Cách đây đúng 6 năm, ngày 16/8/2013 hai bạn trẻ Đinh
Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã ra Toà án nhân dân tối cao về tội rải truyền
đơn trên cầu vượt An Sương. Đây cũng là lần hiếm hoi toà phúc thẩm giảm hình phạt
cho các bị cáo về tội “xâm phạm an ninh quốc gia.”
Bài này tác giả đăng đã lâu sau phiên toà sơ thẩm
trên https://dandensg.blogspot.com nhưng ít người biết.
Nay xin phép tác giả đăng lại.
_____
LS Trần Hồng Phong :
Saturday, May 18, 2013
Vụ án Nguyễn
Phương Uyên là vụ án hình sự, nhưng có tính chất chính trị. Mặc dù thỉnh
thoảng, khi phản bác các yêu cầu đòi thả tù nhân chính trị từ các tổ chức hay
chính phủ nước ngoài, người phát ngôn Nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định: “Tại
Việt Nam không có tù nhân chính trị, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật,
được xét xử theo pháp luật Việt Nam”, nhưng các giáo trình chính trị chính thống
của Việt Nam đều khẳng định, Hệ thống chính trị tại Việt Nam gồm: Đảng cộng sản
Việt Nam, các cơ quan, tổ chức Nhà nước, các thành viên của Ủy ban mặt trận Tổ
Quốc Việt Nam. Như vậy, hành vi “tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN”
chính là chống phá một tổ chức trong Hệ thống chính trị Việt Nam. Vụ án này có
tính chất chính trị là vậy.
Đặc tính của vụ án chính trị nói chung, của bị cáo
phạm tội chính trị nói riêng (theo quan điểm về vụ án chính trị như trình bày ở
trên) là sự khác biệt về quan điểm/tư tưởng chính trị so với thể chế/chế độ Nhà
nước hiện hành. Khách thể “bị xâm phạm” trong vụ án chính trị thường là Nhà nước/tổ
chức của Nhà nước. Trong khi khách thể của các loại tội phạm hình sự thông thường
khác (như tội giết người, hiếp dâm…) là sức khỏe, tính mạng, tài sản của công
dân.
Nếu như trong một vụ án giết người, chỉ cần tại tòa
các bị cáo khai mình đã thực hiện hành vi giết người – thì đồng nghĩa với việc
được xem là đã “nhận tội”. Và đây là tình tiết giảm nhẹ (trung thực). Nhưng
trong vụ án chính trị, mặc dù bị cáo có thể thừa nhận là mình đã thực hiện những
hành vi “chống phá Nhà nước” như rải truyền đơn, viết khẩu hiệu chống Đảng …vv,
hầu như họ sẽ không thừa nhận đó là hành vi phạm tội – theo quan điểm của họ.
Và do không nhận tội, họ sẽ bị xem là “ngoan cố”, tình tiết tăng nặng.
Tại Việt Nam, khi nhận thức/quan điểm chính trị của
các bị cáo không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam,
thì chắc chắn họ sẽ bị tuyên là “người phạm tội”.
Thực ra thì đất nước nào, chế độ nào cũng có pháp luật
của riêng mình và đều có những qui định truy tố hình sự đối với người có hành
vi chống phá chính quyền, nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi được biết, chẳng hạn
như ở Mỹ, hành vi chống phá chính quyền phải thể hiện ra bên ngoài và không phải
là vấn đề quan điểm/nhận thức. Công dân Mỹ có quyền nói “tôi phản đối Chính phủ”,
“Chính phủ đã hoàn toàn sai”, “Đả đảo chính phủ” một cách công khai và… không
sao cả. Vì nước Mỹ tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do chính trị/tư tưởng.
Nhưng ở Việt Nam, thì tư tưởng như vậy, nói năng như vậy sẽ bị xem là tội phạm.
Trong vụ án này, luật sư bào chữa cho Nguyễn Phương
Uyên đã nêu quan điểm cho rằng, hành vi chống Đảng cộng sản VN của các bị cáo
không phải là “chống Nhà nước CHXHCNVN”. Đảng không phải là Nhà nước. Quan điểm
này không thể nói là “tào lao”, hay “phản động”. Qua bản án vừa tuyên, có thể
thấy có sự khác biệt đến 180 độ về quan điểm giữa một bên là luật sư, các bị
cáo và một bên là cơ quan công tố, Tòa án.
Ở một phương diện khác, khi mà Hội đồng xét xử, thẩm
phán chủ tọa phiên tòa là đảng viên, có quyền phán quyết các bị cáo có tội hay
không, lại xét xử chính những người chống Đảng, thì chỉ xét về nguyên tắc theo
Điều lệ Đảng thôi (chứ chưa nói gì đến luật) làm gì có cơ hội để Phương Uyên, Nguyên
Kha được “vô tội”. Một thẩm phán đảng viên làm sao có quyền tuyên một
người chống Đảng là vô tội. Nếu họ tuyên như vậy, tức là họ đã phản bội đảng của
mình.
Tôi thực sự xúc động khi thấy hình ảnh của hai bị
cáo tại phiên tòa. Tư thế của cả hai đều thật sự rất đẹp, theo cả nghĩa đen lẫn
nghĩa bóng của tính từ này. Đặc biệt là Nguyễn Phương Uyên trong màu áo trắng học
trò. Tôi nhớ có đọc đâu đó thông tin khi mẹ vào thăm gần đây, Phương Uyên đã nhắn
gửi cho mình áo đẹp để ra Tòa cho đàng hoàng.
(Tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình là một trong những
người tiên phong đưa ra kiến nghị việc bị cáo ra tòa được mặc áo thường. Trước
đây, các bị cáo ra tòa đều bị buộc mặc áo phạm nhân rằn ri (xem tại
đây).)
Nguyễn Phương Uyên – dù em là “kẻ phạm tội” theo
pháp luật Việt Nam hiện hành, dù em có quan điểm chính trị khác tôi, nhưng
trong trái tim mình, tôi thực sự tôn trọng và tin các em là những người yêu nước,
yêu Tổ quốc Việt Nam của mình thiết tha.
Gần đây, tôi có nghe một bài hát của đạo Thiên Chúa,
bài “Con đường yêu thương”. Lời bài hát thế này: “Giữa cuộc đời muôn vạn nẻo đường.
Xin chọn con đường yêu thương. Chấp nhận nhau, dù khác biệt nhau, để không còn
chia lìa”. (Nghe tại đây).
Đạo Thiên Chúa thừa nhận sự “khác biệt” nhau giữa những
con người. Xã hội Việt Nam nên chăng cũng cần hướng tới việc chấp nhận sự khác
biệt về quan điểm chính trị, và mọi người được cùng chung sống trong ngôi nhà Tổ
Quốc – như hàng trăm quốc gia hùng cường khác?
No comments:
Post a Comment