Khi vào bệnh viện thăm sau khi ông vừa trải qua ca
phẫu thuật thập tử nhất sinh vào tháng 11-2017, tôi thấy mình mẩy ông được gắn
đầy thiết bị y tế, kể cả cổ họng. Không nói được, ông ra hiệu cô con gái lấy giấy
viết. Ông cụ hơn 90 tuổi [*] – giáo sư Lê Xuân Khoa – run rẩy viết nguệch
ngoạc: “Tôi lo mất nước về tay Tàu rồi”!
“Mất nước” – như thế nào là “mất nước”? “Mất nước”
thời thế kỷ 21 không giống như khái niệm “mất nước” giai đoạn bị đô hộ dưới ách
thống trị quốc gia khác, khi kẻ đô hộ có thể cai trị trực tiếp hoặc áp đặt cai
trị bằng một bộ máy bù nhìn. Sự lệ thuộc chính trị và kinh tế thời nay đã tạo
ra những phiên bản đô hộ kiểu mới. Quốc gia bị đô hộ vẫn có “chủ quyền”, vẫn có
bộ máy nhà nước riêng và đầy đủ “công cụ” để gìn giữ an ninh quốc gia, từ công
an, tình báo đến quân đội. Tuy nhiên, thực dân mới không cần thò chân sâu vào
trong và ngồi hẳn lên chiếc ghế chủ nhà. Chúng chỉ cần thọc tay điều khiển hoặc
tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự vận hành guồng máy kinh
tế và thậm chí chính trị. Chúng dùng mọi thủ đoạn có thể, để không chỉ khống chế
kinh tế mà còn làm lệ thuộc kinh tế.
Phiên bản xâm chiếm quốc gia bằng quyền lực mềm vài
năm gần đây đã được ám chỉ đến sự bành trướng Trung Quốc. Những than van “mất
nước về tay Tàu” không chỉ được nghe ở một hoặc vài quốc gia. Các phóng sự nặng
ký của New York Times về sự phủ bóng Trung Quốc ở Trung Á đã không chỉ một lần
nêu lên cảm thán “mất nước” mà người dân các quốc gia này thốt lên. Ở châu Phi
cũng văng vẳng than van “mất nước” trước sự xuất hiện dày đặc Trung Quốc. Ở
Đông Nam Á, một trong những quốc gia đang cúi mình để “sang nhượng” không chỉ
tài nguyên, đất đai mà cả quyền lực chính trị cho Trung Quốc, không thể không kể,
là Campuchia. Với nhiều người Trung Á, châu Phi, hay Campuchia hoặc Lào, họ
không nghĩ họ đang bị mất nước. Quốc gia họ vẫn còn đó, cờ tổ quốc vẫn phất phới
bay, mỗi sáng trường học vẫn hát quốc ca. Chính phủ nước họ vẫn đi dự các phiên
họp LHQ. Quân đội họ vẫn ôm súng “bảo vệ biên cương”… Tuy nhiên, với không ít người
khác, họ tin là quốc gia mình đã “mất nước về tay Tàu rồi”.
Không như các nước Trung Á hay châu Phi, Việt Nam
không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất thế giới
đi theo cái bóng Trung Quốc, áp dụng mô hình chính trị gần tương tự Trung Quốc,
sử dụng ngôn ngữ chính trị lẫn ngoại giao bằng “từ vựng Trung Quốc” (chẳng hạn
khái niệm “diễn biến hòa bình”). Quân đội Trung Quốc và quân đội Việt Nam thậm
chí vận quân phục gần tương tự. Chưa có quan hệ song phương nào trên thế giới
hiện nay được miêu tả bằng những từ ngữ đẹp đẽ như trường hợp Trung Quốc-Việt
Nam. Ngay cả khi Trung Quốc không ít lần dùng những cách nói vô luân như “dạy
Việt Nam một bài học”, hay “Việt Nam là đứa con hoang”…, Việt Nam vẫn khẳng định
“mối quan hệ tốt đẹp” với Trung Quốc.
Khó có thể nói Việt Nam thật bụng trong cách thể hiện
với Trung Quốc, nhưng bất luận giả hay thật đằng sau hậu trường như thế nào,
thì cũng thấy Việt Nam đang rất thật trong việc… rất giả dối với chính người
dân về mối quan hệ với Trung Quốc. Điều gì khiến Việt Nam không trung thực với
người dân? Việt Nam không ít lần “bất mãn” và “căm tức” nhưng cuối cùng vẫn ngậm
bò hòn làm ngọt với Trung Quốc. Tại sao lại thế? Ai khai sinh ra cái chủ trương
“Ba Không” trong quan hệ đối ngoại Việt Nam để ngày nay gần như bất kỳ người
dân nào, dù ít am hiểu chính trị, cũng có thể thấy Trung Quốc đang lợi dụng triệt
để chính sách “Ba Không” của Việt Nam và ngày càng dồn Việt Nam vào thế khó xử?
Điều gì mới thật sự là nguy cơ đối với dân tộc Việt Nam: mất nước hay mất thể
chế?
“Mất nước” – điều này có hay không? Người dân chưa
bao giờ được giải đáp thỏa mãn từ chính cái bộ máy nhà nước đang ở vị trí thay
mặt họ để bảo vệ chủ quyền. Người dân chưa bao giờ được giải thích tại sao có
những “đặc khu Trung Quốc”, như Formosa (dù trên bề mặt thuộc tập đoàn Đài
Loan), lại trở thành nơi không có người Việt nào “không phận sự” được phép vào.
Người dân cũng không biết Việt Nam đã thỏa hiệp với Trung Quốc những gì sau mỗi
lần xảy ra xung đột, từ vụ cắt cáp tàu Bình Minh, vụ giàn khoan HD-981 đến vụ
bãi Tư Chính đang diễn ra. “Mất nước” rồi chưa? Không ai có thể trả lời xác
đáng. Tuy nhiên, cờ quốc gia vẫn tung bay không có nghĩa là chủ quyền vẫn còn.
Hãy nhìn sang Trung Á, nhìn qua Campuchia, và nhìn lại mình. Cho đến một ngày
mà người dân có thể nhìn thấy được “bàn tay” thật sự kẻ nào đang cầm ngọn cờ
dân tộc để vẫy thì lúc đó không chỉ là mất nước!
...
[*] Trong bài có một chi tiết không chính xác: năm
2017, cụ Lê Xuân Khoa 89 tuổi chứ không phải hơn 90 tuổi như trong bài (cụ sinh
năm 1928). Xin đính chính lại.
---------------------------------------
Liên minh không phải là phạm trù vĩnh cửu. Có thể
vào liên minh rồi lại ra khỏi liên minh. Liên minh ngắn hạn. Liên minh dài hạn.
Liên minh đầy đủ. Liên minh không đầy đủ. Liên minh song phương. Liên minh đa
phương. Nhưng đây là giai đoạn Việt Nam phải chọn liên minh.
KHÔNG THỂ KHÔNG CÓ ĐỒNG MINH
1. Trong thời đại tích hợp toàn cầu như ngày nay,
không một quốc gia nào có thể đứng một mình riêng biệt. Mạnh cũng phải liên
minh. Yếu cũng phải liên minh. Lớn cũng phải liên minh. Bé cũng phải liên minh.
2. Mạnh thì tự mình thành hạt nhân của liên minh. Yếu
thì trở thành thành viên của liên minh. Vì thế mà hình thành các cực.
Đó là thuận theo quy luật tự nhiên. Như mặt trời là
trung tâm của thái dương hệ, với các vệ tinh: thủy tinh, kim tinh, quả đất, hỏa
tinh, mộc tinh, thổ tinh, thiên vương tinh, hải vương tinh. Đến lượt mình, thái
dương hệ là thành viên của ngân hà. Còn ngân hà là một thiên hà trong vô vàn
thiên hà của vũ trũ vô biên không đầu không cuối.
3. Vũ trụ biến đổi không ngừng. Các thành viên vũ trụ
không ngừng thay đổi: sinh rồi diệt, diệt rồi sinh. Các cực trong vũ trụ vì thế
cũng không ngừng đổi thay.
Xã hội loài người không thể thoát ra ngoài quy luật
của tạo hóa. Thời thế đổi thay thế nước cũng thay đổi. Nước mạnh rồi cũng suy yếu.
Nước yếu cũng có thời trở nên mạnh. Các liên minh hợp rồi tan. Các cực tan rồi
xuất hiện.
4. Thuận theo tạo hóa thì không thể một mình đứng
riêng. Cho nên, mạnh như nước Mỹ cũng phải liên minh, giỏi như người Đức, người
Nhật, người Pháp cũng không dại gì đứng một mình trong thế giới đa cực.
Đến như nước Nga hiện thời, tự mình đã mạnh thành một
cực. Nhưng vẫn bị rơi vào thế yếu mà phải nhắm mắt liên minh tạm thời với một đồng
minh không tin cậy và đồng thời cũng là kẻ đối địch tiềm tàng như Trung quốc. Để
thấy không nước nào không có đồng minh. Không liên minh nào là vĩnh viễn.
5. Việt Nam không đủ sức hút để tự mình trở thành
trung tâm cực thì Việt Nam chắc chắn phải bị hút mạnh hơn vào một cực nào đó.
Việt Nam không thể đứng một mình. Đứng một mình không rơi vào một hệ nào là đi
ngược với quy luật của tạo hóa.
Vậy Việt Nam phải đứng vào liên minh nào?
Muốn trả lời câu hỏi này thì phải hỏi:
- Kẻ nào đang xâm phạm và sẽ xâm phạm quyền lợi của Việt Nam?
- Liên minh nào có thể đảm bảo tốt hơn quyền lợi của Việt Nam?
Từ hai câu hỏi đó thì biết Việt Nam không chọn liên
minh nào:
- Trung quốc cộng sản là kẻ đã xâm chiếm lãnh thổ của
Việt Nam. Trung quốc cộng sản sẽ tiếp tục xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.
Trung quốc cộng sản hiện nay là kẻ thù của Việt Nam chứ không phải là đồng minh
của Việt Nam. Nên Việt Nam không thể đứng vào liên minh của Trung quốc cộng sản.
6. Liên minh không phải là phạm trù vĩnh cửu. Có thể
vào liên minh rồi lại ra khỏi liên minh. Liên minh ngắn hạn. Liên minh dài hạn.
Liên minh đầy đủ. Liên minh không đầy đủ. Liên minh song phương. Liên minh đa
phương. Nhưng đây là giai đoạn Việt Nam phải chọn liên minh.
7. Người sáng suốt thì biết chọn liên minh khỏe mạnh
mà gia nhập. Kẻ mù quáng thì bị rơi vào liên minh bệnh tật.
Nếu không biết chọn liên minh nào thì cứ học theo đa
số những người giỏi. Họ đứng vào liên minh nào thì theo mà xếp hàng vào nơi đó.
------------------------------------
Trung Nguyễn
07/08/2019
Những ngày này, khi truyền thông chính thống trong
nước dưới sự kiểm duyệt của đảng Cộng sản không còn đưa tin về tình hình bãi Tư
Chính nữa, có lẽ người dân Việt Nam cũng ngầm hiểu rằng tình hình ở bãi Tư
Chính đang rất tồi tệ.
Có lẽ cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã đẩy lui được
các tàu hải quân, cảnh sát biển của Việt Nam. Có lẽ Trung Cộng đã bắt đầu tiến
hành xây dựng mở rộng trên bãi Tư Chính như đã từng làm với các đảo khác thuộc
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Có lẽ và có lẽ… Những phỏng đoán
bi quan cứ làm quặn thắt trái tim những người con đất Việt.
Không còn hy vọng gì ở đảng Cộng sản
Đại sứ Nguyễn Trường Giang có bài viết trên VietNamNetvới lời lẽ đanh thép, rằng việc Trung Cộng cho tàu thăm dò trên vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính là hành vi xâm lược. Ông cũng tố
cáo những ý kiến hèn nhát trước kẻ thù của đám Việt gian bán nước, ví dụ như
chúng cho rằng Trung Cộng quá mạnh, đảng Cộng sản Việt Nam nên vì “đại cục” “hòa
bình, ổn định” mà nhân nhượng kẻ thù. Dĩ nhiên, ông Giang không nói thì người
dân cũng hiểu rằng ông ám chỉ thành phần chủ bại trong đảng Cộng sản và lý lẽ
nhu nhược của chúng.
Tiếc rằng, có vẻ như ý kiến của ông Nguyễn Trường
Giang đã thất thế, là thiểu số trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản. Bằng chứng
là, đường dẫn bài viết của ông trên Vietnamnet đã bị gỡ xuống, sau
khi tồn tại được chỉ một ngày trên mạng. Đám Cộng sản Việt gian bán nước đang rất
lo sợ làm mất lòng quan thầy Bắc Kinh của chúng, sẵn sàng bịt miệng ý kiến
chính đồng chí của mình, cũng là dập tắt đi tiếng nói căm phẫn của nhân dân Việt
Nam đối với lũ cộng sản Việt gian và lũ cướp nước.
Như thế, người dân Việt Nam nên tự hiểu là không nên
hy vọng thêm một chút nào nữa vào đảng Cộng sản cầm quyền, ngay bản thân ông
Nguyễn Trường Giang cũng chưa phải là một lãnh đạo cộng sản cao cấp. Sau tất cả
những màn đàn áp, đánh đập, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước biểu tình chống
Trung Cộng xâm lược đã từng diễn ra trong quá khứ, đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng
minh rất rõ với người dân Việt Nam họ là lực lượng phản động nhất, sẵn sàng bán
nước cầu vinh, là “thế lực thù địch” thật sự của người dân Việt Nam.
Đảng viên cộng sản trở về với nhân dân vẫn còn kịp
Viết đến đây, tôi nhớ tới anh bảo
vệ và chỉ huy trong một công ty bảo vệ được an ninh Hồ Chí
Minh thuê để đàn áp dân oan mất đất ở vườn rau Lộc Hưng, quận Tân
Bình. Anh bảo vệ đã từ chối mệnh lệnh đánh đập dân của chỉ huy, để rồi chính chỉ
huy cũng bỏ việc vì không thể làm việc thất đức là đánh dân vô cớ. Hai anh thật
sự là những con người dũng cảm vì đã từ chối mệnh lệnh vô đạo đức của lực lượng an
ninh Hồ Chí Minh.
Các đảng viên cộng sản nên xem đó làm gương. Nếu các
ông bà còn ở trong đảng Cộng sản ngày nào thì ngày đó các ông bà vẫn là “thế lực
thù địch”, là “Việt gian” đối với người dân Việt Nam. Hãy dũng cảm vứt bỏ cái
thẻ đảng viên cộng sản nhục nhã đó để ngẩng cao đầu, làm một người Việt Nam
chân chính!
Thất bại ê chề của chính sách “ba không”
Để dẫn đến tình trạng quốc gia suy yếu, khiến cho kẻ
thù Trung Cộng dám dòm ngó cũng chính là lúc đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa
nhận là chính sách “ba không” để giữ nước đã thất bại. Chính sách “ba không” mà trung tướng Nguyễn Chí Vịnh
cam kết và hứa hẹn khi đi thăm Trung Quốc vào năm 2010 đó là:
1. Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng
minh quân sự của bất kỳ nước nào.
2. Không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt
Nam.
3. Không dựa vào nước này để chống nước kia.
BTQP Trung Quốc
Lương Quang Liệt (phải) tiếp Thứ trưởng BQP Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tháng
8/2010. Ảnh: Tân Hoa Xã
BTQP Trung Quốc Lương Quang Liệt (phải) tiếp Thứ trưởng
BQP Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tháng 8/2010. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Điều dễ dàng nhận thấy là giới lãnh đạo đảng Cộng sản
Việt Nam hy vọng đặt mình vào vị thế trung lập như Thụy Sỹ ở châu Âu sẽ giúp Việt
Nam được cuộc đối đầu Mỹ – Trung khốc liệt để tranh giành ảnh hưởng trên biển
Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung. Tuy nhiên, Cộng sản Việt Nam đã phạm
sai lầm nghiêm trọng vì:
1. Thụy Sỹ nằm lọt thỏm giữa các quốc gia dân chủ,
văn minh là Pháp, Đức, Ý và Áo. Các quốc gia này không có nhu cầu đi xâm chiếm
thêm đất đai kể từ sau Thế chiến thứ hai. Đây là các quốc gia phát triển ở
trình độ tương đồng nhau và thuộc hàng đầu thế giới. Họ muốn làm ăn buôn bán với
nhau chứ không phải chiến tranh.
Trong khi đó, Việt Nam lại nằm cạnh một kẻ thù truyền
kiếp là Trung Quốc. Nên nhớ là bất kỳ triều đại nào của Trung Quốc cũng đều xua
quân xâm lược Việt Nam. Nhu cầu mở rộng không gian sinh tồn xuống phía Nam của
Trung Quốc rất mạnh vì quốc gia của họ đã quá đông người, thiếu tài nguyên.
Một nước giáp với Trung Quốc là Tây Tạng đã bị cộng
sản Trung Quốc xua quân chiếm ngay sau khi đánh đuổi Quốc Dân Đảng sang Đài
Loan vào năm 1949. Tây Tạng là một quốc gia Phật giáo, vốn dĩ yêu chuộng hòa
bình, không muốn đụng chạm đến ai, kiểu như “ba không” của Việt Nam hiện tại.
Và kết cục là người dân Tây Tạng đã phải trả một cái giá rất đắt là mất nước, mất
cả nền văn hóa Tây Tạng.
2. Bài học lịch sử của Mỵ Châu lặp lại với đảng Cộng
sản Việt Nam vì họ tưởng “Bên ni biên giới là mình, bên kia biên giới cũng tình quê
hương“ (Đường sang nước bạn – Tố Hữu). Nghĩa là cộng sản Việt Nam lầm
tưởng cộng sản Trung Quốc cũng có ý tốt với mình vì có “lý tưởng tương thông”,
“vận mệnh tương quan”. Nhưng cuối cùng thì cộng sản Việt Nam đã ảo tưởng bi thảm
“Trái tim lầm chỗ để trên đầu, Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu“ (Tâm sự – Tố Hữu).
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giết hàng chục triệu người
Trung Quốc trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), giết cả những công thần như Lưu
Thiếu Kỳ. Sinh mạng đồng bào, đồng chí của cộng sản Trung Quốc còn chẳng là cái
gì thì đảng Cộng sản Việt Nam hi vọng gì vào việc cộng sản Trung Quốc sẽ đối
đãi tốt với mình hay với dân tộc mình?
3. Bản thân những quốc gia giàu có, hùng mạnh trong
khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, kể
cả Đài Loan (nếu tính Đài Loan là một quốc gia) đều phải liên kết lại với nhau
mới có đủ nguồn lực để đối phó với Trung Cộng. Cộng sản Việt Nam sau hơn bốn thập
kỷ cai trị thì ngân sách liên tục thâm hụt, lấy tiền đâu để có thể đầu tư vào
quốc phòng.
Hãy xem báo
cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương phát
hành ngày 1/6/2019. Ngay trang đầu tiên họ đã nêu bật sự đe dọa của Trung Cộng
tới hòa bình và ổn định trong khu vực, nghĩa là họ nhận diện vấn đề đúng ngay từ
đầu. Sau đó họ nêu ra các giải pháp rất rõ ràng để giải quyết vấn đề Trung Cộng,
đó là chính sách 3P:
a. Preparedness (Chuẩn bị): quân đội Hoa Kỳ và đồng
minh luôn sẵn sàng cho chiến tranh và sẵn sàng giành chiến thắng trong bất kỳ
tình huống nào.
b. Partnerships (Đối tác): làm sâu sắc quan hệ với
các đối tác cũ và phát triển các đối tác mới trong khu vực.
c. Promotion of a Networked Region (Đề xướng một khu
vực liên kết chặt chẽ): xây dựng một mạng lưới an ninh khu vực hiệu quả với các
đồng minh và đối tác để duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
“Ba không” thực chất là không có giải pháp
So sánh về trí tuệ, tầm nhìn giữa “ba không” của cộng
sản Việt Nam và “3P” của Hoa Kỳ chúng ta cũng thấy được sự thiển cận của giới
lãnh đạo cộng sản. “Ba không” của giới lãnh đạo cộng sản nói chung, giới tướng
lãnh cộng sản nói chung thực ra chỉ là cách nói văn hoa để che giấu một cái
Không quan trọng nhất, đó là: Không hề có giải pháp để đối phó với dã
tâm xâm lược của Trung Cộng.
Từ chuyện “Không có giải pháp” đó đã khiến
đảng Cộng sản Việt Nam có được ba cái Không mới đó là:
1. Không có sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân
trong việc chống Trung Cộng xâm lược
2. Không có sự ủng hộ mạnh mẽ bằng hành động của quốc
tế để giúp Việt Nam kháng cự với Trung Cộng.
3. Không thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia.
Phải giải quyết vấn đề dân chủ hóa trước
Như thế, người dân Việt Nam đã rõ ràng về cái Tâm và
cái Tầm của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Không có cách nào khác để chọn
ra những lãnh đạo có Tâm và Tầm xứng đáng để quản lý quốc gia, đủ trình độ đề
ra chiến lược bảo vệ lãnh thổ ngoài việc tổ chức bầu cử tự do và công bằng, đa
nguyên đa đảng.
Nói cách khác, trước khi giải quyết công việc đối
ngoại chống xâm lược, người dân Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết
vấn đề quốc nội trước, đó là dân chủ hóa.
Nước Nam anh hùng là có chủ
Có thể có người bi quan về viễn cảnh dân chủ hóa đất
nước và thoát Trung, nhưng như cụ Nguyễn Trãi đã nói trong Bình Ngô đại cáo:
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Rồi sẽ đến lúc các “hào kiệt” Việt Nam phải đánh
Trung Cộng tan tác như vua Quang Trung đã từng: Đánh cho chúng biết nước
Nam anh hùng là có chủ.
No comments:
Post a Comment