Sunday, August 18, 2019

BÃI TƯ CHÍNH : NGUY CƠ XUNG ĐỘT QUÂN SỰ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC GIA TĂNG (Người Việt Online)




Người Việt Online
August 18, 2019

CAM RANH, Việt Nam (NV) – Nguy cơ xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc có dấu hiệu gia tăng trên Biển Đông khi có tin “ngoài luồng” là cả Việt Nam và Trung Quốc đưa chiến hạm đến khu vực bãi Tư Chính.

Theo ông Ryan Martinson từ Học viện Tác chiến Hải quân Hoa Kỳ, phổ biến trên mạng Twitter hôm Thứ Bảy, 17 Tháng Tám nói hộ tống hạm Quang Trung HQ 016, trang bị hỏa tiễn và khả năng chống tàu ngầm tối tân nhất của Hải quân Việt Nam đã rời quân cảng Cam Ranh hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám 2019 đến khu vực bãi Tư Chính.

Ông đưa thêm chi tiết vừa kể sau khi đưa tin hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám là 2 tàu của Việt Nam là ‘Vpns Quang Trung và Truong Sa 401012 “vờn nhau” với các tàu Trung Quốc tại bãi Tư Chính kèm theo lược đồ hướng các tàu này ngược xuôi trên biển.’

Nơi đây đang có nhóm 6 tàu hải cảnh Trung Quốc vừa làm nhiệm vụ bảo vệ tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8, vừa đe dọa hoạt động khai thác và khoan tìm dầu khí của Việt Nam tại khu vực.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/08/VN-TuChinh-chien-hamTQ-Twitter-SCSNews-rdmartinson-081719.jpg
Hình chiến hạm Trung Quốc đối đầu chiến hạm Việt Nam tại bãi Tư Chính mà nguồn thông tin South China Sea News nói do ngư dân chụp gửi tới trang Twitter của ông Ryan Martinson. (Hình: SCSNews/Ryan Martinson)

Ông Martinson, căn cứ theo dữ liệu của tổ chức quốc tế theo dõi hải trình của tàu biển trên thế giới, đưa ra trên trang Twitter lược đồ di chuyển của HQ 016 cũng như lược đồ vị trí của các tàu Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính, có vẻ như ngăn chặn nhau, “vờn” nhau.

“Sơ đồ diễn tả hướng chạy tới chạy lui của tàu Haiyang Dizhi 8, (tương tự như đường đi tới đi lui của máy cắt cỏ ở trên vườn) và tàu Quang Trung có vẻ rõ rệt muốn cản trở hoạt động của nó”, ông Martinson viết trên trên Twitter.

Ông bình luận thêm là “Nếu đây là sự thật, và tàu hộ tống hạm của Việt Nam đang làm vậy, thì nguy cơ về một vụ xung đột võ trang với Trung Quốc gia tăng đáng kể”.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/08/VN-hai-canh-TQ46111-Ryan-Martinson-081619-1-768x631.jpg
Tàu hải cảnh Trung Quốc 46111 chạy từ quần đảo Hoàng Sa tới tăng cường bảo vệ cho tàu Haiyang Dizhi 8. (Hình: Ryan Martinson)

Hiển nhiên, ông Martinson xem những gì ông ghi nhận được không có gì là chính thức mà chỉ căn cứ theo tổ chức cung cấp dữ liệu thông tin hải trình của tàu biển quốc tế. Chỉ gọi là chính thức khi nhà cầm quyền Việt Nam xác nhận mà điều này rất khó xảy ra nếu không được họ tung ra để tuyên truyền.

Cũng trên trang Twitter của ông Martinson chiều hôm Thứ Bảy 17 Tháng Tám, ông phổ biến lại thông tin từ nhóm có tên “South China Sea News” gửi cho ông. Nhóm này đưa tấm hình tàu chiến Trung Quốc mang số 591 làm bằng chứng và nói rằng “Một số tấm hình do ngư dân chụp ám chỉ (suggested) là ít nhất có hai chiến hạm Trung Quốc cũng hiện diện ở đó”.

Liên tiếp những ngày gần đây, hoặc ông Martinson đưa thông tin, hoặc ông dẫn lại tin của một nhóm có tên “South China Sea News” theo dõi tình hình Biển Đông. Cả trên trang Twitter của ông Martinson và Twitter của nhóm South China Sea News thấy có cả sự theo dõi hay bàn luận của các chuyên viên quốc tế về Biển Đông nổi tiếng như Alex Vuving (Vũ Hồng Lâm – Giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Tây tại Honolulu, Hawaii) và Greg Poling (giám đốc Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu AMTI trực thuộc tổ chức CSIS ở Washington DC).

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/08/VN-2canh-sat-bienVN-6hai-canh-hai-giamTQ-TuChinh-RyanMartinson-081619.jpg
Chỉ thấy có hai tàu của Việt Nam trong khi Trung Quốc có 6 tàu hải cảnh bảo vệ cho tàu khảo sát của họ. (Hình: Lược đồ vị trí của Ryan Martinson)

Ông Carl Thayer từng tiết lộ trên trang tham vấn cá nhân Thayer Consultancy là khi lực lượng của Việt Nam đối phó với lực lượng Trung Quốc tại bãi Tư Chính hồi Tháng Bảy, có thời điểm số tàu của Trung Quốc có mặt ở khu vực từ 35 chiếc đến 40 chiếc Ban đầu ông nói lên tới 80 chiếc nhưng sau đính chính lại. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao cũng như báo chí tại Việt Nam hoàn toàn không đề cập.

Báo chí tại Việt Nam luôn luôn chỉ đăng tải các lời phát ngôn của Bộ Ngoại Giao CSVN phản đối Trung Quốc cho nhóm tàu khảo sát địa chất và hải cảnh xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Không có một chi tiết nào tiết lộ có loại tàu nào của Việt Nam có mặt ở khu vực bãi Tư Chính ngoài nhóm từ “lực lượng chức năng” có mặt ở đó làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đôi khi có chen vào một số lời phân tích hay bình luận của những viên chức đã nghỉ hưu nằm ngoài chính quyền hoặc các chuyên gia quốc tế.

Người ta chỉ thấy hôm Thứ Sáu tuần trước, báo chí tại Việt Nam nhất loạt đăng tải lời bà Lê thị Thu Hằng, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao CSVN trả lời báo chí “Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”. Bà phát biểu 3 ngày sau khi ông Martinson và nhóm “South China Sea News” đưa tin nói tàu Haiyang Dizhi 8 quay lại khu vực Tư Chính sau mấy ngày về đảo nhân tạo Đá Chữ Thập lấy tiếp liệu.

Sự hiện diện của chiến hạm của Việt Nam cũng như Trung Quốc, nếu điều này xảy ra đúng như các thông tin không chính thức ghi nhận, là dấu hiệu leo thang nghiêm trọng. Giới theo dõi diễn biến thời sự chính trị tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông sẽ không bỏ qua bất cứ chi tiết nào.

Việt Nam chỉ có một chiến hạm mang danh hiệu Quang Trung là HQ 016. Đây là hộ tống hạm mới nhất của Việt Nam, trọng tải 2,200 tấn, trang bị hỏa tiễn chống hạm và ngư lôi chống tàu ngầm, thuộc lớp Gepart mua của Nga và mới về tới Việt Nam đầu năm 2018. Còn tàu “Truong Sa 401012” , có vẻ như là tàu vận tải quân sự lớp Trường Sa trọng tải 1,200 tấn trang bị 2 khẩu súng máy 14.5mm để tự vệ.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2019/08/VN-vuving-ban-do-khai-thac-dau-khi-Twitter-VuVing-081819.jpg
Bản đồ khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam đang có sự quấy phá của Trung Quốc tại bồn trũng Nam Côn Sơn. (Hình: Twitter- Alex Vuving)

Lược đồ hành trình tàu Haiyang Dizhi 8 từ khi nó rời đảo nhân tạo Đá Chữ Thập ngày 13 Tháng tám 2019, trên trang Twitter của ông Martinson cho thấy nó chạy tới chạy lui theo hướng Đông Nam rồi quay lại theo hướng Tây Bắc tại khu vực đang có hoạt động khai thác và khoan tìm dầu khí cuả Việt Nam chứ không đi đâu khác.

Theo tin của ông Martinson thì đi hộ tống cho tàu Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Bát Hào) có chiếc tàu hải cảnh 3308, tài hải giám 33111, đồng thời còn tăng cường thêm tàu hải cảnh mang số 46111 thuộc lớp Zhaojun trọng tải 2,500 tấn, chạy tới từ quần đảo Hoàng Sa. Nay có tin không chính thức là thêm sự xuất hiện của các chiến hạm của hai bên.

Cùng lúc có sự đối đầu tại bãi Tư Chính, báo South China Morning Post hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám cho hay Trung Quốc mở cuộc tập trận hải quân trong vịnh Bắc Bộ kéo dài một tuần lễ, từ ngày 9 Tháng Tám đến ngày 16 Tháng Tám “để thử các loại võ khí mới” và cấm các loại tàu thuyền qua lại gần khu vực tập trận. (TN)

-------------------------
LIÊN QUAN

August 17, 2019





No comments: