Trần Doãn Nho/Người Việt
August 9, 2019
Toni Morrison, phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên đoạt
giải Nobel văn chương, vừa qua đời một cách bình an tại Trung Tâm Y tế
Montefiore, thành phố New York, vào ngày 5 Tháng Tám, 2019, hưởng thọ 88 tuổi,
vì bị bệnh sưng phổi. Cái chết của bà lập tức được truyền thông khắp thế giới
đưa tin một cách trang trọng.
-Margalit Fox (New York Times): Toni Morrison là nhà
văn đỉnh cao (towering novelist) của kinh nghiệm da đen ở Mỹ.
-Josyane Savigneau (Le Monde, Pháp): Toni Morrison,
một nhà văn tự do và nổi loạn.
-Ron Charles (Washington Post): Toni Morrison không
chỉ làm cho văn chương Mỹ khác đi mà còn thách đố chúng ta chống lại sự tồn tại
dai dẳng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
-Gene Seymour (CNN): Toni Morrison thắp sáng lối đi
để dẫn chúng ta ra khỏi những hoàn cảnh rối rắm.
-Điện Élysée (Phủ Tổng Thống Pháp) ra thông cáo ca
ngợi các tác phẩm của Toni Morrison được hình thành bằng những “đòi hỏi lớn về
thơ ca, đạo đức và chính trị.”
-Cựu Tổng Thống Barack Obama: “Toni Morrison là một
tài sản quốc gia, một người kể chuyện hay, quyến rũ, ở bên ngoài cũng như trên
trang giấy.”
Tổng Thống Barack
Obama trao tặng Huân Chương Tự Do của Tổng Thống cho nữ văn sĩ Toni Morrison
vào năm 2012. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Toni Morrison sinh năm 1931 tại Lorain, tiểu bang
Ohio, tên thật Chloe Anthony Wofford, là con thứ hai của một gia đình bốn con,
lao động nghèo. Lúc còn nhỏ, bà mê đọc những tác phẩm văn chương Âu Châu như của
Jane Austen và Leo Tolstoy.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân Anh Văn ở Đại Học Howard,
một đại học danh tiếng của người da đen ở Washington, D.C., năm 1955, và tốt
nghiệp cao học tại Đại Học Cornell năm 1957, bà dạy Anh Văn tại một số trường đại
học.
Bà kết hôn với một kiến trúc sư người Jamaica, có
hai người con, nhưng cuộc sống chung không hạnh phúc. Sau khi ly dị, năm 1965,
bà chuyển đến New York làm việc cho nhà xuất bản Random House, trước hết, là
biên tập viên sách giáo khoa và sau đó, trở thành trưởng ban tuyển đọc tác phẩm
văn chương hư cấu.
Với vai trò này, trong vòng gần 20 năm, bà đóng một
vai trò quan trọng trong việc mang văn chương da đen Mỹ và thế giới vào giòng
chính ở Mỹ. Một trong những tác phẩm đầu tiên trong loại này là tuyển tập Văn
Chương Phi Châu Đương Đại (Contemporary African Literature), trong đó có hai
nhà văn xứ Nigeria Wole Soyinka (Nobel văn chương 1986) và Chinua Achebe mà tác
phẩm “Things Fall Apart” sau này trở thành kiệt tác của văn chương thế giới.
Ngoài ra, bà còn thực hiện một tác phẩm để đời khác
là “The Black Book” (1974), một hợp tuyển đủ loại, từ nhiếp ảnh, tranh minh họa,
tiểu luận và nhiều tài liệu khác về đời sống của những người da đen ở Hoa Kỳ từ
thời kỳ chế độ nô lệ đến năm 1970. Năm 1983, bà giảng dạy tại hai đại học tiểu
bang New York.
Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch Quỹ Albert
Schweitzer của Đại Học New York ở Albany, nơi bà dạy sáng tác cho các nhà văn
trẻ. Từ 1989 đến lúc về hưu năm 2006, bà là giáo sư danh dự (professor
emeritus) tại Đại Học Princeton.
Vào thời gian cuối đời, bà cư ngụ ở Grand
View-on-Hudson, New York.
Nhà văn nữ da đen
Toni Morrison. (Hình: Patrick Kovarik/AFP/GettyImages)
Về sáng tác, Toni Morrison có tất cả 11 truyện dài:
-“Bluest Eye” (1970): Truyện dài đầu tay, kể chuyện
một cô gái da đen, lớn lên bị mặc cảm tự ti vì mình không có được đôi mắt xanh
như những cô gái da trắng cùng lứa tuổi, nên suốt đời cô chỉ có một ước mơ là
có được đôi mắt xanh. Giấc mơ không bao giờ thành, đã thế, cô lại còn chịu đựng
một bất hạnh khác là bị người cha say rượu hiếp dâm đến mang thai, cho nên về
sau, cô trở nên điên loạn. Tác phẩm này bị cấm lưu hành trong trường và trong
thư viện một thời gian dài vì đề tài dính líu đến chuyện loạn luân và bạo động,
chi tiết và ngôn ngữ quá “hiện thực,” không thích hợp với những học sinh nhỏ tuổi.
-“Sula” (1973): Kể chuyện hai người bạn thân Nel và
Sula qua những chặng đường đời khác nhau nhằm thăm dò cái thiện và cái ác trong
cuộc sống.
-“Song of Solomon” (1977): Kể về chuyến hành trình
đi tìm về cội nguồn của một người đàn ông.
-“Tar Baby” (1981): Mô tả một mối tình thuộc loại lý
tưởng giữa một cô người mẫu thời trang và một chàng thành niên mới nhập cư
không một đồng xu dính túi.
-“Beloved” (1987): Đây cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất
của bà. Truyện lấy cảm hứng từ một câu chuyện thật về một người phụ nữ nô lệ da
đen, mà Morrison khám phá ra khi thực hiện tuyển tập “The Black Book.” Sethe,
nhân vật chính, mang con mình tìm cách trốn thoát khỏi vùng đất vẫn còn
chế độ nô lệ, nhưng không thoát. Trước khi bị bắt, cô tìm cách giết hai đứa con
gái của mình chỉ vì không muốn chúng lớn lên để làm người nô lệ như cô, nhưng
chỉ giết được đứa con nhỏ hai tuổi. Đứa con này chưa kịp đặt tên, nên khi chôn
cất, chỉ ghi trên bia mộ chữ “Beloved” (Con Yêu Dấu).
Cô và đứa con gái lớn sau đó được thả, đến được vùng
đất tự do. Tuy nhiên, cô và con cái vẫn không được sống an lành như mong ước vì
vị hồn ma của “Beloved” ám ảnh, khuấy phá khiến cho hai đứa con trai phải trốn
khỏi nhà và đứa con gái đầu trở nên nhút nhát, sợ hãi, thụ động. Hồn ma của đứa
bé trở thành biểu tượng ngoại diện của những chấn thương bị dồn ép của những
người da đen sống trong xã hội nô lệ, trong đó con người bị đánh mất mình, cá
tính bị phân ly, gãy khúc, sống bằng những ám ảnh kinh khủng của quá khứ.
Truyện được viết bằng nhiều giọng văn khác nhau, kể
cả những độc thoại nội tâm với nhiều hình ảnh và chi tiết sống động. Chính điểm
này là một trong những yếu tố khiến truyện của bà được xem như là sự tổng hợp
giữa “sức mạnh viễn kiến” (visionary force) và “nội dung dồi dào chất thơ”
(poetic import) thể hiện một cách sống động khía cạnh cốt lõi của hiện thực xã
hội Mỹ, theo cách nói trong bảng thông báo của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, vinh
danh và trao tặng giải thưởng Nobel cho bà vào năm 1993. Truyện này được dựng
thành phim năm 1998 do đạo diễn Jonathan Demme thực hiện với Oprah Winfrey, phụ
nữ da đen lừng lẫy của ngành truyền thông Mỹ, đóng vai chính.
“Beloved” là tác phẩm đầu tiên trong tác phẩm bộ ba
(trilogy) đề cập đến tình yêu và lịch sử của người Mỹ gốc Phi. Hai truyện kế tiếp
trong bộ ba này là “Jazz” (1992) và “Paradise” (1997).
-“Love” (2003): Viết theo lối phi-tuyến-tính
(non-linear) kể chuyện của nhiều phụ nữ và liên hệ tình cảm của họ với một ông
chủ khách sạn đột ngột bị chết.
-“A Mercy” (2008): Kể chuyện về tệ nạn buôn bán nô lệ
ở Mỹ vào thế kỷ 17.
-“Home” (2012): Kể chuyện một cựu chiến binh trong
chiến tranh Triều Tiên, hồi hương, tìm cách cứu em gái khỏi bị hành hạ bởi một
bác sĩ da trắng.
-“God Help the Child” (2015): Kể chuyện một cô nhân
viên có làn da ngăm đen đẹp làm việc trong ngành thời trang và thẩm mỹ, nhưng
luôn bị ám ảnh bởi những chấn thương từ thuở nhỏ vì bị bà mẹ có nước da sáng
hơn hành hạ.
Ngoài truyện dài, bà còn viết kịch, viết sách cho trẻ
con và nhiều tiểu luận về các đề tài khác nhau.
Toni Morrison đoạt được nhiều giải thưởng văn
chương: Pulitzer Prize (1988), Nobel Prize (1993), National Books Critics
Circle Award (1988), Janet Kafka Prize (1977), PEN/Saul Bellow Award (2016)… và
nhận nhiều huy chương khác: National Humanities Medal, Presidential Medal for
Freedom (2012), vân vân.
Là nhà văn nữ da đen viết từ bối cảnh văn hóa và gốc
gác của mình, Toni Morrison đã dành cả đời mình đấu tranh để xác định căn cước
của người phụ nữ da đen ở Hoa Kỳ xuyên qua và bằng văn chương.
Cùng với những nhà văn đoạt giải Nobel khác như
William Faulkner, Gabriel Garcia Marquez hay Saul Bellow, bà “phóng lớn kinh
nghiệm riêng của mình và lịch sử riêng của chủng tộc da đen bằng ngôn ngữ và
hình tượng sinh động, khiến cho những kẻ hẹp hòi nhất cũng tìm thấy một chút gì
của mình trong đó,” theo nhận xét của Gene Seymour trong một bài viết tưởng niệm
bà trên CNN.
Bà đã đưa ra ánh sáng thân phận khắc nghiệt và tồi
tàn, đồng thời chuyển tải một cách sống động bản chất cuộc sống của những người
Mỹ gốc Phi, nhất là phụ nữ – vốn là những người vẫn bị đặt ở bên lề trong văn
chương cũng như trong đời sống – từ những tủi nhục trong thời kỳ nô lệ cho đến
những bất bình đẳng kéo dài cả hơn một thế kỷ tiếp theo, sau khi chế độ nô lệ
đã bị bãi bỏ.
Theo những nhà phê bình văn chương, truyện của bà là
một đan bện và trộn lẫn tài tình giữa huyền thoại, ma thuật và hiện thực khắc
nghiệt của người phụ nữ da đen sống trong hoàn cảnh của một xã hội phân biệt chủng
tộc và ghét phụ nữ (misogyny). Mặc dầu tập trung viết về thân phận của phụ nữ
như thế, nhưng bà không xem mình thuộc về phong trào nữ quyền. Vì theo bà, “tôi
đã không tán thành chế độ phụ hệ thì mắc mớ gì phải tán thành chế độ mẫu hệ.”
Được hỏi về sự khác biệt giữa phụ nữ da trắng và phụ
nữ da đen, bà cho rằng cả hai rất khác nhau, mà khác nhau lớn nhất nằm trong
trong tương quan giữa người phụ nữ với chồng: về mặt lịch sử, phụ nữ da đen thường
che chở cho chồng mình bởi vì đàn ông da đen là những người dễ bị giết nhất khi
ra ngoài làm việc để nuôi gia đình. Thực là một nhận xét sắc bén.
Chào vĩnh biệt Toni Morrison, một tài năng Đen hiếm
quý! (Trần Doãn Nho)
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
-Wikipedia
-Union Journalism (www.unionjournalism.com/2019/08/06/the-decorated-novelist-and-nobel-prize-laureate-toni-morrison-died-at-88/)
-Da Màu (https://damau.org/13876/toni-morrison)
-Le Figaro (http://plus.lefigaro.fr/tag/toni-morrison)
No comments:
Post a Comment