Monday, August 12, 2019

ĐIỂM SÁCH : BECOMING CỦA CỰU ĐỆ NHẤT PHU NHÂN MICHELLE OBAMA (nhà báo Nguyễn Kiến Phước)





Bạn thân mến,

Dù đang nín thở theo dõi liệu Việt Nam có được Trump chọn làm “đối tượng” thứ 2 của cuộc thương chiến, sau Trung Quốc, nhưng tôi cũng thấy cuốn sách mới do Michelle Obama viết, kể chuyện đời mình, “Becoming”, là rất đáng bỏ thời gian đọc. Và cuối tuần, chắc các bạn có thời gian hơn để bắt đầu theo dõi bài điểm cuốn hồi ký này do ông bạn cùng nhà, nhà báo Nguyễn Kiến Phước viết.

Sách dày hơn 500 trang, do Duy Khương dịch, First News xuất bản (rất cám ơn anh Nguyễn văn Phước và bạn Hàng Phước Long gửi tặng sách từ rất sớm). Người điểm sách thì tính rất cẩn thận, vừa đọc vừa ghi và viết rất chân phương, không bình luận thêm thắt. Tôi chọn trích một số đoạn về: (1) Cuộc tình Michelle-Obama (2) Tranh cử, cuộc chiến “đẫm máu” (3) Làm đệ nhất phu nhân gốc Phi đầu tiên của nước Mỹ khó cỡ nào? (4)Vườn rau Nhà Trắng và cái ôm vai Nữ hoàng Anh.

Đây là chọn những đoạn tôi thấy thú vị nhất, còn nguyên bài sẽ đăng trên ấn phẩm Thế Giới Hội Nhập và thegioihoinhap.vn nhé. Hôm nay là đoạn đầu tiên, đôi dòng về Michelle và cuộc gặp gỡ nhân vật đặc biệt Barack Obama.

CUỘC TÌNH MICHELLE-OBAMA

Hiếm có cuốn sách kiểu hồi ký nào mà người viết bài này lại đọc say mê, liên tục như cuốn Becoming, hồi ký của Đệ nhất Phu nhân Tổng thống thứ 44 Hoa Kỳ, bà Michelle Obama. Qua Becoming – Chất Michelle, bà Michelle kể về gia đình mình và một ít về gia đình chồng, ông Barack Obama, về những năm học đại học Princeton, trải nghiệm cảm giác là nữ sinh da đen duy nhất trong lớp, trở thành luật sư luật doanh nghiệp sau khi vượt qua cửa ải trường đại học Harvard lừng danh và làm việc tại một hãng luật trong tòa thị chính Chicago.
Bà dành hầu hết cuốn sách kể lại một cách khách quan, trung thực về tình cảm và lý trí của mình trong 8 năm làm Đệ nhất phu nhân trong Nhà Trắng, những mâu thuẫn giữa bản lĩnh “mình muốn là chính mình” và vai trò mới Đệ nhất phu nhân trong “cái bong bóng” (bà ví Nhà Trắng như vậy); trong việc chăm sóc và nuôi dạy 2 cô con gái còn học tiểu học với việc bị cuốn vào hoặc chủ động tham gia các chiến dịch tranh cử của chồng vào cương vị đứng đầu Nhà nước Hoa Kỳ trước sự soi mói, thù địch của những người da trắng của đảng Cộng hòa bởi bà là người da đen gốc Phi và cả ông chồng tài giỏi mà có một lý lịch rất đặc biệt nữa.

Becoming cung cấp cho ta nhiều tư liệu mới mà ta chưa có điều kiện tiếp cận, giúp ta thêm căn cứ để nhận định đánh giá về nước Mỹ với những vấn đề có tầm toàn cầu cần giải quyết bằng mối tương quan nhiều bên, nhiều nước, hình thành những bộ luật chung được suy nghĩ dài lâu, được nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học. Như nạn phân biệt chủng tộc, biến đổi khí hậu toàn cầu, vai trò của phụ nữ, các vấn đề về y tế, giáo dục, chuyện đồng tính, chưa kể các vấn đề về khoa học chính trị như dân chủ và độc tài, sự phân hóa giàu-nghèo, chủ nghĩa khủng bố hậu Osama bin Laden v.v…

Cô bé Michelle sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Phi. Cha mẹ cô là ông Frazer Robinson III và bà Marian Robinson sống tại vùng South Side Chicago đã lâu. Họ là những người lao động trung thực và lạc quan nhưng mạnh mẽ. Ông làm tại nhà máy lọc nước với tính kỷ luật cao và là một con người tự trọng và cả quyết, ở nhà cũng như nơi làm việc … Ông tự hào là một trong số ít công nhân có đủ kinh nghiệm ngăn chặn mọi thảm họa xảy ra ở nhà máy nhanh chóng và hiệu quả nếu nó xảy ra. Ông mất sau một cơn trụy tim đột ngột ở tuổi 55.

Còn bà Marian cũng rất mạnh mẽ, có học thức nhưng hi sinh tất cả vì chồng và hai con là anh Craig và Michelle. Bà cũng là người có tính độc lập cao. Thậm chí bà không muốn bị “trói buộc” tại Nhà Trắng sau khi con rể là Obama trúng cử tổng thống Hoa Kỳ mà muốn ở lại căn hộ không rộng rãi gì tại South Side Chicago để được tự do. Chính từ gương bản thân ông bà đã dạy cô bé Michelle và con trai Craig sự tự tin khi bày tỏ suy nghĩ và ý muốn của mình, không được sợ hãi bất cứ hoàn cảnh nào

Trong lúc Michelle loay hoay đi tìm lời giải về hướng đi cho cuộc đời khi đang làm luật sư luật doanh nghiệp tại tòa nhà thị chính Chicago vào mùa hè với tư cách nhà tuyển dụng nhân sự cho công ty, thì chàng sinh viên luật có tên là Barack Obama xuất hiện. Ta hãy nghe Michelle kể về cuộc gặp đó giữa hai người.

Anh đến trễ mà tôi là người hướng dẫn thực tập của anh. Biết Barack gây xôn xao ở hãng luật từ trước dù anh chàng mới học xong năm thứ nhất trường luật mà hãng chúng tôi thường thuê sinh viên năm thứ hai cho vị trí thực tập hè. Người ta đồn rằng anh chàng này xuất sắc lắm. Tôi vẫn rất hoài nghi về chuyện này. Tôi không chắc anh ta được như lời đồn thổi. Rồi anh chàng có mặt ở chỗ tiếp tân trong bộ com lê xám màu và hơi ướt vì dính nước mưa. Anh bắt tay tôi và xin lỗi vì đến trễ. Anh có vẻ không biết gì về điều mình nổi danh là một người trẻ tuổi tài ba, mà lẳng lặng và nghiêm túc chú ý nghe tôi hướng dẫn khi gặp được người luật sư cấp trên thực sự của anh. Tôi nhận ra Barack cần rất ít lời khuyên. Anh sắp 28 tuổi, hơn tôi 3 tuổi. Không giống tôi, anh đã đi làm nhiều năm sau khi lấy bằng cử nhân tại đại học Columbia rồi mới vào trường luật.

Điều làm tôi ngạc nhiên là sự chắc chắn của anh về định hướng cuộc đời. So với chặng đường thăng tiến đến thành công của tôi thẳng như mũi tên bắn từ Princeton đến Harvard rồi hạ cánh làm việc trên tầng 47 của hãng luật tòa nhà thị chính Chicago, con đường của Barack là một đường zig zag ngẫu hứng băng qua nhiều thế giới khác nhau. Qua các lần ăn trưa cùng nhau tôi biết anh ấy là một người con lai đúng nghĩa. Anh là con trai một người Kenya da đen và người mẹ da trắng ở Kansas, kết quả của một cuộc hôn nhân ngắn ngủi vì bố anh đã có vợ trước đó. Anh được sinh ra và nuôi nấng ở Honolulu nhưng trải qua 4 năm tuổi thơ ở Indonesia với người bố dượng.

Sau khi tốt nghiệp trung học anh có 2 năm làm sinh viên đại học Occidental ở Los Angeles trước khi chuyển qua đại học Columbia nơi anh tự nhận mình sống như một ẩn sĩ thế kỷ 16, thường đọc những tác phẩm văn chương và triết học khó nhằn trong căn hộ tồi tàn cũng như làm những bài thơ dở ẹc và nhịn ăn vào các ngày chủ nhật. Ngạc nhiên là anh hiểu rất rõ về Chicago, từng đến tiệm hớt tóc bình dân, những điểm bán thịt nướng và những giáo xứ ngoan đạo người da đen ở khu Far South Side.

Anh từng có 3 năm làm việc với vai trò người tổ chức sự kiện cộng đồng, kiếm được 12.000 đô la một năm từ một tổ chức phi chính phủ đứng ra liên kết những nhà thờ với nhau. Công việc của anh là hỗ trợ việc xây dựng lại các khu phố và tái tạo công ăn việc làm… Barack giải thích anh học luật vì việc tổ chức phong trào cộng đồng đã cho anh thấy sự thay đổi tích cực trong xã hội không chỉ đòi hỏi nỗ lực của con người ở địa phương mà còn cần những chính sách hiệu quả hơn, cùng với hành động của chính phủ.

Michelle thú nhận, Barack thú vị khác thường và lịch thiệp một cách kỳ lạ, nhưng chưa nghĩ anh ấy là đối tượng mà mình muốn hẹn hò. Barack từng làm chủ nhiệm tập san Harvard Law Review và là người Mỹ da đen đầu tiên giữ chức vụ này trong lịch sử 103 năm tồn tại của nó
(Còn tiếp)

- Oprah Winfrey giới thiệu Becoming.
- Michelle thời đi học. Tốt nghiệp luật.
- Gặp SV thực tập Barack.
- Đôi tình nhân SV.
- Ngày nhậm chức.
- Show truyền hình do Conan O'Brien PV cách vợ chồng Tổng Thống cố gắng nuôi dạy 2 con gái trong 8 năm ở Nhà Trắng để 2 con tự lập và lớn lên bình thường...


----------------------------------


(Trích đoạn 2 - bài Điểm sách Becoming)


Có thể nói, trong 8 năm trời, từ thời điểm Thượng nghị sĩ của bang Ilinois Barack Obama tuyên bố ra tranh cử tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ vào năm 2006 cho đến cuối năm 2016 bàn giao chức vụ tổng thống Mỹ, rời Nhà Trắng và cả trước nữa, hai vợ chồng, nhất là bà Michelle phải sống trong sự trì níu giữa một bên là phải tranh cử vào quốc hội Mỹ, và tranh cử vào Nhà Trắng của chồng, và bên kia là không, không cần, trong sự dằn vặt giữa một cuộc sống “không còn tính riêng tư” giữa lòng mong muốn “giữ Obama cho mình và con cái” với một Obama của nước Mỹ, của hàng trăm triệu cử tri da đen da trắng, cộng đồng nhà thờ dân thiểu số, của không ít người chưa có cuộc sống ổn định đạt hy vọng vào ông, giữa cuộc sống mà từ ăn mặc, đi đứng, quan hệ bạn bè và xã hội..đều bị đặt trong tầm kiểm soát của đông đảo đội quân mật vụ bảo vệ công khai và giấu mặt, giữa cái “chính trị” mà Michelle căm ghét với trách nhiệm của một đệ nhất phu nhân, trong các chiến dịch tranh cử cuộc sống được lên lịch sẵn, cá nhân công dân và quyền làm chủ của nó biến mất, thậm chí muốn nói chuyện với chồng mình bà phải gởi yêu cầu cho nhân viên an ninh.. thì làm sao “mình còn là chính mình”, được tự do tự tại như mọi công dân Mỹ bình thường? 

Đúng là ở nước Mỹ nếu xuất hiện một vị tổng thống da đen đầu tiên thì sự kiện đó nói lên nhiều điều về đất nước và con người của Hợp chủng quốc này, ngoài ý nghĩa chính trị sâu sắc còn ghi những dấu ấn khác nữa hết sức kỳ lạ. Thượng nghị sĩ Obama không lạ gì những thủ đọan, hành vi mà anh cho là bịp bơm, những nhận thức lệch lạc và các chiến dịch vận động như khí độc, nên không thấy phiền lòng. Vả chăng ông không phải là con người dễ lo sợ hay vì thế mà đi chệch hướng đã định trước.

Nhưng bà Michelle đang tập làm ngưới của công chúng, tin rằng nếu mình chăm chỉ và chân thành thì sớm muộn cũng được mọi người công nhận, không bị những lộn xộn ngoài xã hội tác động. Bà tích cực tham gia cuộc vận động, phát biểu trước đông đảo cử tri ở Milwaukee và Madison sau chiến thắng quan trọng ở Iowa với niềm tin “hy vọng sẽ quay trở lại” cho nước Mỹ. Nhưng, đâu có ai ngờ, ai đó đã ghi hình bài nói chuyện của bà dài khoảng 40 phút thành một đoạn tước bỏ hoàn toàn nội dung bài nói của bà, chỉ để lại câu “lần đầu tiên từ khi trưởng thành tôi thật sự tự hào về nước Mỹ” chỉ có vậy và phát liên tục trên các kênh vô tuyến vỏn vẹn 10 giây. Rất dễ nhận ra thâm ý được nặn ra “Bà ta không ái quốc. Bà ta luôn ghét nước Mỹ. Đây mới chính là con người thật của bà ta. Trước giờ bà ta chỉ diễn mà thôi”. 16 từ ấy là cú đấm đầu tiên mà bà tự cho mình đã vô tình dâng cho chúng. Bà chia sẻ với chồng, Obama chỉ trả lời rằng “Em đã trở thành một thế lực đáng gờm trong chiến dịch, người ta sẽ nhắm vào em nhiều hơn. Và họ lại tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, vâng, lại có kẻ trên mạng nhận xét “Michelle là một người cáu kỉnh, hay công kích, không duyên dáng như họ kỳ vọng”. Bà Michelle không biết từ đâu phát ra nhận xét này nhưng nó hàm chứa một thông điệp không-mấy-nhẹ-nhàng về chủng tộc với mục đích khơi dậy nỗi sợ sâu kín và xấu xa nhất trong cộng đồng cử tri “đừng để những người da đen chiếm quyền. Họ không giống chúng ta. Tầm nhìn của họ không phải tầm nhìn của chúng ta”. Cũng như có kẻ đã đào bới bản luận văn cử nhân của bà ở Princeton của Michelle hơn 20 năm trước, viết về một cuộc khảo sát của cựu sinh viên Mỹ gốc Phi đối với vấn đề chủng tộc và bản sắc của họ. Michelle không hiểu nổi vì sao giới truyền thông bảo thủ xem bản luận văn trên như một tuyên ngôn bí mật nào đó về quyền lực của người da đen, một mối đe dọa chưa được triệt tiêu. Như là nghĩ rằng bà chen chân vào học luật ở Harvard là ấp ủ một kế hoạch lật đổ người da trắng mà giờ đây thông qua chồng bà biến nó thành hiện thực. Thậm chí trong một bài báo của tác giả Chistopher Hitchens nào đó công kích bà thời đi học đã bị ảnh hưởng quá mức bởi những nhà tư tưởng da đen cực đoan. Ông ta viết “bài luận văn đó không phải khó đọc mà không thể đọc được, theo nghĩa đen. Bởi vì nó được viết không phải bằng ngôn ngữ của loài người” (!?).

Barack có bức hình chụp ông đội đầu và mặc bộ quần áo truyền thống của Somali thì bị đồn rằng anh theo Hồi giáo kín và anh không sinh ra ở Hawaii mà ở Kenia, do đó không đủ tư cách thành tổng thống Mỹ. Thậm chí đến tháng 6/2007, cuối cùng Obama cũng đạt được sự đề cử của đảng Dân chủ tranh chức Tổng thống Mỹ, người ta vẫn xuyên tạc họ là những tên khủng bố nguy hiểm, còn con cái của ông bà là ngoại hôn, chớ Michelle không phải là vợ của Obama.

Đó, làm chính trị bị những cú đấm liên tiếp rất đau như thế có lúc làm cho Michelle ngã lòng thối chí. Bà kiệt sức trước những công kích hèn hạ, cảm thấy như không còn niềm tin để vượt qua những kẻ dèm pha cũng như ý định hạ bệ mình. Nhưng bà biết hăng hái tham gia vận động hơn phu nhân của các tổng thống trước nên mới thành mục tiêu tấn công. Bản năng của bà, một luật sư, là đáp trả, lên tiếng vạch trần những dối trá, những quy chụp bất công và yêu cầu ông Obama lên tiếng. Nhưng đội ngũ tổ chức chiến dịch của Obama khuyên không nên phản ứng, vì một lẽ “chính trị là vậy!”...

Không lâu sau đó, bà cùng các cộng sự xem lại những đoạn video quay những lần bà xuất hiện trước cử tri, cả âm thanh, ngôn ngữ hình thể, đặc biệt là sự biểu cảm của nét mặt, Michelle nhận ra mình chưa thành thạo kỹ năng diễn thuyết trong chính trị. Bà học hỏi nhiều hơn. Trong 6 tháng tranh cử cuối cùng, bà tổ chức thực hiện các hoạt động tốt hơn và yêu cầu cung cấp các nguồn lực cần thiết để làm việc hiệu quả. Thời gian cuối, đội ngũ biên chế của bà mở rộng hơn, như cô Kristen Jarvis, một người tử tế, biết ứng xử mọi việc trầm tĩnh từ văn phòng Thượng nghị sĩ Obama điều sang, hay nữ chuyên gia truyền thông thực tế rất rành rẽ các vấn đề chính trị có tên là Stephanie Cutter, cùng với cộng sự tại nhiệm giúp bà gọt giũa thông điệp và cả cách thuyết trình, thảo trước bài diễn văn quan trọng mà bà sẽ trình bày tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ vào mùa hè 2008. 

Stephanie tư vấn cho bà phát huy ưu thế của bản thân, ghi nhớ những vấn đề mình thích đề cập nhất như tình yêu gia đình, mối quan hệ với các bà mẹ trẻ, lòng tự hào về gốc gác Chicago của mình và khiếu hài hước nữa. Tất cả những điều này tiếp thêm năng lượng và sự tự tin của bà trong các cuộc tiếp xúc rộng rãi với công chúng Mỹ. Bà cũng chú ý học hỏi từ những người Mỹ mà bà gặp trên khắp đất nước; tổ chức hội thảo chung quanh chuyện cân bằng giữa gia đình và công việc; gặp gỡ các cộng đồng quân nhân, nghe họ kể về cuộc sống của người lính như di chuyển doanh trại quá nhiều lần thì thu xếp nghề của mình, việc học hành của con em; nhất là hoàn cảnh người thân bị điều động đi xa lâu ngày ở Kabul, Mosul hay trên các chiến hạm trên biển Đông .

Và cuối tháng 8, bà cũng xuất hiện cùng anh ruột Craig trên sân khấu Trung tâm Pepsi ở thành phố Denver trước hơn 20.000 cử tọa và hàng triệu khản giả truyền hình để sẵn sàng nói cho thế giới biết Michelle Obama thực sự là ai. Bà nói về cha, ông Frazer Robinson, với tính khiêm nhường mà kiên cường đã định hình ở anh em nhà bà. Bà cũng phác họa để người Mỹ có cái nhìn chân thật và gần gũi nhất về Barack và trái tim cao quý của ông. Mừng cho bà là diễn văn được cử tọa đón chào nồng nhiệt. Bà xem đó là thời khắc khó quên của đời mình và cảm nhận mình trở nên nhỏ bé lạ kỳ...
- Ngày Obama tuyên bố tranh cử, một ngày lạnh căm tháng 2/2007.
- Tranh thủ chợp mắt trên hành trình căng thẳng.
- Ăn tối với gia đình ứng viên Phó Tổng thống Joe Biden.
- Michelle sau khi phát biểu tại ĐH Đảng Dân chủ ở Denver, ba mẹ con lên sân khấu chào Obama qua video.


----------------------------------------------------


Michelle bắt đầu làm Đệ nhất phu nhân như thế nào? Tuy phải sống trong môi trường mới, Michelle cùng bọn trẻ phải thích nghi nhanh, bà không khó khăn để tạo sự gần gũi thân mật, bảo đảm sự chân thành và tôn trọng các cộng sự và nhân viên phục vụ. Thực tâm, bà không muốn mình trở thành món trang trí đỏm dáng trong các bữa tiệc hay lễ lạc ở Nhà trắng. Các con bà phải tự dọn phòng mỗi sáng, không nhờ vã hay yêu cầu bất cứ việc gì trừ những việc chúng không tự làm được.

Bà quyết định mở MẢNH VƯỜN TRỒNG RAU ngay trong Nhà Trắng, dù lúc đầu có khó khăn đôi chút vì phải thuyết phục Sở Công viên quốc gia và đội quản lý đất đai Nhà Trắng. Nhưng rồi bà cũng vỡ hoang được 100 mét vuông hình chữ L mà từ ngoài Nhà Trắng có thể nhìn thấy. Mảnh vườn này do bà và các học sinh tiểu học gần đó chăm nom.

Bà cho biết chỉ trong 2 tháng rưỡi, với 200 đô la sắm cây giống và đất sạch, một ít phân bón, đã thu được 40 kg sản phẩm, được chế biến thành thực phẩm ngay trong Nhà trắng. Bà muốn mở rộng hơn mãnh vườn để góp phần góp phần quảng bá việc dùng thực phẩm ngon và lành, tốt cho sức khỏe, ngăn chận nạn béo phì tăng nhanh trong trẻ em…

Vả lại làm vườn cũng vô hại về mặt chính trị mà các cố vấn của Barack quan tâm tới dư luận có thể có quanh bà đệ nhất phu nhân. Bà còn biết thêm dâu tây chín mọng vào tháng 6, các loại rau có lá sẫm màu có nhiều dưỡng chất hơn… Tất nhiên bà quan sát và kiểm soát việc chi tiêu của gia đình vì mọi thứ ở đây đều đắt đỏ.

Dù không phải trả tiền nhà, điện nước và lương nhân viên đều do ngân sách cấp, nhưng gia đình bà phải trang trải mọi thứ sinh hoạt đang tăng nhanh mà vào loại sang nữa. Bà phải thanh toán hóa đơn từng món ăn hàng tháng, cả giấy vệ sinh, trả chi phí cho từng khách ngủ qua đêm hoặc dùng bữa với gia đình. Có hôm bà phải trả tiền cho món Sushi được tính với giá trên trời vì phải nhập từ nước ngoài phục vụ cho tổng thống tiếp khách. Ngoài những chuyện nói trên, nói chung cách nhìn của bà Michelle là những gì thuộc về chính trị thì ông Obama đảm trách còn bà đứng ngoài, không dây vào, cho an toàn, tránh lập lại những sai lầm của ai đó đi trước như đã nói trên.

Làm đệ nhất phu nhân quả phải cẩn trọng quá nhiều thứ trong nước Mỹ với người dân Mỹ. Nhưng ra nước ngoài trong những dịp tháp tùng tổng thống cũng không dễ chút nào. Bà Michelle tưởng đâu Nhà Trắng đã quá sức tưởng tượng về độ rộng, vậy mà khi thăm Vương quốc Anh, diện kiến Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị tại Điện Buckingham trong chuyến đi quốc tế đầu tiên dự Hội nghị G20 do Thủ tướng Anh Gordon Brown mời, mới biết dinh cơ của Nữ hoàng hoành tráng hơn nhiều so với ngôi nhà ông bà đang ở tại Mỹ. Điện Burkingham có 775 phòng, lớn hơn Nhà Trắng 15 lần, có phòng Lam rộng gấp 5 lần phòng Lam ở nhà, có vườn hồng rộng nửa hecta, trồng hàng ngàn bông hồng đẹp không tì vết khiến cho vài bụi hồng ở Nhà Trắng kém khí thế quá.

Bà cũng tiếp chuyện Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Sarkozy, Quốc vương Arab Saudi, Thủ tướng Nhật Bản… nhưng rất kiệm lời vì sợ có thể nói sai.

Vậy mà có một động tác choàng tay qua vai Nữ hoàng một cách bản năng thể hiện sự quý mến, cảm thông thì Michelle liền bị báo chí kết tội “dám ôm Nữ hoàng” vi phạm nguyên tắc ngoại giao. Chuyện thế này, Nữ hoàng Anh khen là Michelle có vóc dáng cao, Michelle trả lời là do mang giày gót cao và nhờ vậy, dáng đẹp nhưng cũng đau chân lắm. Nữ hoàng than nhẹ đúng là mang giày gót cao thường đau chân lắm, bà cũng vậy. Và Michelle chợt choàng tay qua vai bà siết nhẹ. Chỉ có vậy mà đủ thứ phê phán.

Bà Michelle còn đi thăm các em trường nữ phổ thông có 90% trên 900 em da đen hoặc thuộc nhóm thiểu số. 1/5 số đó là con cái của người di dân hay tị nạn. Phát biểu với các em sau khi xem chương trình văn nghệ tự các em chuẩn bị, bà nói rằng bà cũng từ một gia đình khiêm tốn về vật chất nhưng tràn ngập yêu thương, và trường học là nơi có thể bắt đầu khẳng định bản thân, học vấn là thứ đáng để nỗ lực, và chính là bàn đạp của các em bước vào tương lai trong thế giới này. Trong những năm ở Nhà Trắng, bà thích làm việc trong yên lặng, thực hiện từng bước các kế hoạch, cho đến khi có kết quả mới công khai và tìm cách mở rộng.

Thí dụ như việc tạo lập mảnh vườn, bà muốn nêu vấn đề lớn hơn. Đó là có gần 1/3 trẻ em Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì khi ông Obama nhậm chức. Tỷ lệ trẻ em béo phì trong ba thập kỷ trước tăng ba lần. Bệnh cao huyết áp, đái tháo đường tuyp 2 ở mức kỷ lục. Béo phì cũng bị cho là một nguyên nhân thanh niên Mỹ không được nhập ngũ… Làm nông nghiệp, trong đó làm vườn phải vươn tới mục tiêu làm sao cho dân biết ăn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng mà không béo phì, không bị cao huyết áp… Chuyện bà Michelle làm vườn không phải làm cảnh cho vui mà ý nghĩa của nó thiệt là sâu xa vì thế về sau diện tích khu vườn đã tăng gấp đôi.

Bà Michelle nhớ lại những ngày ở Chicago, được ba mẹ dạy phải tự mình làm lấy mọi việc, không ỷ lại người khác, mà nay trong ngôi nhà đồ sộ này bà như bị phó thác cho những người xa lạ, cả những cô gái trẻ hơn tới 20 năm. Mọi sinh hoạt như được lập trình sẵn mà bà và các thành viên gia đình phải miễn cưỡng chấp hành. Dù chuyện này giúp bà có nhiều thời gian để nghĩ những việc khác quan trọng hơn, nhưng sống như chiếc robot có gì thú vị và đâu còn là chính mình.

- Phút nghỉ tay trong vườn rau
- Đón học sinh thiếu nhi thăm Nhà Trắng.
- Trò chuyện với mẹ.
- Cả nhà thăm Avignon Pháp.
- Đọc bài diễn văn cuối cùng trong vai trò Đệ nhất phu nhân







No comments: