18/08/2019
Dưới đây là câu chuyện của nhà báo Úc Peter
Mitchell, kể về trải
nghiệm lần đầu đến Mỹ của vợ ông.
Rất thích làm đẹp, bà tìm đến ngay một tiệm làm tóc
nổi tiếng ở khu Manhattan.
Vừa ngồi xuống ghế, một cô trợ lý đến hỏi khách có
muốn dùng trà hay cà phê gì không. Gật đầu, một ly trà thơm ngon được mang ra.
Cô trợ lý kín đáo đặt một phong bì trống kế bên chỗ ngồi của khách.
Rồi một nhân viên đến gội đầu. Sau khi gội và mát xa
xong, nhân viên này cũng để lại một phong bì trống kế bên.
Tiếp theo là nhà tạo mẫu đến sấy khô đầu cho bà. Anh
chàng xong việc cũng để lại một phong bì.
Du khách lần đầu đến Mỹ này ngơ ngác không hiểu ý
nghĩa của các phong bì là để làm gì. Chẳng ai giải thích cho bà.
Bà cứ thế thanh toán tiền làm đầu và đi về.
Bí ẩn của những chiếc phong bì chỉ được giải mã vài
tuần sau đó, trong lúc bà trò chuyện với một người bạn Mỹ.
Phong bì của cô trợ lý mang trà là để đựng 2-3 USD,
của nhân viên gội đầu là 3-5 USD, và phong bì của nhà tạo mẫu, theo thông lệ,
phải được nhét 20% tổng số tiền dịch vụ, trong trường hợp này là 20 USD, ngoài
tổng số 100 USD mà khách đã trả.
Từ đó về sau, vợ của nhà báo này vẫn chưa (dám) quay
trở lại tiệm làm tóc trứ danh này.
Trải nghiệm trên không phải là chuyện hiếm đối với
những người lần đầu đặt chân đến Mỹ.
Trong những thứ văn hóa kiểu Mỹ, có ít nhất hai thứ
khiến những người nước ngoài phải gãi đầu gãi tai, và lắm lúc nhăn mặt lắc đầu
không hiểu nổi.
Một là “văn hóa súng đạn” – nơi súng ống được dùng
vô tội vạ, gần như bất kỳ ai cũng có thể sở hữu súng, kể cả những loại vũ khí
sát thương cao chỉ dùng trong chiến tranh.
Cái còn lại là “văn hóa típ đạn” – thói quen cho tiền
típ, tiền boa cho các nhân viên phục vụ.
Đặt hai thứ tưởng chừng không liên quan ăn nhập gì với
nhau này ở chung một chỗ dễ làm nhiều người nộ khí xung thiên.
Nói cho cùng thì trong khi “văn hóa súng đạn” được
cho là góp phần dẫn đến cái chết
oan uổng của hàng chục ngàn người Mỹ mỗi năm, “văn hóa típ đạn” lại
có vẻ chẳng làm hại gì ai, mà ngược lại, là biểu hiện của tinh thần nhân đạo
thương người tốt đẹp.
(Dùng chữ “góp phần” để nói về trách nhiệm của súng
đạn là cách nói nhẹ đi, khi rất nhiều người vẫn còn biện minh theo kiểu “người
giết người chứ súng đâu biết giết người” – bất kể các vụ thảm sát hàng loạt mà
nếu không có vũ khí sát thương cao, kẻ thủ ác không tài nào gây ra hậu quả lớn)
Nếu “văn hóa súng đạn” luôn là một trong những tâm
điểm gây tranh cãi và chia rẽ nhiều nhất ở Mỹ, “văn hóa típ đạn” lại có vẻ nằm
ngoài tầm radar của nhiều người dân xứ này.
Có nhiều người Mỹ không biết được là trong suốt hàng
trăm năm qua, ở nước họ vẫn tồn tại “chế độ lương kép” (two-tier wage system),
một “đặc quyền” dành riêng cho giới lao động phục vụ trong các nhà hàng, khách
sạn, các salon làm đẹp …
Hãy tưởng tượng, bạn là một nhân viên ngân hàng, một
người làm việc trong siêu thị, một kỹ thuật viên sửa chữa xe cộ, một lập trình
viên, hay một luật sư, bác sĩ, y tá, hoặc bất kỳ ai làm công việc gì có tiếp
xúc với khách hàng. Nếu bỗng nhiên thay vì nhận được số tiền lương cố định mỗi
tháng như hiện tại, bạn sẽ chỉ được nhận 30% con số đó. Thu nhập còn lại của bạn
mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tiền
boa của khách hàng. Trong khi đó những đồng nghiệp khác, có thể là ngay trong tổ
chức của bạn, vì không được, hay không phải tiếp xúc với khách hàng, sẽ nhận được
đầy đủ 100% lương của họ.
Bạn có thấy điều này là công bằng?
Câu trên thực ra là một câu hỏi nhập nhằng, không rõ
ràng.
Nếu may mắn làm việc trong môi trường toàn những
“khách sộp”, luôn sẵn lòng móc hầu bao boa thưởng hậu hĩnh, bạn sẽ không thấy sự
phân biệt đối xử này có vấn đề gì.
Nếu những khách hàng đó lại toàn những người hiểu biết,
văn minh, lịch sự, không quấy rối, xúc phạm, xâm phạm, không làm nhục bạn bằng
cách này hay cách khác, buộc bạn phải cắn răng chịu đựng để lấy lòng họ, bạn sẽ
thấy chuyện này không có gì phiền hà.
Và nếu đồng nghiệp, cấp trên đều là những người tử tế,
tốt bụng, không lợi dụng vị thế của họ để o ép, tạo mọi điều kiện cho bạn có cơ
hội kiếm được thu nhập cao nhất, bạn sẽ càng thấy cuộc đời này thật công bằng.
Nếu có hết tất cả những cái “nếu” trên, bạn đích thực
rất may mắn.
Nhưng trên thực tế, bạn là số ít.
Tuyệt đại đa số những người khác không có được cái
may mắn này.
Câu hỏi về “công bằng” vì vậy phải luôn luôn rõ
ràng: công bằng cho ai.
Dưới một mái, nhưng không được chung nhà
Công bằng, ngay trong ý
nghĩa của từ, đã mang nghĩa “giống nhau với tất cả mọi người”. Vậy nhưng có
hàng triệu người lao động Mỹ vẫn đang được hưởng thứ “ngoại lệ” không mong muốn.
Và nó không phải chuyện mới diễn ra ngày hôm qua.
Vào năm 1938, sau nhiều thập niên đấu tranh, cuối
cùng chính quyền liên bang Mỹ cũng thông qua “Đạo luật tiêu chuẩn lao động công
bằng” (FLSA – Fair Labor Standards Act), quy định mức lương tối thiểu (minimum
wage) mà chủ sử dụng lao động phải trả cho người làm thuê.
Nhưng khi thông qua đạo luật đó, các nhân công làm
việc trong ngành nhà hàng bị bỏ
qua một bên, trở thành ngoại lệ, hay nói cách khác, xét theo quy định
về tiền lương, những người lao động này, đa số là người da màu, nghiễm nhiên bị
đặt ra “ngoài vòng pháp luật”.
Gần 30 năm sau, quyền lợi của họ mới được đưa vào luật
khi FLSA được điều chỉnh vào năm 1966. Nhưng ngay cả lần điều chỉnh này, họ
cũng lại trở thành một ngoại lệ kiểu khác.
Thay vì được hưởng chung mức lương tối thiểu như mọi
người, người lao động làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, quán bar,
salon… chỉ được bảo đảm quyền lợi bằng thứ gọi là “mức lương phụ tối thiểu”
(sub-minimum wage).
Logic của các nhà làm luật (hay các ông chủ tuyển dụng)
là những người lao động này được nhận tiền típ của khách, nên không cần phải trả
lương đầy đủ như người khác.
Lương phụ của họ vì vậy được quy định bằng 50% mức
lương tối thiểu chung của mọi người lao động trong những ngành nghề còn lại.
Vào năm 1991, lương tối thiểu ở Mỹ được thiết lập ở
mức 4.25 đô la/ giờ, và lương phụ dành riêng cho “những người ngoại lệ” là 2.13
đô la/ giờ.
Khi mức lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống
của đa phần người dân, áp lực phải nâng sàn đè nặng lên các nhà làm luật và chủ
lao động.
Trong một sáng kiến táo bạo của mình, các ông chủ
khu vực nhà hàng, khách sạn đã “trả giá” thành công với chính quyền liên bang
khi đó của Tổng thống Bill Clinton, rằng họ sẽ đồng ý với việc tăng lương tối
thiểu, nhưng lương phụ dành cho các lao động nhận tiền típ sẽ bị cột chặt mãi ở
con số 2.13 kia.
Các tiếp viên phục vụ trong nhà hàng, người dọn bàn,
người pha chế, nhân viên phục vụ quầy bar, thợ hớt tóc, làm đầu, thợ trang điểm,
thợ làm móng, nhân viên khuân vác hành lý trong khách sạn … không có tiếng nói
gì trong quyết định liên quan đến công việc (và cuộc đời) của mình.
Suốt gần 30 năm, trong khi lương tối thiểu chung đã
nhích lên đến 7.25 đô la/ giờ, cuộc sống của họ chỉ được đảm bảo bằng một mức
lương cạn đáy 2.13 đô la/ giờ.
Mức lương trên thậm chí không đủ trả thuế, và buộc
những người này phải hoàn toàn sống dựa vào tiền boa, hay lòng hảo tâm, của
khách.
Từ đâu nên nỗi
Người ta phải đặt câu hỏi, vì sao lại có thứ ngoại lệ
ngược đời vậy?
Nét văn hóa riêng này của nước Mỹ, trên thực tế, là
sản phẩm du nhập từ nơi khác.
Việc trả tiền boa cho người phục vụ được ghi nhận bắt đầu
ở nước Anh thời phong kiến khoảng thế kỷ 17. Ban đầu là những
người ở trọ qua đêm để lại một số tiền “cám ơn” dành cho người hầu của chủ nhà.
Tập quán này được phổ biến sang các thực khách tại quán café, nhà hàng và khách
sạn, và lan sang các nước khác tại châu Âu.
Vào thời đó, những món tiền nhỏ này được thuần túy
xem là cử chỉ biết ơn đối với người phục vụ, giống như tên gọi của nó trong tiếng
Anh, “gratuity”, vốn cùng gốc với “gratitude” (lòng tri ân).
Tại những nước khác, từ được dùng để chỉ hành động
cho tiền típ cũng mang ý nghĩa tương tự,
như “pourboire” trong tiếng Pháp, “trinkgeld” của tiếng Đức, hay “chayeviye” tiếng
Nga đều có nghĩa là “tiền uống nước/ uống trà”, chỉ việc thực khách mời người
phục vụ uống và trả tiền cho ly đó.
Từ “boa”, hay “bo” (trong “cho tiền bo”), của tiếng
Việt cũng từ chữ “boire” trong tiếng Pháp mà ra.
Những người Mỹ đi du lịch châu Âu vào thời điểm trên
học được thứ văn hóa mới mẻ này. Khi về nước họ đem theo tập quán đó, mà theo
nhiều ý kiến là để thể hiện “đẳng cấp khác biệt” so với phần còn lại.
Văn hóa tiền boa ở Mỹ ban đầu chỉ thịnh hành trong một
số giới “đẳng cấp”, và gặp không ít sự chống đối kịch liệt.
Tờ New York Times vào thời điểm 1897 đã từng nói về
thứ văn hóa này như một loại “côn trùng và cỏ dại độc hại”, lan truyền khắp nơi
phá hủy nền tảng dân chủ non trẻ mà người dân Mỹ chỉ vừa xây dựng không lâu.
Nhiều người xem đó là sản phẩm của chế độ phong kiến
quý tộc mà người Mỹ đã cố công gắng sức thoát khỏi (đa phần dân Mỹ thời đó đến
từ các nước phong kiến châu Âu) và chống lại (chỉ cuộc chiến giành độc lập khỏi
Anh).
Phong trào chống lại “văn hóa típ đạn” lan rộng và
nhận được nhiều sự ủng hộ.
Năm 1909, Washington trở thành một trong sáu bang đầu
tiên ban hành luật cấm việc đưa và nhận tiền típ.
Phản ứng mạnh này từ các giới còn đến từ việc văn
hóa tiền típ khi du nhập từ châu Âu vào Mỹ đã biến tướng, không còn đơn thuần
là hành động tri ân và tự nguyện theo đúng nghĩa của nó, mà đã bị lợi dụng trở
thành một công cụ để các ông chủ thực hiện một kiểu “chế độ nô lệ 2.0”.
Chế độ nô lệ ban đầu đã sụp đổ sau khi cuộc nội chiến
ở Mỹ kết thúc vào năm 1865. Hàng triệu người da màu khi đó được giải phóng, trở
thành những người tự do.
Tự do, nhưng họ không có bất kỳ thứ gì trong tay.
Đa phần những người nô lệ vừa được giải phóng đó phải
tìm bất kỳ công việc gì để có miếng ăn qua ngày.
Các ông chủ da trắng chỉ chờ có như vậy.
Một trong những trường hợp thường được nhắc đến là
công ty Pullman, nơi họ thuê các nhân viên da màu để làm công việc khuân vác,
phục vụ bàn trên các toa xe lửa mà không trả bất kỳ xu nào tiền lương. Thay vào
đó, những nhân viên này phụ thuộc hoàn toàn vào tiền boa của khách hàng để sống.
Như vậy là ông chủ vừa thuê được nhân công làm việc,
vừa buộc khách hàng phải trả lương cho nhân công của mình.
Quá trình công nghiệp hóa của Mỹ cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20 cũng góp
phần củng cố văn hóa “típ lương” này.
Những nông dân da trắng đổ về thành thị làm việc
trong các nhà máy. Trước kia khi còn ruộng còn làm nông, họ ăn uống tại nhà
không cần ai phục vụ. Giờ đây làm công nhân ở chốn thị thành, họ phải ăn bên
ngoài. Để phục vụ những người da trắng nghèo này, phải có một tầng lớp khác
nghèo hơn họ. Những nô lệ da màu vừa được giải phóng điền vào chỗ trống đó. Các
nhà hàng quán ăn dành cho các công nhân da trắng được mở ra. Những công nhân
này vào ăn chớp nhoáng, và để lại trên bàn một khoản tiền típ trả cho những người
phục vụ mình, trong đó đa phần là dân da màu.
Chế
độ nô lệ kiểu mới này tồn tại tới tận trước
Thế chiến II, đến khi chính quyền liên bang ban hành luật về mức lương tối thiểu
và quy định giờ làm tối đa vào năm 1938.
Nhưng như trên đã đề cập, ngay cả khi luật mới được
đưa ra, những người lao động trong ngành nhà hàng và khách sạn, đa phần là dân
da màu và dân nghèo, lại bị đặt ra ngoài vòng bảo vệ của pháp luật.
Họ đã làm điều đó như thế nào
Năm 1909, Washington là một trong sáu bang đầu tiên
đưa ra luật cấm hoạt động đưa nhận tiền típ. Mức phạt 500 đô la Mỹ được đưa ra
vào thời điểm đó dành cho bất kỳ người phục vụ nào trong nhà hàng dám nhận tiền
típ từ khách (người đưa tiền thì không bị gì).
Đến năm 1926, toàn bộ sáu bang có luật trên đều phải
ra luật hủy bỏ lệnh cấm.
Trong khi phong trào chống tiền típ (anti-tipping) ở
Mỹ lan ngược lại ra các nước châu Âu, đẩy lùi thứ văn hóa quý tộc có từ thời
phong kiến, thì nước Mỹ đi ngược lại xu hướng mà mình đã bắt đầu.
Việc đưa tiền típ không những được khuyến khích,
nhân rộng, mà còn được đưa luôn vào luật.
Nhờ đâu có sự quay đầu này?
Câu trả lời không mấy liên quan đến văn hóa mà nằm ở
yếu tố kinh tế. Sức mạnh của các ông chủ sử dụng lao động ở Mỹ đã làm xoay chuyển
tình thế.
Trong những thứ khiến người ta liên tưởng sự liên
quan giữa việc thịnh hành súng đạn và thói quen típ đạn ở Mỹ, nổi bật là cái
tên của các tổ chức đứng đằng sau chống lưng cho các thứ “văn hóa” này.
Ở mảng súng đạn là “Hiệp hội súng trường quốc gia”
(NRA – National Rifle Association), một trong những tổ chức vận động hành lang
quyền lực nhất nước Mỹ, chi hàng triệu USD mỗi năm để tác
động đến các chính sách của chính quyền ở cấp bang lẫn quốc
gia. NRA của dân chơi súng là thành trì gần như không thể xuyên thủng trong suốt
hơn trăm năm qua mà các chính trị gia cả hai phe, đặc biệt là Cộng hòa, không mấy
khi dám đắc tội.
Chống lưng cho “văn hóa típ đạn” là một tổ chức thường
được gọi là “NRA kia” (the other NRA), một tên gọi thể hiện sự dè chừng của nhiều
người về sức mạnh của nó.
Không nổi tiếng bằng NRA đàn anh, và thường cố tình
bay dưới tầm radar của dư luận, nhưng “NRA típ” (National Restaurant
Association – Hiệp hội nhà hàng quốc gia) cũng mạnh
tay chi hàng triệu USD và tuyển mộ nhiều cựu quan chức chuyên vận
động hành lang, chống lại những nỗ lực thay đổi các chính sách lương bổng và trợ
cấp liên quan đến ngành nghề của mình. Cũng cần ghi chú là giống như NRA súng, hơn 80% số tiền
đóng góp của NRA típ rớt
vào túi của những người thuộc đảng Cộng hòa.
Trên danh nghĩa là tổ chức đại diện cho 500.000
doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng ở Mỹ, nhưng trên thực tế, nhiều
người cho rằng NRA típ chỉ bảo vệ
sát sườn lợi ích của những ông lớn trong ngành.
Với sức mạnh của mình, NRA típ đã thành công trong
việc đảo ngược lại phong trào chống tiền típ, vận động chính quyền các bang hủy
luật cấm. Họ gây áp lực đủ với chính quyền liên bang để đưa ra ngoại lệ dành
riêng cho các lao động khối nhà hàng, đẻ ra khái niệm “mức lương tối thiểu phụ”,
và cột chặt mức lương đó không đổi suốt gần ba thập kỷ qua.
Ngoài việc vận động chống lại mọi chính sách tăng
lương tối thiểu (cả mức tối thiểu chung lẫn phụ), NRA típ còn chống lại các
chính sách phúc lợi dành cho người lao động như bảo hiểm, quy định về ngày nghỉ
phép có lương …
Trong những năm gần đây, khi áp lực về yêu cầu tăng
lương tối thiểu, thực thi các chính sách phúc lợi cho nhân viên ngày càng tăng,
NRA típ không ngừng đổ
tiền vận động để chống lại các yêu cầu này.
Những lý do họ đưa ra rất đa dạng, từ việc đây là
nét đặc trưng văn hóa riêng của người Mỹ, không cần phải thay đổi, rồi lương thực
chất của lao động đã dư sống, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà hàng
rất nhỏ, không thể tăng thêm phúc lợi được nữa, cho đến việc đe dọa rằng bất kỳ
thay đổi nào (theo hướng có lợi cho người lao động) cũng sẽ dẫn đến thảm họa sụp
đổ cho toàn bộ ngành công nghiệp.
Một ghi chú nhỏ là trong khi kịch liệt chống lại nỗ
lực nâng mức lương tối thiểu chung của liên bang (7.25 đô la/ giờ) và mức lương
tối thiểu phụ (2.13 đô la/ giờ), những vị quản lý của các tổ chức nhà hàng này
không có vẻ gì hà tiện với các khoản đãi ngộ dành cho mình.
Một báo
cáo chỉ ra Dawn Sweeney, người đứng đầu NRA típ đã nhận tổng cộng
một khoản, bao gồm trợ cấp nghỉ hưu, gần 4.5 triệu đô la vào năm 2016. Nếu quy
ra theo 40 giờ làm việc mỗi tuần, bà đã được trả lương 2150 đô la/ giờ.
So với mức lương tối thiểu phụ 2.13 đô la mà tổ chức
của bà nghĩ là tối ưu cho người lao động, con số này gấp hơn 1000 lần.
Các con số không biết nói dối
Nghiên
cứu của Viện chính sách kinh tế (EPI – Economic
Policy Institute, có trụ sở tại Washington, D.C.) đã chỉ ra không chỉ nhiều thứ
trái ngược với những gì NRA típ tuyên truyền, mà trái cả với những gì nhiều người
mặc nhiên cho là thực tế.
Cho tới nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng đa số làm nghề
phục vụ trong nhà hàng, quầy bar và các ngành nghề thuộc quy định nhận tiền típ
đều là học sinh sinh viên đi làm kiếm thêm hoặc vừa ra trường.
Thực tế, hơn 60% số lao động này đều trên 25 tuổi.
Trong số họ, cứ bốn người lại có một phải làm việc nuôi con. Trong số phụ nữ
làm các công việc tại nhà hàng, sáu người thì có một là mẹ đơn thân.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2019/08/image2-768x592.png
Biểu đồ so sánh tỷ lệ nghèo giữa các nhóm lao động ở
ba khu vực. Nguồn: Viện chính sách kinh tế EPI
Một điều quan trọng khác mà NRA típ thường cố tình lờ
đi, và nhiều người Mỹ lẫn người nước ngoài đều không hay biết, là việc mặc dù
chính quyền liên bang quy định hai mức lương tối thiểu khác nhau (chính – phụ),
nhưng cho tới nay đã có tám bang ban hành luật riêng yêu cầu chủ lao động phải
trả lương tối thiểu như nhau cho các lao động (nhóm nghiên cứu gọi đây khu vực
có chế độ “đối xử công bằng”).
Trong những bang còn lại, 25 bang quy định mức lương
tối thiểu phụ cao hơn mức của liên bang nhưng vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu
chung (khu vực “ở giữa”). 17 bang khác giữ nguyên mức lương tối thiểu phụ như của
liên bang (khu “thấp”).
Khi so sánh tỷ lệ nghèo của các lao động tại ba khu
vực này, số liệu chỉ ra rằng lao động nhận típ tại khu “thấp” có tỷ lệ nghèo
cao hơn hẳn các đồng nghiệp tại khu “công bằng”. Khoảng cách này còn cao hơn
(18.5% so với 11%) khi xem xét các lao động làm trong nhóm nhà hàng.
Trong khi đó tỷ lệ nghèo của lao động không nhận típ
(có lương tối thiểu chung) không mấy chênh lệch ở ba khu vực.
Đây là một bằng chứng cho thấy chế độ phân biệt tiền
lương là một nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến thu nhập và mức sống của người
lao động.
Những người ủng hộ sự phân biệt này, như NRA típ,
thường biện giải rằng tiền lương trên thực tế của lao động nhận típ luôn cao
hơn mức quy định tối thiểu chung.
Điều này có thể đúng, nhưng không đồng nghĩa với việc
mức sống của họ được đảm bảo.
Lấy số liệu của lao động tại bang New York, một
trong những bang giàu nhất tại Mỹ, tính vào tháng 5/2017, lương trung vị của
nhân viên phục vụ bàn là 11.80 đô la/ giờ, xếp vào nhóm 1/5 cuối bảng theo mức
lương của toàn bộ cư dân ở bang.
Con số này có nghĩa là trong năm mức thu nhập từ cao
xuống thấp, một nửa nhân viên phục vụ bàn tại đây có lương thuộc vào mức cuối
cùng.
Giải thích ngoài lề về số trung vị (median).
Đây là công cụ được nhiều người khuyến khích sử dụng trong việc phân tích các bảng
số liệu có nhiều đột biến, nhằm phản ánh chính xác hơn bản chất, thay cho số trung
bình (mean/ average) mà người ta quen dùng.
Ví dụ như khi tính tài sản một làng có 100 gia đình.
Nếu gia cảnh 100 hộ không chênh lệch quá nhiều, hộ giàu nhất có 100 triệu,
nghèo nhất 10 triệu, các hộ còn lại nằm ở khoảng từ 10 đến 99 triệu, thì khi
chia trung bình con số có thể nằm đâu đó khoảng 50 triệu, phản ánh một cách
tương đối chính xác mặt bằng chung của khu vực.
Nhưng nếu trong 100 hộ đó, 99 hộ có tài sản từ 10-99
triệu, bỗng nhiên có riêng 1 hộ quan chức buôn chổi đót có biệt phủ chừng vài
ngàn tỷ, khi chia trung bình con số có được sẽ nằm ở mức vài chục tỷ một hộ.
Lúc này chỉ có các quan chức là thích dùng số trung
bình vì nó sẽ chứng minh mức sống khu vực này cực cao, một việc tất nhiên sai lệch
hàng trăm lần so với thực tế (trừ phi nhà quan biệt phủ đột nhiên đổi tánh hướng
thiện, chia lại tài sản cho dân – việc này tất nhiên còn xa rời thực tế gấp
ngàn lần).
Số trung vị vì thế sẽ được ưu tiên dùng đến trong những
trường hợp trên. Bất kể việc quan biệt phủ có giàu đến đâu, người ta vẫn sẽ chỉ
lựa chọn con số đứng giữa bảng số liệu, đâu đó khoảng chừng 50 triệu, để phản
ánh (tương đối chính xác) bức tranh chung về tài sản của các hộ dân trong khu vực.
Quay lại với những người lao động tại Mỹ. Con số
trung vị được dùng ở đây nhằm chứng minh những câu chuyện về các nhân viên phục
vụ sống sung túc bằng tiền boa tại các nhà hàng cao cấp chỉ là số ít, không phản
ánh bức tranh thực tế của đa phần các lao động khác.
Có rất nhiều người không nhận ra rằng khi một công
dân phải sống ở mức nghèo khổ, đó không hề là chuyện riêng của anh/ cô ta, chẳng
liên quan gì đến mình.
Những người nghèo với thu nhập không đủ trang trải
các chi phí cơ bản sẽ buộc phải dựa vào trợ cấp của chính quyền, từ các phần hỗ
trợ mua thực phẩm (kiểu chương trình tem thực phẩm Food
Stamp) đến bảo hiểm y tế (như Medicaid).
Tất cả những chương trình phúc lợi này, tất nhiên, đều được lập ra và duy trì từ
tiền đóng thuế của người dân.
Số liệu còn chỉ ra rằng không có căn cứ nào trong những
lời dọa dẫm đáng sợ của NRA típ về việc, một khi thay đổi hệ thống (trả lương đầy
đủ cho nhân viên, đảm bảo phúc lợi …) sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ ngành
công nghiệp nhà hàng.
https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2019/08/image1-1-768x691.png
Biểu đồ so sánh tỷ lệ tăng trưởng về số lượng nhà
hàng và số lượng tuyển dụng giữa khu vực “công bằng” và phần còn lại. Nguồn: Viện
chính sách kinh tế EPI.
So sánh về tăng trưởng giữa hai khu vực, nơi có chế
độ đối xử công bằng (tám bang trả lương như nhau) và phần còn lại, người ta nhận
thấy khu vực “công bằng” có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn phần còn lại cả về số lượng
các nhà hàng lẫn số lượng tuyển dụng.
Nó chứng minh việc áp dụng chế độ trả lương công bằng
cho các lao động không những không phải là thảm họa khủng khiếp như NRA típ vẫn
thường nhấn mạnh, nó còn có thể là chất xúc tác cho tăng trưởng bền vững.
Phân tích về mức thu nhập của người lao động nhận
típ tại ba khu vực cũng đồng thời chỉ ra, những người tại khu vực “công bằng”
có mức thu nhập cao hơn so với các đồng nghiệp tại hai khu vực “thấp” và “giữa”.
Nó bác bỏ thêm một luận điểm khác rằng một khi trả lương tất cả như nhau, khách
hàng sẽ ngừng típ và người lao động sẽ chịu thiệt hại.
Sao vẫn níu giữ?
Một lý do có vẻ rất kinh tế và logic thường được viện
dẫn cho việc duy trì “chế độ típ đạn” là nó giải quyết vấn đề rủi ro đạo đức giữa
“người ủy thác – người nhậm thác”, hay “ông chủ – người đại diện” (principal –
agent problem).
Một cách đơn giản, lập luận đưa ra là những người phục
vụ có động cơ khác với chủ sử dụng lao động. Họ có xu hướng làm việc qua loa,
không chú trọng chất lượng phục vụ, không quan tâm chăm sóc khách hàng, ảnh hưởng
đến việc kinh doanh chung của doanh nghiệp, mà chủ sử dụng lao động không thể
có mặt trực tiếp mọi lúc mọi nơi để giám sát.
Việc từ chối trả lương đủ sống cho họ, trao lại quyền
(hay nghĩa vụ?) cho khách hàng là đảm bảo khách, những người có cơ sở đánh giá
đầy đủ toàn diện nhất về chất lượng công việc của nhân viên, sẽ đưa ra quyết định
chính xác và hợp lý nhất về phần thu nhập mà nhân viên đáng được hưởng.
Có rất nhiều vấn đề với lập luận này.
Nếu chấp nhận nó, liệu có phải tất cả lao động làm
công việc có tiếp xúc với khách hàng đều không đáng được nhận lương và sẽ phải
chịu nhận tiền boa để có thu nhập?
Không có lý do gì chỉ một nhóm đối tượng lao động
riêng biệt mới phải áp dụng rủi ro đạo đức, còn những lao động khác lại miễn
nhiễm với nó.
Và nếu áp dụng triệt để luận điểm trên, tất cả lao động,
cho dù có tiếp xúc với khách hàng hay không, cũng đều không cần được trả lương.
Đơn giản vì họ đều có động cơ khác so với người chủ sử dụng lao động.
Bỏ qua tính chất “ngoại lệ” vô lý của nó, các nghiên
cứu thực tế đều cho thấy có rất ít liên hệ giữa số tiền típ và
chất lượng phục vụ của nhân viên.
Trái lại, người ta tìm thấy bằng chứng nhiều hơn về
các mối
liên hệ khác, hay nói thẳng ra là sự phân
biệt đối xử khi nhân viên da trắng được boa nhiều hơn nhân viên
da màu, người trẻ được nhiều hơn người lớn tuổi, nữ được nhiều hơn nam, và thậm
chí là … ngực to ăn tiền hơn hẳn ngực
nhỏ!
Đa số khách hàng đều trả tiền típ theo thông lệ (và
các thành kiến phân biệt như trên), thay vì theo đánh giá chất lượng phục vụ của
nhân viên. Nghĩa là ngay cả trong trường hợp nhân viên có thái độ kém, phục vụ
tệ, họ vẫn sẽ để lại tiền típ.
Tiền típ trả theo thông lệ lại là một vấn đề vô lý
khác, khi nó dựa trên giá trị hóa đơn, không phải chất lượng phục vụ.
Một bữa ăn với nhiều món đắt tiền sẽ dẫn đến tiền
típ cao hơn chục lần so với bữa ăn với những món rẻ, trong khi chất lượng phục vụ
rõ ràng không thể khác biệt đến vậy.
Chưa kể trải nghiệm về chất lượng của khách không phải
chỉ do nhân viên phục vụ quyết định. Họ chỉ là người trực tiếp tiếp xúc với
khách. Món ăn được nấu ra sao, ngon dở sạch bẩn, khung cảnh bài trí được thiết
kế thế nào, rất nhiều yếu tố quyết định quan trọng đến trải nghiệm dịch vụ đều
không liên quan đến nhân viên trực tiếp phục vụ.
Bỏ qua mọi thứ vô lý trên, nhiều người vẫn bám trụ
vào việc duy trì truyền thống típ đạn này. Trong đó có không ít khách hàng
không muốn có sự thay đổi.
Đó là những người muốn duy trì quyền được kiểm soát
cuộc sống của người khác.
Khi người lao động chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất
là tiền boa, khách hàng trở thành ông chủ lớn của họ.
Điều này góp phần tạo nên một trong những môi trường
làm việc tệ nhất nước Mỹ, đặc biệt đối với phụ nữ.
Khảo sát cho thấy có tới gần 90% phụ nữ làm các công
việc nhận típ đã từng ít nhất một lần bị quấy rối hoặc tấn công tình dục tại
nơi làm việc. Những người làm việc tại các khu vực có chế độ trả lương phân biệt
có xác suất gặp phải những trường hợp quấy rối cao gấp hai lần so với các đồng
nghiệp tại các khu vực có chế độ công bằng.
Các hành vi từ chọc ghẹo thô tục, động chạm thân thể
cho tới tấn công thể xác diễn ra phổ biến. Nhiều nạn nhân không nhận được sự bảo
vệ từ đồng nghiệp hay ông chủ. Có những trường hợp nạn nhân sau khi tố cáo còn
bị yêu cầu phải giấu mặt đi mỗi khi kẻ xâm phạm xuất hiện, tránh làm họ mất nhã
hứng vì đó là “khách sộp”, thường boa nhiều tiền.
Thủ phạm quấy rối, tấn công họ không chỉ có khách
hàng. Nhiều nhân viên nữ phải chịu đựng các đồng nghiệp, cấp trên và cả ông chủ,
nếu không muốn bị điều chuyển mất ca làm việc những buổi tối cuối tuần, thời điểm
đông khách và nhận được nhiều tiền típ nhất.
Một nhân viên phục vụ nữ tại Texas đã chất
vấn các Thượng nghị sĩ trong một buổi họp báo: “Sẽ ra sao nếu
thu nhập của các ngài phụ thuộc vào độ vui buồn của những người mà các ngài phục
vụ? Vì thu nhập của tôi phải phụ thuộc vào những người tôi phục vụ, tôi phải chịu
đựng một gã luôn bóp mông mình mỗi ngày, để tôi có thể kiếm đủ tiền nuôi sống đứa
con trai bốn tuổi của mình mỗi ngày.”
Nạn nhân cũng không chỉ có nữ. Các nhân viên nam và
những người chuyển giới cũng gặp tình trạng quấy rối tương tự, dù ở mức độ thấp
hơn.
Điều tệ hại là tình trạng này diễn ra phổ biến đến mức,
cũng giống như việc cho tiền boa, nó được nhiều người xem là một thứ “văn hóa
công sở”.
Khảo sát trong số những phụ nữ đã từng làm việc tại
nhà hàng, hơn 1/3 cho biết đã nghỉ việc do gặp phải tình trạng quấy rối.
Những người từng làm việc trong môi trường này cũng
có xác suất cao hơn trong việc nhắm mắt chấp nhận bỏ qua tình trạng quấy rối tại
nơi làm việc mới.
Có vẻ môi trường cũ đã thành công trong việc “dạy” họ
rằng đó là một thứ “văn hóa” phổ biến, không thể thay đổi.
Tương lai không thuộc về những người nhắm mắt chịu trận
Giữa tháng 7/2019 vừa rồi, Hạ viện Mỹ đã thông
qua “Dự luật tăng lương” (Raise The Wage Act). Trong những nội
dung của dự luật, có hai điểm quan trọng, một là lộ trình nâng mức lương tối
thiểu lên 15 đô la/ giờ từ nay đến năm 2024, và hai là xóa bỏ chế độ lương kép
áp đặt lên các lao động nhận típ.
Những người lạc quan thì hồ hởi, rốt cuộc cũng đến
lúc. Những người thực tế hơn thì chỉ ghi nhận, giờ mới là bắt đầu.
Họ biết rằng cuộc chiến này đã kéo dài hàng trăm
năm, và trải qua quá nhiều lần bị vùi dập.
Chế độ lương kép với việc áp đặt tiêu chuẩn riêng
cho lao động nhận tiền típ đã tạo nên một trong những hệ thống lương nhập nhằng
phức tạp nhất ở Mỹ.
Nó là đối tượng của vô số màn kiện tụng giữa các
bên, từ nhân viên kiện ông chủ, đến chủ kiện chính quyền, và các tòa án thì ra
những phán quyết mâu thuẫn
nhau.
Nó đẻ ra đủ mọi khái niệm nhập nhằng. Người ta phải
bứt tóc tính toán thế nào là “khoản lợi típ” (tip credit – quy định khoản tiền
típ mà người sử dụng lao động có thể trích ra từ số tiền boa của khách hàng).
Người ta tranh cãi kiện tụng về “khoản chia sẻ típ” (tip pooling – hình thức
chia sẻ tiền boa giữa các nhân viên), xem ai mới được quyền và được phần chia sẻ.
Các ông chủ và nhân viên bất đồng về việc phân chia nội dung công việc theo quy
định 80/20, rằng chủ sẽ không được lấy “khoản lợi típ” của nhân viên
có được từ những phần việc mà nhân viên bỏ ra quá 20% thời gian của họ để thực
hiện.
Các bên đòi kéo lên cả Tối cao pháp viện để giành
phán quyết về ai mới là chủ sở hữu của số tiền típ (Tối cao pháp viện vào tháng
6/2019 đã từ
chối thụ lý hai vụ kiện này).
Tất cả những màn tranh cãi (vô nghĩa) này sẽ không
xuất hiện nếu người Mỹ quyết định đã đến lúc bỏ đi thứ “văn hóa” kéo dài hàng
trăm năm qua, vừa là tàn dư của chế độ nô lệ, lại vừa là hạt giống của những bất
công cũ lẫn mới.
Ở châu Âu, nơi được xem là khởi nguồn của văn hóa
típ đạn, từ đầu và giữa thế kỷ 20 các chính quyền đã đưa ra những quy định việc
đưa khoản “thu dịch vụ” (service charge) vào trong hóa đơn, minh bạch mọi khoản
thu, không để nhân viên phụ thuộc vào tiền boa và cũng không để khách hàng phải
gồng gánh trả lương nhân viên thay chủ lao động.
Văn hóa tiền boa ở những nơi này vẫn tồn tại, nhưng
đó hoàn toàn là hình thức tự nguyện và theo đúng nghĩa “tri ân”, nếu khách hàng
thực sự hài lòng với chất lượng của dịch vụ.
Người Mỹ thật ra không cần phải nhìn ra bên ngoài lãnh
thổ của mình, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước vừa trả lương công
bằng cho mọi nhân viên, lại vừa có những cách thức hạn chế các hệ quả tiêu cực
từ tiền típ.
Chuỗi nhà hàng của Danny Meyer thường được xem là một
trong những điển
hình thành công của việc chủ động thay đổi thứ văn hóa thâm căn
khó chữa này của người Mỹ.
Giống như mọi thay đổi tích cực khác, không có gì diễn
ra dễ dàng.
Thời gian đầu khi đưa ra chính sách gộp tiền típ vào
trong hóa đơn dịch vụ, trả lương như nhau cho mọi nhân viên, ông ghi nhận 40%
nhân viên phục vụ lâu năm của mình đã nghỉ việc.
Nhưng đó là sự đánh đổi ông chấp nhận, khi đa phần
khách hàng đều phản hồi tích cực, nhờ vào việc họ trút bỏ gánh nặng phải suy
nghĩ tính toán để lại bao nhiêu tiền boa cho hợp lý. Những nhân viên mới vào
làm việc cũng là những người cùng chí hướng, muốn gắn bó lâu dài cùng doanh
nghiệp.
Một mô
hình khác được xem là đặt lợi ích của người lao động lên hơn một
nấc là của nhà hàng Packhouse Meats tại bang Kentucky. Ông chủ tại đây, Bob Conway,
cũng quyết định bỏ việc đưa nhận tiền típ, đặt các thông báo dành cho khách
hàng, thậm chí trả lại tiền boa cho khách. Conway cho các nhân viên phục vụ của
mình quyết định lựa chọn vào cuối mỗi ca làm việc, hoặc nhận mức lương 10 đô
la/ giờ, hoặc nhận 20% doanh thu bán đồ ăn uống trong ca làm việc của họ.
Cách làm này vừa đảm bảo nhân viên có động lực phục
vụ khách để bán được nhiều sản phẩm, vừa đảm bảo trong trường hợp tệ nhất, họ
cũng được nhận số tiền đủ đảm bảo chi phí cho mình.
Những ông chủ như Conway hay Meyer đang xuất hiện
ngày một nhiều. Nhưng họ không phải là động lực chính của thay đổi.
Thay đổi luôn đến từ những người lao động, những người
chịu trách nhiệm chính cho cuộc đời mình.
Nó chỉ đến khi họ nhận ra, cho dù mình thấp cổ bé họng,
nhưng nếu biết đứng lên đòi quyền lợi, không chịu chấp nhận “số phận”, họ luôn
có thể tạo ra cơ hội cho chính mình.
Đồng hành tiếp sức cùng họ là những tổ chức nghiên cứu
như Viện chính sách kinh tế EPI,
các tổ chức dân sự như ROC (Đại
diện cho các lao động trong ngành nhà hàng).
Trong một xã hội tự do thật sự, nơi hoạt động của
các tổ chức dân sự độc lập luôn được đảm bảo, mọi cá nhân đều có quyền tin tưởng
tiếng nói của mình không bao giờ cô độc.
Dự luật tăng
lương nhiều khả năng sẽ không qua được ải Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm đa số,
và cũng sẽ vấp phải sự chống trả của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn
luôn nghiêng hẳn cán cân quyền lực về giới doanh nghiệp thay vì bảo vệ lợi ích
cơ bản của người lao động.
Nhưng một khi những con người tự do không còn nhắm mắt
chịu trận, ý thức được việc phải đứng lên giành lấy quyền lợi cho chính mình, họ
sẽ không bao giờ dừng lại.
Cho dù có phải mất thêm cả trăm năm.
No comments:
Post a Comment