Rối
loạn xăng dầu: Yếu kém của Bộ trưởng hay do vi phạm quy luật thị trường?
07/11/2022
https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-8891-08daab9e430d_w1023_r1_s.png
Một cây xăng ở
TPHCM dùng hàng rào lưới B40 để chặn và phân luồng lượng khách đông đúc đến cây
xăng vào ngày 11/10/2022. (Ảnh chụp màn hình vnexpress.net)
Tình trạng mấy ngày cuối tuần vừa qua, nhiều cây
xăng tại Hà Nội và TP.HCM đóng cửa là vấn đề được các đại biểu Quốc hội truy vấn
Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 5/11/2022.
Dường như là “tại anh tại ả/ tại cả đôi bên”. Các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý điều hành xăng dầu
trái với quy luật cung cầu, để giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều cây xăng
thua lỗ, buộc phải đóng cửa. Hơn nữa, giá cả thì biến động từng giờ, mà điều
hành lại chậm từ 10 – 12 ngày thì không rối loạn sao được!
Hiện trạng…
Tình trạng mấy ngày cuối tuần vừa qua, nhiều
cây xăng tại Hà Nội và TP.HCM đóng cửa là vấn đề được các đại biểu Quốc hội
truy vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 5/11/2022.
Đa phần các đại biểu Quốc hội đều phản ánh một thực tế là, nhiều cây xăng ở Hà
Nội, TP.HCM không bán hoặc bán rất ít, gây bức xúc cho người dân. Các đại biểu
đã đặt nhiều câu hỏi về hiện trạng cung ứng xăng dầu với Tổng thanh tra Chính
phủ cũng như với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Thị trường xăng dầu trong nước đang diễn biến
phức tạp với nhiều nghịch lý mà cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều là “nạn
nhân”. Phổ biến là tình trạng thiếu hụt cục bộ, khi phần lớn các cửa hàng bán lẻ
đều không có đủ hàng để bán. Tỷ lệ này riêng tại TP. HCM, theo thống kê của Sở
Công thương (ngày 01/11/2022) đã lên tới 20%. Tiếp đến là mức chiết khấu (do đầu
mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) quá thấp (0 đồng), khiến doanh nghiệp
không thể kinh doanh có lãi, thậm chí càng bán càng lỗ. Tuy nhiên, họ vẫn phải
tiếp tục “gồng mình” để giữ khách, tới lúc không thể chịu được nữa thì đành
treo biển “nghỉ bán – nhập hàng”.
Một số của hàng khác thì chọn phương án kinh
doanh “cầm chừng”, bán hàng “nhỏ giọt”, giới hạn khách mỗi lần mua chỉ được đổ
30.000 đến 50.000 đồng (đối với xe máy); có nơi còn từ chối bán cho ô tô với lý
do “không nhập đủ xăng”. Sau một vài lần điều chỉnh giá, tình hình vẫn chưa hề
có dấu hiệu được cải thiện. Ngoài
ra, cho dù giá tăng, song mức chiết khấu vẫn quá thấp, khiến một số doanh nghiệp
lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”.
Bộ trưởng Công
thương trả lời
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công
thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình xăng dầu thế giới và trong nước
đang có những diễn biến mới, nguồn cung ngày càng khan hiếm do châu Âu và các nền
kinh tế lớn gia tăng mua dầu từ OPEC+ và Nga, trước mốc 25/11 (ngày châu Âu áp
lệnh trừng phạt lần thứ 8 lên Nga). Ngoài ra, tỷ giá đồng euro và USD liên tục
tăng trong vài tuần qua, gây khó khăn cho DN nhập khẩu. Việc tiếp cận vốn ngoại
tệ để bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán cũng khó khăn, dẫn đến tình trạng đứt
gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống, nhất là các TP lớn tập trung dân cư.
Chưa hài lòng với phần trả lời này, đại biểu
Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) chất vấn tranh luận cho rằng, “thị trường xăng dầu
rõ ràng đang bị hỗn loạn và rất cần được ổn định”. Ông Trí cũng chuyển 2 ý kiến
của cử tri, thứ nhất theo Nghị định 95/2021, giá xăng dầu hiện lấy giá bình
quân của giá thế giới 10 ngày trước để tính giá trong nước cho 10 ngày sau, chênh
lệch tới 20 ngày là “lạc hậu và không phù hợp”. Thứ hai, thời gian qua, Bộ Công
thương đã cấp phép tràn lan, cấp đến 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và hơn
330 thương nhân phân phối xăng dầu. “Trong khi Nhật Bản chỉ có 5 đầu mối, Trung
Quốc 4 - 6 đầu mối, cho nên điều đó đã dẫn đến hệ lụy là rất khó quản lý”, đại
biểu Trí nêu.
Thừa nhận những bất cập của Nghị định 95, theo
Bộ trưởng Diên, quy định 10 ngày “là trong lúc bình thường”. Song thị trường
xăng dầu hiện rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn, nên đã bộc lộ những
khiếm khuyết trong quy định hiện hành. Chính phủ cũng đã chỉ đạo sửa đổi Nghị định
95, song theo ông Diên, “thế
giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ nên cố gắng đến đâu quy định pháp luật cũng
có độ trễ so với thực tiễn”.
Về vấn đề cấp phép tràn lan, Bộ trưởng Diên
cho biết sẽ không cấp thêm, chỉ cấp đổi giấy phép. “Hệ thống kinh doanh xăng dầu
hiện rất đa tầng nấc, sẽ rất rối, làm tăng chi phí và phải cộng vào giá bán lẻ.
Sắp tới sẽ sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến đại lý, cửa hàng
bán lẻ, giảm tầng nấc”, ông Diên nói. Ngoài ra, với quy định 10 ngày nếu không
phù hợp có thể rút xuống 5 ngày, thậm chí nếu người dân đồng thuận sẽ điều hành
hằng ngày.
Chiều 5/11, trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành
lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay ông chưa hài lòng về vấn
đề xăng dầu được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình trong
phiên chất vấn tổng Thanh tra Chính phủ. Theo ông Trí, thực tế vấn đề xăng dầu
đã được đề cập ở các kỳ họp trước, nhưng đến nay diễn biến phức tạp hơn nhiều,
nhất là sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine và chính Bộ trưởng Nguyễn Hồng
Diên nói xăng dầu thế giới biến động từng giờ.
Song ông Trí cho rằng vấn đề giá xăng dầu của
chúng ta vẫn điều hành theo nghị định 95, tức muốn thiết lập giá ngày hôm nay
bán phải lấy giá 10 ngày trước xong cộng lại đưa ra giá trung bình… Điều này khiến
các nhà kinh doanh xăng dầu nói thường bị chậm tới 20 ngày. "Giá
xăng dầu biến động từng giờ mà giờ chậm 10 - 20 ngày thì làm sao theo kịp được?".
Sự thật nằm ở nhiều
khâu
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài
chính ngân sách nhận định: nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý.
Ông đặt câu hỏi: Tại sao các nước không gặp phải tình trạng trên, còn Việt Nam
lại bị, mặc dù đã sản xuất được xăng dầu và hai nhà máy lọc dầu hiện đang chiếm
gần 70% thị phần? “Sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý là Bộ Công Thương (về
nguồn cung, hoạt động xuất nhập khẩu) và Bộ Tài chính (quản lý giá, chi phí, ...)
chưa được tốt”, ông Cường nói.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở cách phối hợp
giữa các bộ, ngành. Vấn đề mấu chốt dường như nằm ở những bất cập về mặt chính
sách, cụ thể là với hai Nghị định 83/2014/NĐCP và 95/2021/NĐCP (sửa đổi từ NĐ
83). Theo Khoản 4, Điều 18, Mục 4, Chương II, Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi tổng
đại lý chỉ được “ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối.
Nếu thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học, được ký thêm hợp
đồng làm tổng đại lý cho một (01) thương nhân đầu mối khác chỉ để kinh doanh
nhiên liệu sinh học”. Và theo Khoản 5, Điều 18, Mục 4, Chương II, Nghị định
83/2014/NĐCP: “Thương nhân đã ký hợp đồng làm tổng đại lý cho thương nhân đầu mối,
không được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý khác hoặc thương nhân đầu
mối khác.”
Còn theo Khoản 2, Điều 21, Mục 5, Chương II,
Nghị định 83/2014/NĐCP thì mỗi đại lý bán lẻ cũng lại chỉ “được ký hợp đồng làm
đại lý bán lẻ xăng dầu cho một (01) tổng đại lý hoặc một (01) thương nhân phân
phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương
nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu
sinh học, đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một (01) tổng đại lý hoặc
một (01) thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một (01) thương nhân đầu mối khác
chỉ để kinh doanh nhiên liệu sinh học”.
Và theo Khoản 3, Điều 21, Mục 5, Chương II,
Nghị định 83/2014/NĐCP: “Thương nhân đã ký hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý
hoặc thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối, không
được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối
xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối khác.”
Tựu trung, vấn đề nguồn cung, chiết khấu và
giá cả đều là những nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn hiện nay. Theo Vụ
Thị trường Bộ Công Thương, hàng loạt cửa hàng bán lẻ đóng cửa xuất phát từ việc
các doanh nghiệp đầu mối không đủ nguồn tài chính để nhập hàng. Họ chỉ duy trì
lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại phía Nam chia
sẻ, trước đây 3 tỷ đồng nhập được 2 tàu, nhưng giá hiện đã tăng vọt. "Cùng
số tiền đó, giờ chỉ nhập được 1 đến 1,5 tàu, mà vay ngân hàng thì khó do ‘room’
tín dụng cạn", ông bộc bạch.
Chiết khấu là một vấn đề nan giải khác. Tức là
khoản thoả thuận, giảm giá của đơn vị bán buôn xăng dầu (đầu mối, tổng đại lý,
thương nhân phân phối) cho doanh nghiệp bán lẻ, chủ các cây xăng về 0 đồng, thậm
chí âm. Khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm, doanh nghiệp đầu mối, thương
nhân phân phối tăng chiết khấu cho cửa hàng, đại lý bán lẻ để đẩy lượng bán ra.
Còn hiện nay, giá thế giới tăng, họ giảm mức chiết khấu này. Thậm chí gần đây xảy
ra tình trạng chiết khấu âm.
Giá cả chưa thỏa đáng cũng là nguyên nhân khiến
các doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh. Giá cơ sở xăng dầu mỗi kỳ điều
hành do liên Bộ: Công Thương và Tài chính quyết định, là căn cứ để xác định mức
giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Nhưng theo 36 doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị
lên Thủ tướng, chi phí thực tế chưa được phản ánh đầy đủ và nhà điều hành chậm
điều chỉnh các chi phí kinh doanh, kìm giá khiến bất ổn càng gia tăng.
Tóm lại, quy định kinh doanh theo hệ thống như
hai Nghị định trên là rất “phi thị trường” và làm triệt tiêu sự cạnh tranh dựa
trên chi phí, giá cả. Nghịch lý ở đây là, nếu thương nhân phân phối để mức chiết
khấu hấp dẫn hơn cho các tổng đại lý và đại lý bán lẻ thì những cơ sở này cũng
không được phép mua bên ngoài hệ thống (Bất chấp việc có hóa đơn, chứng từ đầy
đủ), nếu làm trái thì bị xếp vào hành vi buôn lậu. Nhưng nếu mức chiết khấu thấp
thì doanh nghiệp lại không thể kinh doanh có lãi. Để
đối phó, doanh nghiệp khi ấy có thể buộc phải tìm đến nguồn hàng lậu (Chỉ đăng
ký bán trên hệ thống của Bộ Công thương cho đúng quy trình thủ tục).
--------------------------------
LIÊN QUAN
Gỡ rối việc quản lý giá xăng
dầu Việt Nam như thế nào
Người dân Việt Nam chật vật
giữa tình trạng thiếu xăng dầu lan rộng
No comments:
Post a Comment