Wednesday, November 23, 2022

PHÓ TỔNG THỐNG KAMALA HARRIS LÊN ÁN TRUNG QUỐC, CAM KẾT HỖ TRỢ PHILIPPINES (Bình Phương / Saigon Nhỏ)

 



PTT Harris lên án Trung Quốc, cam kết hỗ trợ Philippines

Bình Phương
22 tháng 11, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ptt-harris-len-an-trung-quoc-cam-ket-ho-tro-philippines/

 

Trong chuyến thăm chính thức tới Philippines, hôm thứ Ba 22 tháng Mười Một, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã tố cáo Trung Quốc “đe dọa và cưỡng ép” trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và cam kết Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Philippines.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244923900.jpg

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Manila hôm 20-11-2022 trong chuyến thăm ba ngày tại Philippines. Ảnh Dante Diosina Jr/Anadolu Agency via Getty Images

 

Chính quyền Biden đang tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực và chuyến đi của bà Harris là một phần trong nỗ lực đó.

 

Theo tin từ New York Times, bà Harris đã phát biểu trước các thành viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ở tỉnh Palawan, địa phương gần nhất với quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, và là nơi nhiều năm qua Philippines liên tiếp cáo buộc Trung Quốc quấy rối tàu đánh cá và tàu hải quân của họ. Bà Harris đã đến thăm một làng chài Palawan.

 

“Những cộng đồng như thế này phải gánh chịu hậu quả khi tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển Philippines và làm cạn kiệt nguồn cá một cách bất hợp pháp, khi họ quấy rối và đe dọa ngư dân địa phương, khi họ gây ô nhiễm đại dương và phá hủy hệ sinh thái biển,” bà Harris nói mà không gọi đích danh Trung Quốc.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách của họ. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tích cực mở rộng sự hiện diện trên biển Đông, nơi phần lớn hoạt động vận chuyển hàng hải của thế giới đi qua. Trung Quốc đã xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo, triển khai các đội tàu để xua đuổi tàu của các quốc gia nhỏ hơn, như Philippines, ra khỏi các khu vực tranh chấp.

 

Tại Philippines, nhiều người coi chuyến thăm hai ngày của bà Harris là dấu hiệu cho thấy nước này có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden khi ông củng cố mạng lưới đối tác và đồng minh chống lại Trung Quốc. Mối quan hệ Mỹ-Philippines đã phần nào trở nên xấu đi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump và Tổng thống mới mãn nhiệm Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo Philippines thường lên tiếng chống Mỹ và ngả về phía Trung Quốc từ năm 2016 đến đầu năm nay.

 

Vào Chủ Nhật, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Hoa Kỳ và Philippines đang đàm phán về việc mở rộng một chương trình theo đó quân nhân Mỹ sẽ đóng quân tạm thời tại các căn cứ quân sự của Philippines. Hiện tại, đã có năm căn cứ trên toàn quốc được sử dụng cho chương trình. Quan chức này không nói rõ có bao nhiêu địa điểm mới đang được thảo luận nhưng cho biết hai bên đang xem xét nhiều địa điểm cụ thể.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/11/GettyImages-1244950464.jpg

Các nhóm phiến quân (militants) chống chính phủ Manila, thân Trung Quốc, tổ chức biểu tình phản đối chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Kamala Harris và sự mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước. Ảnh Dante Diosina Jr./Anadolu Agency via Getty Images

 

Hai ngày trước bài phát biểu của bà Harris đã xảy ra một cuộc chạm trán giữa các tàu Trung Quốc và Philippines ở Trường Sa trong lúc tàu Philippines thu hồi một mảnh vỡ mà các quan chức Philippines tin là từ một hỏa tiễn Trung Quốc. Phó đô đốc Alberto Carlos của Hải quân Philippines cho biết mảnh vỡ được phát hiện vào Chủ Nhật, trôi nổi cách đảo Thị Tứ mà người Phi gọi là đảo Pag-Asa ở Trường Sa khoảng nửa dặm và một chiếc tàu đã được cử ra vớt nó. Phó Đô đốc Carlos cho biết khi tàu quay trở lại, kéo theo mảnh vỡ thì một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã hai lần chặn đường nó và “dùng vũ lực thu hồi” mảnh vỡ, cắt dây thừng mà tàu Philippines đang dùng để kéo nó.

 

Đại sứ quán Trung Quốc đã bác bỏ thông tin đó vào tối thứ Hai, nói rằng thủy thủ Philippines đã bàn giao mảnh vỡ “sau khi bàn bạc ​​thân thiện”.

 

Cơ quan Vũ trụ Philippines cho biết “rất có khả năng” mảnh vỡ là từ hỏa tiễn Trường Chinh 5B đã rơi tự do xuống Trái đất sau một vụ phóng phi thuyền của Trung Quốc vào đầu tháng này. Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chỉ trích cơ quan vũ trụ của Trung Quốc đã không sử dụng công nghệ hướng dẫn các bộ phận hỏa tiễn như vậy được rơi an toàn xuống các khu vực không có dân cư.

 

Vụ đụng độ vì mảnh vỡ hỏa tiễn cho thấy va chạm thường xuyên xảy ra trong khu vực này.

 

Hôm thứ Hai, bà Harris đã gặp Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Manila; bà nhắc lại rằng Hoa Kỳ có “cam kết vững chắc” bảo vệ Philippines nếu tàu hoặc máy bay của họ bị tấn công ở Biển Đông, theo một hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951. Ông Marcos, người kế nhiệm ông Duterte vào năm nay, đã tỏ ra cởi mở trong việc hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Philippines.

 

Giáo sư Aries Arugay, chủ nhiệm khoa khoa học chính trị của Đại học Philippines, nhận xét bài phát biểu của bà Harris – quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng đến thăm Palawan – chủ yếu là “xã giao”. Nhưng ông nói ông không ngạc nhiên với việc mở rộng hợp tác quân sự Mỹ – Philippines “vì chúng tôi ở gần Đài Loan,” hòn đảo tự trị mà Trung Quốc quyết thâu tóm, có thể bằng vũ lực. “Eo biển Đài Loan rất quan trọng,” giáo sư Arugay nói và cho biết thêm rằng đảo Okinawa của Nhật, nơi có các căn cứ quân sự của Mỹ, thì “quá xa”.

 

-------------

Đọc thêm:

·         Bầu cử Philippines: Thắng lợi cho các gia tộc chính trị độc tài 

Bầu cử Tổng thống Philippines – Manila sẽ rơi sâu hơn vào quỹ đạo Trung Quốc?




No comments: