Trọng Thành
– RFI
Đăng ngày 15-08-2019
Nguy
cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái gia tăng trong bối cảnh chiến tranh
thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một quyết liệt. Hôm qua, 14/08/2019,
lần đầu tiên kể từ hơn một thập niên, lãi suất cho các khoản tiền vay 2 năm vượt
lãi suất tiền vay 10 năm. Đối với kinh tế Mỹ, từ hơn nửa thế kỷ qua, khi
nào cũng vậy, thay đổi quan trọng này luôn là dấu hiệu báo trước suy thoái kinh
tế.
Từ Washington, thông tín viên Pierrre-Yves Dugua giải
thích :
« Một đồ thị lãi suất bình thường phản ánh mong muốn
bình thường của các nhà đầu tư, nhận được nhiều lời lãi hơn đối với các khoản
tiền cho vay trong thời gian dài hơn là một giai đoạn chỉ kéo dài vài tháng. Việc
đường cong lãi suất đảo ngược như vậy thể hiện cho một tâm trạng bi quan cao độ,
khiến các nhà đầu tư chấp nhận được trả lãi rất ít về trung hạn và dài hạn, bởi
họ tin tưởng là, về trung hạn và dài hạn, sẽ có một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Kể từ 50 năm qua, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi lần mà lãi suất
cho vay hai năm vượt lãi suất cho vay 10 năm, thì chỉ vài tháng sau, kinh tế sẽ
lâm vào suy thoái.
Sự trở lại của hiện tượng này gây lo sợ không phải
vì điều này trực tiếp gây ra một cuộc suy thoái, mà bởi chỉ dấu nói trên phản
ánh một tâm trạng bi quan, thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế.
Để tự trấn an, một số người cho rằng diễn biến không bình thường này ít nhất
cũng xuất phát từ một lý do khác. Đó là chính sách của các ngân hàng trung ương
tại châu Âu và Nhật Bản với lãi suất cho vay âm có thể khiến các nhà đầu tư đổ
tiền ồ ạt vào trái phiếu Mỹ, nhân tố khiến cho lợi nhuận từ tín dụng tại Mỹ rớt
mạnh ».
---------------------------------------------
Người Việt Online
August 14, 2019
NEW
YORK, New York (AP) – Hôm Thứ Tư, 14 Tháng Tám, thị trường chứng
khoán Mỹ giảm mạnh sau khi nổi lên một chỉ dấu vẫn luôn thấy về nguy cơ suy
thoái kinh tế, lần đầu tiên tái xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
năm 2008.
Chỉ số Dow Jones giảm khoảng 800 điểm, tức 3% và coi
như mất gần 7% trong thời gian ba tuần lễ qua.
Hai trong số các nền kinh tế lớn nhất của thế giới,
Đức và Anh, có vẻ như đang co cụm. Thị trường chứng khoán Argentina mất khoảng
50% trị giá trong ít ngày gần đây, và mức độ phát triển của kinh tế Trung Quốc
hiện đang chậm lại.
Những điều này phải chăng là sự báo hiệu cho thảm họa
kinh tế sắp xảy ra, hay chỉ là phản ứng quá lố của thị trường, là điều hiện
chưa biết rõ ràng. Tuy nhiên, khác với tình hình vào thời gian xảy ra cuộc Đại
Suy Trầm (Great Recession) khoảng một thập niên trước đây, các nhà lãnh đạo thế
giới hiện không cùng nhau tìm cách đối phó mà lại ngày càng có sự đối đầu kịch
liệt hơn.
Việc giới đầu tư hốt hoảng bán tháo cổ phiếu hôm Thứ
Tư đã xảy ra do một biến cố bất thường trong thị trường công phố phiếu, liên
quan đến điều gọi là “đường cong đảo nghịch” (inverted yield curve) vốn thường
là điềm báo trước suy trầm kinh tế.
Tình trạng “đường cong đảo nghịch” xảy ra khi lợi suất
(yield) của công khố phiếu kỳ hạn ngắn (short-term US bonds) cao hơn lợi suất của
công khố phiếu kỳ hạn dài.
Tình trạng này xảy ra vì giới đầu tư công khố phiếu
đang lo ngại về nền kinh tế trong thời gian ngắn sắp tới và đổ tiền đầu tư của
họ vào thời gian lâu dài hơn, dù rằng mức lợi suất có thể thấp hơn.
Hiện nay, với nhiều nhà đầu tư mất tin tưởng vào
tình hình kinh tế thời gian ngắn tới đây và đổ xô mua công khố phiếu có kỳ hạn
dài, chính phủ Mỹ nay phải trả thêm tiền để thu hút người mua các công khố phiếu
có hạn kỳ 2 năm hơn là cho hạn kỳ 10 năm.
Theo các kinh tế gia, hiện tượng này luôn thấy xảy
ra trước mọi cuộc suy trầm kinh tế trong suốt 50 năm qua.
Ông Chris Rupey, chánh kinh tế gia tại MUFG Union
Bank, nói: “Các chỉ dấu đang có cho thấy
nền kinh tế Mỹ đang tiến tới tình trạng suy thoái lớn và đường cong đảo nghịch
cho thấy suy thoái là điều hầu như sẽ xảy ra nên các nhà đầu tư đổ xô bỏ chạy.”
Đây là tin mới nhất trong một loạt các tin tức không
lấy gì làm lạc quan cho nền kinh tế Mỹ.
Chính phủ Mỹ năm nay dự trù sẽ phải chi ra $1,000 tỷ,
nhiều hơn số tiền thu vào cho ngân khố, tạo mức thâm thủng ngân sách lớn lao. Đầu
tư của giới doanh gia bắt đầu ít đi, phần lớn vì tình hình thị trường không ổn
định do cuộc thương chiến. Mức độ thu nhận nhân viên mới của các hãng xưởng
cũng đã giảm hẳn. (V.Giang)
No comments:
Post a Comment