Thursday, August 15, 2019

KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI CỦA NGUYỄN QUANG LẬP (Lã Nguyên)




Lã Nguyên
15/08/2019

KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
TRONG DÒNG CHẢY CỦA VĂN XUÔI ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM
Lã Nguyên

1. Cấu trúc biểu nghĩa và thể loại tác phẩm.

Đọc Kiến, chuột và ruồi1của Nguyễn Quang Lập, tôi bị thu hút ngay vào cấu trúc biểu nghĩa của nó. Tác phẩm trần thuật nào, về mặt cấu trúc, cũng đều có hai bình diện. Nổi trên bề mặt tác phẩm là một chuỗi bức tranh, một loạt trường đoạn mô tả môi trường, cảnh vật, chân dung các nhân vật có tên hoặc không tên và những sự kiện gắn với các nhân vật, cảnh vật ấy. Bình diện này làm thành một văn bản cụ thể, hữu hình, có mở đầu tuyệt đối và kết thúc tuyệt đối, khi đọc tác phẩm, độc giả tiếp xúc với nó trước tiên. Phía sau những bức tranh, những trường đoạn ấy là lớp đời sống vô thủy vô chung được tác giả mô hình hóa theo một kiểu cách nào đó làm thành “khung” văn bản và ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Chỉ có thể đọc tác phẩm bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật này. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ phái sinh. Nó được kiến tạo từ ngôn ngữ tự nhiên trong giao tiếp thường nhật, nên không phải bao giờ độc giả cũng có khả năng phát hiện ra. Các nhà hình thức luận gọi bình diện thứ nhất là “chất liệu”, bình diện thứ hai là lớp “ý nghĩa”. Y. Lotman gọi bình diện thứ nhất là “cốt truyện” (fabula/story/histoire), gọi bình diện thứ hai là lớp “huyền thoại” (mythe). Dẫu gọi là gì đi chăng nữa, thì trong bản chất, hai bình diện ấy vẫn là những mặt đối lập, đời đời xung đột với nhau. Lịch sử văn xuôi từng chứng kiến nhiều xu hướng nghệ thuật chọn lớp huyền thoại làm điểm tựa cấu trúc biểu nghĩa. Xu hướng này đưa tác phẩm tự sự xích lại gần triết học và văn xuôi hư cấu. Nhưng cũng có không ít trường phái sáng tác lấy lớp chất liệu làm điểm tựa biểu nghĩa.








No comments: