Monday, August 5, 2019

BẢN TIN NGÀY 5-8-2019 (Báo Tiếng Dân)




05/08/2019

Bài Mới 

05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019
05/08/2019

*
*


Tin Biển Đông

RFI phỏng vấn GS Carl Thayer: Có đến 80 tàu Trung Quốc vây quanh bãi Tư Chính! GS Thayer cho biết, theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, số lượng tàu Trung Quốc tham gia gây hấn vào lúc cao nhất lên đến 35 chiếc, nhưng vào ngày 3/8, “một nguồn tin riêng từ Việt Nam cho biết tổng số tàu Trung Quốc đủ loại đã vọt lên khoảng 80 chiếc!”. Thật ra, GS Thayer viết rằng, theo một báo cáo mới hôm qua thì con số này đã từng lên tới gần 80 tàu.

GS Thayer cho biết thêm: “Theo một tài liệu được bộ Ngoại Giao Việt Nam chuẩn bị, Hà Nội đã sử dụng bốn kênh khác nhau – ngoại giao, an ninh, quốc phòng và Ban Đối ngoại Trung ương – để đưa ra hơn một chục văn bản phản đối, như công hàm gởi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và ‘các cơ quan hữu quan’. Trong số những đòi hỏi của Việt Nam, có việc Trung Quốc ‘phải lập tức chấm dứt việc xâm phạm, và rút tất cả các tàu thăm dò, tàu hộ vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam’.”

VOA có bài: Bạch thư TQ nhắc tới VN, ‘quyết bảo vệ chủ quyền Biển Đông’. Bài viết lưu ý, “Bạch thư Quốc phòng” Trung Quốc được công bố ngày 21/7 nói rằng “mục tiêu cơ bản” của chính sách phòng thủ quốc gia của Bắc Kinh là nhằm bảo vệ “các quyền lợi và chủ quyền hàng hải của Trung Quốc”.

Cụ thể, các hòn đảo trong khu vực Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư là các phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục “thực thi chủ quyền quốc gia để xây dựng cơ sở và triển khai khả năng phòng thủ cần thiết trên các hòn đảo và bãi đá” ở Biển Đông và tiếp tục tuần tra ở Biển Hoa Đông.

Chiều ngày 4/8/2019, ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư tại trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ cho biết“Tàu thăm dò Shiyan 2 của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hiện đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, gần bãi đá nổi Luconia Breakers”. Theo thông tin trên RFA, tàu thăm dò này đã từng đối đầu với các tàu có vũ trang của Việt Nam vào năm 1994. 

Vị trí của tàu thăm dò Shiyan 2 trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Tàu thăm dò Shiyan 2 của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Bài cuối trong loạt bài của TS Phạm Cao Cường trên báo Giáo Dục VN: Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông. Theo bài viết, nước Mỹ hiện xem Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia và nó có vai trò duy trì một trật tự khu vực: “Nếu để Biển Đông rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc, hệ thống liên minh của Mỹ tại khu vực sẽ bị xói mòn, từ đó ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương”.

Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đã từ “triển khai tuyến đầu” chuyển sang “hiện diện tuyến đầu”. Ngoài ra, Mỹ chủ trương phân phối sức mạnh hải quân để thực hiện “làm chủ trên biển” thay vì “giành quyền kiểm soát trên biển” như trước kia.



Hàng loạt cựu lãnh đạo VEAM bị bắt

Ngày 3/8/2019, Bộ Công an thông báo: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, bị can xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN (VEAM).  

Bộ Công an cũng đã tiến hành khởi tố và thực hiện lệnh khám xét đối với hai cựu TGĐ VEAM là Trần Ngọc Hà và Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công, Phó TGĐ VEAM,  Nguyễn Mạnh Chung, GĐ Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp. Các ông Hà, Quang, Chung đã bị tạm giam, còn ông Công bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Hàng trên, từ trái qua: Bị can Trần Ngọc Hà và Lâm Chí Quang.
Hàng dưới: Vũ Từ Công và Nguyễn Mạnh Chung

Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao hàng loạt cựu lãnh đạo VEAM bị bắt giam? Bài báo lưu ý chuyện sử dụng vốn của VEAM tại một số đơn vị hoạt động thua lỗ, gây mất vốn chủ sở hữu, trong đó nhà máy ô tô VEAM kinh doanh trong giai đoạn từ năm 2010 đến sáu tháng đầu năm 2018 gây mất vốn đầu tư 331 tỉ đồng.

Tại dự án này, tính đến cuối năm 2018, công ty mẹ đã rót vốn cho nhà máy lên đến 2.600 tỉ đồng, trong khi dự án chỉ được quyết định đầu tư dưới 600 tỉ đồng. “Hiện tại, số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước của nhà máy vẫn nằm trong kho, không bán được. Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỉ đồng”.

VEAM tiết lộ tin sốc ngay trước khi hàng loạt sếp lớn bị khởi tố, theo báo Kiến Thức. Trước khi 4 nhân vật “chủ chốt” của VEAM “vào rọ”, công ty này công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với doanh thu thuần giảm 31% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng VEAM lại báo lãi sau thuế 2.147 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo Đất Việt có bài: Đằng sau việc loạt cựu lãnh đạo VEAM bị khởi tố. Theo bài báo, trước khi bị bắt, ông Trần Ngọc Hà đã gửi đơn tố cáo đi khắp nơi, “tạo nên một bầu không khí căng thẳng” ở VEAM. Sáng 30/6, đại hội đồng cổ đông của công ty này có công an đứng khắp nơi, từ cổng cho đến nơi tổ chức cuộc họp. “Đó là cuộc họp mà các lãnh đạo của VEAM đã chủ động nhờ công an bảo vệ an ninh trật tự, vì lo ngại có tình huống ngoài tầm kiểm soát”.



Nền báo chí bị các doanh nghiệp chi phối

Vai trò của báo chí ở một đất nước tự do, có tam quyền phân lập, là cung cấp thông tin cho người dân. Báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư, giám sát các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp, bảo đảm các nhánh quyền lực này không cấu kết với nhau để biến thành độc quyền, làm những chuyện gây nguy hại cho đất nước.

Ở Việt Nam không có tự do báo chí. Ngoài chuyện bị Ban Tuyên giáo của đảng kiểm soát, báo chí ngày nay còn bị các doanh nghiệp chi phối. BBC có bài: Báo chí VN và nguồn thu ‘hợp đồng truyền thông’. Cái gọi là “báo chí” ở Việt Nam, gần đây đã bị chi phối bởi các doanh nghiệp cá mập như Vingroup, Sungroup, Masan, VietJet…

Do vậy, báo chí Việt Nam không có những bài viết về các dự án của doanh nghiệp tàn phá môi trường, người dân mất đất vì dự án, hay những chúa đất thu tóm đất đai… Theo nhà báo Hoàng Trúc, thậm chí chất lượng hàng hóa của một loại ô tô hiện nay cũng bị cấm viết, báo chí không thể nhắc đến, dù một chữ hay hình ảnh trong bài báo.

Nhà báo Hoàng Trúc viết: “Nhiều tòa soạn hiện nay sống ‘cầm hơi’ nhờ những hợp đồng truyền thông được phân phát theo kiểu phân bổ ‘quota’ từ những tập đoàn hàng đầu. Chỉ cần họ rút hợp đồng truyền thông là tờ báo có nguy cơ bể ‘nồi cơm’. Một nền báo chí như vậy liệu có giữ được tính khách quan vốn là chuẩn chất của truyền thông hay không?

Nhà báo Tâm Chánh, cựu TBT báo Sài Gòn Tiếp Thị, viết về vụ bê bối của báo Tuổi Trẻ và Asanzo: “Trách nhiệm lớn nhất, luôn bị lãnh đạo báo Tuổi Trẻ xử lí chậm nhất, là trách nhiệm với người đọc. Người đọc không cần phát đơn nhưng đòi hỏi trả lời, có kiểu ‘vừa đánh vừa đàm’ trong vụ Asanzo? Ở cấp nào? Câu hỏi đó chưa liên quan gì đến việc Asanzo có cho Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam“.

VTV xuyên tạc trong chương trình “đối diện”

Fanpage Thời Sự VTV hôm 31/7, giới thiệu chương trình “Đối Diện” như sau: “Một điểm hẹn mới, hấp dẫn cho khán giả yêu thích các chương trình chính luận trên sóng VTV. Một chương trình trực tiếp đề cập tới các vấn đề nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm với góc nhìn trực diện, không né tránh“.

Thế nhưng trong clip giới thiệu chương trình đầu tiên “Mặt Trái Của Truyền Thông Xã Hội”, VTV đã “đối diện sự thật” bằng cách xuyên tạc hình ảnh nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, tay cầm biểu ngữ chống Luật Đặc Khu nhưng lại làm mờ biểu ngữ: “Hãy xuống đường phản đối bán đất Việt 99 năm cho ngoại bang”. Mời xem clip giới thiệu của VTV: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/08/VTV.mp4?_=1

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết: “Truyền thông của đảng, mà cụ thể là VTV1 thật dối trá, hèn hạ và đê tiện khi đăng hình tôi lên, để rõ mặt nhưng làm mờ đi cái biểu ngữ trên tay tôi. Bởi nếu thấy rõ nội dung biểu ngữ “HÃY XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI BÁN ĐẤT VIỆT 99 NĂM CHO NGOẠI BANG” thì ai còn tin những điều chúng bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ chúng tôi? Đường đường là truyền thông nhà nước mà làm trò bẩn với dân, thật đáng xấu hổ“.

Hình ảnh nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh đã bị VTV xuyên tạc. Nguồn: FB Nguyễn Thúy Hạnh

Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận: “Trộm cắp hình ảnh cá nhân cho mục đích tấn công, vu vạ, nhưng lại đổi trắng thay đen, che đi những điều mà chính chương trình Đối Diện cũng sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng, nói thẳng, và suy nghĩ như một con người tử tế. Chắc những nhà biên tập chương trình chưa bao giờ Đối Diện với chính mình, với cuộc sống, với sự thật. Lẽ thường, giòi bọ chỉ đối diện với miếng ăn đã thối nát”.


Sản phẩm “Made in VN”

Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đưa tin: Bộ Công thương “trình làng” Thông tư quy định sản phẩm “Made Việt Nam”. Thông tư này quy định, trường hợp được coi là sản phẩm của VN phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại VN. Còn hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trên thị trường VN nếu không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Chương III của Thông tư, sẽ không được phép ghi hàng hóa của VN trên nhãn hàng hóa hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

VTC bàn về quy định Made in Vietnam: Vẫn còn nhiều bất cập. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, quy định 30% sản phẩm được nội địa hóa chưa thể gọi là hàng hóa xuất xứ VN. Nhiều mặt hàng hiện nay dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại VN nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại VN” khiến người tiêu dùng bất bình nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Ông Thành so sánh, một loại hàng hóa có thể được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chí rất nghiêm ngặt. Tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể. 


Công an nhận hối lộ, giúp trùm ma túy trốn khỏi trại giam

Ngày 2/8, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thi hành lệnh bắt đại úy cảnh sát liên quan vụ Huy ‘Nấm Độc’ vượt ngục, Zing đưa tin. Theo đó, đại úy Lê Minh Sơn, cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận bị bắt để điều tra về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Đại úy Lê Minh Sơn nhận của gia đình các bị can Nguyễn Viết Huy, tức Huy “nấm độc” và Nguyễn Văn Nưng số tiền 91 triệu đồng và đưa điện thoại di động cho hai bị can này gọi cho người thân. Thân nhân của hai bị can này đã tuồn cưa sắt vào trại giam, giúp các can phạm này cưa song sắt lỗ thông gió của buồng giam để trốn ra ngoài.

Vụ việc xảy ra đầu tháng 7/2019, trùm ma túy Huy ‘Nấm Độc’ bị bắt sau 5 ngày trốn khỏi trại giam và Nguyễn Văn Nưng, phạm nhân trốn trại giam cùng Huy ‘Nấm Độc’ cũng đã bị bắt ở Lâm Đồng sau 10 ngày lẩn trốn.


Vụ bê bối tại ĐH Đông Đô và Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Đại học Đông Đô “phù phép” cấp văn bằng hai Tiếng Anh như thế nào? Bài báo cho biết, do nhu cầu của một số người dân cần có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ, ĐH Đông Đô đã liên kết với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài, tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận.

Ông Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường này thừa nhận, ĐH Đông Đô tổ chức các lớp văn bằng 2 tiếng Anh theo kiểu không tổ chức học, chỉ hoàn thiện các bài thi và cấp bằng. Toàn bộ quá trình thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp chỉ trong thời gian vài ngày, học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng, kể từ lúc nộp hồ sơ.
“Nhờ” kiểu đào tạo này, nên ở Việt Nam mới có Thủ tướng “ma – dze in Việt Nam” và một đống quan chức ca tụng kiểu “phát âm” tiếng Anh như vậy. 

Zing đặt câu hỏi: Hiệu trưởng bị bắt, bằng do Đại học Đông Đô cấp có còn giá trị? LS Đặng Văn Cường phân tích, nhóm những người không tham gia đào tạo và thi tuyển mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp thì cả học viên lẫn cán bộ nhà trường đều có sai phạm. “Trường hợp này cần xử lý nghiêm minh và thu hồi toàn bộ bằng cấp, chứng chỉ đã cấp. Các giấy tờ này có thể bị hủy bỏ theo quy định”.

LS Cường nói thêm rằng, nếu họ biết là bằng cấp giả mà vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này có thể xử lý về tội Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước, quy định tại Điều 341 BLHS với hình phạt cao nhất là 7 năm tù. 

Sai phạm tại Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa: Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, theo báo Thanh Tra. Một số sai phạm thu chi của trường này gồm: Chi trang phục cho cán bộ, giảng viên 500.000 đồng/năm học, chi đào tạo lại cán bộ cho lao động hợp đồng ngoài biên chế, chi phụ cấp ưu đãi ngành ở một số đối tượng không đúng quy định như nhân viên kỹ thuật, văn thư, phục vụ, lái xe cơ quan, nhân viên bảo vệ, trích 1,5% tổng thu từ nguồn thu hệ ngoài công lập, dịch vụ để chi thù lao cán bộ trực tiếp thu. 

Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước gần 1,5 tỉ đồng từ các khoản thu khám sức khỏe, lệ phí học lại, thi lại, thu lệ phí tốt nghiệp và làm bằng tốt nghiệp sai quy định, bỏ ngoài sổ sách giai đoạn 2016 – 2018.


Thới tiết khắc nghiệt: Hết hạn hán, tới mưa lũ

Tình hình ở Thanh Hóa: Nước lũ trên các sông tiếp tục lên, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ quét, trang Kinh Tế Môi Trường đưa tin. Ở huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, mưa lũ đã cô lập, chia cắt 16 thôn, bản trên địa bàn. Đã có 25 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 17 người của bản Sa Ná và bản Mùa Xuân bị mất tích. Nhiều điểm trên Quốc lộ 217 bị sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Còn ở huyện Mường Lát, có 13 điểm sạt lở, riêng quốc lộ 15C xuất hiện nhiều điểm sạt lở, gây chia cắt giao thông. Đã có một số người chết và mất tích ở khu vực này. Hiện chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.

Lũ hoành hành ở Sơn La: Hơn 800 điểm sạt lở, ngập úng do mưa lũ, giao thông ách tắc, theo VOV. Ngành giao thông tỉnh Sơn La thừa nhận, đến cuối giờ chiều ngày 4/8, mưa lũ đã gây sa bồi trên 8 tuyến quốc lộ ở tỉnh, với khoảng 470 điểm sạt lở. Đối với hệ thống đường tỉnh lộ, tổng cộng có 16 tuyến đường, với khoảng 410 vị trí sụt trượt, sa bồi, ngập úng, gây khó khăn cho việc đi lại của người và phương tiện.

Thủ đô Hà Nội cũng bị ngập lụt, cây đổ, sạt lở đê do ảnh hưởng bão số 3. VOV đăng tải một số hình ảnh về cơn mưa kéo dài, nhiều hầm chui trên đại lộ Thăng Long vẫn chìm trong nước và một số hình ảnh Thủ đô Hà Nội trông giống như sông. Còn đây là hình ảnh Hà Nội mà cư dân mạng chia sẻ: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/08/H1-17.jpg

Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An thông báo về một hiện tượng khá hiếm đang xuất hiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương: 3 cơn bão gần như cùng lúc hình thành, sau nhiều tháng trời khu vực này tích tụ lượng nhiệt lớn. Ông An viết“có đến 3 cơn bão đang làm sôi sục khu vực phía Tây của Thái Bình Dương, là FRANCISCO (hiện đang đổ bộ vào phía Nam Nhật Bản), LEKIMA (hiện đang hình thành và tăng cấp), và một cơn bão lớn khác ở phía sau hai cơn bão này”.

Trong 3 cơn bão này, bão Francisco hiện đang hướng vào Nhật Bản, bão Lekima được dự báo sẽ tăng cấp lên siêu bão Cat. 2 trước khi tiến vào TP Thượng Hải, Trung Quốc. Cơn bão thứ 3 hiện chưa được đặt tên, dự báo là một siêu bão có sức mạnh Cat.1 và sẽ đổ bộ vào Nhật Bản vào khoảng ngày 10/8/2019.


***






No comments: