Friday, November 11, 2022

NGUỒN GỐC HÀNH ĐỘNG CHỐNG NGƯỜI NHẬP CƯ VIỆT NAM CỦA CAMPUCHIA (Jing Jing Luo và Kheang Un  -   ISEAS Perspective)

 



Nguồn gốc hành động chống người nhập cư Việt Nam của Campuchia

Jing Jing Luo và Kheang Un  -   ISEAS Perspective  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

11/11/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/11/11/nguon-goc-hanh-dong-chong-nguoi-nhap-cu-viet-nam-cua-campuchia/

 

GIỚI THIỆU

 

Kể từ năm 2015, chính phủ Campuchia, dưới sự kiểm soát của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết một vấn đề đã có từ lâu: người nhập cư Việt Nam sống ở Campuchia. Các biện pháp này bao gồm lập hồ sơ, trục xuất, cưỡng chế di dời, tái định cư và tái đăng ký cho người nhập cư Việt Nam. Trong bối cảnh đó, văn liệu hiện có thường xoay quanh những tranh cãi về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người nhập cư Việt Nam, tư cách công dân bước đầu của họ, và tình cảm chống Việt Nam ở Campuchia.[1] Khác với các nghiên cứu đó, bài viết này mang đến một phân tích sơ bộ về các yếu tố ít được thảo luận nhưng đã làm nền tảng cho chính sách hiện hành của chính phủ Campuchia đối với người nhập cư Việt Nam. Chúng bao gồm: (1) việc Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) chính trị hóa thành công tình cảm chống Việt Nam trong cử tri Campuchia; (2) năng lực nhà nước được cải thiện và nhu cầu thay đổi của Campuchia; và (3) khoảng cách quyền lực ngày càng bị thu hẹp giữa Campuchia với Việt Nam do quan hệ Trung Quốc-Campuchia ngày càng khăng khít.

 

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ NGƯỜI VIỆT TẠI CAMPUCHIA

 

Ảnh hưởng của triều đình Việt Nam đối với Campuchia trong những năm 1600 đã mở đường cho việc định cư người Việt tại nước này. Việc Pháp đô hộ Bán đảo Đông Dương vào thế kỷ 19 càng tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam chuyển đến sinh sống ở Campuchia. Đặc biệt, các chính sách phát triển công-nông nghiệp và hệ thống hành chính tập trung của thực dân Pháp đã dẫn đến việc tuyển dụng người Việt vào làm việc cho bộ máy hành chính thuộc địa hoặc tại các đồn điền cao su ở Campuchia.[2]. Chính quyền thực dân Pháp cũng khuyến khích thương nhân Việt Nam sang Campuchia định cư. Một số lượng đáng kể người Việt đã tiếp tục sinh sống tại Campuchia sau khi Việt Nam giành được độc lập từ tay Pháp vào năm 1945. Cộng đồng người Việt tại Campuchia dần phát triển, đạt đến con số khoảng 450.000 vào năm 1970.[3] Từ năm 1970 đến năm 1979, nhóm thiểu số này đã phải đối mặt với nhiều chiến dịch chống Việt Nam được nhà nước cho phép, dẫn đến việc trục xuất khoảng 200.000 người gốc Việt trở về Việt Nam dưới chế độ Lon Nol (1970-1975). Tệ hơn, chính quyền Khmer Đỏ theo chủ nghĩa cực đoan đã buộc nhiều người gốc Việt phải trốn về Việt Nam, đồng thời tiến hành các chính sách thanh lọc sắc tộc chống lại những người ở lại Campuchia.[4]

 

Sau khi Việt Nam can thiệp quân sự vào Campuchia vào năm 1979, nhiều người gốc Việt trước đây bị buộc phải rời Campuchia đã quay lại. Ngoài những người trở về này còn có những người Việt Nam mới đến định cư tại Campuchia. Các phong trào kháng chiến của người Khmer chống lại quân đội Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Kampuchea mới thành lập cho rằng đang xảy ra sự “thực dân hóa thông qua định cư ở Campuchia”. Vũ Minh Hoàng đã phản bác lại tuyên bố này, lập luận rằng cuộc di cư của người Việt Nam sang Campuchia trong thập niên 1980 là kết quả của một cuộc “khủng hoảng tị nạn” gây ra bởi “sự sụp đổ kinh tế” liên quan đến “những cải cách hà khắc về kinh tế, tiền tệ, đất đai và chính trị” mà chính quyền cộng sản đã áp đặt lên miền nam Việt Nam sau khi nước này thống nhất vào năm 1975.[5]. Ông bổ sung rằng “Chính phủ Việt Nam không cần thiết phải đưa ra chính sách định cư thực dân; người ta chỉ đơn giản đã bỏ phiếu bằng chân.”[6] Đây là tâm điểm của cuộc tranh cãi về người gốc Việt ở Campuchia. Các nguồn độc lập ước tính số người gốc Việt sống ở Campuchia vào khoảng 400.000 đến 700.000 người.[7] Những người nhập cư này tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế đa dạng như bán buôn, bán lẻ, thợ mộc, thợ cơ khí, nhà hàng, xây dựng, và đánh cá. Phần lớn trong nhóm này sống tại những ngôi nhà nổi trên sông và hồ, cụ thể là Biển Hồ Tonle Sap, sông Mekong, và sông Bassac. Có một niềm tin phổ biến giữa những người Campuchia, rằng hầu hết người Việt Nam hiện ở Campuchia không phải là con cháu của những người đã sống ở đất nước này trước chiến tranh. Thay vào đó, họ chính là những người đã cùng quân đội Việt Nam đến chiếm đóng vào năm 1979, và con cháu của họ, hoặc những người nhập cư gần đây hơn.

 

Kể từ năm 2015, chính phủ Campuchia đã xác định có khoảng 70.000 người Việt Nam đang sở hữu “giấy tờ hành chính không hợp lệ”.[8] Luật nhập cư mới yêu cầu những người này phải nộp phí để nhận thẻ cư trú và thẻ này phải được gia hạn hai năm một lần; đến năm thứ bảy họ mới đủ điều kiện để nộp đơn xin nhập quốc tịch.[9] Chính phủ Campuchia cũng thắt chặt các chính sách nhập cư, và kể từ năm 2015, đã trục xuất 5.223 người Việt Nam ra khỏi đất nước.[10]

 

NGUYÊN NHÂN HÀNH ĐỘNG CHỐNG NGƯỜI VIỆT NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP

 

Đối phó với sự trỗi dậy của Đảng Cứu quốc Campuchia

 

Kể từ khi Campuchia cho phép bầu cử đa đảng vào năm 1993, người Việt Nam đã trở thành một trong những vấn đề vận động tranh cử chính của các đảng đối lập. Họ liên hệ sự hiện diện của người gốc Việt với ý định rộng lớn hơn của Việt Nam – là “nuốt chửng Campuchia.” Những tuyên bố như vậy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người Campuchia, vì bối cảnh lịch sử đối đầu lâu dài giữa hai nước, và việc Campuchia bị mất lãnh thổ sau khi Việt Nam mở rộng về phía nam. Do không có các cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu, và cũng không có dữ liệu khảo sát về hành vi của cử tri, nên không thể xác định hiệu quả của luận điệu chống Việt Nam của các đảng đối lập. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát kéo dài nhiều năm của Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI), tìm hiểu ý kiến của người Campuchia về tương lai của Campuchia, đã cho phép chúng tôi ước tính mức độ thu hút của các luận điệu chống Việt Nam của các đảng đối lập. Khảo sát của IRI chỉ ra rằng nhiều người Campuchia coi “người nhập cư bất hợp pháp” là một vấn đề cấp bách đối với đất nước họ, ở cùng một cấp độ với các vấn đề như tham nhũng, lạm phát, gia đình trị, nghèo đói và vấn đề môi trường.[11] Hơn nữa, vào năm 2013, 17% số người trả lời khảo sát của IRI đã coi “người nhập cư bất hợp pháp” là lý do khiến Campuchia đi sai hướng.[12]

 

Do đó, như lời Tiến sĩ Kin Phea, vấn đề người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp là “một vết thương chính trị đối với Đảng CPP”.[13] Có thể nói, sự thiếu quyết đoán của chính phủ CPP trong việc giải quyết vấn đề này đã cho phe đối lập một cái cớ để gán cho CPP là “một con rối của Việt Nam” – vì thế khiến đảng này mất đi nhiều sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.[14].

 

Cũng cần lưu ý rằng, trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, ảnh hưởng của vấn đề người nhập cư Việt Nam đối với kết quả bầu cử của CPP đã được giảm nhẹ nhờ một số yếu tố. Đầu tiên là sự chia rẽ nội bộ của phe đối lập. Điều này, cùng với việc hệ thống bầu cử nghiêng về phía các đảng chính trị lớn, đã mang lại cho CPP một lợi thế trong việc giành được phiếu bầu.

 

Yếu tố thứ hai là sức mạnh về thể chế và nguồn lực của CPP cho phép đảng này duy trì một mạng lưới bảo trợ trên toàn quốc và từ trên xuống, nhờ đó duy trì sự thống trị trong bầu cử.[15] Tuy nhiên, trong những năm trước khi diễn ra tổng tuyển cử năm 2013, sự chuyển đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội đã làm suy giảm sự thống trị của CPP. Gia tăng dân số trong những thập niên gần đây có nghĩa là thanh niên chiếm đa số trong số cử tri. Được giáo dục nhiều hơn, hoạt động chính trị tích cực hơn, và được vận động nhiều hơn nhờ công nghệ thông tin, thanh niên Campuchia đã bắt đầu tìm kiếm sự thay đổi đối với hiện trạng do CPP thống trị.[16]

 

Yếu tố thứ ba là sự hợp nhất của Đảng Nhân quyền và Đảng Sam Rainsy thành CNRP – một liên minh cung cấp cho phe đối lập một mặt trận thống nhất ở nông thôn và thành thị. Những thay đổi này, kết hợp với việc CNRP tăng cường chính trị hóa vấn đề người Việt nhập cư, đã giúp tăng tỷ lệ ủng hộ đảng này trong tổng tuyển cử năm 2013 đến mức gây sốc cho CPP. Đặc biệt, ở những khu vực có đông người Việt Nam nhập cư, CNRP vượt trội hơn hẳn CPP.[17] Đây là lần đầu tiên một đảng đối lập có thể mở rộng ảnh hưởng và ghi lại dấu ấn bầu cử của mình ở vùng nông thôn Campuchia, vốn là thành trì của CPP.[18] Chính ở thời khắc quan trọng đó, CNRP đã trở thành một mối nguy hiểm rõ ràng đối với CPP. Tình thế này buộc CPP phải đưa ra các chính sách mới nhằm củng cố năng lực nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, và giải quyết vấn đề người Việt Nam nhập cư.

 

Mục tiêu phát triển và nâng cao năng lực nhà nước

 

Nếu người nhập cư Việt Nam chỉ là một vấn đề bầu cử đối với CPP, thì về mặt logic, bất kỳ biện pháp nào nhằm giải quyết vấn đề đó cũng không còn cần thiết sau khi CNRP giải thể vào năm 2017. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, một trong những yếu tố làm giảm tỷ lệ phiếu bầu của CPP vào năm 2013 là việc người Campuchia không hài lòng với sự phát triển dựa trên mạng lưới bảo trợ của CPP và năng lực nhà nước thấp của đảng này. Với sự giải thể của đối thủ chính trị chính – CNRP – CPP nhận ra rằng tính chính danh trong tương lai, đi kèm là khả năng thống trị chính trị, của họ phụ thuộc vào khả năng nâng cao năng lực nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế trên diện rộng, cải thiện trật tự xã hội và củng cố chủ quyền quốc gia. Để nâng cao năng lực nhà nước, CPP đã tập trung vào việc tăng cường huy động nguồn thu ngân sách. Nguồn thu từ thuế tăng lên đáng kể, từ 12,1% GDP năm 2013 lên 15,25% năm 2016, 19,4% năm 2019,[19] và 20% năm 2020.[20] Các chỉ số về hiệu quả quản trị cũng được cải thiện đáng kể với mức 46,15 điểm phần trăm (từ mức -0,91 năm 2013 lên -0,46 năm 2020).[21] Năng lực nhà nước gia tăng đã cho phép chính phủ giải quyết các mục tiêu phát triển của mình, bao gồm cải thiện hệ thống sông hồ của Campuchia, chỉnh trang đô thị, và lập lại trật tự để thu hút đầu tư.

 

Bắt đầu từ năm 2012, theo kế hoạch phát triển của chính phủ, Phnom Penh và các tỉnh lỵ của các tỉnh đã phải tham gia một cuộc thi để tìm ra “thành phố đẹp nhất.” Khả năng thăng chức của các tỉnh trưởng và thị trưởng thành phố cũng một phần nhờ vào thành công trong việc chỉnh trang thành phố của họ. Hơn nữa, cần lưu ý rằng việc “giải tỏa” các cộng đồng sống trôi nổi (chủ yếu, nhưng không phải chỉ có người gốc Việt) ở Phnom Penh cũng đã mang về nhiều khu bất động sản đắc địa ven sông để dành cho đầu tư, đặc biệt là từ Trung Quốc. Tại Kampong Chhnang, các cộng đồng sống trên sông rạch cũng nằm trong vùng lân cận của thành phố tỉnh lỵ. Các cộng đồng “lộn xộn” này, nơi người dân nuôi cá lồng, bị cáo buộc làm ô nhiễm hệ sinh thái của khu vực, vi phạm ý thức trật tự của người dân, và kết quả là làm giảm giá trị của các bất động sản và các dự án đầu tư lân cận.[22] Các cộng đồng nổi này bao gồm các tộc người Việt, Khmer, và Chăm (còn gọi là Khmer Islam). Do đó, việc chỉnh trang thành phố và cải thiện môi trường đòi hỏi phải di dời và tái định cư người Việt Nam đang sống ven sông hồ.

 

Quan hệ Trung Quốc – Campuchia: Một yếu tố thúc đẩy

 

Nhờ quan hệ chặt chẽ trong lịch sử giữa đảng cầm quyền hai nước – CPP và Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) – Việt Nam và Campuchia đã duy trì hợp tác toàn diện trong các vấn đề chính, bao gồm thương mại, an ninh, và ngoại giao.[23] Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều từ đầu những năm 2000. Xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng từ 81 triệu USD năm 2000 lên 182 triệu USD năm 2005, 501 triệu USD năm 2010, 1,682 tỷ USD năm 2017, và 2,725 tỷ USD năm 2019.[24] Xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam cũng tăng đáng kể từ 20 triệu USD năm 2000 lên 46 triệu USD năm 2005, 96 triệu USD năm 2010, 326 triệu USD năm 2017, và 359 triệu USD năm 2019.[25] Tính đến năm 2019, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.[26] Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Campuchia sau Trung Quốc và Hàn Quốc.[27]

 

Về mặt ngoại giao, hai nước cũng duy trì các cuộc đối thoại cấp cao qua kênh đảng và chính phủ.[28] Việt Nam là đối tác an ninh quan trọng của CPP, hỗ trợ về đào tạo và chăm sóc y tế cho các sĩ quan cấp cao của quân đội Campuchia. Trong các cuộc xung đột biên giới của Campuchia với Thái Lan vào năm 2008 và 2011, Việt Nam đã được cho là hỗ trợ về an ninh – dù hạn chế – theo yêu cầu của chính phủ Campuchia.[29] Hơn nữa, các đảng cầm quyền của hai nước đã hợp tác chặt chẽ để chống lại các lực lượng được cho là “thù địch” và “không thân thiện” đối với chính phủ hai bên.[30]

 

Đồng thời, vẫn tồn tại những vấn đề có thể ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam-Campuchia tưởng chừng khăng khít. Ngoài vấn đề người Việt nhập cư tại Campuchia, một số đoạn biên giới giữa hai nước hiện chưa được phân định, nên tranh chấp biên giới vẫn tiếp diễn. Đây đều là những thách thức khi xét đến quan hệ quyền lực bất cân xứng giữa hai nước. Vì Việt Nam mạnh hơn, nên Campuchia cần thận trọng để tránh khiến Việt Nam phản ứng theo cách có thể gây tác động tiêu cực đến an ninh và lợi ích kinh tế của Campuchia, ví dụ như khả năng Việt Nam bất hợp tác trong các vấn đề biên giới hoặc huấn luyện quân sự.

 

Nhưng quan hệ quyền lực bất đối xứng của Campuchia với Việt Nam đã bắt đầu thay đổi vào những năm đầu của thế kỷ 21, khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo cơ hội mới để Campuchia cân bằng với các nước láng giềng hùng mạnh hơn là Việt Nam và Thái Lan, cũng như các cường quốc phương Tây. Trung Quốc trở thành đồng minh tự nhiên của Campuchia nhờ tiềm lực kinh tế và khía cạnh ý thức hệ. Campuchia cũng là nước đi đầu trong kế hoạch phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á.[31] Năm 2010, Trung Quốc và Campuchia đã nâng cấp quan hệ của họ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện.” Theo đó, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2010 lên 9,53 tỷ USD vào năm 2020.[32] Trong cùng kỳ, viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia đã tăng từ 54,1 triệu USD năm 2010 lên 420,56 triệu USD vào năm 2020, trong khi đầu tư của họ vào Campuchia đã tăng từ chỉ hơn 1 tỷ USD[33] năm 2010 lên 2,96 tỷ USD vào năm 2019.[34] Quan hệ quân sự Trung Quốc – Campuchia cũng được củng cố, bằng chứng là việc gia tăng viện trợ quân sự, huấn luyện và tập trận chung hàng năm.[35] Trung Quốc cũng tài trợ cho việc cải tạo Căn cứ Hải quân Ream, nơi đã thu hút nhiều sự chú ý và nghi ngờ về tham vọng địa chiến lược của Trung Quốc.[36] Rõ ràng, quan hệ Trung Quốc – Campuchia gần gũi hơn đã tạo thêm đòn bẩy cho Phnom Penh và giúp nước này thu hẹp khoảng cách quyền lực với Việt Nam. Nhờ đó, Campuchia đã có thể tái khẳng định chủ quyền của mình và giải quyết vấn đề nhạy cảm về người nhập cư Việt Nam mà không quá lo lắng bị Việt Nam trả đũa.[37]

 

Chính phủ Việt Nam đã không công khai phản đối chính sách nhập cư của chính phủ Campuchia. Thay vào đó, họ tìm cách hỗ trợ người nhập cư nghèo trả phí thẻ cư trú, và tạo cơ hội việc làm tại các công ty Việt Nam hoạt động ở Campuchia cho những người bị giải tỏa khỏi khu vực Biển Hồ Tonle Sap.[38] Có thể nói, việc chính phủ Việt Nam không công khai phản đối cho thấy Việt Nam lo ngại rằng việc đối đầu với Campuchia về vấn đề này có thể đẩy nước này nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc. Xét đến xung đột lãnh thổ hiện tại của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông và những nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc nhằm bao vây Việt Nam thông qua liên minh với Khmer Đỏ, chính phủ Việt Nam có lẽ đang lo sợ lịch sử sẽ lặp lại.

 

KẾT LUẬN

 

Việc mở rộng lãnh thổ trong quá khứ của Việt Nam và các cuộc chiến với Campuchia đã khiến người Việt ở Campuchia trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng, thậm chí từng trở thành tình trạng phân biệt đối xử và thảm sát được nhà nước chỉ đạo vào những năm 1970. Mức độ hài lòng của công chúng Campuchia đối với các hành động gần đây của chính phủ đối với người nhập cư Việt Nam, cũng như phản ứng của chính phủ Việt Nam, vẫn cần phải được nghiên cứu thêm. Nếu 70.000 người Việt Nam đang tạm trú bị từ chối quyền công dân và bị trục xuất về Việt Nam, nhiều khả năng chính phủ Việt Nam sẽ phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều người Campuchia sẽ thất vọng nếu việc trục xuất không xảy ra. Cấp quyền công dân cho hàng ngàn người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, và do đó, tình cảm chống Việt Nam sẽ tiếp tục tồn tại ở Campuchia trong tương lai gần.

 

Tuy nhiên, chính sách gần đây của chính phủ Campuchia về việc cấp thẻ tạm trú cho người Việt sinh sống tại Campuchia với khả năng cho phép họ trở thành công dân Campuchia là một bước đi đúng hướng trong việc giải quyết một vấn đề gây tranh cãi bấy lâu nay.

 

Cần lưu ý rằng chính sách này chỉ có hiệu lực khi chính phủ của cả Campuchia và Việt Nam thực hiện hai biện pháp bổ sung. Thứ nhất, hai bên cần tăng cường nỗ lực hợp tác tuần tra các đường biên giới nhiều lỗ hổng của họ để ngăn dòng người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp mới vào Campuchia. Ngoài ra, chính phủ Campuchia cần tăng cường năng lực và loại bỏ tình trạng nhận hối lộ trong các cơ quan quản lý nhập cư của mình.

 

Jing Jing Luo là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Trường Công Vụ, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc. Kheang Un là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Bắc Illinois, Hoa Kỳ.

———————————

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ví dụ: Christoph Sperfeldt, “Minorities and statelessness: Social exclusion and citizenship in Cambodia.” International Journal On Minority And Group Rights 27, no. 1 (2020): 94-120; Ben Mauk, “A People in Limbo, Many Living Entirely on the Water”, The New York Times Magazine, 28/03/2018, https://www.nytimes.com/interactive/2018/03/28/magazine/cambodia-persecuted-minority-water-refuge.html.

[2] David Chandler, The History of Cambodia, (Oxford, UK:Routledge, 2008).

[3] Ramses Amer, “The Ethnic Vietnamese in Cambodia: A Minority at Risk?” Contemporary Southeast Asia 16, No. 2 (1994), p. 214.

[4] Ben Kiernan, The Pol Pot regime: Race, Power, and Genocide in Cambodia under the Khmer Rouge, 1975-79 (New Haven, Connecticut: Yale University Press, 2002).

[5] Hoang Minh Vu, “Vietnam’s Near Abroad? Vietnam-Cambodia Relations in Historical and Regional Perspective, 1975-present”, trình bày tại Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á Thường niên, 03/2019.

[6] Như trên

[7] Minority Rights Group International, Cambodia: Ethnic Vietnamese, https://minorityrights.org/minorities/ethnic-vietnamese/.

[8] Ate Hekstra và Meta Kong, “Vietnamese in Cambodia: Stateless, discriminated and in fear of deportation”, LICAS.NEWS, 15/09/2015, https://www.licas.news/2020/09/15/vietnamese-in-cambodia-stateless-discriminated-and-in-fear-of-deportation/.

[9] Như trên

[10] Bộ Nhập cư Campuchia, Foreigner Deportation Statistics, 2015-2022. Kheang Un liên hệ.

[11] Viện Cộng hòa Quốc tế (IRI) Khảo sát ý kiến công chúng Campuchia, 30/11 – 15/12/2011, https://www.iri.org/wp-content/uploads/2012/05/201220May201020Survey20of20Cambodian20Public20Opinion2C20November203020E2809320December20252C202011.pdf; 12/7 – 6/8/2010, https://www.iri.org/wp-content/uploads/legacy/iri.org/2011 January 20 Survey of Cambodian Public Opinion, July 12-August 6, 2010.pdf.

Cần lưu ý rằng cuộc khảo sát không đề cập rõ ràng “người nhập cư bất hợp pháp” là người Việt Nam, nhưng dựa trên các tài liệu hiện có và nghiên cứu của chính các tác giả, chắc chắn rằng những người trả lời khảo sát đã coi “người nhập cư bất hợp pháp” chính là người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp.

[12] Viện Cộng hòa Quốc tế, Khảo sát ý kiến công chúng Campuchia, 12/01 – 02/02/2013, https://www.iri.org/wp-content/uploads/2013/05/Cambodian20Poll20920Final20PUBLIC.pdf.

[13] Tiến sĩ Phea Kin, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, phỏng vấn với tác giả, 7/4/2022.

[14] Như trên.

[15] Kheang Un, Cambodia: Return to Authoritarianism (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2019). Xem thêm David Craig và Kimchoeun Pak, “Party Financing of Local Investment Projects: Elite and Mass Patronage”, trong Cambodia’s Economic Transformation, biên tập bởi Caroline Hughes và Kheang Un (Copenhagen, Denmark: NIAS, 2011), pp. 219-244.

[16] Caroline Hughes và Netra Eng. “Facebook, Contestation and Poor People’s Politics: Spanning the Urban–Rural Divide in Cambodia?” Journal of Contemporary Asia 49, no. 3 (2019): 365-388.

[17] Tiến sĩ Phea Kin, phỏng vấn qua Zoom, 7/4/2022.

[18] Kheang Un, Cambodia.

[19] World Bank, https://data.worldbank.org/indicator/GC.TAX.TOTL.GD.ZS?locations=KH (truy cập ngày 20/04/2022).

[20] Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia, Họp Tổng kết Thường niên, “Report on Monitoring and Evaluation of Implementing PFMRP and Q4 and 2021 PFMRP Program.” 23/03/2022, nội dung thuyết trình, thuộc sở hữu của Kheang Un.

[21] Các chỉ số này đo lường “nhận thức về chất lượng của các dịch vụ công, chất lượng của nền công vụ, và mức độ độc lập của nó trước các áp lực chính trị, chất lượng của việc xây dựng và triển khai chính sách, cũng như mức độ tin cậy của cam kết của chính phủ đối với các chính sách đó”. Mức điểm dao động từ -2,25 (yếu) đến +2,25 (mạnh). Để biết thêm chi tiết, xem World Bank, Worldwide Governance Indicators, http://info.worldbank.org/governance/wgi/Home/Documents (truy cập ngày 20/04/2022).

[22] Các nhà nghiên cứu Campuchia, phỏng vấn với tác giả qua Zoom, 03/04/2022.

[23] Steve Heder, “Cambodia–Vietnam: Special Relationship against Hostile and Unfriendly Forces.” Trong  Southeast Asian Affairs 2018, biên tập bởi Malcolm Cook và Daljit Singh (Singapore: ISEAS – Yusof Ishak Institute, 2018), pp. 113–32.

[24] World Integrated Trade Solution, Cambodia, https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/KHM/StartYear/2015/EndYear/2019/TradeFlow/Import/Indicator/MPRT-TRD-VL/Partner/VNM/Product/all-groups (truy cập ngày 20/03/2022).

[25] World Integrated Trade Solution, Cambodia, https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/Country/KHM/StartYear/2015/EndYear/2019/TradeFlow/Export/Indicator/XPRT-TRD-VL/Partner/VNM/Product/all-groups (truy cập ngày 20/04/2022).

[26] World Integrated Trade Solution, Cambodia, https://www.google.com/search?q=cambodia+largest+trading+partners&rlz=1C1HIJC_enUS838US838&oq=Cambodia+largest+trading+&aqs=chrome.0.0i512j69i57j0i390l3.8320j1j4&sourceid=chrome&ie=UTF-8 (truy cập ngày 20/04/2022).

[27] Bộ Ngoại giao Mỹ, 2021 Investment Climate Statements: Cambodia, https://www.state.gov/reports/2021-investment-climate-statements/cambodia/#:~:text=Investment%20into%20Cambodia%20is%20dominated,by%20the%20end%20of%202020 (truy cập ngày 20/04/2022).

[28] Heng Kimkong, “Cambodia-Vietnam Relations: Key Issues and The Way Forward,” ISEAS Perspective, no 36, 2022, 12/04/2022, https://www.iseas.edu.sg/articles-commentaries/iseas-perspective/2022-36-cambodia-vietnam-relations-key-issues-and-the-way-forward-by-kimkong-heng/ (truy cập ngày 20/04/2022).

[29] Chanborey Cheunboran. Cambodia’s China Strategy: Security Dilemmas of Embracing the Dragon. Routledge, 2021.

[30] Heder, “Cambodia–Vietnam.”

[31] Jing Jig Luo và K. Un, “Cambodia: Hard Landing for China’s Soft Power?” ISEAS Perspective, Issue 2020, no. 111, 06/10/2020, /wp-content/uploads/2020/09/ISEAS_Perspective_2020_111.pdf (truy cập 22/04/2022).

[32] OEC, Cambodia/China, https://oec.world/en/profile/bilateral-country/khm/partner/chn?redirect=true (truy cập 22/04/2022).

[33] Prak Chanthul, “China Pumps Up Cambodia Economy, but at What Cost?” Reuters, 05/04/2011, https://www.reuters.com/article/idINIndia-56123620110405 (truy cập 26/04/2022).

[34] Heimkhmera Suy, “No Simple Solution to China’s Dominance in Cambodia.” East Asia Forum, 26 December 2020, https://www.eastasiaforum.org/2020/12/26/no-simple-solution-to-chinas-dominance-in-cambodia/ (truy cập 24/04/2022).

[35] Jing Jing Luo và Kheang Un, “China’s Role in the Cambodian People’s Party’s Quest for Legitimacy”, Contemporary Southeast Asia 43, no. 2 (2021): 395-419.

[36] Ellen Nakashima và Cate Cadell, “China Secretly Building Naval Facility in Cambodia, Western Officials Say,” Washington Post, 06/06/2022, https://www.washingtonpost.com/national-security/2022/06/06/cambodia-china-navy-base-ream/.

[37] Các nhà nghiên cứu Campuchia, phỏng vấn với tác giả qua Zoom, 03/04/2022.

[38] Hoang Minh Vu, phỏng vấn với tác giả, 03/10/2019. Xem thêm Kheang Un và Jing Jing Luo, “Cambodia in 2019: Entrenching One Party Rule and Asserting National Sovereignty in the Era of Shifting Global Geopolitics.” Trong Southeast Asian Affairs 2020, biên tập bởi Malcolm Cook và Daljit Singh (Singapore: ISEAS – Yusof Ishak Institute, 2020), pp. 117-134.

 

.

Nguồn: Jing Jing Luo và Kheang Un, “The Roots of Cambodia’s Actions against Illegal Vietnamese Immigrants”, ISEAS Perspective, 11/08/2022





No comments: