Thursday, August 15, 2019

ĐIỀU HỐI HẬN NHẤT CỦA EINSTEIN (Nguyễn Đắc Kiên)





Theo dõi thời sự quốc tế thời gian gần đây, chắc chắn ai cũng ít nhiều có cảm nhận về một sự thay đổi, thậm chí một sự định hình cho thế giới mới đang manh nha.

Có thể, một lần nữa, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, thế giới sẽ lại phân định rạch ròi thành hai khối: toàn trị và tự do.

Toàn trị trong thời đại công nghệ 4.0 tất nhiên sẽ khác thời kỳ trước, nhưng bản chất sự áp bức và hậu quả của nó thì không khác.

Bản chất của áp bức toàn trị là triệt tiêu mọi năng lực tự chủ, sáng tạo và phẩm giá của con người.

Hậu quả của áp bức toàn trị là ngu tối, hỗn loạn và bạo lực.

Việt Nam, những người chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền Việt Nam, có thể một lần nữa lại (được) đứng trước sự lựa chọn, ngả về phía nào: tự do văn minh hay tối tăm toàn trị?

Vì thế, bản thân tôi xem sự kiện Trung Quốc phá rối ở #TưChính là cơ hội. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định rõ lập trường, khẳng định rõ viễn kiến tương lai của mình: đi thẳng về phía tự do văn minh. #KiệnTrungQuốc vì thế có thể chỉ là bước đi nhỏ, nhưng chính là động thái quan trọng để Việt Nam khẳng định dứt khoát hướng đi mình lựa chọn.

Chọn đứng về phía nào, lịch sử sẽ phán xét công tội rõ ràng, đó là đối với những người đang có trách nhiệm hay đang quyết định vận mệnh của đất nước.

Còn đối với chúng ta, những người dân thường, chúng ta cũng không hề vô can.

Như những người dân #HongKong những ngày này, chúng ta cũng có trách nhiệm của riêng mình với đất nước, nhất là đối với những người mà tôi gọi là “tầng lớp có học”.

Hôm trước tình cờ tôi đọc được một câu trên Facebook: “Chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm chân lý”.

Trong các hàm ý của câu này, có một hàm ý xui khiến người ta cao ngạo mà thờ ơ, im lặng; nó khiến ta mường tượng đến hình ảnh mấy vị kiểu “người hiền” xưa: học rộng tài cao, kiến thức như núi, nhìn suốt mọi cõi, thấy trước mọi sự; và đặc biệt, chọn cho mình sự an ẩn riêng tư; và đặc biệt, lấy đó làm tự hào rằng ta đây cao đạo.

Xin nói thẳng: Tôi khinh bỉ. Tôi ghê tởm và khinh bỉ những người đó và thái độ đó.

Tôi nhắc lại, tôi đồng ý với triết gia, nhà ngôn ngữ học người Mỹ Noam Chomsky khi ông cho rằng: bất cứ ai được học hành tử tế trong xã hội, gọi là tầng lớp có học, đều đã được hưởng đặc quyền đặc lợi, và nếu ta có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn, ta phải có trách nhiệm hơn.

Và một trong những trách nhiệm của “tầng lớp có học” với cộng đồng xã hội đó là mở miệng, là phá bỏ những định kiến sai lầm, là khai sáng cho quần chúng nhân dân.

Như lời triết gia Đức Immanuel Kant, "để thực hiện khai sáng này không đòi hỏi gì hơn ngoài TỰ DO và tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, đó là: hoàn toàn có thể SỬ DỤNG CÔNG KHAI LÝ TRÍ CỦA CHÍNH MÌNH" (*).

Vậy mà có những kẻ gọi là “có học”, gọi là “hiền triết” lại vì sợ hãi hay vì lợi ích của bản thân đi giấu kín cái “khả năng sử dụng lý trí của mình”, lựa chọn im lặng, thờ ơ, ngậm miệng ăn tiền, hay tệ hại hơn là đi làm đầu sai cho những kẻ đang âm mưu thao túng toàn trị nhân dân.

Thử hỏi những kẻ đó, không đáng khinh bỉ, không đáng ghê tởm thì là gì?

Quan sát thời sự trong nước thời gian gần đây tôi thấy có những xu hướng nguy hiểm mới đe dọa cho sự tự do tương lai của chúng ta.

Những phát ngôn, hành động của một số quan chức, những động thái của một số tập đoàn kinh tế lớn trong nước cho thấy có thể họ đang manh nha âm mưu đưa đất nước vào một vòng áp chế toàn trị mới nhờ công nghệ 4.0.

Đáng nói hơn, dường như lại có một số những người gọi là người tài, người hiền (trong và ngoài nước) vô tình hay hữu ý, đang tiếp tay cho những âm mưu nô dịch nhân dân như thế.

Đó tất nhiên là quan sát và lo lắng chủ quan của cá nhân tôi, nó có thể sai, tuy nhiên không thể vì e ngại cho sai lầm chủ quan của mình mà tôi lại không nêu rõ mối nghi ngờ, bất an này ra.

Bằng việc nói ra mối nghi hoặc, bất an này, tôi hy vọng có thể cảnh báo hay ít nhất đánh động cho những ai tự thấy mình có thể đang rơi vào cái vòng nguy hiểm để tâm mà suy xét lại.

Lịch sử sẽ phán xét tất cả, nhưng lịch sử bao giờ cũng rất trễ tràng, chỉ có tai ương, khổ nạn của nhân dân là lúc nào cũng mau mắn mà thôi.

Trong bức ảnh đi kèm: bên trái là Albert Einstein vào khoảng năm 1939. Bên phải là vụ nổ hạt nhân ở Polynesia, Pháp tháng 10/1971. Bức ảnh ngụ ý điều hối hận nhất của Einstein, đó là đã góp phần tạo ra bom nguyên tử. Và tất nhiên đó cũng là hối hận muộn màng.

NĐK


(*) Immanuel Kant: Trả lời câu hỏi ‘khai sáng là gì?’ - bản dịch của Thái Kim Lan.






No comments: