Cựu
TNLT Lê Thị Bình: Trại giam An Phước đánh đập, buộc tù nhân nữ lao động nặng nhọc
RFA
2022.11.23
Nhà hoạt động Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù
ngày 22/11, nói tù nhân nữ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc
lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại trong khi chế độ dinh dưỡng và khám
chữa bệnh tồi tệ, đôi khi còn bị đánh đập dã man bởi quản giáo.
Bà Lê Thị Bình. Công an
Nhân dân
Bà Bình, 46 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến
Pháp, bị bắt vào tháng 12 năm 2020 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”
theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, bà bị kết án hai năm tù giam.
Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã chia sẻ
với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc sống trong Trại giam An Phước trong hơn một
năm qua.
“Ở ngoài đời tôi thấy cộng sản ác nhưng ít
thôi. Vô trong đó rồi, cái ác của nó tôi thấy nhiều hơn nữa. Nó kinh doanh tù.
Nó bắt tù nhân làm 10 tiếng (mỗi ngày-PV). Ăn thì cá thúi.”
Theo bà Bình, trong Trại giam An Phước có khoảng
500 tù nhân nữ. Gần 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm bị giam chung một
khu có tên “An ninh” nơi họ được giao tiếp với nhau hàng ngày, trong số này có
nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đinh
Thị Thu Thuỷ, Huỳnh Thị Tố Nga, Ngô Thị Tường Vi…
Nhà tù cô lập nhóm tù An ninh và không cho tù
hình sự giao tiếp với tù chính trị. Khi một người tù hình sự nói chuyện với tù
thuộc nhóm An ninh, quản giáo sẽ gọi họ lên để tra khảo và đe nẹt.
Quản giáo trong Trại giam An Phước thường
xuyên đánh đập tù nhân nữ, bà Bình cho biết.
“Án chính trị an ninh thì nó (quản giáo-
PV) không dám đánh, nhưng các án khác thì (quản giáo) đánh phạm nhân một cách
dã man luôn.”
Chế độ dinh dưỡng kham khổ
Bà Bình nói theo quy định của trại giam thì một
tuần tù nhân có ba bữa thịt, hai bữa cá và hai bữa trứng. Tuy nhiên, thịt thì
được hai miếng nhỏ, còn cá thì là cá khô và hôi thối, được hấp qua loa rồi cho
tù nhân ăn.
Bà nói loại cá này kém phẩm chất đến nỗi vứt
cho chuột thì chuột cũng chê, và đa số tù nhân không ăn mà chỉ có khoảng 100 tù
nhân vẫn phải ăn vì họ không nhận được tiếp tế từ gia đình.
Cơm thì đủ nhưng rau thì không, cả tuần phải
ăn rau muống cả gốc, bà Bình thuật lại.
Lao động nặng nhọc
Theo Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự, thời
gian lao động của tù nhân “không quá tám giờ trong một ngày và năm ngày trong một
tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật” và
có thể bị yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm
trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều luật này yêu cầu trại giam áp dụng các biện
pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.
Thực tế, bà Bình nói tất cả phụ nữ ở Trại giam
An Phước bị buộc phải lao động 10 giờ mỗi ngày và thường phạm phải làm cả tuần
trong khi tù nhân lương tâm thì chỉ phải làm năm ngày.
“Một tuần làm đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ
nhật nó (trại giam) nói tự nguyện nhưng các đội khác án khác (hình sự) thì vẫn
bị bắt làm. Đội làm (cạo mủ) cao su thì suốt tuần luôn. Nhiều đội làm cả tuần
luôn.”
Những người nào chống đối lao động thì bị trừng
phạt bằng hình thức giam giữ trong phòng và không được ra ngoài. Tù hình sự thì
có thể bị đánh đập dã man khi lên tiếng phản đối.
Công việc là cạo mủ cao su hoặc làm đồ vàng mã
để xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên liệu làm hàng mã được sản xuất từ phế liệu
tái chế và phẩm màu công nghiệp nên rất độc hại trong khi người lao động không
được trang bị bảo hộ lao động.
“Nó bắt đi làm vàng mã mà bụi lắm. Hàng mã
để xuất sang Trung Quốc. Không có trang thiết bị (bảo hộ lao động- PV) gì.”
Nhà tù giao định mức sản phẩm cho ngày công rất
cao, và định mức này cho thường phạm cao nhiều lần so với tù chính trị, bà Bình
cho hay.
Nếu không hoàn thành định mức, người tù phải nộp
tiền hoặc chịu kỷ luật bằng nhiều hình thức như không được giảm án, bị đánh, bắt
phạt mang cơm cho cả đội và cọ rửa nồi cơm sau khi đi lao động về.
Bà Bình cho biết bà cũng như các tù nhân tham
gia lao động không được trại giam trả tiền cho công sức của họ.
Người tù hình sự bị buộc lao động nặng nhọc và
đánh đập nhiều nên mỗi khi có tù nhân chính trị mãn hạn tù thì thường phạm mong
họ đưa thông tin ra bên ngoài, mong xã hội can thiệp để cuộc sống của họ được cải
thiện, bà Bình nói.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA trước
đây, cựu tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương, người vừa mãn hạn tù đầu tháng ba
năm nay cho biết, cán bộ trại giam An Phước bóc lột sức lao động của tù nhân và
chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế lao động.
Ông Phương cho biết, một người có sức khoẻ như
ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng
còn một người tù thường phạm khoẻ mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi
đi làm việc ở ngoài trại giam.
Chăm sóc y tế tồi tệ
Bà Bình nói chế độ chăm sóc y tế trong Trại
giam An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc
cho tất cả các bệnh trong khi nhà tù chỉ cho phép gia đình gửi vào cho thân
nhân một số loại thuốc nhất định.
“Đau răng đau đầu hay đau ngực thì cũng có
một viên thuốc Paradol thôi.”
Bà kể tuần trước có một đoàn y tế vào trại để
khám bệnh cho tù nhân, tuy nhiên, họ chỉ làm một cách chiếu lệ, không thực hiện
việc khám bệnh mà chỉ hỏi người tù vài câu rồi ghi “bình thường” vào sổ y bạ.
Điều kiện giam giữ và cách đối xử với tù chính
trị trong Trại giam An Phước đã từng được nêu lên trước đây. Gần đây nhất là
vào đầu năm 2022 khi người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho RFA biết
ông Lộc bị cán bộ trại giam đánh đập. Lý do là ông đòi hỏi quyền được ra ngoài
chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị. Ông Lộc sau đó đã tuyệt
thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.
Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên hệ với
Trại giam An Phước nhiều lần để lấy phản hồi về các cáo buộc này nhưng không ai
trả lời máy.
Điều kiện giam giữ và đối xử với tù chính trị
tại các trại tù ở Việt Nam đã từng bị các tổ chức về nhân quyền quốc tế lên tiếng
phản đối.
---------------------
Tin, bài liên quan
TIN VIỆT NAM
·
Nhà
báo Nguyễn Tường Thuỵ gửi đơn tố cáo vi phạm của các cơ quan tư pháp TPHCM
·
Bà
Lê Thị Bình bị tuyên 2 năm tù vì bị cáo buộc "phỉ báng Đảng Cộng sản"
·
Phiên
tòa xử bà Lê Thị Bình với cáo buộc "lợi dụng quyền tự do" bị tạm hoãn
không lý do
No comments:
Post a Comment