Friday, June 22, 2018

THUẾ CỦA LIÊN HIỆP CHÂU ÂU ĐÁNH LÊN HÀNG HÓA MỸ BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC (tin tổng hợp)




Đăng ngày 22-06-2018 

Nhằm đáp lại việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, kể từ hôm nay, 22/06/2018, các biện pháp trả đũa của Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu có hiệu lực : Nâng cao mức thuế đánh vào nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Ủy viên châu Âu phụ trách Thương Mại Cecilia Malmstroem trong cuộc họp báo sau khi Mỹ thông báo đánh thuế vào thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, Bruxelles, ngày 01/06/2018. REUTERS/Yves Herman

Theo AFP, danh sách các mặt hàng phải chịu mức thuế 25% rất dài, trong đó có nước cam, rượu whisky, mô tô Harley Davidson…Châu Âu cũng tăng thuế đánh vào thép, nhôm, nhiều sản phẩm công nghiệp và nông phẩm với tổng giá trị lên đến 2,8 tỷ euro.

Bruxelles từng tuyên bố sẽ có thái độ cứng rắn đối với Washington, nhưng các biện pháp đáp trả của châu Âu bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, lại tỏ ra có chừng mực, so với các biện pháp thuế của Mỹ nhắm vào 6 tỷ euro hàng hóa châu Âu.

Theo giới chuyên gia, Bruxelles chủ trương không đổ thêm dầu vào lửa và áp dụng đúng quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về việc tái cân bằng trao đổi thương mại. Liên Hiệp Châu Âu sẽ bổ sung các biện pháp trả đũa trong ba năm tới hoặc sau khi thắng kiện tại WTO.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu hy vọng tránh được leo thang chiến tranh thương mại và tuyên bố sẽ hủy bỏ các biện pháp trả đũa, kiện tụng nếu Hoa Kỳ bãi bỏ việc nâng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.

------------------------------
BBC Tiếng Việt
22 tháng 6 2018

Liên minh châu Âu (EU) chính thức đánh thuế lên 2,8 tỷ euro hàng hóa của Mỹ hôm thứ Sáu 22/6 đối với các sản phẩm như rượu whisky bourbon, xe máy và nước cam.

Tổng thống Donal Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong một cuộc họp bàn về chính sách áp thuế của Mỹ tại G7

EU ban hành thuế trả đũa lên hàng hóa của Mỹ khi các quan chức hàng đầu tuyên bố một cuộc tấn công mới vào chính sách thương mại của ông Trump.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết các mức thuế Hoa Kỳ áp đặt lên EU đi ngược lại "mọi lôgic và lịch sử".

Chính quyền Trump công bố vào tháng Ba rằng họ sẽ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Thuế cho thép và nhôm được thông qua ngày 1/6, có hiệu lực đối với EU, Canada, Mexico và các đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ.

Trong khi đó, các hàng hóa của Hoa Kỳ mà EU nhắm vào như thuốc lá, xe máy Harley Davidson, quả việt quất và bơ đậu phộng, nay phải chịu mức thuế 25%.
Tuy nhiên, EU đã ban hành mức thuế 50% đối với hàng hóa như giày dép, một số loại quần áo và máy giặt.

Các chính sách thuế mới được áp đặt khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Đầu tuần này, ông Trump đe dọa sẽ áp mức thuế 10% lên hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc nếu nước này từ chối thay đổi các hoạt động được cho là vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker (trái) và tổng thống Mỹ Donald Trump (phải).  GETTY IMAGES

Tại sao Mỹ áp thuế?

Tổng thống Trump tin rằng nếu có thâm hụt thương mại - nếu bạn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - bạn đang thiệt hại.
Ông đặc biệt khó chịu bởi thâm hụt nặng nề trong thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Mexico, nhưng đã chỉ ra rằng ông sẽ không để cho bất kỳ quốc gia nào lợi dụng Mỹ về thương mại nữa.

Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên trong những năm gần đây, vào khoảng 50 tỷ đô la.
Tuy nhiên, điều này có thể là kết quả của một nền kinh tế mạnh hơn, với người tiêu dùng Mỹ mua thêm hàng hóa từ nước ngoài.
Các mức thuế mới được đưa ra nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng này.

Các mức thuế của Hoa Kỳ, và các biện pháp trả đũa từ các quốc gia khác, gây ra những lo ngại về một cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng tới thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá khứ, Tổng thống Trump nói rằng các cuộc chiến tranh thương mại là điều tốt và "dễ dàng giành chiến thắng", bất chấp phản ứng dữ dội từ các thị trường.

*
*
Tin liên quan

--------------------------------
VOA Tiếng Việt
21/06/2018

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã chìm vào tranh chấp thương mại ngày càng sâu sắc khiến cho các thị trường tài chính chao đảo và Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thuế lên thêm 200 tỷ đô la giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc – hành động khiến Bắc Kinh cáo buộc Washington phát pháo một cuộc chiến thương mại.

Hôm 18/6, ông Trump nói rằng lời đe dọa của ông là sự trả đũa với quyết định của Trung Quốc tăng thuế quan lên 50 tỷ hàng hóa Trung Quốc trong cuối tuần qua – một động thái mà bản thân nó đã là phản ứng của Trung Quốc với việc áp đặt thêm thuế lên hàng hóa của họ mà Mỹ loan báo trước đó.

Quy mô đơn thuần của lời đe dọa mới nhất của ông Trump khiến Trung Quốc không thể đưa ra phản ứng đích đáng kể từ khi giá trị hàng hóa liên quan vượt qua hơn 70 tỷ đô la so với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu của Mỹ hồi năm ngoái, theo dữ liệu của Mỹ.
Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách khác. Sau đây là một số kịch bản khả dĩ.

Sau khi đe dọa sẽ áp thuế thêm 25% với 50 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước, Trung Quốc có thể tăng thuế lên thêm nhiều hàng hóa của Mỹ nữa, như máy bay chẳng hạn.
Họ cũng có thể tăng mức thuế lên các mặt hàng mà họ đang nhắm vào.
Nhưng Trung Quốc cũng chỉ có thể hành động tới mức đó mà thôi.

Trung Quốc nhập khẩu 129,89 tỷ đô la hàng hóa Mỹ hồi năm ngoái, so với lượng 505,47 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hồi, theo số liệu của Mỹ. Con số này khác với số liệu do hải quan Trung Quốc đưa ra mà theo đó Trung Quốc nhập khẩu 153,9 tỷ hàng hóa Mỹ còn Mỹ mua 429,8 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Cho dù theo số liệu nào đi nữa thì ngay cả khi chính quyền Trump vẫn áp thuế lên 300 hay thậm chí 400 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh có thể áp thuế lên tổng cộng hơn 100 tỷ đô là hàng hóa Mỹ.

Để leo thang cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh có thể dùng đến các biện pháp phi thuế quan. Họ có thể tạo tạo ra những nút thắt cổ chai tốn kém cho hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Hồi tháng Năm, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cho Reuters hay đã tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập từ Mỹ so với kiểm tra bất chợt trước đây. Những sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm từ thịt lợn và xe hơi cho đến táo và cherry.

Các nhà nhập khẩu cho biết họ được nói rằng các biện pháp kiểm tra này chỉ đơn thuần là ‘mang tính kỹ thuật’ về bản chất. Táo, cherry, xe hơi và thịt lợn Mỹ đã nằm trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế.

Trung Quốc cũng có thể áp đặt những quy định mới lên hàng hóa và các công ty Mỹ để hoặc là hạn chế sự hiện diện của Mỹ tại nước họ hoặc thậm chí là cấm cửa luôn.
Trong nhiều năm, các thương hiệu Mỹ như Facebook và Google đã bị cấm cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc.
Việc xin giấy phép hoạt động trong một số lĩnh vực cũng có thể sẽ khó khăn hơn.

Ông Jacob Parker, phó chủ tịch phụ trách các hoạt động ở Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ bắt đầu xem xét các cách thức khác để thực thi những hành động chống lại các công ty Mỹ hoạt động ở thị trường của họ.
“Một điều mà tôi nghe từ các công ty là Chính phủ Trung Quốc đã có những cuộc họp với các doanh nghiệp tư nhân và các công ty Nhà nước nội địa để bàn bạc về dừng mua hàng và dịch vụ Mỹ và chuyển hợp đồng sang cho các công ty châu Âu, Nhật và các công ty nội địa Trung Quốc,” Parker cho biết.
“Điều này sẽ có tác động rất lớn vì nhiều công ty của chúng tôi hoạt động ở Trung Quốc đã xây dựng được thị phần lớn qua hàng chục năm. Nếu thị phần đó bị xói mòn thì gần như sẽ không thể trở lại như cũ,” Parker giải thích.

Việc Trung Quốc phê chuẩn cho các thỏa thuận kinh doanh với Mỹ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Chẳng hạn như họ vẫn chưa phê chuẩn thương vụ thâu tóm hãng bán dẫn NXP Semiconductors trị giá 44 tỷ đô la mà hãng sản xuất chip điện tử Qualcomm của Mỹ đưa ra – một thỏa thuận đã nhận được sự đồng ý của tám trong số chín nhà quản lý bắt buộc trên thế giới.

Trung Quốc cũng có thể cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá hơn nữa so với đồng đô la, khiến cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và hàng xuất khẩu Trung Quốc rẻ hơn. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ đã giảm giá so với đồng đô la từ giữa tháng Tư, sau khi tăng giá đều đặn kể từ tháng Giêng năm 2017.

Tuy nhiên một số nhà kinh tế nói rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cảnh giác với việc để cho đồng nhân dân tệ trượt giá mạnh so với đồng đô la. Hành động phá giá đồng nhân dân tệ hồi năm 2015 đã dẫn đến việc dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc trong nhiều tháng trời mà giới chức Trung Quốc phải chật vật đối phó – một ký ức chẳng mấy xa.

Trung Quốc cũng có thể cắt giảm lượng tài sản mà họ nắm giữ của Ngân khố Mỹ. Tính đến tháng Ba năm 2018, nước này hiện đang nắm giữ 1.188 tỷ đô la trái phiếu Chính phủ Mỹ, con số cao nhất kể từ tháng 10 năm 2017.
Tuy nhiên do Trung Quốc nắm giữ một lượng lớn như vậy tài sản của Mỹ trong tài khoản đầu tư của họ, một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh không muốn giá trị các khoản đầu tư của họ sụt giảm mạnh.
Chính vì thế mà nhiều kinh tế gia cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng tăng cường sức ép lên các công ty Mỹ hơn là gây ra hỗn loạn trên thị trường mà cuối cùng khiến cho Bắc Kinh bị tổn thương.

Hàng hóa Mỹ cũng có thể bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay. Hàng hóa Hàn Quốc từng bị tẩy chay khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Seoul trở nên lạnh giá sau khi Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng vệ chống tên lửa tầm cao THAAD bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Lượng du khách Trung Quốc đến Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng khi các nhà điều hành tour cắt giảm các tour đi Mỹ. Có khoảng 3 triệu người Trung Quốc đến thăm Mỹ hàng năm và họ chi tiêu hàng tỷ đô la.

Khi bà Thái Anh Văn đắc cử Tổng thống Đài Loan hồi năm 2016, số lượng du khách Trung Quốc đến Đài Loan đã sụt giảm mạnh. Mặc dù bà Thái nói bà muốn hòa bình với Trung Quốc, Bắc Kinh nghi ngờ rằng bà muốn tuyên bố độc lập chính thức.

Du lịch chiếm gần hai phần ba xuất khẩu dịch vụ của Mỹ đến Trung Quốc trong năm 2015, theo Ủy Ban Thương mại Quốc tế của Mỹ. Du lịch cũng là khu vực xuất khẩu dịch vụ lớn nhất Mỹ đến Trung Quốc.

Một phản ứng cực đoan của Trung Quốc có thể làm cấm vận giao thương với một loạt hàng hóa Mỹ, nhưng điều này không tương ứng với giọng điệu và hành động của Trung Quốc.
Động thái như thế sẽ dẫn đến quan hệ song phương xấu đi trầm trọng và gây xáo trộn trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Hoa Kỳ từng áp đặt lệnh cấm vận thương mại lên Trung Quốc trong khoảng từ năm 1950 cho đến năm 1972.

*
Liên quan









No comments: