Tuesday, November 8, 2022

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ANH LÀ AI? (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Đại biểu Quốc hội, anh là ai?

Lê Huyền Ái Mỹ

08/11/2022

https://baotiengdan.com/2022/11/08/dai-bieu-quoc-hoi-anh-la-ai/

 

Tôi thử click vào trang Đại biểu Quốc hội, khóa XV, trong tổng số 499 đại biểu, hầu hết đều là những người có chức vụ, đa phần là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội. Họ được xem là đại biểu của nhân dân, là người thay nhân dân để tham dự vào quá trình, quy trình bàn bạc, điều chỉnh, xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật.

 

Trộm nghĩ, ở cấp lãnh đạo địa phương, từ ông bí thư tỉnh ủy/thành ủy xuống tới người dân ở cấp cơ sở, cơ chế tiếp xúc, lắng nghe; là nghe chứ không phải… ngóng rồi để đó đã là đường xa vạn dặm. Từ ông đứng đầu các sở, ngành, mặt trận hội liên đoàn xuống đến cử tri, ngoài đôi ba phiên tiếp xúc được bố trí thường niên (trước và sau kỳ họp Quốc hội) có nhích lại gần được hơn bao xăng ti mét.

 

Tại đơn vị, vị trí của họ đã là một khoảng cách với chính nhân viên, người lao động của mình. Trong tổ chức Đảng (đa phần đều là đảng viên) thì tồn tại phân cấp đảng viên – cán bộ – lãnh đạo với quần chúng nhân dân. Họ nghe và hiểu được gì, bao nhiêu, tới đâu những nguyện vọng, khó khăn, bức xúc, bất công ở cử tri – nhân dân? Nếu có, dù một phần thì cơ chế nào để họ không bị ràng buộc và dẫn tới nhập nhằng, giằng xé giữa quyền (+ nghĩa vụ + lợi ích) của vị trí, tổ chức mà họ đang đứng đầu, đang tham gia trong nhóm lãnh đạo với quyền, lợi ích được hiến định của người dân.

 

Nhìn lại các vụ án hình sự do các bị cáo nguyên là lãnh đạo kiêm đại biểu Quốc hội, còn là phó/trưởng đoàn đại biểu quốc hội của địa phương thì rõ. Khi có xung đột về lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, họ đã không ngại hy sinh… công hữu cho tư hữu, họ đút túi cái được gọi là quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

 

Cho nên, vì sao luật cứ xây, cứ sửa mà vẫn cứ chưa đi sát với thực tế, hầu hết đi… lùi, hiếm hoi mang tính dự báo/ dẫn trước thực tế.

 

Chưa kể, có nhiều vị đại biểu, vốn được đào tạo và trưởng thành trong/qua phong trào, rồi lên đảm nhận các vị trí đứng đầu, đứng đầu cấp nhỏ lên đứng đầu cấp to. Chuyên môn họ nhuần nhuyễn nhất có lẽ là “chuyên ngành” lãnh đạo, với chừng ấy khuôn mẫu chỉ đạo, định hướng; còn giải pháp thực thi, biện pháp hành động để quy ra đánh giá hiệu quả thì thuộc về…thuộc cấp. Cho nên, không lạ gì khi trên diễn đàn thảo luận, không ít vị để lộ sự non nớt, ngô nghê về tư duy, tính suy luận, lập luận, kiến thức, thông tin, dẫn tới nhiều phát biểu, đề xuất thiếu thực tế, thiếu… bình thường!

 

Quả tình thì lần đầu đăng đàn trước kỳ họp toàn thể tinh hoa, ai chả phải khớp. Dù cũng đã được tham dự các khóa huấn luyện làm đại biểu. Cơ mà cái gì cũng phải từ học thiệt, đã là học thì học căn bản lên dần; rồi làm thiệt, có thất bại thiệt thì mới thành công thiệt.

 

Như hồi cao điểm chống dịch, bí thư quận 6 Lê Thị Hờ Rin được xem là một trong những hình mẫu “dám nghĩ dám làm” để đưa thuốc điều trị đến F0. Nhưng để dám nghĩ thì phải có hiểu biết – ba cô là bác sĩ, cô khá tường tận thuốc kháng viêm để hướng dẫn sử dụng sao cho đúng. Dám làm vì trên Hờ Rin có bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên, ông lập một nhóm chát các bí thư quận huyện, ông tham khảo kiến thức y khoa từ các bác sĩ chuyên ngành, đầu ngành nên ông dám đứng ra bảo lãnh cho các cộng sự – cấp dưới của mình trong các quyết định sống còn.

 

Chứ dám nghĩ, dám làm mà nghĩ trật (do thiếu hiểu biết) nên dẫn tới làm bậy (ra quyết định bằng sự duy ý chí, đẽo cày giữa đường, chưa nói là có tư lợi) thì hậu quả còn khó lường.

 

Cho nên, trước là lời xin lỗi đối với một số vị đại biểu Quốc hội xứng đáng là đại biểu nhân dân với trình độ, trách nhiệm, tinh thần dám nói, dám đặt lợi ích của cử tri, của đất nước lên hàng đầu mà có những ý kiến, hành động tham gia, phản biện, xây dựng các dự thảo luật ngày một tiến bộ hơn; nhưng rõ ràng, chất lượng, vai trò đại diện cho nhân dân đang khiến chính nhân dân nghi ngại, phần nào bất tín nhiệm.

 

Hôm nay, 8.11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng.

 

Có lẽ, có thể đây là nội dung mà các đại biểu am tường hơn/nhất chăng!

 

24 BÌNH LUẬN  




No comments: