Friday, November 4, 2022

NƯỚC MỸ PHÂN CỰC (Ngô Nhân Dụng)

 



Nước Mỹ phân cực

Ngô Nhân Dụng

03/11/2022

https://www.voatiengviet.com/a/nuoc-my-phan-cuc/6817937.html

 

https://gdb.voanews.com/03990000-0aff-0242-6293-08dab69d5a1b_w1023_r1_s.jpg

Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanhđỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang.

 

Vì vậy, các tiểu bang ở Mỹ chia thành hai khối màu, với các chính sách trái ngược, có thể mâu thuẫn với nhau.

 

Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang. Những nơi dân bỏ phiếu cho Tổng thống George W. Bush, Cộng Hòa, được tô đỏ, cho Phó Tổng thống Al Gore, Dân Chủ, tô màu xanh.

 

Từ đó, nhiều tiểu bang giữ nguyên màu xanh hay đỏ và màu sắc ngày càng đậm hơn. Hồi 1992, chỉ có 19 tiểu bang, với khoảng một phần ba dân số Mỹ, do một đảng nắm quyền cả hành pháp (chức thống đốc) và hai viện lâp pháp. Hiên nay, ba phần tư dân Mỹ sống tại các tiểu bang một đảng chiếm độc quyền như vậy, 23 tiểu bang Cộng Hòa và 14 Dân chủ.

 

Tại các tiểu bang “một màu” này, các chính trị gia lo nhất là phải vượt qua cửa ải “bầu sơ bộ” khi cử tri mỗi đảng bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình ra tranh cử. Đây là một thủ tục đặc biệt ở nước Mỹ. Trong nhiều quốc gia dân chủ khác, việc chọn ứng cử viên là do giới lãnh đạo trong đảng phụ trách, họ dễ thỏa hiệp với nhau hơn. Ở Mỹ, những người “tích cực nhất” trong mỗi đảng hăng hái đi bỏ phiếu bầu sơ bộ. Và họ thường chỉ thích chọn những người có khuynh hướng giống như họ, không ưa các ứng cử viên ôn hòa. Cử tri xanh chọn ứng cử viên cực xanh, đỏ chọn người hết sức đỏ; người được chọn thường trở thành cực đoan.

 

Vì vậy, các tiểu bang ở Mỹ chia thành hai khối màu, với các chính sách trái ngược, có thể mâu thuẫn với nhau. Các tiểu bang theo các chính sách kinh tế khác biệt, khi đánh thuế nặng hay nhẹ, khuyến khích hay ngăn cản quyền lập công đoàn, ban hành nhiều hay ít các luật lệ kinh doanh.

 

Bệnh dịch Covid 19 là cơ hội tình trạng phân ly hiện ra rõ rệt. Các tiểu bang xanh, Dân Chủ, thường đóng cửa các hàng quán và buộc dân chúng phải đeo mạng, cách ly, chích ngừa. Các tiểu bang đỏ, Cộng Hòa, thì ngược lại. Hai đảng chọn hai ưu tiên trái ngược nhau; bên xanh coi việc ngăn ngừa bệnh dịch là quan trọng nhất, bên đỏ coi việc giữ hoạt động kinh tế bình thường mới đáng quan tâm.

 

Tiểu bang Mississippi màu đỏ, California màu xanh. Mississippi làm luật cấm phá thai sau 15 tuần lễ; không bắt dân phải chích ngừa Covid 19; không cho các nam lực sĩ đổi phái tính được thi đua với các phụ nữ, vân vân. Thống đốc Tate Reeves hãnh diện coi tiểu bang mình đứng đầu trong việc đề cao các giá trị cổ truyền. Luật phá thai của Mississippi lên tòa án tối cao, nhân dịp đó Tòa xóa bỏ luôn án lệ Roe v. Wade, cho các tiểu bang tự quyết định. Ngay sau đó, 12 tiểu bang làm luật cấm phá thai hoàn toàn hoặc cấm sau 6 tuần lễ. Tháng 11 này, dân chúng California sẽ bỏ phiếu ghi nhận quyền phá thai vào trong hiến pháp tiểu bang, cùng với Vermont.

 

Chính sách về y tế và di dân bất hợp pháp ở California và Texas trái ngược nhau. Texas không chấp nhận cho mở rộng chương trình trợ cấp Medicaid cho người nghèo theo luật “Obama Care,” dù tiểu bang không phải tốn đồng nào. California chấp nhận trợ cấp y tế cho tất cả những người nghèo, dù là di dân không có giấy tờ.

 

Súng là một vấn đề khác. Mười tiểu bang xanh năm nay đã làm luật hạn chế việc mua súng và mang súng ngặt nghèo hơn; những tiểu bang đỏ nới lỏng các hạn chế cho dân mua súng dễ dàng hơn. Có 23 tiểu bang đỏ không bắt dân phải có giấy phép mới được mang súng.

 

Ngay từ khi 13 tiểu bang ký kết thành lập Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, năm 1776, họ đã lo bảo vệ quyền tự trị của mình. Đặc biệt, những tiểu bang nông nghiệp muốn bảo vệ quyền dùng nô lệ, không muốn bị các tiểu bang công nghiệp ở miền Bắc ngăn cản. Năm 1861, các tiểu bang miền Nam tách rời cũng vì bất đồng ý kiến trong chính sách dùng nô lệ; gây ra cuộc nội chiến.

 

Cuộc khủng hoảng thời 1930 đã thay đổi thế cân bằng, khi chính phủ liên bang áp dụng các chính sách cứu vãn nền kinh tế trên cả nước. Cuộc Đại Chiến thứ hai khiến vai trò của liên bang càng mạnh hơn, một chủ trương cố hữu của đảng Dân Chủ. Phong trào Dân Quyền thời 1960 thiết lập những quyền tự do trên toàn quốc, giảm bớt quyền của các tiểu bang miền Nam hơn nữa. Chính phủ liên bang lấn thêm quyền, đặt ra các luật lệ về tuổi được uống rượu, về an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, áp dụng trên toàn quốc. Từ thập niên 1980, đảng Dân Chủ mất quyền kiểm soát quốc hội sau 60 năm , Tổng thống Ronald Reagan đắc cử đã thay đổi thế cân bằng.

 

Tới nay, chủ trương bảo thủ lên mạnh nhất trong ngành Tư pháp, 6 trong 9 vị Thẩm Phán Tối Cao do các tổng thống đảng Cộng Hòa bổ nhiệm, ba người trong thời Tổng thống Donald Trump. Vì thế, quyền phá thai, theo án lệ Roe v. Wade bị xóa, trao quyền cho nghị viện các tiểu bang quyết định; cùng các vấn đề khác như quyền dùng thuốc ngừa thai, hôn nhân đồng tính, vân vân. Các tiểu bang cũng ban hành các đạo luật khó hoặc dễ khác nhau về quyền bỏ phiếu bằng thư, bỏ phiếu sớm, kiểm soát căn cước khi đi bầu. Năm 2021, 29 tiểu bang nới rộng cho việc bỏ phiếu bằng thư dễ dàng hơn, 13 hạn chế chặt chẽ hơn. Nghị viện nhiều tiểu bang phân chia các đơn vị bỏ phiếu theo cách có lợi nhất cho một đảng, dồn hầu hết các cử tri theo đảng kia vào một số đơn vị có giới hạn. Thủ thuật “gerrymandering” được coi là hợp pháp hay không, đó là quyền của ngành tư pháp tiểu bang.

 

Việc bầu chọn các thẩm phán Tòa Tối Cao của mỗi tiểu bang trở nên quan trọng; vì họ quyết định tất cả các vấn đề như quyền mang súng, thủ tục bầu cử, quyền phá thai, “gerrymandering” vân vân. Ở những nơi chỉ có một đảng nắm cả hành pháp và lập pháp thì Tòa Tối Cao Tiểu Bang là cơ chế có thể ngăn chặn nạn lạm quyền. Tình trạng này đang giảm bớt khi ngành tư pháp cũng do cùng một đảng nắm giữ.

 

Dân Mỹ ở 22 tiểu bang được quyền bỏ phiếu bầu thẩm phán, những nơi khác họ được các thống đốc bổ nhiệm nhưng mỗi kỳ bầu cử lại hỏi ý kiến dân muốn lưu giữ họ hay không. Dân được tự do lựa chọn thẩm phán, nhưng không thể ngăn cản các thế lực bên ngoài vận động gây ảnh hưởng.

 

Cả hai đảng đang vận động để chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu bầu thẩm phán trong tuần tới, 8 tháng 11, với nhiều triệu chứng đáng lo ngại vì tinh thần bè đảng lên rất cao và ảnh hưởng từ bên ngoài quá mạnh.

 

Năm nay, ba tiểu bang sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Tòa Tối Cao, là Ohio, North Carolina và Michigan. Tháng trước, đảng Dân Chủ đã đưa nửa triệu mỹ kim tới Ohio để quảng cáo, cổ động cho ba ứng viên thẩm phán Tối Cao của họ. Đảng Cộng Hòa tuần trước cũng chi $850,000 mỹ kim ở North Carolina để đả kích các ứng viên Tòa Tối Cao của Dân Chủ. Dân biểu Joe Fischer với chủ trương chống phá thai đang ứng cử vào Tòa Tối Cao tiểu bang Kentucky, được đảng Cộng Hòa ủng hộ $375,000 mỹ kim; một tổ chức khác, Fair Courts America, góp $1.6 triệu mỹ kim cho ông và hai ứng viên thẩm phán khác. Vợ chồng nhà tỷ phú Elizabeth và Richard E. Uihlein, chủ nhân công ty rượu Schlitz đã dành số tiền $22 triệu mỹ kim để ủng hộ các ứng viên bảo thủ vào Tòa Tối Cao tại bảy tiểu bang.

 

Giáo sư Michael J. Klarman, Đại học Harvard nhận xét với nhật báo Washington Post rằng trước đây những người bỏ tiền ủng hộ các ứng viên thẩm phán thường nhắm gây ảnh hưởng trong phạm vi kinh tế, tài chánh; bây giờ họ nhắm thẳng vào khuynh hướng chính trị đảng phái.

 

Bởi vì các thẩm phán sẽ quyết định các vấn đề như nới rộng hay khép chặt quyền bỏ phiếu của người dân, nhất là quyền chấp thuận hay bác bỏ việc phân chia đơn vị bầu cử theo lối “gerrymandering.” Cuộc bỏ phiếu năm nay “sẽ quyết định chế độ dân chủ của nước Mỹ” biến thái như thế nào!

 




No comments: