Friday, November 4, 2022

CUỘC CHIẾN Ở UKRAINE, PHÉP THỬ VỚI QUÂN ĐỘI NGA (Phan Thế Hải)

 



Cuộc chiến ở Ukraine, phép thử với quân đội Nga   

Phan Thế Hải

2-11-2022   22:35   

https://www.facebook.com/hai.phanthe.73/posts/pfbid0BFuoCe2Co7CZkuC2HUrdaGyG4sMf3kjvT533xZ7WwLhAG7HBwdsxamT3mRYqa6g3l

 

Sau hơn 8 tháng huy động lực lượng quân đội khổng lồ ồ ạt tấn công Ukraine trên toàn tuyến biên giới, thành tựu mà người Nga thu được chỉ là lãnh thổ 3 tỉnh không trọn vẹn. Cùng với đó là bán đảo Crimea đã cướp đoạt của Ukraine từ 8 năm trước, thành tích này của Nga có thể nói là rất nghèo nàn. Đặc biệt là khi họ phải đối mặt với cuộc phản công dữ dội từ phía Ukraine khiến tổng thống Putin phải ký sắc lệnh động viên lực lượng quân dự bị để ném vào cuộc chiến.

 

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Putin có lẽ đã tin vào một chiến thắng nhanh chóng. Những cuộc chiến tranh chớp nhoáng đã từng có tiền lệ trong lịch sử. Năm 1939, Phát xít Đức tấn công Ba Lan cũng chỉ mất 1 tháng khiến chính phủ Ba Lan phải bỏ chạy ra nước ngoài. Năm 1978, VN đưa quân sang tiêu diệt Khmer đỏ cũng chỉ mất 1 tháng. Năm 1968, Liên Xô đưa quân sang Praha cũng chỉ mất vài ngày…

 

Trong thời đại công nghiệp 4.0, một cuộc chiến tranh xâm lược chỉ có thể coi là thành công khi nó diễn ra không quá vài tuần. Nói điều này để thấy sự sa lầy của Nga vào Ukraine là chuyện có thật. Đặc biệt là để cứu vãn sự sa lầy đó, Nga phải huy động lực lượng dự bị để ném thêm sinh mệnh binh lính vào lò lửa chiến tranh.

 

Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để duy trì vị thế siêu cường của mình - kể cả với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Với một nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới, thua kém cả Hàn Quốc, Nga chìm ngỉm trong bảng xếp hạng về GDP khiến nước này không nổi bật giữa các quốc gia. Kể cả thời Liên Xô, nền kinh tế quan liêu này cũng không thể cạnh tranh với nhiều nước phương Tây. Điện Kremlin luôn sử dụng các thuật ngữ quân sự để biện minh cho tuyên bố rằng Moscow là một cường quốc.

 

Trong nhiều thập niên, Nga được cho là nước sở hữu một trong những quân đội lớn nhất và hiệu quả nhất trên thế giới, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Để nhắc nhở chúng ta về điều này, Tổng thống Putin thường cho thế giới xem những bức ảnh về các cuộc duyệt binh được dàn dựng hoàn hảo ở Moscow hoặc các cuộc tập trận của các lực lượng vũ trang với sự có mặt của Tổng thống.

 

Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của một đội quân không được thể hiện qua lớp lông ngỗng trên tuyết trên Quảng trường Đỏ, mà ở các chiến hào trên chiến trường.

 

Nga hiện phải kêu gọi lực lượng quân dự bị để lấp đầy những tổn thất và những chỗ trống bị bỏ lại. Tình trạng sức mạnh quân sự của Nga có thể được nhìn thấy ở những người được gọi nhập ngũ. Có những người đàn ông trên 50 tuổi gặp vấn đề về sức khỏe vẫn phải cưỡng bức đi lính.

 

Những ai từng tham gia quân ngũ đều có thể thấy, quân nhân dự bị cần được huấn luyện và trang bị trước khi triển khai chiến tranh. Tuy nhiên, nhiều người chỉ được đào tạo một hoặc hai tháng. Những người khác thậm chí đã được gửi đến mặt trận của Nga mà không được đào tạo hoặc trang bị. Thật khó có thể đạt được thành công quân sự với những người lính như vậy. Điều này giải thích vì sao số lính Nga chết và bị thương đang tăng lên.

 

Với Nga, về con người còn có quá nhiều điều bất cập còn về vũ khí thì sao? Ngành công nghiệp vũ khí của Nga không có khả năng cung cấp nguồn cung ngắn hạn, chứ chưa nói đến việc cung cấp các kho dự trữ hiện đang được dự thảo. Do phải đối mặt với lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, công nghiệp vũ khí của Nga thiếu chip cho các loại vũ khí tinh vi và các phụ tùng thay thế khác.

 

Theo các chuyên gia quân sự: Để thành công trong chiến tranh, cần nhiều nhân tố: Binh lính, vũ khí hiện đại, huấn luyện giỏi, khả năng lãnh đạo, động lực chiến đấu… Hậu cần, chỉ là một số trong số đó. Chỉ đưa thêm người lên tiền tuyến sẽ không giải quyết được vấn đề của người Nga. Ngay cả bây giờ, các lực lượng Ukraine vẫn sẽ tiếp tục tiến lên. Khi ngọn lửa của lòng yêu nước được thổi bùng lên, cuộc phản công của họ vẫn chưa kết thúc.

 

Trong quá khứ, quân đội Nga đã vượt trội nhiều lần với quân đội Ukraine, cả về chất lượng vũ khí và số lượng binh sĩ. Sau hơn 8 tháng đọ súng, giới lãnh đạo quân sự của Moscow đã không thể sử dụng lợi thế chiến thuật này để đạt được các mục tiêu chiến lược.

 

Giờ đây, đến bước đường cùng, Putin đánh tiếng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa các nước phương Tây. Mối đe dọa này không phải là mới. Nếu sử dụng vũ khí hạt nhân Putin sẽ tự kết liễu đời mình cả chế độ của ông ta. Nếu may mắn sống sót, ông ta phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình trước tòa án quốc tế. Chắc ông ta vẫn còn đủ minh mẫn và không dễ gì để đưa ra quyết định điên rồ này.

 

.

24 BÌNH LUẬN  

 



No comments: