Rút
quân khỏi Kherson : một thất bại quân sự của Nga nhưng Ukraina vẫn cảnh giác
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 10/11/2022 - 14:50
Nga rút quân khỏi Kherson, chiến tranh Ukraina vẫn
chưa tới hồi kết. Matxcơva tính toán những gì với thông báo rút quân khỏi một địa
điểm « chiến lược » sát cạnh bán đảo Crimée ở miền
nam Ukraina ? Tại sao Kiev lo ngại khi quân thù thoái lui ?
Binh sĩ Ukraina tại
khu vực Kherson, Ukraina ngày 09/11/2022. REUTERS – STRINGER
Mới
chỉ sáu tuần lễ trước, tổng thống Vladimir Putin đã long trọng thông báo
Kherson cùng với ba vùng khác của Ukraina thuộc về Liên Bang Nga. Nhưng đến ngày 09/11/2022 bộ trưởng Quốc
Phòng, Serguei Choigu ra lệnh « rút quân » khỏi
Kherson. Kèm theo đó là hình ảnh lính Nga phá hủy những cây cầu và một phần cơ
sở để « chận đường » quân Ukraina truy kích họ về
bên kia bờ sông Dniepr.
Tổng thống Vladimir Putin tới nay vẫn chưa lên tiếng. Nhiều nguồn tin thân cận với điện Kremlin, ngay cả phe « diều
hâu » đã nhanh chóng đánh giá đây là một quyết định « sáng
suốt » để bảo toàn mạng sống cho các quân nhân
Nga.
Trong khi đó truyền thông phương Tây đồng loạt
nói đến « thất bại to lớn cả về quân sự lẫn chính trị » của
Nga, bởi vì « càng lúc càng khó giữ Kherson trước đà tiến của quân
đội Ukraina ». Mất Kherson, hay ít ra là một phần khu vực này, Nga mất
ngả tiếp viện cho quân đội.
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đây là bằng chứng
rõ rệt nhất cho thấy « quân đội Nga đang có vấn đề ».
Thế nhưng Kiev lại tỏ ra thận trọng hơn bao giờ
hết. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng Ukraina cần cảnh giác cao độ trước
những ý đồ thâm hiểm của « quân thù », bởi Nga không có một
chút « thiện chí » nào qua quyết định quân sự nói
trên.
Cố vấn thân cận với tổng thống Ukraina, ông
Podoliak, khẳng định quân Nga vẫn còn hiện diện trong thành phố. Phát ngôn viên
bộ tư lệnh Ukraina khu vực miền nam bà Natalia Gumeniuk báo động đây chỉ là một
màn nhằm lôi kéo quân Ukraina vào một tình thế « hiểm nghèo
hơn », tình hình ở Kherson vẫn « chưa ngã ngũ ».
Rất nhiều nhà quan sát tại Kiev cho rằng việc Nga thông báo rút quân khỏi
Kherson nhằm « cài bẫy đối phương » nhất là khi mà từ
đầu chiến tranh đến nay, lời nói của Matxcơva luôn trái ngược với việc
làm.
Trên thực tế, Nga
chỉ « rút quân » khỏi bờ tây sông Dniepr, khúc chảy
qua thành phố Kherson để tập trung sức lực về phía bên kia con sông là bờ đông
chứ chưa phải là rút lui khỏi toàn bộ vùng Kherson. Chính quyền và giới quân sự Ukraina chưa trông thấy dấu hiệu nào có
thể cho là phía Nga đã dễ dàng buông súng trong khu vực này.
Từ nhiều ngày qua Kiev lo ngại « rơi
vào bẫy » của Matxcơva bởi vì gài bẫy đối phương là một chiến thuật
mà Ukraina cũng là một « cao thủ ». Có lẽ giới lãnh đạo ở
Ukraina biết rõ hơn ai hết, ông Putin khó có thể để mất Kherson khi mà sắc lệnh
sáp nhập vùng đất này với lãnh thổ Nga còn chưa ráo mực. Kherson, với 280.000
dân cư trước chiến tranh, là thành phố lớn nhất trong khu vực miền nam Ukraina
và là một chặng thiết yếu trên con đường mở ra hải cảng Odessa bên bờ Biển
Đen.
Ngoài ra, từ cuối thế kỷ 18, Kherson đã là biểu
tượng của chính sách Đại Nga mà Vladimir Putin hằng ấp ủ và cũng vì muốn mở lại
những trang sử huy hoàng từ thời Catherine Đại Đế mà điện Kremlin tiến
hành « chiến dịch đặc biệt » xâm chiếm Ukraina.
Vậy thì làm thế nào mà Matxcơva với Vladimir Putin
và những cố vấn trong cánh diều hâu nhất lại có thể chấp nhận lùi bước ?
Làm thế nào để điện Kremlin giải thích với công luận trong nước về một thất bại « quân
sự » sau khi đã huy động 300.000 lính dự bị để « bảo
vệ tổ quốc » ?
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, tuyên bố
của bộ trưởng Quốc Phòng Nga ẩn chứa một phần sự thật : quân đội Ukraina với
trang thiết bị của phương Tây, mà đứng đầu là tên lửa Himars của Mỹ, càng lúc
càng trở nên « lợi hại ». Ukraina tập trung nhắm vào các
tuyến đường tiếp liệu huyết mạch cho quân đội Nga ở hai bên bờ con sông Dniepr
khiến đối phương càng lúc càng bị « cô lập ». Tình hình
đã xấu đi thêm hàng tuần đến nỗi ngày 18/10/2022 phía Nga đã phải « thay
đổi chiến thuật », bắt đầu tính đến chuyện rút quân. Cùng lúc chính
quyền thân Nga tại đây viện lý do nhân đạo, sơ tán hơn 100.000 dân
cư.
Trả lời báo Le Figaro, chuyên gia về lịch sử
quân đội của Pháp, Cédric Mas, giải thích : bỏ bờ tây, tập trung về bờ
đông sông Dniepr là một quyết định khôn ngoan, bởi không ai đương đầu với địch
trong thế có một con sông ở sau lưng mình. Còn về phía Ukraina thì để tấn công
đối phương, sẽ phải vượt qua được con sông. Đó không là chuyện dễ làm.
Hơn nữa, tập trung lực lượng vào một điểm duy
nhất cũng là thượng sách, để cho binh sĩ đỡ « vất vả » trong
lúc tinh thần các quân nhân Nga không được tốt gì cho lắm.
Điểm thứ ba như nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận :
có nhiều khả năng Nga tìm cách câu giờ, cố gắng cầm cự cho qua mùa đông để chuẩn
bị cho một đợt tấn công quy mô vào mùa xuân sắp tới. Khi đó những tân binh mới
vừa bị điều động đã đủ vững vàng.
Vladimir Putin được cho là vẫn còn chưa đưa ra
quyết định cuối cùng và Matxcơva vẫn còn có nhiều nước cờ lợi hại trên hồ sơ
Ukraina. Sau cùng ngay cả trong trường hợp thực sự bị đẩy vào đường cùng, cả về
quân sự lẫn chính trị, thì điều đó lại càng khiến tổng thống Nga trở nên « nguy
hiểm hơn » như Pierre Haski chuyên về địa chính trị trên tạp chí
L’Obs và đài phát thanh France Inter đánh
giá.
--------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Ukraina
thận trọng trước việc Nga rút quân khỏi Kherson
UKRAINA
- NGA - TRẬN CHIẾN KHERSON
Chiến
tranh Ukraina : Kherson, trận chiến biểu tượng sẽ khốc liệt và kéo dài
Kherson,
trận quyết định trong cuộc chiến Ukraina
No comments:
Post a Comment