Thursday, June 7, 2018

TRUMP ĐÓNG TUỒNG TRÊN SÂN KHẤU HẠCH TÂM BÁC HÀN (Robert E. Kelly)




Robert E. Kelly
Trà Mi dịch
Posted on June 7, 2018 by editor

Thế giới đã sẵn sàng đón Đại sứ Dennis Rodman đến cư trú tại Tháp Trump ở Bình Nhưỡng hay chưa?

Màn hình ở ga xe lửa chiếu ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, Seoul, Nam Hàn, ngày 16 tháng 5 năm 2018. Jung Yeon-je /AFP /Getty Images

Vài tuần gần đây chính sách ngoại giao Bắc Hàn xáo trộn nhưng vô nghĩa một cách khó hiểu, theo cách “phá loạn kiểu Trump” trong thời đại của chúng ta. Nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra các mô hình đã định để quan hệ với Bắc Hàn, và rõ ràng rẩt thích thú làm những việc như vậy. Truyền hình cáp đầy ắp những chuyên gia ủng hộ Trump ca ngợi việc ông gạt ra ngoài lề những người “được gọi là chuyên gia” về Bắc Hàn. Giới phân tích dường như bị gạt sang một bên trước những hành động táo bạo của Trump và bộ dạng hiên ngang của một con buôn, sẽ đưa Kim Jong-un quyền lực tối cao của Bắc Hàn vào bàn hội nghị.

Nhưng nó không cho thấy rõ ràng sự hỗn loạn này đã đưa đến bất cứ điều gì khác ngoài sự hỗn loạn, thay đổi hàng ngày, như lời đề nghị đột ngột của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói rằng ông cũng tham gia hội nghị thượng đỉnh. Chúng ta vẫn đang chờ một dấu hiệu rõ ràng về chiến thắng hoặc sự cải thiện vị trí của Mỹ liên quan đến Bắc Hàn: Bình Nhưỡng đã không đưa ra điều gì mà không thể dễ dàng đảo ngược, trong khi ở Nam Hàn, những trò hề của Trump đã làm vị trí của Mỹ trở nên tồi tệ hơn.

Những tu từ hiếu chiến của Trump năm 2017 đã gây ra một sự đồng thuận hòa bình lớn để Tổng thống Moon nhượng bộ Bắc Hàn — có lẽ đây là một kết quả mỉa mai mà một chính quyền chủ chiến Mỹ đã đạt được. Được bầu lên cách đây một năm với chỉ 41% phiếu bầu, sự ưa chuộng đối với Moon hiện cao hơn 80%, mặc dù không có thành tích đang kể trong nước. Trump cũng thường xuyên bắt nạt Nam Hàn — ví dụ, gọi Moon là một người thỏa hiệp vô nguyên tắc, đe dọa đơn phương rút quân đội Mỹ khỏi Nam Hàn, và buộc phải đàm phán lại thỏa thuận thương mại không một cách không cần thiết và gây tranh cãi.

Tổng thống Hoa Kỳ hiện nay rẩt rất không được ưa chuộng ở Nam Hàn, ngay cả khi chính phủ Nam Hàn đã đã hết lời tâng bốc để thỏa mãn Trump. Một bí mật ai cũng biết ở Nam Hàn là đề nghị của Moon rằng Trump có thể giành được giải Nobel Hòa bìnhkhông gì khác hơn một mánh lới quảng cáo để thỏa mãn sự kiêu ngạo của Trump và giữ ông ta ngồi yên theo đường lối ngoại giao thay vì lại đe dọa bằng “lửa và giận dữ”. Không người nào ở Nam Hàn thực sự tin Trump xứng đáng được giải Nobel — và nó là một dấu hiệu cho thấy Trump đã đặt chương trình nghị sự của giới truyền thông Hoa Kỳ hiệu quả đến mức khái niệm này đã được tranh luận nghiêm túc ở Mỹ trong vài tuần.

Ngược lại, khi chính quyền Trump quyết định đưa cuộc họp Singapore trở lại thời biểu, ngày 28 tháng 5 họ đã gửi đến Bình Nhưỡng chính những loại chuyên gia đó — những người như đại sứ Mỹ tại Philippines, Sung Kim, và chuyên gia về Nam Hàn ở Hội đồng An ninh Quốc gia Allison Hooker — những người đại diện cho hiện trạng được cho là khó xử. Sau hai tháng biểu diễn tại Bắc Hàn, khi tổng thống Mỹ cuối cùng quyết định có cuộc họp với Kim, ông đã quay trở lại với chính sách của chính quyền hoạt động lặng lẽ trong các chuyến công tác. Các viên chức chính phủ này hiện đang phải đối diện với một gánh nặng gần như không thể vượt qua được là chỉ trong vài tuần phải vá víu cho được một thỏa thuận khung mà giới đàm phán Mỹ đan không thể thực hiện được trong nhiều năm qua. Một kết quả thành công trong lần này là chuyện rất khó xảy ra.

Sự trở lại với chuyên viên hậu phòng này cho thấy rằng tiến trình hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có, dưới áng đèn chói lọi của giới truyền thông toàn cầu, đã bị phơi bầy quá mức. Người ta có thể gọi nó là “Trump Show”: một sự pha trộn đáng ngại của sự cường điệu vẽ vời và sự thèm muốn được chú ý đến. Và điều này đã rõ ngay từ đầu, khi Trump chấp nhận đề nghị chung chung của các phái viên Nam Hàn để gặp Kim. Không rõ liệu các sứ giả đó đã thực sự nói chuyện với Kim hay không. Họ có thể chỉ khuyến khích Trump. Nhưng Trump, luôn bốc đồng và khinh thường giới chuyên gia, đã đồng ý ngay mà không cần nói ngay với cả nhân viên của mình. Sau đó, một cách quái lạ, Trump đã để các phái viên Nam Hàn ra ngoài Tòa Bạch Ốc đưa lời tuyên bố — là trách nhiệm Ngoại trưởng Hoa Kỳ lẽ ra phải công bố ở một diễn đàn thích hợp.

Sự pha trộn giữa những trò của truyền hình thực tế và sự phá loạn kiểu Trump đã mô tả toàn bộ những hoạt động tiền hội nghị, tạo ra vô số những lời bình luận trên truyền hình, nhưng không đem lại kết quả thực tế về các vấn đề kỹ thuật. Thật vậy, việc Trump khoe khoang về cách ông đã buộc Bắc Hàn đồng ý đàm phán và võ đoán về giải Nobel gần như chắc chắn làm trầm trọng thêm các cuộc đàm phán. Người Bắc Hàn tạm dừng lại trong tiến trình hội nghị thượng đỉnh vào giữa tháng 5 vì sự cường điệu quá mức của Tòa Bạch Ốc cho rằng Bình Nhưỡng sẽ hoàn toàn giải giới hạch tâm. So sánh cách làm việc hỗn loạn này với kỹ thuật tỉ mỉ, tuy ồn ào, của Tổng thống Lyndon Johnson khi vận động cho đạo luật về Dân quyền và Xã hội Vĩ đại, ông dành hàng giờ trên điện thoại nói chuyện với các thành viên của Quốc hội, tranh đấu từng ly từng tấc để đem lợi thế chính trị về cho mình.

Như thường xảy ra với các sáng kiến của Trump, tiến trình trở nên quan trọng hơn bản chất (hình thức thì nhiều nhưng nội dung chẳng được bao nhiêu) của nó. Thay vì tranh luận chi tiết về những thỏa thuận phức tạp mà chúng ta có thể tấn công Bắc Hàn – ví dụ một mức giới hạn về số hỏa tiễn của Bắc Hàn để đổi lấy việc di chuyển không quân Mỹ khỏi bán đảo Đại Hàn sang Nhật Bản, Guam hay Hawaii chẳng hạn, hoặc đặt máy ảnh ở các cơ sở hạch tâm ở Bắc Hàn đổi lấy việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt – Giới truyền thông tập trung vào những phản ứng hàng ngày và những hành động phản đối, như bức thư rút lui, thôi không đàm phán, quái lạ như thư của “kẻ bị phụ tình” mà Trump viết ngày 24 tháng 5. Trump không thể không nói về cá nhân mình khi đưa ra những sáng kiến về chính sách, và lần này cũng không cói gì khác. Trong khi đó, dường như không ai nhận thấy Trump không bao giờ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về những gì Hoa Kỳ nói chuyện với Bắc Hàn hy vọng đạt được ngoài những vấn đề CVID khó có thể xẩ ra. (CVID: complete, verifiable, and irreversible disarmament nghĩa là Giải giới Hoàn toàn, Có thể kiểm chứng và Không thể đảo ngược được).

Thật đáng lo ngại khi bàn về một thứ quan trọng như chương trình hạch tâm của Bắc Hàn, và Tổng thống Mỹ chưa bao giờ nói đến chi tiết về những gì mà Mỹ có thể cân nhắc để loại bỏ những vũ khí đó. Nếu người Bắc Hàn từ chối CVID, như hầu hết giới phân tích đã tiên đoán, liệu Mỹ có chấp nhận những gì ít hơn hay không? Nếu vậy, thì Mỹ sẽ đổi lấy cái gì? Đây là loại thỏa thuận hỗn hợp có thể sẽ thành hình, và Trump chưa hề công khai đặt bất kỳ cơ sở nào cho những gì mà Hoa Kỳ có thể chấp nhận được. Thay vì đọc những bài phát biểu vận động quần chúng tối đa và cường điệu về giải Nobel, đưa cuộc đàm phán đến cấp độ nhân viên chuyên gia — và cho họ thêm thời gian — sẽ giúp ích cho hội nghị rất nhiều.

Dấu ấn cần có của tổng thống có thể đã bị bỏ lỡ vì, trước tiên, chính tổng thống không hiểu gì về những vấn đề này và không muốn dành thời gian nghiên cứu (được biết, ông “không nghĩ rằng ông ấy cần” chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Singapore); và thứ hai, vì ông ta dường như thực sự không muốn đàm phán với Bắc Hàn tại Singapore, do đó không cần thiết để tìm hiểu bất kỳ chi tiết nào trước khi đi hội nghị. Với một thiên hướng hù dọa và ít quan tâm đến việc qua-lại trong ngoại giao, Trump dường như đang đợi để ra lệnh, đặt ra các điều khoản, như ông đã cố làm trong các cuộc đàm phán để hủy bỏ Obamacare, đàm phán thương mại với Trung Quốc, đàm phán NAFTA, với Iran và các nơi khác.

Một dấu hiệu của tình trạng như đang giao tranh trong vụ Bắc Hàn là sự thúc đẩy “mô hình Libya” của Phó Tổng thống Mike Pence và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, ám chỉ đến thỏa thuận với cựu lãnh đạo Libya, Muammar Qaddafi, đã phải từ bỏ toàn bộ chương trình hạch tâm trước để đổi lấy lời hứa mơ hồ trong tương lai về việc bảo đảm an ninh và hỗ trợ kinh tế. Sai lầm lớn này cho thấy rằng Bolton và Pence đã cố ý thọc gậy bách xe vào những trách nhiệm và công việc Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đang thực hiện với Bình Nhưỡng, thậm chí còn nhằm cố gắng phá hoại hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu.

Ít có người trong giới phân tích nghĩ rằng Bắc Hàn sẽ chấp nhận CVID theo mô hình Libya.
Bắc Hàn đã dành bốn mươi năm để làm vũ khí hạt nhân. Họ đã viết tầm quan trọng của chúng vào hiến pháp. Các đầu hỏa tiễn đạn đạo cho Bình Nhưỡng sức mạnh hạch tâm đe dọa trực tiếp đến lục địa Hoa Kỳ, và đó là một lá chắn mạnh nhất để chống lại bất kỳ nỗ lực nào Mỹ dẫn đầu nhằm thay đổi chế độ ở Bắc Hàn. Sẽ thật đáng kinh ngạc nếu Bắc Hàn bất ngờ bỏ kho vũ khí của họ. Ngay cả khi họ đồng ý với điều đó, các nhượng bộ mà họ đòi hỏi sẽ lớn kinh khủng — chẳng hạn như kết thúc liên minh Mỹ-Nam Hàn.

Đáng chú ý, thỏa thuận của Libya với Mỹ đã kết thúc một cách rất tồi tệ cho giới tinh hoa Libya, đặc biệt là đối với Qaddafi. Hoa Kỳ đã không cấp viện trợ kinh tế hay bảo đảm an ninh. Đầu tiên, Washington ù lỳ không viện trợ khiến giới chức Libya phải tức giận, và bắt đầu tuyên bố họ đã bị lừa. Sau đó, trong Mùa xuân Ả Rập 2011, Mỹ đã vi phạm lời hứa bảo đảm an ninh Libya bằng cách ủng hộ phe cách mạng ở Libya. Qaddafi đã gặp một kết cục kinh hoàng khi bị phiến quân săn lùng, bị bắt và bị hạ sát. Tất nhiên không ai thương tiếc gì Qaddafi, nhưng rõ ràng Hoa Kỳ đã thất bại không giữ lời đã cam kết gây thiệt hại cho uy tín của Mỹ trong việc đối phó với các quốc gia lừa đảo khác về vũ khí hạt nhân.

Nó nói lên tính cách đánh hủ đầu và sự khinh thường ngoại giao khi Nhóm Trump đề nghị “mô hình Libya” làm khung sườn đàm phán, vì Bình Nhưỡng thường nói rằng kết quả Libya là chính là những gì họ lo ngại sẽ xẩy ra. Bắc Hàn đã nói với giới đàm phán Mỹ từ nhiều năm qua rằng nếu Qaddafi giữ lấy trình hạch tâm, có thể ông vẫn còn sống. Điều này gần như chắc chắn đúng.

Tệ hơn nữa, câu chuyện của Bắc Hàn về Qaddafi rất nổi tiếng trong số những người đã làm việc về Bắc Hàn; vì thế thật khó để tưởng tượng được Bolton và Pence không biết điều đó. Khi đem mô hình Libya ra, họ gần như chắc chắn biết nó sẽ gây ra một phản ứng dữ dội – như nó đã xẩy ra, và Bình Nhưỡng đã gọi Pence là “đồ ngu” vào ngày hôm sau. Họ cũng có thể biết điều đó thậm chí có thể phá vỡ hội nghị thượng đỉnh, và đàm phán thục sự sẽ đổ vỡ từ khi chưa họp. Việc trục trặc giữa tháng 5 trong tiến trình hội nghị xẩy ra ngay sau khi Pence đặt vấn đề mô hình Libya. Pence đã có một chủ trương diều hâu đáng chú ý đối với Bắc Hàn kể từ khi bắt đầu chính quyền Trump, và Bolton đã nhiều lần cổ động cho một cuộc tấn công quân sự đánh vào Bắc Hàn hoặc hoàn toàn thay đổi chế độ ở đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không kiểm soát được cấp dưới: Bolton và Pence đã nói rằng Kim Jong-Un có thể phải chấp thuận “mô hình Libya”. Nguồn: www.synergiafoundation.in

Không nhiều trong những vấn đề nêu cho thấy rằng sự phá loạn kiểu Trump đã cải thiện kết quả chính sách đối ngoại của Mỹ. Thật vậy, hành vi buồn vui bất chợt của Trump suýt nữa đã đánh chìm hội nghị thượng đỉnh ba lần — trước tiên, với lời tuyên bố chiến thắng đầu tháng 5 của ông, dự đoán rằng miền Bắc sẽ giải giới vũ khí hạch tâm và thổi phồng giải Nobel; thứ hai, với lá thư ngày 24 tháng 5 như người bị phụ tình viết rút lui không đàm phán nữa, đồng thời đe dọa chiến tranh hạch tâm một lần nữa; và thứ ba, vì không có khả năng kiểm soát sự khiêu khích của cấp dưới về mô hình Libya. Trong bối cảnh truyền thông rối loạn, không ai có thể nói về các chi tiết cụ thể của một thỏa thuận có thể xẩy ra: kết hợp một số viện trợ, biện pháp trừng phạt, máy ảnh hoặc chuyên viên thanh tra tại các cơ sở hạch tâm ở Bắc Hàn, tính sổ vũ khí hạch tâm của Bắc Hàn, rút quân đội chinh quy hoặc không quân Mỹ, một hiệp ước hòa bình. Giới hạn số hỏa tiễn của Bắc Hàn, v.v. Trong trường hợp Trump thành công đi đến một thỏa thuận, công chúng Hoa Kỳ – năm ngoái đã bị ngoa dụ rằng một Bắc Hàn có vũ khí hạch tâm là một mối đe dọa hiện sinh cho Mỹ — sẽ hoàn toàn ú ớ trước một sự trở mặt như vậy.

Từ việc bãi bỏ Obamacare đến thương mại với Trung Quốc, từ xây tường biên giới phía nam, Mễ Tây Cơ (trả tiền) của Trump đến một kế hoạch cơ sở hạ tầng, Trump phơi bày quá mức những đề án của ông bằng cách kích thích giới truyền thông điên cuồng lên vì những hành động của mình. Có thể có chỗ cho một thỏa thuận Mỹ-Bắc Hàn — cả hai bên dường như đều muốn hội nghị thượng đỉnh – nhưng khuynh hướng của Trump biến mọi sáng kiến chính sách lớn thành các tuồng tích cá nhân của mình cũng có thể gây thiệt hại cho cố gắng đối phó với Bắc Hàn của ông. Bình Nhưỡng có thể xét rằng họ không thể tin vào một người nào đó bất ổn tâm thần và dễ thay đổi suy nghĩ.

Tệ hơn nữa, Bắc Hàn có thể dùng mẹo tâng bốc để đạt được thỏa thuận. Họ cũng có thể đã thấy Trump dễ dàng bị lôi cuốn vì những lời nịnh hót, bợ đỡ từ nhiều phía như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các quốc vương vùng Vịnh Ba Tư và các CEO ở Mỹ. Bắc Hàn luôn luôn là những người đàm phán không thể tin được trong các hội nghị trước đây; nó sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên chút nào nếu bây giờ họ đã xác định được tính phù phiếm của Trump là điểm yếu của ông ta, và chọn để mua vui cho nó, cũng như phản ứng xum xoe của họ đối với lá thư ngày 24 tháng 5 của Trump.

Thế giới đã sẵn sàng đón Đại sứ Dennis Rodman đến cư trú tại Tháp Trump ở Bình Nhưỡng hay chưa?

Ngày 5 tháng 6 năm 2018
© 2018 DCVOnline

Nguồn: Trump’s North Korean Nuclear Theatrics. Robert E. Kelly, The New Yorker Review of Book | June 5, 2018.











No comments: