Âm nhạc không có chỗ cho đố kỵ và
hèn đớn
Thứ Hai, 11/21/2022 - 07:37
— nguyenngocgia
https://www.rfavietnam.com/node/7419
Phạm vi bài viết không đề cập đến tình cảm yêu
ghét cá nhân đối với sự việc 3 ca sĩ hải ngoại: Chế Linh - Hương Lan - Tuấn Vũ
đồng loạt bị bịnh (gì không biết), buộc phải hủy bỏ show diễn - tại xứ ngàn năm
văn vật - vào trung tuần tháng Mười Một năm 2022. Bài cũng không đề cập về nhà
nước VNCH đã vong quốc gần nửa thế kỷ.
Từ hồi chưa có internet, băng dĩa hải ngoại đã
từng bước, từng bước thầm, rồi như làn sóng ngầm, bỗng chốc ồ ạt trào dâng về
trong nước. Dĩ nhiên, thành phố HCM là điểm đầu tiên cho "nhập khẩu"
loại hàng hóa "bơ thừa sữa cặn", mà sau 1975, đều phải mang đi đốt bỏ
cùng hàng triệu sách báo - tiểu thuyết - phim ảnh.
Ba tên tuổi ca sĩ hải ngoại nêu trên, không hề
xa lạ với giới mộ điệu âm nhạc nói chung và điệu nhạc Bolero nói riêng. Cả ba
ca sĩ nêu trên đều có giọng hát đặc biệt (nghĩa là có âm sắc riêng, để khi cất
giọng, không tài nào lẫn lộn với bất cứ một ca sĩ nào khác, trong tai nghe của
khán giả). Dù là vậy, giọng hát của các "lão niên ca sĩ" vẫn không
thoát khỏi bàn tay của thần Thời Gian - ít nhiều, đã bị mài mòn theo năm tháng.
Do đó, hai câu hỏi cần đặt ra:
1. Tại sao khán giả vẫn thích thưởng thức trực
tiếp?
2. Tại sao cả ba ca sĩ đã qua thời vàng son mà
họ vẫn đủ tự tin nhận lời trình diễn, khi Vượng Râu đứng ra tổ chức show diễn,
ngay thủ đô Hà Nội - nơi xuất phát chủ trương của nghị quyết 36, ra đời gần 20
năm về trước?
Thời buổi này, cứ lên youtube và các trang MXH
khác, tha hồ coi - nghe miễn phí suốt ngày. Nghe - coi cả những bản nhạc VÀNG bất
hủ với thời gian, từ chính 3 giọng ca nói trên, khi họ vẫn còn trẻ trung! Âm nhạc
là nghệ thuật. Đá banh cũng là nghệ thuật. Người thưởng ngoạn, có đủ thời gian
và đủ tiền vẫn thích thưởng lãm trực tiếp các ngôi sao nghề nghiệp, vốn đã có
chỗ đứng riêng và vững chãi trong lòng khán giả - Có thể gọi là "hàng hiệu"
cũng được. Đó là câu trả lời giản dị nhưng thật đáng để Ban Tuyên giáo trung
ương đau đầu suy ngẫm - bởi danh ca Chế Linh đã thẳng thừng cho biết, việc hủy
buổi diễn là do Ban Tuyên giáo trung ương ra "lịnh miệng" cho nghệ sĩ
Vượng Râu - theo BBC [2].
Bolero - một điệu nhạc bị cho là
"sến" nhưng thật kỳ lạ, ngay cả những ca sĩ xuất thân từ cái nôi XHCN
như: Lệ Quyên và hiếm hoi như ca sĩ Lan Anh, họ vẫn dùng điệu nhạc này để kiếm
sống. Tại sao kỳ lạ vậy? Tại sao những tên tuổi trong giới chuyên nghiệp, như:
Thanh Lam từng tuyên bố: "Miền Nam có nhiều ca sĩ chẳng học hành
gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông", Tùng Dương từng rất hỗn láo "Già
trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi", Trung Kiên
- một thầy giáo thanh nhạc Opera và nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa chê bai "Tôi
không ủng hộ và nghĩ không nên phát triển mạnh nhạc Bolero", vậy mà thiên
hạ vẫn đam mê điệu nhạc này? Hãy chú ý, cả ba phát ngôn của [3] Tùng
Dương (21 tháng Tám - 2017) - [4] Trung Kiên (23 tháng Tám năm 2017) - [5]
Thanh Lam (24 tháng Mười năm 2017), đều là những ca sĩ nói giọng Bắc, vốn không
thể nào hát được điệu nhạc Bolero (để kiếm tiền). Hãy nhớ lại: Tuấn Ngọc, Lệ
Thu, Khánh Ly, Khánh Hà, Ý Lan (cũng là những người sinh trưởng ở miền Bắc và
nói giọng Bắc) v.v... hầu như không ai hát điệu Bolero với tư cách ca sĩ chuyên
nghiệp (nghĩa là để kiếm tiền từ khán giả), chứ không chỉ ca sĩ miền Bắc (sau
1975). Ngay cả những ca sĩ thành danh và đứng vững trong lòng khán giả sau
1975, như: Cẩm Vân, cô cũng chưa bao giờ dám làm việc gọi là "thử sức"
với điệu nhạc Bolero? Tại sao? Đơn giản, vì khán giả không chấp nhận. Bởi âm nhạc
nói chung cũng như điệu Bolero nói riêng là hàng hóa. Khách hàng (tức là khán
giả) quyết định hàng bán chạy hay bán ế, thậm chí hàng hóa bị tẩy chay không ai
mua là điều đương nhiên.
Trước khi sự việc Chế Linh - Hương Lan - Tuấn
Vũ không thể hát tại Hà Nội vì "lịnh miệng" của Ban Tuyên giáo trung
ương, ca sĩ Như Quỳnh đã tổ chức đêm diễn hoành tráng và công phu nhưng diễn ra
tại... TP.HCM - Nhà hát Hòa Bình vào hôm 12 tháng Mười Một năm 2022. Cũng cần
nhấn mạnh, Như Quỳnh không còn quốc tịch Việt Nam từ lâu, như ba ca sĩ đàn anh
- đàn chị nói trên. Không thể nào nói Ban Tuyên giáo trung ương không hay biết
đêm diễn quy mô với đông đảo ca sĩ tên tuổi cùng tham gia với ca sĩ Như Quỳnh
[6].
Đài BBC cho biết thêm, trích: "...
Chế Linh tin rằng sự việc do một cá nhân nào đó trong bộ máy gây nên chứ không
phải chủ trương của Nhà nước. Vì thế Chế Linh thấy mấy ông còn dung túng những
thành phần như thế này. Mặc dầu Ban Tuyên giáo đi chăng nữa thì cũng phải trừng
trị, không phải chuyện đơn giản...” (hết trích).
Chủ trương "văn hóa vận" của nhà cầm
quyền CSVN, từ nghị quyết của Trung ương ĐCSVN với khái niệm "khúc ruột
ngàn dặm" - hầu như ai cũng đã từng nghe. Cũng từ đó, nhiều nghệ sĩ hải
ngoại đã lần lượt trở về Việt Nam trình diễn. Do đó, khi danh ca Chế Linh gọi
cho ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước và cho đài BBC biết: "Là
Chủ tịch nước, ông nên coi lại một số việc không đúng trong chủ trương của Nhà
nước. Chúng tôi là văn nghệ sĩ. Chúng tôi đi ra khỏi nước không có nghĩa là ngoảnh
mặt với quê hương. Chúng tôi đi ra khỏi nước mà trở về với đất nước là chúng
tôi đã sai trong tinh thần của những người tị nạn cộng sản rồi. Nhưng chúng tôi
bắt buộc phải về bởi, vì đây là chủ trương của Nhà nước muốn kêu gọi mọi thành
phần về xây dựng quê hương đất nước, mà chúng tôi là văn nghệ sĩ có trách nhiệm
và bổn phận, nghĩa vụ phải về trước. Vì thế chúng tôi đã về được mười mấy năm
nay và hát rất bình thường, rất đẹp đẽ trên toàn thể đất nước. Nhưng nay có sự
việc này, mong ông coi lại cái hồ sơ này…”. Dù vậy, đêm diễn vẫn không thể
diễn ra.
Hóa
ra, Ban Tuyên giáo trung ương, chỉ bằng "CÁI LỆNH MIỆNG" đã đạp đổ
ngay cả chủ trương của cả ĐCSVN chăng?
Thật đáng lên án cho những kẻ nào đã "truyền
lệnh miệng". Bởi "di họa" để lại từ "lệnh
miệng" là không tài nào quy nổi trách nhiệm mà vốn buộc phải có
những con người cụ thể nhận lãnh hình phạt, dù nặng hay nhẹ!
Cũng thật đáng chê trách "tư duy
lệnh miệng", bởi nó biến con người trở thành những cỗ máy vô tri vô
giác, trước vấn đề DANH DỰ của tất cả đảng viên già - trẻ - trai - gái, mà hơn
5 triệu đảng viên đó - dĩ nhiên - đều là những con người có VĂN HÓA CAO SANG
(!), bởi nếu không có "văn hóa cao sang" làm sao được chọn lựa kỹ
càng, rồi qua trui rèn đủ kiểu, mới chính thức trở thành đảng viên ĐCSVN? Làm
sao có thể tin những đảng viên có VĂN HÓA CAO SANG lại gây ra một việc phản văn
hóa - phi nguồn cội và chống lại chủ trương "khúc ruột ngàn dặm" của
Bộ Chính trị? Làm sao có thể tin những đảng viên có VĂN HÓA CAO SANG, lại sinh
sống ngay tại Hà Nội - vốn là "Niềm Tin và Hy Vọng" của cả quốc gia,
lại để cho buổi diễn của Chế Linh - Hương Lan - Tuấn Vũ và hàng chục ca sĩ -
nghệ sĩ khác (trong đó có cả những ca sĩ - nghệ sĩ đang sinh sống tại Hà Nội),
"tự nhiên" tắt phụt và rơi tõm vào màn đêm tăm tối của cái thuở
"văn hóa đồi trụy phản động" được coi như "rác rưởi" cần phải
quét sạch?
"Tư duy lệnh
miệng" đã và đang làm cho biết bao vụ án "kinh thiên động địa" rơi
vào ngõ cụt, kể từ khi người CSVN "cướp chính quyền" và
áp đặt ách cai trị bạo ngược lên toàn cõi VN. "Tư duy lệnh miệng" biến
con người trở nên đớn hèn, bạc nhược, vong thân, vong bản và từ đó dẫn đến vong
quốc!
Kẻ thích "tư duy lệnh miệng" là
những kẻ vô học, vô trách nhiệm, chà đạp luật pháp và các chuẩn mực văn minh của
loài người. Kẻ yêu chuộng "tư duy lệnh miệng" là những
con người tôn thờ "bạo quyền" và chúng hằng
tin "bạo quyền" là phương cách duy nhất hiệu quả để
quản trị quốc gia, trong khi không thấy được những tác hại khôn lường do "tư
duy lệnh miệng" gây ra!
____________________________
[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn3zyenk34eo
.
No comments:
Post a Comment