Sunday, June 3, 2018

PHÁT SÚNG ĐẦU TIÊN (Lê Phan)




Lê Phan
June 2, 2018

Nhưng đây không phải cho một cuộc chiến bình thường mà là cho một cuộc chiến mậu dịch. Hoa Kỳ đã khai hỏa bắn phát đầu tiên trong một cuộc chiến mậu dịch với ba trong số các nước bạn mậu dịch lớn nhất của mình qua việc đánh thuế lên thép và nhôm nhập cảng từ Liên Hiệp Âu Châu, Canada và Mexico. Thế là chúng ta đang trên bờ một cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ không phải với các kẻ thù mà với các đồng minh lâu đời nhất.

Chính phủ Trump xác nhận tuần này họ sẽ áp đặt thuế quan lên thép và nhôm nhập cảng từ Liên Hiệp Âu Châu, Canada và Mexico. Những biện pháp này đã được loan báo từ Tháng Ba, nhưng các quốc gia láng giềng và Liên Hiệp Âu Châu – tất cả đều là những đối tác ngoại giao tối quan trọng – đã được cho một miễn tạm thời trong khi các nhà điều đình tìm cách tìm một sự dung hòa vốn sẽ giảm nhập cảng và giảm thiểu những quan ngại của Tòa Bạch Ốc về thâm thủng mậu dịch.

Nhưng hôm Thứ Năm, Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross đã nói rõ là các cuộc thảo luận không đạt kết quả. Thuế quan 25% cho thép và 10% cho nhôm được áp dụng kể từ nửa đêm 31 Tháng Năm.

Phản ứng nhanh chóng và tức giận. Những phe liên hệ đều hứa sẽ áp đặt thuế quan trả đũa lên hàng của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy Hội Âu Châu tuyên bố, “Đây là một ngày tệ hại cho mậu dịch thế giới.” Ông loan báo là liên hiệp sẽ đưa đơn kiện với tổ chức Mậu Dịch Thế Giới và đưa ra “những biện pháp chống trả.”

Chính phủ Mexico nói họ sẽ nhắm vào các hàng xuất cảng của Hoa Kỳ từ thịt ba chỉ, táo, cranberries, nho, một số loại phó mát và nhiều loại thép. Canada nói họ sẽ áp đặt thuế quan đô la đổi đô la cho một loạt các sản phẩm của Hoa Kỳ, kể cả rượu whiskey và nước cam. Và Liên Hiệp Âu Châu bắt đầu thủ tục để áp đặt thuế lên khoảng $7 tỷ hàng xuất cảng của Hoa Kỳ, kể cả rượu bourbon, xe mô tô Harley-Davidson và quần jean. Trên Twitter, Tổng Thống Donald Trump tweet “Fair Trade!” Từ Âu Châu, cựu Thủ Tướng Thụy Điển Carl Bildt tweet lại “Ít mậu dịch hơn! Tăng trưởng chậm hơn! Ít công việc hơn!”

Tòa Bạch Ốc cũng nhận được phản ứng đáng kể từ trong nước. Cả đến kỹ nghệ thép và công nhân ngành thép cũng lên án thuế quan. Nhưng nhà sản xuất khác cũng lo ngại không kém. Một cuộc nghiên cứu cho thấy thuế quan có thể làm tiêu tan đến 40,000 công ăn việc làm riêng trong ngành xe hơi.

Những chính trị gia Cộng Hòa, ít nhất là những vị vẫn còn tin tưởng vào tự do mậu dịch, lên án quyết định này. Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) tuyên bố, “Thật là ngu. Âu Châu, Canada và Mexico không phải là Trung Cộng, và không thể đối xử với đồng minh của mình như đối xử với đối thủ. Chúng ta đã đi vào con đường này một lần rồi – bảo hộ toàn diện là một phần lớn lý do tại sao Hoa Kỳ có cuộc đại suy thoái. ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’ đáng lẽ không có nghĩa là ‘Làm cho Hoa Kỳ trở lại năm 1929.’”

Giáo Sư Paul Musgrave, giáo sư chính trị học của Đại Học Massachusetts Amherst, nhận xét, “Tổng thống có vẻ ngày càng theo đuổi hứa hẹn đưa Hoa Kỳ lên hàng đầu, theo một cách kỳ cục và gây thiệt hại. Kể từ khi vận động tranh cử, ông đã nói rõ là ông coi đồng minh như là kẻ chỉ biết lợi dụng và muốn điều đình lại trật tự mậu dịch tự do hậu Đệ Nhị Thế Chiến với họ. Đây là một lập trường tàn bạo và có tính bóc lột.”

Chính phủ Trump đã thúc đẩy qua những biện pháp này bằng cách viện dẫn an ninh quốc gia, vốn cho tổng thống nhiều quyền hành pháp để áp đặt thuế quan.

Bằng cách bảo là những nước bạn xuyên Đại Tây Dương là một đe dọa tiềm tàng, theo ông Ed Luce của tờ Financial Times, là tổng thống đang chiều chuộng nhóm ủng hộ nòng cốt chủ trương quốc gia quá khích và “thay đổi một hệ thống luật lệ bằng những ý thích chính trị.”

Ông Luce thêm, “Tung ra một cuộc chiến mậu dịch đồng thời chống lại cả đồng minh lẫn đối thủ của Hoa Kỳ không theo một luật lệ logic quốc tế nào cả. Nó sẽ tăng giá hàng trong nước, cắt công ăn việc làm ở Hoa Kỳ và giảm thiểu ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ.”

Nhưng đây không phải là chuyện tình cờ. Ông Luce chỉ ra là nhà điều đình mậu dịch chính của tổng thống, đại diện Mậu Dịch Hoa Kỳ Robert Lighthizer “đã lâu nay ôm mối hận” đối với WTO và sẽ đối đầu với các chuyên gia của tổ chức này trong vòng mấy tháng tới – cho tổng thống thêm một đụng độ quốc tế nữa để vênh vang.

Đối với các viên chức Âu Châu, hành động của tổng thống gây bực tức nhưng không còn làm họ ngạc nhiên nữa. Những năn nỉ của Đức và Pháp đã không cứu vãn nổi thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng như không thuyết phục được tổng thống đừng rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Thay vì ủng hộ cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương mà Hoa Kỳ lập ra, tổng thống chỉ cằn nhằn về ngân sách quân sự của các quốc gia Âu Châu là chưa đủ. Và ông đã là một nhà tranh đấu ồn ào chống lại mậu dịch tự do, rất thích thú được coi như là lãnh tụ thế giới chống lại sóng triều của toàn cầu hóa.

Thành ra nếu ông Juncker than phiền là thuế quan là “bảo hộ mậu dịch, nguyên chất và đơn giản,” điều đó không làm bận tâm Tòa Bạch Ốc. Nhưng thiệt hại gây nên cho liên hệ với Âu Châu sẽ là thật và còn ảnh hưởng lâu dài cũng như còn có tính tự hại mình đối với ông Trump. Nếu tổng thống thực sự muốn thắng cuộc chiến lớn hơn với Trung Cộng, ông sẽ cần sự ủng hộ của chính những đồng minh mà nay ông đã biến thành kẻ thù. Thay vì vậy ông đang đẩy Âu Châu đến gần Bắc Kinh hơn.

Liên Hiệp Âu Châu chia sẻ nhiều những quan ngại của Hoa Kỳ về những cố gắng của Trung Cộng để đạt được những kỹ thuật tiến bộ nhất qua việc cưỡng bách phải chia sẻ những bản quyền trí tuệ, đánh cắp qua Internet và ngay cả đến dùng điệp viên. Nhưng các viên chức Âu Châu ngày càng bực mình với cách mà tổng thống đã lợi dụng một điều khoản mơ hồ trong luật mậu dịch của Hoa Kỳ để chống lại ngay chính những đồng minh của mình.

Cuộc tranh chấp này đến vào một thời điểm khó khăn. Khủng hoảng chính trị ở Ý và Tây Ban Nha, tuy đã tạm yên, nhưng cũng thách thức sức mạnh của khối lục địa Âu Châu cũng như sự bền vững của đồng tiền chung. Những nhóm mị dân ở nhiều quốc gia đang thách thức những giá trị tự do cấp tiến vốn đã có thời là nền tảng của cả dự án Liên Hiệp Âu Châu và liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Tòa Bạch Ốc còn chơi trò chia để trị tạo thêm chia rẽ trong khối, cũng như tạo nên một cảm tưởng khủng hoảng đang đe dọa Tây Phương. Tòa Bạch Ốc đã thân thiện với những chính phủ thiếu dân chủ ở Ba Lan và Hungary vốn hiện đang là mối nhức đầu cho Brussels.

Ngoại trưởng Hungary đã ở Washington tuần này, ca tụng gia tăng liên hệ mậu dịch trong khi chế nhạo các lãnh tụ Tây Âu cho sự chống đối của họ với những khía cạnh thiếu đạo đức dân chủ của chính sách ngoại giao của tổng thống. Ông Peter Szijarto nói, “Hungary sẽ không tham gia vào ban đồng ca vốn đang có trò chơi là chỉ trích Hoa Kỳ.”

Trong khi đó những quốc gia thân hữu của Hoa Kỳ nay thấy mình đang ở một vị trí kỳ lạ, phải đối phó với một người bạn như là kẻ thù.

Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada đã phải lên tiếng, “Người Mỹ vẫn là đối tác của chúng tôi, đồng minh của chúng tôi, và bạn của chúng tôi. Đây không phải là về nhân dân Hoa Kỳ.” Trong một luận điệu mà trong những năm trước là của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói về một chế độ độc tài, ông tiếp, “Chúng ta phải tin là ở một lúc nào đó common sense sẽ thắng, nhưng chúng tôi không thấy dấu hiệu của sự việc đó trong hành động hôm nay bởi chính phủ Hoa Kỳ.”

Trong khi đó tổng thống chuẩn bị đi gặp lãnh tụ Bắc Hàn, người đã tàn nhẫn giết chết một thanh niên Hoa Kỳ vô tội chỉ vì muốn thị uy với Hoa Kỳ. (Lê Phan)


-------------------------------

Ngô Nhân Dụng  
June 1, 2018

Gần đây khi nói tới “Chiến tranh mậu dịch” người ta nghĩ ngay đến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng cuộc chiến tranh mậu dịch đang bắt đầu cho nổ ra không phải giữa Mỹ với nước Tàu.

Hành động mới nhất của ông Trump là đánh trên các đồng minh lâu đời của Mỹ: Canada, Mexico và các nước Châu Âu. Nghị sĩ Nebraska, ông Ben Sasse (Cộng Hòa) nhận xét: “Thật là ngu, Châu Âu, Canada, và Mexico không phải là Trung Quốc! Mình không thể đối xử với đồng minh như với kẻ đối nghịch được.” Hiện giờ, chính phủ Mỹ đối xử với các đồng minh còn tệ hơn với Trung Cộng.


Mặc dù chính phủ Trump mới nói sẽ đánh thuế trên $50 tỷ hàng hóa của Trung Quốc, nhưng đó là chuyện đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần rồi. Sau khi tiếp đón Phó Thủ Tướng Lưu Hạc, chính phủ Mỹ đã hoãn không nói đến lời đe dọa đánh thuế với con số $200 tỷ nữa. Không những thế, ông Trump còn cho công ty ZTE được mua các vật liệu từ Mỹ, xóa bỏ lệnh trừng phạt công ty Trung Quốc này khi họ vi phạm lệnh cấm mua bán với Iran và Bắc Hàn. Việc trừng phạt này hoàn toàn vì lý do an ninh quốc gia, nay được bỏ qua. Nếu không được mua hệ điều hành Android của Google hoặc chíp của Qualcomm để dùng trong điện toại cầm tay thì ZTE phải đóng cửa!

Chính phủ Trump viện điều 232 trong một đạo luật năm 1962, lấy lý do an ninh quốc gia để đánh thuế trên thép và nhôm nhập cảng từ ba nơi bị đánh. Cộng Sản Trung Quốc cũng đang dùng lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn nhiều món mua của Mỹ, chất bán dẫn chẳng hạn, với mục đích nâng đỡ các nhà sản xuất trong nước họ.

Canada là nước đồng minh thân thiết nhất của Mỹ. Quân đội Canada đã chiến đấu bên cạnh quân Mỹ trong hai trận đại chiến và chiến tranh Cao Ly. Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, nói rằng đem lý do an ninh để đánh thuế trên thép Canada là một điều tức cười!
Nhập cảng nhôm và thép từ Canada là một phần trong chiến lược quốc phòng của Mỹ. Các công ty Mỹ làm chủ nhiều quặng mỏ ở Canada, được đưa qua đưa lại giữa hai nước nhiều lần để cuối cùng biến thành thép và nhôm hoàn tất. Các công ty Mỹ làm xe hơi cũng như các ngành công nghiệp khác đặt nhiều nhà máy ở Canada.

Canada cung cấp 43% nhôm nhập cảng vào Mỹ, gấp đôi số mua của Nga và Trung Quốc. Canada cung cấp một phần năm (21%) số thép hoàn tất ma nước Mỹ nhập cảng, cao hơn 9% mua của Nga và 2% mua của Tàu.

Mexico cung cấp 9% số thép hoàn tất Mỹ nhập cảng và 11% thép đang biến chế. Liên Hiệp Châu Âu bán 17% số thép Mỹ mua, đặc biệt là loại thép không han gỉ, dùng trong kỹ nghệ xe hơi.

Sau khi nghe chính phủ Mỹ tấn công bằng thuế nhập cảng, các nước trên đã trả đũa ngay.
Canada sẽ đánh thuế thép mua từ Mỹ 25% trên thép, 10% trên nhôm, giống hệt thuế suất Mỹ sắp đánh. Hai loại hàng đó không lớn bằng con số bán sang Mỹ nên Canada sẽ đánh thuế thêm trên nhiều mặt hàng khác, như thực phẩm, nông phẩm. Họ nhắm vào các món xuất cảng từ những tiểu bang đã bầu cho Tổng Thống Donald Trump năm 2016.

Mexico cũng theo cùng một chiến thuật. Họ sẽ đánh thuế trên những thứ như thép mua từ Mỹ, đèn điện, nho, thịt nguội, thịt heo, pho ma, các thứ dâu (berries), nho, táo, vân vân. Mexico là thị trường mua nhiều táo nhất của Mỹ; Wisconsin sản xuất hơn một nửa số cranberries trên cả nước, bán qua Canada nhiều nhất. Dân Biểu Dave Reichert, Cộng Hòa, Washington, cho biết từ khi có hiệp ước tự do mậu dịch NAFTA, số táo và lê bán qua Mexico tăng 70%.

Liên Hiệp Châu Âu cũng chuẩn bị đánh thuế trả đũa trên hàng nhập cảng từ Mỹ, giá trị hơn $7.5 tỷ, trong số đó có thép, xe gắn máy, nông phẩm như cranberries, rượu bourbon, thuyền máy, và cả các bộ bài để đánh bạc.

Tổng Thống Trump nói rằng sau khi ông chỉ dọa đánh thuế thôi, ngành sản xuất thép ở Mỹ đã phục hưng, nhiều nhà máy ở Ohio và Illinois đã thuê thêm công nhân! Chủ nhân các công ty thép hoan nghênh các thứ thuế mới vì họ có thể tăng giá bán, khi thép nhập cảng bị thuế mới sẽ lên giá. Nhưng khi các nước bị tấn công phản ứng, hàng thép của Mỹ bán sang nước họ cũng tăng giá, khó cạnh tranh với thép nội địa, không khác gì cả. Canada mua một nửa số thép Mỹ xuất cảng, Mexico mua 40%. Các nghiệp đoàn công nhân ngành thép chống lệnh đánh thuế mới, sau khi đã vận động cho Canada được miễn trừ. Vì những công đoàn này thâu nhận đoàn viên trong cả hai nước Mỹ và Canada.

Tổng Thống Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế trên xe hơi và đồ phụ tùng nhập cảng. Nga và Trung Quốc sẽ không hề hấn gì, vì không nước nào bán xe qua Mỹ, nhưng Canada và EU sẽ lãnh đòn, và họ sẽ trả đũa.

Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng vì khi thuế tăng, hàng hóa tăng giá, trong suốt dây chuyền sản xuất. Nhiều công ty Mỹ nhập cảng thép và nhôm, dùng trong xe hơi, làm các thứ hộp hay “giấy gói” kẹo bánh.

Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve, ngân hàng trung ương Mỹ) mới cho biết một nhà sản xuất xe kéo than rằng không thể tăng giá hàng bán theo cùng nhịp với chi phí sẽ tăng. Một nhà sản xuất đồ chơi cho trẻ em nói rằng nhôm tăng giá khiến giá bán phải tăng gấp ba.

Khi thép và nhôm tăng giá, các xí nghiệp sản xuất ở Mỹ sẽ phải tăng giá hàng bán, khi ra thị trường quốc tế sẽ cạnh tranh với các nước khác khó khăn hơn. Trước ngày chính phủ Mỹ công bố áp dụng các sắc thuế mới, giá thép bán ở Mỹ đã tăng 40% kể từ đầu năm 2018, và cao gấp rưỡi giá thép ở Châu Âu. Nếu Tổng Thống Trump muốn nâng đỡ các xí nghiệp xe hơi Mỹ, các sắc thuế mới sẽ gây ảnh hưởng trái ngược.

Đời sống kinh tế của nước Mỹ, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, liên hệ chặt chẽ với các nước khác, trong một mạng lưới tiếp liệu chằng chịt mua đi bán lại với nhau. Những sắc thuế mới đánh trên các nước đồng minh, và phản ứng trả đũa của họ, sẽ biến thành một thứ “thuế” mà người dân trong nước Mỹ phải chịu. Vì giá cả sẽ tăng, khó bán hàng, phải bớt nhân công, hoặc giảm bớt lương.

Nghị Sĩ Orrin Hatch, Cộng Hòa, tiểu bang Utah, chủ tịch Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện, phê bình: “Đánh thuế quan trên thép và nhôm tức là tăng thuế hàng hóa, ảnh hưởng tới dân Mỹ tiêu thụ, các xí nghiệp và công nhân.” Ông tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn cản không cho chính phủ làm như vậy.

Trong quốc hội Mỹ, phần lớn những người chống lại những thuế mới này thuộc đảng Cộng Hòa. Đó là đảng xưa nay vẫn đề cao tự do kinh doanh, tăng gia các quan hệ thương mại đa phương bằng những định chế quốc tế. Để kinh tế thế giới sống trong luật lệ, theo nền nếp mà nước Mỹ đã áp dụng.

Tổng Thống Trump thuộc đảng Cộng Hòa nhưng đi ngược đường lối đó; một điều rất khó hiểu! Ông muốn xóa các hiệp ước thương mại đa phương; ông coi thường các tổ chức quốc tế. Đa số trong đảng Dân Chủ ủng hộ các sắc thuế mới, vì chủ trương của họ vẫn muốn nhà nước can thiệp nhiều hơn vào đời sống kinh tế. Không biết số người chống có đủ đông để ngăn cản hành pháp hay không.

Trước mắt, giới kinh doanh Mỹ và các nước trên còn đứng trước một mối bất trắc khác, là không biết những nước nào, các công ty nào, món hàng nào sẽ được “miễn trừ” không bị đánh thuế! Trong khi chờ đợi, các xí nghiệp sẽ không dám quyết định những món đầu tư lớn. Một hậu quả không lường trước là giới vận động hành lang sẽ được cơ hội hoạt động mạnh mẽ! Khi tranh cử tổng thống, ông Donald Trump hứa sẽ chấm dứt tình trạng vận động bên lề chính phủ, mà ông gọi là một “vũng lầy.” Vũng lầy của chúng ta đang được cơ hội hoạt động mạnh hơn. (Ngô Nhân Dụng)

------------------------------------

Lê Phan   -   May 26, 2018

Ngô Nhân Dụng    -   May 22, 2018






No comments: