Sang
chấn tinh thần của một dân tộc
Yên
Khê
20/11/2022
https://baotiengdan.com/2022/11/20/sang-chan-tinh-than-cua-mot-dan-toc/
Cuối cùng thì chiêu bài “chụp mũ cộng sản”
(red-baiting) của Michelle Steel, ứng cử viên dân biểu liên bang địa hạt 45, miền
Nam California, đã thành công. Đây là khu vực có rất đông người Việt sinh sống,
và đa số đã đồng ý với cái nhãn cộng sản mà bà Steel chụp lên đối thủ là ông
Jay Chan, người Mỹ gốc Đài Loan.
Trước ngày bầu cử 8-11-2022, phóng sự của báo
Washington Post cho thấy khí thế hừng hực chống Cộng của cộng đồng người Việt ở
địa hạt 45. Nhiều người trả lời báo rằng, họ tin chắc rằng ông Jay Chen, là… cộng
sản, bất chấp sự thật là bố ông Chan chạy trốn cộng sản từ Hoa lục, còn bản
thân ông Chan là một sĩ quan quân đội Mỹ!
Đây không phải là lần đầu tiên chiêu bài
red-baiting được một số chính trị gia Mỹ sử dụng thành công. Vào năm 2016 và
2020, ứng cử viên Donald Trump cũng đã thuyết phục cộng đồng người Mỹ gốc Cuba ở
Florida rằng, các nhân vật dân chủ như Joe Biden, Bernie Sanders, Hillary
Clinton… là cộng sản.
Người Cuba, cũng như người Việt Nam, phần đông
thuộc thế hệ lớn tuổi đã trải qua những cơn khiếp hãi cộng sản và những khiếp
hãi đó để lại trong tâm lý họ một sự chấn động, dẫn đến việc dễ dàng tin vào những
điều mị dân của các chính trị gia, núp dưới chiêu bài chống Cộng.
Một người Mỹ gốc Việt còn trẻ ở địa hạt 45,
California, nói với báo Business Insider rằng, các chính trị gia dùng chiêu bài
red-baiting đang trục lợi trên sự sang chấn tinh thần (trauma) của cộng đồng
người Việt, trục lợi trên sự sợ hãi cộng sản của họ để kiếm phiếu, mà quên mất
những chuyện cần thiết cho họ ngay lúc này, và ở tại đây, đó là nhà ở, thuốc
men, vệ sinh, an toàn…
Một nghiên cứu mới đây của bà Oanh Meyer từ đại
học California Davis (UC Davis) cho thấy rằng, chấn thương tâm lý của nhiều người
Việt lớn tuổi đã làm cho họ trở thành những người bị bệnh mất trí nhớ sớm hơn
các sắc dân khác ở Mỹ. Bà Meyer dẫn chứng trường hợp mẹ của bà, là người hay tưởng
tượng ra các viên công an cộng sản đột nhập vô nhà.
Sự trục lợi trên chấn thương tinh thần của cộng
đồng người Việt lớn đến mức là cộng đồng này, dù có không ít người nhận trợ cấp
xã hội và cũng hay bị phân biệt đối xử, nhưng chính họ sẵn sàng bỏ phiếu cho
tay dân túy thượng hạng là Donald Trump, chủ trương chống người nhập cư, cắt
phúc lợi xã hội. Theo thống kê, cộng đồng người Việt ở Mỹ là cộng đồng bầu cho
Donald Trump nhiều nhất trong các cộng đồng thiểu số gốc châu Á.
Đó là đối với cộng đồng lưu vong. Hơn 90 triệu
người trong nước có lẽ cũng không khá gì hơn. Nếu người Việt hải ngoại trải qua
chiến tranh, cộng sản, trại cải tạo, vượt biên, rồi cô độc trên đất khách, thì
cộng đồng người Việt trong nước phải trải qua thời cộng sản “thuần túy” dài
hơn, rồi sau đó vẫn tiếp tục chịu đựng sự áp bức tinh thần, cho đến nay. Mà
ngay cả khi việc làm ăn kinh tế có được thoải mái hơn trước, thì tinh thần xã hội,
dưới sự cầm trịch của Đảng cộng sản, lại là một sự rối loạn rất không bình thường.
Sự rối loạn đó không chỉ tác động đến dân
chúng, mà cả các quan chức cầm quyền. Chỉ với lý do sang chấn tinh thần mới có
thể giải thích được sự diễn ngôn như mê sảng của quan chức, sự ủng hộ nước Nga
xâm lăng từ một bộ phận “không nhỏ” dân chúng… và còn nhiều thứ khác nữa.
Trở lại cộng đồng người Việt hải ngoại. Hãy quan
sát các tờ báo hải ngoại, ngoài khí thế “hừng hực chống cộng’, có thể thấy tin
tức về sự thành công theo kiểu “cộng đồng thiểu số kiểu mẫu” (model minority),
mà rất ít khi thấy rằng trong các trại tù Mỹ, các họ Nguyễn, Trần, Lê,… có tỷ số
cao hơn một cách bất thường, so với tỷ lệ dân số.
Hãy quan sát ngôn ngữ mà nhiều người Việt “hừng
hực chống Cộng” sử dụng, có thể thấy nó ngày càng giống với các “hồng vệ binh”
bên kia bờ đại dương, như là chụp mũ, đánh phá, khí thế đấu
tranh, quan điểm, lập trường… Tóm lại là, tất cả những ngôn từ xấu xí nhất,
dữ dội nhất mà tiếng Việt có thể có.
Ngay trên trang Tiếng Dân này, theo dõi một thời
gian, có thể nhận ra khá nhiều “nhà bình luận” người Việt hải ngoại cũng rất hừng
hực. Có vị bài nào cũng vào bình luận, dài sòng sọc mà chẳng ai hiểu gì cả, chỉ
biết rằng ông ta đang chửi ai đấy. Có thể nói rằng, đó là kết quả của một sang
chấn tinh thần trầm trọng.
Sau kết quả bầu cử địa hạt 45 ở California được
công bố, với thắng lợi của bà Steel, tôi chạy một vòng ra khu “Phước Lộc Thọ”,
thủ đô tinh thần chống cộng của người Việt, thì thấy vẫn là một không khí nhếch
nhác của một nền kinh tế tiền mặt (cash economy).
Vật chất thì nhếch nhác, tinh thần thì chủ yếu
là tin đồn, đầy fake news. Đó đây nghe đồn Việt Cộng mua khu thương mại này,
khu thương mại nọ. Một nhà báo của tờ Washington Post có lẽ không nghe được tin
đồn như vậy, nên đặt câu hỏi về vụ red-baiting của bà Steel: “Làm sao mà hơn
30 năm chế độ cộng sản sụp đổ, mà người ta có thể sợ cộng sản ở đây nhỉ?”
Thôi hãy cứ cho rằng bà Steel rất “quan điểm
lập trường chống Cộng”, sau nhiệm kỳ của bà ta ở Washington DC, liệu “Phước
Lộc Thọ” có bớt nhếch nhác hơn chăng?
Orange County, Mùa lễ Tạ Ơn của nước Mỹ
__________
Tham khảo:
https://www.washingtonpost.com/lifestyle/2022/11/07/jay-chen-michelle-steel-orange-county-congress/
No comments:
Post a Comment