Thursday, August 22, 2019

BẢN TIN NGÀY 22/08/2019 (Báo Tiếng Dân)




22/08/2019

BÀI MỚI

22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019
22/08/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 22/08/2019

Tình trạng hai sân bay quốc tế ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ tắc nghẽn hoạt động bay trên không, mà dưới mặt đất cũng bị nghẽn. Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vì sao sân bay Tân Sơn Nhất tắc dưới đất, kẹt trên trời? Mặc dù có hai đường băng cất và hạ cánh riêng biệt, nhưng thực tế chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh cùng một thời điểm.

Vào giờ cao điểm, máy bay dưới đất phải dừng chờ tại các ngã ba, ngã tư để cất cánh, còn máy bay trên trời phải bay lòng vòng để chờ thứ tự ưu tiên hạ cánh. Bài viết nêu lý do sân bay cũ, được xây dựng từ năm 1967, nhưng không nói lý do vì sao mấy chục năm qua, những người quản lý sân bay không chịu đầu tư, nâng cấp, cho sân bay quốc tế quan trọng và lớn nhất nước như Tân Sơn Nhất.

Bài viết cũng không nói tới nguyên nhân chính là Sân golf Tân Sơn Nhất của các quan chức quốc phòng, nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, gây cản trở cho việc mở rộng hoạt động sân bay TSN, mà báo chí đã từng đề cập: Lấy sân golf để mở rộng sân bay, Tân Sơn Nhất sẽ bớt quá tải.

Một sân bay quốc tế khác, nằm ngay tại thủ đô của đất nước cũng ở trong tình trạng xuống cấp, mà báo Tuổi Trẻ cho biết: Đường băng Nội Bài xuống cấp, có thể phải dừng khai thác bất cứ lúc nào. Công văn của Cục Hàng không gửi Bộ Giao thông vận tải, cho biết, sân bay Nội Bài báo cáo khẩn tình trạng đường băng, đường lăn bị xuống cấp hư hỏng, như sau:

Nứt vỡ và phùi bùn tại nhiều vị trí; một số tấm bêtông ximăng có hiện tượng bị lún, cá biệt tại giao điểm với đường lăn S7 và sân quay đầu phía tây đường băng có những vị trí độ lệch giữa khe giữa hai tấm bêtông ximăng lên tới 3cm“.


Đại gia Xuân trường được cấp hàng ngàn hecta xây chùa

Báo Dân Việt có bài: “Mập mờ” việc cấp hàng nghìn ha đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy đặt nhiều câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về vụ cấp hàng ngàn hecta cho doanh nghiệp Xuân Trường xây chùa Bái Đính, Tam Chúc:

“Căn cứ giao đất, tính giá giao đất thế nào? Xây chùa có nằm trong quy hoạch sử dụng đất ra sao? Bên cạnh đó, việc kinh doanh, khai thác các công trình tâm linh được triển khai ra sao? Doanh nghiệp xây chùa rồi hiến cho nhà nước hay chính doanh nghiệp đứng ra khai thác để hoàn vốn và thu lãi? Ai sở hữu chùa? Tiền thu được thuộc về ai?”

Bộ trưởng Hà thừa nhận, trường hợp giao đất này “để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; Không thể hiện chế độ sử dụng đất”.

Báo Kiến Thức đặt câu hỏi về vụ cấp hàng nghìn hecta đất cho đại gia xây chùa: Bao giờ Xuân Trường trả lại cho Nhà nước? Theo bài báo, ngay chính Bộ TN&MT cũng không trả lời được, bao giờ công ty Xuân Trường phải bàn giao đất lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng các “siêu công trình” tâm linh? Lưu ý, Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc với diện tích 1.205 hecta đã được chính Thủ tướng phê duyệt.


Vingroup tham gia sửa đổi Luật Đất đai với Bộ TNMT

Cũng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, cho bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban pháp chế của Tập đoàn VinGroup, tham gia trong nhóm chuyên gia xây dựng “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai”, khiến nhiều người lo ngại về việc “lobby” luật, sự câu kết của nhóm lợi ích này với chính phủ để trục lợi. Báo Phụ Nữ TPHCM có bài: Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý: ‘Không nên có VinGroup trong quá trình soạn luật’.

Bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, nói, “không nên có một doanh nghiệp cụ thể trong quá trình soạn thảo dự án luật, để phòng ngừa khả năng có sự lobby nhằm mang lại lợi ích cho một doanh nghiệp hoặc một nhóm lợi ích. Tôi không dám nói tất cả, nhưng trong các dự án luật tôi biết thì không ai đưa người của doanh nghiệp vào quá trình soạn luật sớm như vậy“.


Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT nói: “VinGroup nói bà Lâm tham gia với tư cách cá nhân là không đúng. Tư cách chuyên gia của bà Hồ Ngọc Lâm là tư cách cho một doanh nghiệp. Tôi cho là như thế cũng không có vấn đề gì. Vì Tổ chuyên gia chỉ tư vấn cho Ban soạn thảo và Tổ biên tập chứ họ không soạn thảo hay biên tập trong quá trình xây dựng luật“.


Trục lợi cả đất nghĩa trang và đất rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định kỷ luật chủ tịch huyện tiếp tay chiếm đoạt tiền nghĩa trang, theo báo Người Đưa Tin. Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, nhiệm kỳ 2016 – 2021, bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, vì lý do: “Thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành để cán bộ thuộc phạm vi quản lý vi phạm các quy định về quản lý tài chính; ký quyết định ngân sách không đúng quy định”.

Trước đó, vào năm 2012, ông Nguyễn Hồng Lam làm Trưởng Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện, đã cố ý làm trái quy định, ký lệnh chi tiền và giấy lĩnh tiền mặt sai quy định, để cấp dưới lợi dụng rút tiền ngân sách sử dụng mục đích cá nhân. Ông Lam còn ký lệnh giao đất tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng, xây dựng mở rộng nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ sai quy định.

Sai phạm ở Nghệ An: Khởi tố thêm 2 cán bộ vụ làm giả hồ sơ lấy tiền đền bù, báo Thanh Niên đưa tin. Ngày 21/8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác nhận, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Thiện, cựu Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Thành và Phan Văn Minh, cựu cấp phó của ông Thiện để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cơ quan điều tra, năm 2014, Công ty Đông Bắc thuê đất rừng tại huyện Yên Thành để làm dự án trồng cây làm thức ăn nuôi bò sữa, thời gian thuê 50 năm. Sau đó, lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành đã 3 bộ hồ sơ giả mang tên đất rừng của các cá nhân để lấy hơn 5 tỉ đồng tiền đền bù cây trên đất của Công ty Đông Bắc. 

Sai phạm ở Trà Vinh

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh bắt tạm giam Phó chủ tịch và nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, VOV đưa tin. Sáng 21/8, công an đã khởi tố và bắt tạm giam Diệp Văn Thạnh và Trần Trường Sơn, cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh. Hai bị can này bị điều tra về sai phạm quy định trong quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Phòng TN&MT TP Trà Vinh.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, một số cán bộ TP Trà Vinh, trong đó có ông Thạnh và ông Sơn, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, để “cò” nhà đất và cán bộ công chức lợi dụng sơ hở trong thực hiện chính sách để thu lợi bất chính, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tháng 10/2018, ông Thạnh bị kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, còn ông Sơn bị cảnh cáo.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/08/H5-23.jpg
Diệp Văn Thạnh (mặc áo sọc, ảnh trái) và Trần Trường Sơn (áo sọc, ảnh phải) bị bắt. Photo Courtesy

ietNamNet có bài: Cựu chủ tịch, Phó chủ tịch TP Trà Vinh bị bắt vì dính vụ thất thoát 120 tỷ. Bài báo cho biết, TP Trà Vinh có 656 người thuộc diện chính sách xin miễn giảm tiền sử dụng đất, với số tiền hơn 113 tỷ đồng, trong đó có gần 350 trường hợp bị phát hiện số tiền miễn giảm không đúng, tổng cộng gần 70 tỷ đồng. Trong đó có 284 trường hợp được hưởng chế độ chính sách như: Cất nhà tình nghĩa, hỗ trợ sữa chữa nhà… không thuộc đối tượng miễn giảm nhưng đã được giảm đến 63 tỷ đồng. 

Theo kết luận của cơ quan điều tra, từ tháng 1/2011 đến 7/2014, ông Thạnh lúc còn giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh đã ký 146 quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất, sai phạm số tiền hơn 24 tỉ đồng. Đến tháng 7/2014, ông Thạnh lên giữ chức Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ký tiếp 5 quyết định miễn giảm tiền sử dụng gần 1 tỷ đồng. Ông Thạnh còn ủy quyền cho ông Sơn ký 504 quyết định với số tiền hơn 94 tỷ đồng.


Khởi tố Chấp hành viên Chi cục THADS Bảo Lộc

VKSND Tối cao vừa khởi tố nguyên Chấp hành viên Chi cục THADS TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng, theo VTC. Ngày 21/8, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đinh Văn Thơm để điều tra về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Bị can Thơm từng là Chấp hành viên Chi cục THADS TP Bảo Lộc. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, ông Thơm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiều lần nhận tiền của người được thi hành án trái pháp luật để chiếm đoạt.


PGĐ Sở Tư pháp Hậu Giang bị kỷ luật vì chống lệnh của đảng

VietNamNet đưa tin: Không nhận điều động, phó giám đốc sở ở Hậu Giang bị khiển trách. Lãnh đạo UB Kiểm tra Tỉnh uỷ Hậu Giang xác nhận, đã có hình thức kỷ luật ông Nguyễn Thành Nhơn, PGĐ Sở Tư pháp Hậu Giang. Ông Nhơn bị kỷ luật vì đã không nhận quyết định điều động giữ chức Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ. 

Dù chống lệnh điều động của cấp trên, ông Nhơn chỉ bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách. Quyết định kỷ luật dự kiến sẽ được triển khai trong tuần này. Ông Nhơn cho biết, ba tháng qua ông vẫn đến Sở Tư pháp họp với tư cách Bí thư Đảng ủy. Ngoài ra ông không được phân công công việc, cũng như không được nhận lương.

Trước đó, báo Giao Thông đặt câu hỏi: Phó giám đốc Sở nói gì về việc bị bỏ phiếu kỷ luật vì từ chối điều động? Về lý do từ chối quyết định điều động, ông Nguyễn Thành Nhơn giải thích rằng, Hội chữ thập đỏ “là hội đặc thù, không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ bản thân, nếu nhận quyết định điều động sẽ khiến ông từ một công chức thành một người không còn là công chức”.

Ông Nhơn nói thêm: “Nếu quyết định điều động đúng với quy định luật cán bộ công chức mà tôi không nhận thì ra quyết định kỷ luật tôi xin nhận. Tuy nhiên, quyết định điều động là không đúng quy định. Điều tôi đi đâu cũng được nhưng phải còn là công chức”.


Cập nhật vụ bê bối ở ĐH Đông Đô

Zing dẫn lời TS Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nhận định: “Vụ ĐH Đông Đô cho thấy quản lý quan liêu, việc kiểm soát có vấn đề”. Vụ trường ĐH Đông Đô cấp bằng ngoại ngữ “thần tốc”, ông Vinh phân tích, sai lầm ở chỗ ký quyết định cấp văn bằng.

Trước đây, để có phôi bằng, trường phải trình đủ giấy tờ, gồm danh sách nhập học, danh sách tốt nghiệp, chỉ tiêu tuyển sinh với chuyên viên Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, để trình lên vụ trưởng rồi mới chuyển sang văn phòng bộ. Còn bây giờ, Bộ GD&ĐT “đã bỏ khâu ở Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, giao thẳng cho Văn phòng Bộ GD&ĐT. Việc thả lỏng này tạo ra kẽ hở khi sự phối hợp giữa văn phòng và Vụ Kế hoạch – Tài chính không tốt”.

VietNamNet có bài: Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng, chứng chỉ chớp nhoáng như thế nào?  Ông Trần Ngọc Quang, cựu Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, thừa nhận, đã nhận hồ sơ từ bà Phạm Diệu Thúy, cựu cán bộ Khoa Thú y, kinh phí thu mỗi trường hợp là 45 triệu đồng. Đến nay, cả 8 trường hợp đóng tiền này đều đã nhận bằng.

Báo Giáo Dục VN đặt câu hỏi: Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Thanh tra Bộ Giáo dục ở đâu? TS Nguyễn Viết Chức, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhận định: “Rõ ràng, việc Đông Đô xin hoãn thanh tra thì Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải hỏi rất kỹ bằng văn bản về lý do hoãn thanh tra. Trường chuyển địa điểm thì có tiếp tục hoạt động không? Việc trường Đông Đô chuyển địa điểm không quan trọng bằng việc có hoạt động hay không?” 


Nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông bị Trung Quốc bắt

Trong lúc các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đang căng thẳng, TQ bắt giữ nhân viên lãnh sự quán Anh. Ông Simon Cheng, nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hồng Kông đến Thẩm Quyến làm việc ngày 8/8, nhưng đã không trở về Hồng Kông theo lịch trình. Báo Một Thế Giới có bài: Nhân viên lãnh sự Anh bị bắt tại Trung Quốc?

Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung của Anh (FCO) ra thông cáo: “Chúng tôi rất lo lắng về tin một nhân viên nước chúng tôi bị bắt giữ lúc từ Thẩm Quyến về Hồng Kông. Chúng tôi đang hỗ trợ gia đình ông ấy cũng như tìm thêm thông tin từ giới chức Hồng Kông lẫn Quảng Đông”.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/08/H5-22.jpg
Ông Simon Cheng, nhân viên tại tổng lãnh sự quán Anh ở Hong Kong. Nguồn: Facebook Sinmon Cheng.

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận bắt nhân viên lãnh sự quán Anh ở Hong Kong, VnExpress đưa tin. Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong buổi họp báo ở Bắc Kinh: “Simon Cheng bị cảnh sát thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, bắt giam 15 ngày, vì vi phạm nguyên tắc quản lý an ninh công cộng. Cheng là công dân Trung Quốc, vì vậy đây hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc“.


***








No comments: