Wednesday, November 23, 2022

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐANG NGỐN LẤY HÀNG NGHÌN TỶ USD - VÀ CÁC NƯỚC THU NHẬP THẤP ĐANG PHẢI TRẢ GIÁ (Miryam Naddaf / Nature)

 



 

Biến đổi khí hậu đang ngốn lấy hàng nghìn tỷ USD – và các nước thu nhập thấp đang phải trả giá    

Miryam Naddaf

22.11.22

http://www.phantichkinhte123.com/2022/11/bien-oi-khi-hau-ang-ngon-lay-hang-nghin.html#more

 

Các phân tích về ảnh hưởng của nắng nóng khắc nghiệt cho thấy những nước thu nhập thấp ở vùng nhiệt đới đã gánh chịu thiệt hại tài chính lớn nhất.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-sY1u_sgV8p2ehe8crPOVGv8-ria15Ep_pWFRtgveqLQvP_xgn6ybmIqmhVsY48Xz7sWXNt4Ov0nJanLNkFpVRjYrj68TVvIxYG5h0m2svLk_gkfXPMVvirV66meVlOTlsfSiqqS_KKhY7hJEfv_IaOhz7ydQvDaw-nThGSlD8N3ruEL9DfL_53P1/w597-h397/thumb.jpg

Một đầm phá khô cạn ở Colombia, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi cái giá của các đợt sóng nhiệt. Ảnh: Juan David Moreno Gallego/Anadolu Agency/Getty

 

Biến đổi khí hậu đến nay đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng một nghiên cứu phân tích hậu quả kinh tế của các đợt nắng nóng trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 20 năm thấy rằng các quốc gia có thu nhập thấp ở khu vực nhiệt đới đã gánh chịu phần lớn những thiệt hại này.

 

Nghiên cứu được công bố vào ngày 28 tháng 10 trên tạp chí Science Advances[1], ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu đã mất từ ​​5 nghìn tỷ USD đến 29 nghìn tỷ USD từ năm 1992 đến năm 2013, hậu quả của sự nóng lên toàn cầu do con người thúc đẩy. Nhưng ảnh hưởng tồi tệ nhất là ở các quốc gia nhiệt đới có thu nhập thấp, dẫn tới thu nhập quốc gia của các nước này giảm trung bình 6,7%, trong khi các quốc gia có thu nhập cao chỉ giảm trung bình 1,5%.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhXrc2wRhgRc93m0N9WbAi2C6HRuYETcBB12TpXL9AkOTNo7CceitDJ5H1enlyWFoUcEohZAVEpu-UhwnGJ_eR2ANhnauZ5NN0xS0cEznp89cA1eG9h5JVW_9p3fT_xTK5kPS2Ekm2ls0mZes4gXmnMgM4QE_cpUiAQBEbbcHv9OZl_iFaG_1j2EAeA/w591-h591/chart1.png

GÁNH NẶNG BẤT BÌNH ĐẲNG

Nguồn: Ref. 1

 

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc cần phải đưa ra các chính sách khí hậu nhằm giải quyết vấn đề bất công về môi trường. Kai Kornhuber, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Columbia ở Thành phố New York, cho biết phát hiện này “sẽ hỗ trợ các cuộc thảo luận về mất mát và thiệt hại, một chủ đề chính trong [hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc] COP27 sắp tới.”

 

Bất bình đẳng về khí hậu

 

Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cho biết hậu quả bất bình đẳng của sự nóng lên toàn cầu là “điều đã được nói đến một cách khá định tính trước đây,” nhưng nghiên cứu này đã “tìm cách để thực sự định lượng được điều đó.” Công trình cũng tính đến các khu vực trên thế giới vốn thường bị loại khỏi các nghiên cứu về các đợt nóng cao độ do thiếu dữ liệu, cô nói.

 

Để ước tính mức nhiệt cực đoan do phát thải khí nhà kính, các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu về nhiệt độ trung bình hằng năm của các quốc gia và của năm ngày nóng nhất mỗi năm từ năm 1992 đến năm 2013 bằng các mô hình tính toán khí hậu. Đồng tác giả Christopher Callahan, nhà nghiên cứu mô hình khí hậu tại Đại học Dartmouth ở Hanover, New Hampshire cho biết: “Những ngày rất, rất nóng là một trong những cách hữu hình nhất mà chúng ta cảm nhận được biến đổi khí hậu.” “Chúng tôi biết rằng chúng phá hoại mùa màng, làm giảm năng suất lao động, và gây ra nhiều chấn thương hơn tại nơi làm việc.” Callahan và các đồng nghiệp của ông đã xem xét mối liên hệ giữa các đợt nóng cao độ và các xu hướng kinh tế, ở quy mô toàn cầu và quốc gia.

 

Mô hình của họ phát hiện ra rằng các vùng thu nhập thấp với xu hướng thời tiết ấm áp chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi nhiệt độ tăng, mặc dù lượng khí thải của họ thường thấp hơn nhiều so với các vùng giàu có hơn (xem biểu đồ 'Gánh nặng bất bình đẳng'). Các quốc gia như Brazil, Venezuela và Mali nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người giảm khoảng 5% hằng năm so với những gì sẽ xảy ra nếu không có các đợt sóng nhiệt do con người thúc đẩy. Một cách tương phản, mức giảm GDP ở các nước như Canada và Phần Lan chỉ vào khoảng 1%.

 

Đầu tư có mục tiêu

 

Những phát hiện có thể cho ta biết cách thực thi các chiến lược giúp các quốc gia thích ứng với nắng nóng khắc nghiệt hoặc lượng mưa lớn. Callahan nói: “Thực tế là chúng tôi có thể xác định chính xác tác động của năm ngày nóng nhất trong năm lên tình hình cả năm, bằng các hiệu ứng kinh tế, ngụ ý rằng những ngày đó thực sự có ảnh hưởng vượt trội”. “Vì vậy, các khoản đầu tư nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của nhiệt độ cực đoan tại những thời điểm nóng nhất trong năm có thể mang lại lợi nhuận kinh tế lớn.”

 

Erich Fischer, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, nói rằng nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc đòi hỏi các nước giàu phải trả phần của họ. “Với gánh nặng bất bình đẳng và tỷ lệ phát thải trước nay… khu vực phương Bắc cần hỗ trợ phương Nam trong việc đối phó với những tác động bất lợi này.”

 

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-022-03573-z

 

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

 

Nguồn: Climate change is costing trillions — and low-income countries are paying the priceNature, Nov 07, 2022.


 

Chú thích:

[1] Callahan, C. W. & Mankin, J. S. Sci. Adv. 8, eadd3726 (2022). Article PubMed Google Scholar

---

Bài có liên quan:

·         Khí hậu: vấn đề gai góc về trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển

 




No comments: