hết các dịch vụ đã được tự động hóa, chỉ những “ca khó” như của mình mới có chuyện trả lời trực tiếp).

 

Nhân viên Sở thuế hỏi mình gọi về chuyện gì. Mình trình bày việc tự nhiên bị siết nợ mà không rõ lý do.

 

Nhân viên bảo chờ và bấm máy tính lách tách một lúc… Sau đó thông báo: Quý ngài bị phạt một khoản tiền gần 37.000 đôla, và bị truy thu thuế gần 2.500 đôla. Ngài muốn bàn về cái nào trước.

 

Mình rụng rời tay chân, mặt đất chao đảo. Nhưng cố trấn tĩnh, bảo tôi muốn hỏi cái khoản 37.000 đôla trước.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/11/1-28-1536x641.jpeg

Ảnh: FB tác giả

 

Họ cho biết: Ngài không khai báo về tiền cho tặng đúng hạn năm 2018 nên bị phạt. Mình ú ớ bảo: tôi đã gửi thư giải trình rồi mà. Họ đáp lại: Ngài gửi thế vẫn bị coi là muộn, luật là luật. Mình hỏi tiếp: Thế tôi thuê luật sư để xin miễn hoặc giảm phạt có được không. Họ bảo tùy ngài, nhưng trước mắt, ngài cần phải chính thức trả tiền phạt cho Sở thuế, thay vì bị siết nợ vào tiền lương, ngài có thể trả đứt một lần hoặc trả góp và chịu lãi.

 

Mình đành chọn trả góp. Nhân viên chỉ dẫn cho mình cài đặt để thanh toán ở mức tối thiểu 600 đôla/tháng. Lệnh siết nợ được gỡ bỏ.

 

Cuối cùng, mình thắc mắc sao không có thông báo gì trước với tôi mà đùng một cái đè ra phạt, siết nợ. Họ đáp: Chúng tôi đã liên lạc với ngài mấy lần qua địa chỉ ABC XYZ này (địa chỉ cũ của mình) mà ông có trả lời đâu. Ờ nhỉ, nghe đến đấy mình cũng nhớ ra là đã coi thường chuyện cập nhật địa chỉ.

 

Thôi thì nhờ nhân viên cập nhật luôn địa chỉ và cảm ơn nhân viên cho mình biết tình hình rồi cúp máy, tính xem tiếp theo làm gì đây.

 

Chắc chắn là không thể nhờ chính cái dịch vụ khai thuế đã đẩy mình đến hoàn cảnh này, trong khi cũng chẳng quen biết ai có chuyên môn để hỏi chuyện vừa quan trọng vừa có tính bí mật cá nhân này.

 

Nghĩ đi nghĩ lại, mình thấy có lẽ là chỉ có thể hỏi một bác già làm nghề môi giới bất động sản. Bác chính là người chu đáo, tin cậy, tận tình giúp mình mua nhà ưng ý. Bác sống ở Mỹ hàng chục năm, buôn bán, sở hữu tài sản hàng triệu đô la, chắc hẳn phải biết những người làm dịch vụ thuế giỏi.

 

Mình gọi cho bác, trình bày tóm tắt vấn đề. Bác an ủi và hứa giới thiệu một người giúp bác về thuế má nhiều năm nay mà bác cho là tốt.

 

Sau khi bác viết email giới thiệu, kết nối mình với người đó, mình nhận ra là email của người đó giống hệt email của người khai thuế cho mình.

 

Hóa ra đó là một người. Chỉ khác là người này dùng tên Việt với bác, dùng tên Tây với mình.

Vậy là không có ai để bấu víu rồi. Trên TV và radio lúc nào cũng có quảng cáo các dịch vụ giúp miễn, giảm các khoản phạt thuế. Mình tính chắc phải nhờ đến họ.

 

Nhưng khi Google tìm hiểu thì thấy rằng các dịch vụ này thường thu ngay một khoản phí vài nghìn đô mà cuối cùng nhiều khi cũng chẳng giúp gì ngoài chuyện chia nhỏ khoản nợ và kéo dài ra để trả lâu hơn thôi.

 

Dành mấy hôm đọc nhiều trang web khác nhau, cả của các công ty tư vấn lẫn các trang của nhà nước, có vài điều then chốt mình rút ra:

 

– Chuyện người dân bị phạt thuế vì khai chậm, khai sai, khai thiếu… vẫn thường xảy ra. Về nguyên tắc, Sở thuế cứ phạt và truy thu cái đã.

 

– Đối với người sai phạm lần đầu, có thể xin tha phạt, gọi là First Time Abatement (FTA). Cần điền một form của Sở và viết một thư giải trình.

 

– Cần đáp ứng một trong các điều kiện chính: Không phải là đã cố tình lờ đi việc khai/đóng thuế và tuy mắc một lỗi vi phạm, nhưng việc nộp các thuế khác vẫn đúng, đủ trong 3 năm trở lại; có người thân mới chết; có tai họa như cháy nhà chẳng hạn; lỗi vi phạm là do nhân viên Sở thuế tư vấn sai.

 

– Cơ hội được tha diện FTA chỉ là 50-50.

 

– Luật lệ về thuế, về phạt, tha phạt… của nhà nước tuy câu chữ phức tạp nhưng cứ đọc kỹ sẽ hiểu, tất cả những gì mà các công ty dịch vụ họ nói họ làm hộ bạn thì thực ra bạn hoàn toàn có thể tự làm được.

 

Khi đã nắm được vấn đề, mình gấp rút bắt tay vào điền đơn và viết thư xin tha. Song song, mình cũng nói với ông bà nội ngoại chụp ảnh gửi các đơn thuốc, phiếu khám chữa bệnh trong năm 2018 để củng cố cho hồ sơ (vì mình không thuộc diện có người thân mới chết hoặc mới trải qua tai họa). Các cụ đều đã 75-85 tuổi nên mình nhận được hàng chục trang các đơn thuốc, giấy nằm viện, điều trị… Trong mấy ngày liền, mình gấp rút song cũng kỹ lưỡng làm hồ sơ để gửi đi càng nhanh càng tốt.

 

Hồ sơ của mình xoáy vào mấy điểm chính, mong Sở thuế thương tình:

 

– Năm 2018, tôi mới đến Mỹ, chưa hiểu luật về khai báo tiền cho tặng nên không gửi form đúng hạn. Nhưng sau vài tháng, ngay khi tôi nhận ra đã mắc lỗi, tôi đã chủ động gửi form. Như vậy, tôi thật thà, không cố tình giấu diếm gì. Xin không phạt khi tôi cố gắng nhất để là người trung thực và có trách nhiệm.

 

– Cũng năm đó, các ông bà nội ngoại nhà tôi bị đau ốm. Tôi rất lo nghĩ, dành nhiều thời gian liên lạc, hỏi han, chăm sóc từ xa cho các ông bà. Vì thế, tôi không tìm hiểu được kỹ về luật thuế. Khi họ khỏe lên, tôi tìm hiểu, nhận ra lỗi, đã chủ động khai báo ngay. Xin xem xét yếu tố này, đó là tôi không cố tình lờ đi việc khai báo.

 

– Năm 2020, 2021, do đại dịch, tôi không gặp trực tiếp người làm dịch vụ khai thuế nên địa chỉ bị sai (vẫn dùng địa chỉ cũ). Do đó, khi Sở thuế gửi thông báo phạt, truy thu, tôi không nhận được, chứ không phải tôi cố tình lờ đi.

 

– Trong 5 năm qua, tôi luôn luôn khai và nộp đầy đủ các loại thuế khác. Xin cân nhắc yếu tố này, đó là tôi luôn trung thực, có trách nhiệm, tuân thủ luật thuế.

 

– Tôi từng làm việc trong 17 năm cho một bộ của Mỹ ở một nước khác với công việc quảng bá về các giá trị Mỹ và thúc đẩy cho lợi ích của Mỹ. Nhờ đó, chính phủ Mỹ bảo lãnh cho tôi nhập cư. Trong 6 năm gần đây, tôi cũng làm việc cho một cơ quan chính phủ, vẫn tiếp tục quảng bá, thúc đẩy các giá trị, lợi ích của Mỹ. Tôi hiểu rằng Mỹ là đất nước dân chủ, tử tế và nhân đạo. Luật pháp của đất nước tuy nghiêm minh song cũng có sự khoan hồng. Xin xem xét sự vô tội, trung thực, trách nhiệm và lương tâm trong sạch của tôi mà tha phạt cho vi phạm lần đầu hoàn toàn vô tình của tôi.

 

Làm xong hồ sơ, mình gửi đến Sở thuế bằng đường bưu điện. Đồng thời, do vẫn có tâm lý muốn gặp cán bộ trình bày, mình đặt một cuộc hẹn với đại diện Sở thuế liên bang tại văn phòng của Sở ở thành phố của mình.

 

Đến ngày hẹn, mình cầm hồ sơ đến, trong bụng nghĩ có lẽ phải nặn ra vài dòng nước mắt khóc lóc, biết đâu cán bộ thương tình tha cho.

 

Nhưng khi gặp ông cán bộ, ông ý nói ngay: tôi chỉ nhận hồ sơ của anh ở đây và chuyển lên văn phòng có đúng chuyên môn, tôi không có quyền quyết định gì. Nếu anh có câu hỏi gì, tôi sẽ cố trả lời nếu tôi có thông tin.

 

Biết là Mỹ làm việc nguyên tắc nên thôi mình không cố nặn ra vài giọt nước mắt nữa. Vậy thì mình hỏi về cái khoản truy thu 2.500 đô. Ông cán bộ bấm máy tính một lúc và trả lời rằng mình cần làm một hồ sơ khác, trình bày việc mở tài khoản đầu tư hưu trí và rút ra, rồi gửi thư đến một văn phòng khác của Sở thuế. Ông cũng đồng ý với mình rằng khoản này không phải là thu nhập nên không bị thuế.

 

Khoản truy thu này có số tiền không lớn, nhưng rõ ràng là bị tính thuế oan cho nên mình cần “đấu tranh” để không bị thu.

 

Hồ sơ cho khoản này đơn giản hơn, mình in ra sao kê của việc mở tài khoản và viết một bức thư ngắn đại ý là tôi mở và đóng tài khoản trong một thời gian ngắn, tiền đó là tiền của tôi nạp vào rồi rút ra chứ không phải là thu nhập, vui lòng nhận ra điều đó và không tính thuế. Chỉ trong chưa đầy 5 ngày, từ cuối tháng 11 khi nhận tin sét đánh về 2 khoản phạt và truy thu, đến đầu tháng 12, mình đã gửi xong 2 bộ hồ sơ xin tha. Việc tiếp theo chỉ biết ngồi chờ.

 

Tháng 12 là tháng lễ tết, thường thì các nhà đều treo đèn màu, trang trí đẹp bên ngoài. Nhưng mình không dám làm như vậy, vì sợ biết đâu Sở thuế họ cử nhân viên đi qua xem có phải mình vẫn nhơn nhơn vui vẻ không. Tốt nhất là thể hiện rằng mình đang khổ sở đau buồn, không có tâm lý đâu mà mừng ngày lễ tết.

 

Trong thời gian chờ đợi, 600 đô tiền trả góp cho khoản phạt cứ tự động bị lấy đi từ tài khoản của mình hàng tháng. Đến tháng 3 năm nay là hơn 2 nghìn đô. Sốt ruột, mình gọi điện lên Sở thuế hỏi xem tình hình giải quyết đơn thế nào. Nhân viên trực điện thoại cho biết, đơn đang được xử lý nhưng chưa có kết quả. Thôi đành chờ tiếp.

 

Kể từ khi đơn gửi đi, hàng ngày cứ có bưu tá giao thư, dù bận việc gì mình cũng lao ra xem có thư của Sở thuế không và hy vọng tin tốt. Hàng tháng mình cũng thắp hương lên bàn thờ khấn vái xin bố phù hộ. Tình trạng chung là ăn không ngon ngủ không yên. Đến tháng 6, tổng tiền nộp phạt đã thành hơn 3.500 đô. Xót hết cả ruột.

 

Cho đến một ngày trong tháng 6 là thứ Bảy, nghe tiếng lách cách ở cửa, mình đứng chờ sẵn. Người bưu tá ở bên ngoài ném một đống thư qua ô cửa. Mình lọc ra, thấy có thư của Sở thuế, tim đập thình thịch, mình bóc phong bì, vừa muốn bóc nhanh, vừa muốn bóc chậm, vì không biết nội dung sẽ là thế nào.

 

Lấy thư khỏi phong bì, đọc được dòng thứ 2 là “Chúng tôi sẽ xóa khoản phạt căn cứ vào lời giải thích của ông về việc khai thuế muộn” mà mình không thể tin nổi, phải đọc đi đọc lại cho chắc, sau đó mới thốt lên sung sướng “thắng rồi”. Thư nói thêm rằng, Sở thuế trả lại cho mình những khoản tiền tạm thu.

 

Thật tuyệt. Cực kỳ vui. Hết sức biết ơn các ông/bà nào từ thấp đến cao trong Sở thuế đã chí công vô tư duyệt hồ sơ của mình. Trong lòng cùng tự khen là ôi sao mình giỏi thế hehe.

 

Ít hôm sau, séc trả lại tiền của Sở thuế được gửi đến. Vui thì hiển nhiên rồi, vì tưởng mất mà nay lại được trả.

 

Xong được việc xin miễn phạt, việc tiếp theo là chờ kết quả “đấu tranh” đòi không bị truy thu bất hợp lý.

 

Khoảng tháng 7, mình nhận được một thư khác của Sở thuế trả lời cho hồ sơ “đấu tranh”, trong đó nói rằng khoản tiền rút ra khi đóng quỹ hưu trí cần được khai báo bằng một form riêng. Mình tải form xuống và loay hoay điền, sau đó gửi đi.

 

Đến tháng 9, Sở thuế lại gửi thư, lần này thông báo quyết định “y án”, vẫn truy thu 2.500 đô của mình. Tức quá, mình gọi điện hỏi. Một nhân viên bảo là cái form của ông có lẽ khai sai, ông phải khai lại, và nộp cho bộ phận “phúc thẩm”.

 

Lần này, mình đọc đi đọc lại hướng dẫn form và nhận ra đúng là lần trước mình khai ẩu, điền lung tung. Tất nhiên, khi khai lại, mình dò dẫm từng ô, kiểm tra cẩn thận rồi mới cho vào phong bì gửi đi. Tiếp tục hồi hộp chờ, dù lần này có khác lần trước là nắm trong tay “phần thắng” cao hơn.

 

Và đầu tháng 11 này, Sở thuế gửi thư báo tin xóa khoản truy thu thuế. Dù là điều đã được dự báo, song mình vẫn cảm thấy nhẹ nhõm, chính thức hết mọi sự chờ đợi trong thấp thỏm. Một lần nữa lại mèo khen mèo dài đuôi – ôi sao mình giỏi thế.

 

Quả thực, mình đã nói chuyện với nhiều người sống ở đây lâu năm hơn, có những người bị giống mình và đã bị phạt, bị truy thu mà không lấy lại được tiền vì họ không biết cách.

 

Qua trường hợp của mình, có thể rút ra vài điều: Ở đất nước này, luật lệ nghiêm minh nhưng nhà nước không phải nhăm nhăm chờ dân sai để phạt, để thu tiền. Trong trường hợp dân không cố tình vi phạm, gian dối, nhà nước và công chức xử lý theo cách có lý có tình, vô vụ lợi cho họ mà lại có lợi cho dân. Còn bản thân người dân cần am hiểu luật lệ để tránh bị phạt và cũng để trình bày, xin tha thành công, và hoàn toàn có thể tự làm được, không phải qua trung gian nào cả.

 

Thử tưởng tượng nếu ở một nước nào đó khác, nơi mà chính quyền và cán bộ thậm chí còn “bẫy” dân, dọa dân, dân đúng bị biến thành sai, dân không có lỗi bị biến thành có lỗi, để cán bộ đớp hít, thì liệu mình có được tha phạt, tha truy thu như vậy được không?

 

 



No comments: