Đăng ngày 06-08-2019
Chính
quyền Mỹ chính thức lên tiếng ngày 05/08/2019, cáo buộc Trung Quốc đang phá giá
đồng nhân dân tệ, hạ giá đồng tiền xuống ngưỡng trên 7 nhân dân tệ đổi lấy 1
đôla.
Đây là tỷ giá yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc
trong 11 năm vừa qua. Hành động này của Bắc Kinh đã tác động mạnh lên thị trường
tài chính toàn cầu. Sau sự sụt giảm ngay lập tức tại các thị trường chứng khoán
châu Á và châu Âu, chỉ số của 3 sàn chứng khoán lớn của Wall Street đã rơi xuống
mức thấp nhất trong năm nay : Dow Jones mất 2,9%, Nasdaq mất 3,47% và S&P
giảm 2,98%.
Việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể làm gia tăng
căng thẳng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do tổng thống Donald
Trump khởi xướng năm ngoái. Mục tiêu của Mỹ là buộc Trung Quốc đàm phán lại các
hiệp định nhằm cân bằng lại cán cân thương mại của Mỹ đang bị thâm hụt trầm trọng.
Trong thông cáo báo chí của Bộ Tài Chính Hoa Kỳ ngày
05/08, bộ trưởng Steven Mnuchin khẳng định « sẽ thảo luận với Quỹ Tiền Tệ Quốc
Tế để loại trừ lợi thế cạnh tranh mà Trung Quốc có được nhờ quyết định này ».
Hạ giá đồng nội tệ không phải là giải pháp duy nhất
của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Tân Hoa Xã hôm 05/08 thông báo các doanh nghiệp Trung Quốc
đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc Hoa Kỳ, một quyết định khiến cho
chỉ số các thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm thêm.
Đây có thể coi là những hành động đáp trả của Trung
Quốc sau khi tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế bổ sung đối với gần như toàn bộ
các mặt hàng Trung Quốc từ ngày 01/09 tới, cho dù hai cường quốc kinh tế hàng đầu
thế giới đã mở lại các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại, hiện vẫn gặp bế tắc
từ đầu năm nay.
----------------------------
Tú
Anh – RFI
Đăng ngày 06-08-2019
Bắc
Kinh vừa mở một mặt trận mới trong cuộc thương chiến với Mỹ. Biện pháp thả nổi
đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có ít nhiều cơ may giới hạn thiệt hại trước đòn
tấn công áp thuế của Donald Trump. Tuy nhiên, theo giới phân tích cả quốc tế lẫn
Trung Quốc, chiến thuật này là con dao hai lưỡi, lợi ít, nhưng hại nhiều cho
kinh tế Hoa Lục.
Hôm thứ hai, lần đầu tiên đồng tiền Trung Quốc mất
giá kỷ lục tính từ 11 năm qua. Phải hơn 7 đồng nhân dân tệ mới đổi được một
đôla Mỹ thay vì 6,9 đồng một ngày trước đó. Bắc Kinh sử dụng vũ khí tiền tệ để
đương đầu với Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại, nhưng ở thế bị động.
Chủ nhân Nhà Trắng phản ứng tức khắc. Vài giờ sau
khi Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc thả nổi đồng tiền, Donald Trump bắn lên
Twitter cáo buộc : « Trung Quốc cho đồng tiền của mình rơi giá đến mức gần như
thấp nhất lịch sử. Hành động này gọi là thao túng tiền tệ và sẽ làm cho Trung
Quốc suy yếu nghiêm trọng hơn theo thời gian ». Tổng thống Mỹ cũng nhân cơ hội
này một lần nữa thúc giục Cục Dự Trữ Liên Bang FED giảm lãi suất chỉ đạo để cho
đô la giảm theo.
Cho dù thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc Dịch
Cương phủ nhận cáo buộc phá giá đồng tiền để trả đũa Mỹ, nhưng trong một bản
thông cáo, ngân hàng này xác nhận đang phải « đối phó với những tác động đơn
phương, những biện pháp bảo hộ mậu dịch ».
Theo AFP, giới phân tích tin rằng Bắc Kinh đã sẵn
sàng sử dụng vũ khí tiền tệ để trả đũa Mỹ trong bối cảnh thương chiến không lối
thoát. Bo Zhuang, chuyên gia người Trung Quốc của trung tâm nghiên cứu TS
Lombard, cho rằng sự kiện đồng nhân dân tệ mất giá đột ngột là hậu quả của một
cuộc « can thiệp chủ động » của Ngân Hàng Nhà Nước để hỗ trợ cho hàng xuất khẩu,
cũng như để làm giảm bớt phần nào tác động của biện pháp áp thuế của Mỹ.
Vì sao Bắc Kinh sử dụng vũ khí này và hiệu năng đến đâu ?
Tuần trước, Donald Trump lên án Trung Quốc tìm mọi
cách kéo dài thời gian đàm phán để chờ một chủ nhân mới tại Nhà Trắng sau năm
2020. Rất có thể vì vậy mà thay vì gây áp lực với Washington bằng cách ngưng
mua công trái phiếu của Mỹ, Bắc Kinh thao túng tỷ giá đoái của đồng tiền quốc
gia để duy trì xuất siêu. Vấn đề là vũ khí này có giới hạn và lắm tác dụng ngược.
Trả lời câu hỏi của RFI tiếng Pháp, giáo sư Nathalie
Janson, đại học thương mại NEOMA, Paris giải thích : « Đây là dấu hiệu căng thẳng cao độ và trong bối cảnh không có đối thoại
thật sự, Trung Quốc chỉ có tiền tệ để làm vũ khí. Nhưng vấn đề là phương tiện
này có hiệu quả hay không, bởi vì không phải giảm giá đồng bạc là xuất khẩu gia
tăng. Nhiều nước đã học được kinh nghiệm này. Không có gì bảo đảm là Trung Quốc
sẽ thành công, nhưng Bắc Kinh chỉ có phương tiện này, trong cuộc chiến tranh
thương mại, để hỗ trợ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ ».
Chiến lược tiền tệ của Trung Quốc còn một số điểm bất
cập khác. Cho dù có phá giá « đồng nguyên » đến đâu cũng không đủ bù đắp thiệt
hại vì chiến tranh thương mại, chuyên gia Tao Wang của ngân hàng Thụy Sĩ UBS cảnh
báo. Mặt khác, chính sách phá giá cũng bất lợi cho Trung Quốc bởi vì từ năm
2015, Bắc Kinh cố gắng ổn định đồng tiền để ngăn chận xu hướng vốn đầu tư chạy
ra nước ngoài.
Vòng xoáy đầy bất trắc
Trong bối cảnh tăng trưởng bị hụt hơi trong quý hai
năm nay, 6,2%, mức thấp nhất từ 27 năm qua, lẽ nào chính quyền Trung Quốc để
cho bản thống kê đầy mũi tên, đỏ nhất là sắp đến ngày 01/10, ngày sinh nhật 70
năm chế độ cộng sản?
Do vậy, theo nhận định của Mark Sobel, một cựu viên
chức của bộ Tài Chính Mỹ, Bắc Kinh có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn đầu tư và
tránh không để cho đồng nhân dân tệ lao dốc không phanh.
Nguy cơ này được tạp chí tài chính Tài Tân (Caixin)
nêu rõ : Đồng tiền Trung Quốc có thể rơi vào vòng xoáy không lối thoát. Vì lo sợ
vốn liếng tiêu tan, người dân sẽ tống khứ đồng Yuan và càng làm cho đồng nội tệ
mất giá với những hệ quả tai hại, như lạm phát, vật giá leo thang, hàng hóa nhập
khẩu, đặc biệt là dầu hỏa, đắt đỏ sẽ tác động tiêu cực lên kinh tế Trung Quốc.
-------------------------------------
BBC Tiếng Việt
6 tháng 8 2019
Hoa
Kỳ vừa chính thức coi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", một
tuyên bố sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thông báo của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ được đưa ra sau khi
giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm mạnh so với đồng đôla.
Sự sụt giảm khiến thị trường bất ngờ vì trước giờ Bắc
Kinh thường hỗ trợ đồng nhân dân tệ.
Tuần trước, Trung Quốc cam kết sẽ trả đũa sau khi Tổng
thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên thêm 300 tỷ đôla hàng nhập khẩu
từ Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, đồng nhân dân tệ đã lần đầu giảm xuống
mức bảy đồng ăn một đôla, lần đầu tiên kể từ năm 2008, khiến ông Trump buộc tội
Trung Quốc thao túng tiền tệ trên Twitter.
Chính phủ Hoa Kỳ
cho biết Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ thảo luận với Quỹ
Tiền tệ Quốc tế (IMF) "để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh được
tạo ra bởi các hành động mới nhất của Trung Quốc".
Động thái này phần lớn mang tính biểu tượng vì Mỹ đã
tham gia vào các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc và đã áp thuế quan
lên hàng nhập khẩu từ nước này.
Tuy nhiên, nó hoàn thành lời hứa trong chiến dịch
tranh cử tổng thống của ông Trump, ông đã cam kết sẽ liệt Trung Quốc vào nhóm
thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Quyết định này có khả năng làm tăng nỗi lo sợ trên
thị trường chứng khoán sau khi cú giảm mạnh trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu vào thứ
Hai. Các chỉ số thị trường chứng khoán Phố Wall đã ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất
của trong năm 2019. Người ta tiếp tục bán cổ phiếu trong ngày thứ
Ba.
--------------------
Phân tích
Michelle
Fleury, phóng viên kinh doanh tại New York
Nước đi này không tạo nhiều thay đổi trên phương diện
pháp lý.
Nhưng đây vẫn là một sự kiện lớn, cho thấy rõ rằng mối
quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi rất nhanh theo chiều hướng
xấu.
Khi Bộ Ngân khố Hoa Kỳ gán cho một quốc gia nhãn
'thao túng tiền tệ' - như đã làm với Trung Quốc - bước tiếp theo thường sẽ là
các cuộc đàm phán giữa hai nước. Trong trường hợp này, các cuộc đàm phán thương
mại đã diễn ra được hơn một năm.
Quá trình này cũng mở ra con đường cho nước Mỹ đưa
ra thuế mới. Một lần nữa, điều đó cũng đã diễn ra trong một phần trong cách tiếp
cận thương mại 'Nước Mỹ trên hết' của ông Trump.
Ông Mnuchin cũng dự kiến sẽ làm việc với IMF để giải
quyết các mối quan ngại của Hoa Kỳ. Vẫn chưa rõ điều này sẽ mang lại những gì.
Tuy nhiên, điều cần nhớ là trong khi quyết định có
thể không tạo ra thay đổi nhiều về mặt kỹ thuật, nó sẽ tạo hệ quả chính trị
đáng kể. Chẳng ai tin điều này sẽ làm Trung Quốc chịu thỏa hiệp trong vấn đề
thương mại.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu tới đây sẽ xảy ra một cuộc
chiến tiền tệ làm chao đảo những cái đầu vốn 'đã có sạn' của các nhà đầu tư.
Hoa Kỳ định nghĩa thao túng tiền tệ là khi "các
quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái giữa tiền tệ của họ và đồng đôla Mỹ nhằm mục
đích ngăn chặn điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc đạt được lợi thế cạnh
tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế".
Biểu đồ : Đồng
Nguyên xuống mức thấp nhất kẻ từ 2008
Không có quốc gia nào chính thức được Mỹ xác định là
thao túng tiền tệ kể từ khi chính quyền của Bill Clinton làm như vậy với Trung Quốc năm 1994.
Trong thông báo của mình, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết:
"Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc tạo điều kiện cho tiền
tệ bị định giá thấp thông qua sự can thiệp kéo dài, quy mô lớn vào thị trường
ngoại hối.''
"Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các bước cụ thể để
phá giá tiền tệ của mình, trong khi vẫn duy trì dự trữ ngoại hối đáng kể, vẫn
là những công cụ từng được sử dụng tích trong quá khứ."
-----------------------------------
BBC Tiếng Việt
5 tháng 8 2019
Trung
Quốc đã để đồng nhân dân tệ rớt giá, vượt ngưỡng 7 yuan đổi 1 đôla lần đầu tiên
từ 2008, gây ra lo ngại về chiến tranh tiền tệ.
Đồng nhân dân tệ hôm nay giảm 1,5%, ở mức 7,0835 đổi
một đôla.
Diễn tiến xảy ra sau khi Trung Quốc tuần rồi nói sẽ
trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên hàng Trung Quốc trị giá
300 tỉ đôla.
Tổng thống Donald Trump đăng ngay trên Twitter, gọi
đây là "tháo túng tiền tệ", nói rằng ông muốn Cục Dự trữ Liên bang có
hành động.
"Trung Quốc rớt giá đồng tiền xuống mức thấp gần
kỷ lục lịch sử. Đó là thao túng tiền tệ," ông Trump viết.
Động thái của Trung Quốc được xem là để bảo vệ trước
đe dọa thuế quan của Mỹ.
Đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ giúp các nhà xuất khẩu
Trung Quốc cung cấp hàng giá rẻ hơn so với các đối thủ.
Nhưng thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang
ra tuyên bố: "Là nước lớn có trách
nhiệm, Trung Quốc sẽ tuân thủ tinh thần từ hội nghị G20 về tỉ giá, tuân thủ hệ
thống tỉ giá do thị trường quyết định, không tham gia hạ giá cạnh tranh."
No comments:
Post a Comment