Sunday, June 3, 2018

NHỮNG GÌ CẦN NÓI VỚI NHAU TRONG LÚC NÀY? (Nguyễn Gia Kiểng - Thông Luận)




02/06/2018

Hậu quả của chính sách kìm kẹp là các luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất trong các chế độ toàn trị. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ.

Thẻ Luật sư Việt Nam - Ảnh minh họa

Vài ngày nữa sẽ có phiên tòa phúc thẩm xử bốn anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ : Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội. Chúng ta có thể dự đoán rằng các bản án sẽ rất nặng, không khác phiên tòa sơ thẩm bao nhiêu. Các bạn này cũng biết như thế. Họ kháng án để phản đối sự tùy tiện dã man chứ không phải để hy vọng được giảm án. Chúng ta có nhiều điều để nói với nhau vào lúc này, khi mà chính quyền cộng sản đã từ bỏ mọi cố gắng nhắm tranh thủ cảm tình của nhân dân để chỉ còn đàn áp thật thô bạo.

Nói gì giữa những người dân chủ ?

Dĩ nhiên mọi người dân chủ đều cùng chia sẻ một sự quý mến chân thành, sâu đậm và trọn vẹn với các anh em mắc nạn. Chúng ta nói với họ và với nhau rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ là đúng và nhất định sẽ thắng. Việc một chính quyền từ bỏ mọi tham vọng tranh thủ cảm tình của nhân dân tố giác một tâm lý tuyệt vọng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhìn nhận rằng giữa họ và nhân dân Việt Nam không còn gì để nói. Họ đã mang thất bại ở trong lòng. Chính vì thế, khi chúng ta có lý do để tin thắng lợi là chắc chắn, chúng ta càng cần thảo luận về một phương thức hành động và ứng xử.

Điều cần được thảo luận ngay trong lúc này là thái độ phải có khi gặp nạn và phải đối diện với bạo quyền trước trò hề pháp lý của họ. Chúng ta đều biết đây không phải là những phiên tòa. Những gì mà các anh em dân chủ và luật sư của họ nói trong phiên tòa không có ảnh hưởng gì tới kết quả. Chúng ta đã thấy Phan Kim Khánh nhận tội và xin khoan hồng cũng bị xử 6 năm tù như Trần Hoàng Phúc hiên ngang thách thức.

Bị bịt miệng không cho nói, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã trở thành biểu tượng của sự bất khuất trước bạo quyền

Linh mục Nguyễn Văn Lý trước đây nếu không gào thét chống đối ngay tại phiên tòa để bị bịt miệng và trở thành một biểu tượng của sự bất khuất thì cũng vẫn bị 8 năm tù.

Các bản án đều đã được quyết định trước. Nhưng như thế không có nghĩa là các phiên tòa không quan trọng. Đó chính là khoảng khắc tự hào để xác nhận -trước công luận, trước đất nước, trước những người thân và trước lịch sử- con người và lý tưởng của chúng ta. Không thể có chuyện nhận tội và xin giảm án. Như vậy vừa sai và phủ nhận chính mình một cách vừa vô duyên vừa vô ích. Cũng phải bảo đảm trước rằng luật sư của mình sẽ biện hộ một cách đúng đắn, nghĩa là quả quyết với lập luận chính xác và thuyết phục rằng thân chủ của mình hoàn toàn không có tội và không thể bị kết án.

Nếu có những luật sư khuyên hay gợi ý nên nhận tội và xin giảm án thì phải chia tay không nể nang. Cũng không cần làm anh hùng. Những người dân chủ đối diện với bạo quyền còn hơn cả những anh hùng. Họ đại diện cho lẽ phải, cho lòng yêu nước và cho danh dự của dân tộc và phải có thái độ xứng đáng, nghĩa là thái độ trang nhã, an nhiên và nhân hậu. Như Mahatma Gandhi trước tòa án Anh. Họ càng nên có thái độ đó vì trước mặt họ là một hội đồng xét xử không có quyền xét xử, gồm những con người đã cam tâm bán rẻ danh dự và lương tâm để làm những dụng cụ ngoan ngoãn cho một chính quyền gian ác.

Họ chỉ cần nói với các thẩm phán một cách thật nhẹ nhàng đúng như sự thực. Thí dụ như :
"Chúng tôi không có tội gì và các vị cũng biết chúng tôi không có tội gì. Chúng tôi không phủ nhận những gì mình đã làm bởi vì chúng tôi đã chỉ làm những điều mà mọi người Việt Nam đều làm nếu có cơ hội và trên thực tế rất nhiều đã làm, có khi còn mạnh mẽ hơn chúng tôi. Đó là những điều đúng và cần cho đất nước và cũng không trái với pháp luật của chính chế độ này. Sở dĩ chúng tôi bị bắt giam, bị hành hạ và hôm nay bị đưa ra tòa chỉ vì chính quyền này cho rằng chúng tôi có tổ chức, nhưng quyền kết hợp cũng như quyền tự do ngôn luận là những quyền tự nhiên đã được xác nhận trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã cam kết tôn trọng và cũng được ghi ngay trong hiến pháp của chế độ này.

Các vị kết tội chúng tôi dựa vào kết luận của một ban giám định cho rằng chúng tôi đã vi phạm điều này, điều nọ. Nhưng ban giám định đó là những ai ? Họ có khả năng nào và đã lý luận như thế nào để kết luận rằng chúng tôi có tội ? Trong cáo trạng họ chỉ liệt kê những điều mà ai cũng có thể làm và rất nhiều người đã làm để rồi kết luận chúng tôi có tội. Sao họ không có mặt ở đây hôm nay để đối chất với chúng tôi và để nhân dân thấy mặt ?

Các vị sắp đọc những bản án rất nghiệt ngã đối với những người mà các vị thừa biết là vô tội. Các vị có xét xử theo luật pháp và lương tâm không ? Hay một cách giản dị hơn, các vị có thực sự xét xử không hay chỉ đọc những bản án đã được quyết định trước ? Xin để các vị tự trả lời. Tôi chỉ nói với các vị rằng dân tộc Việt Nam sẽ có tự do và công lý trong một tương lai không xa. Chúc các vị bình an".

Chuẩn bị tinh thần cho khả năng bị bắt và bị ra tòa là điều mà mọi anh em dân chủ trong nước phải làm vì trong tình thế hiện nay ai cũng có thể mắc nạn và chính quyền hung bạo này không thiếu những biện pháp để gây áp lực trên các nạn nhân cũng như gia đình họ. Họ hành hạ và đe dọa cũng như dụ dỗ và hứa hẹn, trong khi sức chịu đựng của mỗi người chỉ có giới hạn.

Trường hợp Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà chắc chắn đã phải khiến mọi người đau lòng. Họ không kháng án vì, sau hai năm rưỡi, họ không còn chịu đựng nổi tình trạng tạm giam nữa và muốn được chuyển sang một nhà tù bình thường.

Còn các luật sư ?

Trong phiên tòa sơ thẩm xử sáu anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ vừa qua một luật sư đã nói trước tòa rằng họ đã bị xét xử vì thành lập Hội Anh Em Dân Chủ nhưng quyền lập hội (đáng lẽ phải gọi là quyền tự do kết hợp mới đúng vì đó là quyền kết hợp với nhau để thành lập các tổ chức dưới mọi dạng không nhất thiết phải là hội) đã được nhìn nhận trong hiến pháp. Đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác rằng quyền này tuy có trong hiến pháp nhưng vì chưa có quy định của luật pháp nên coi như chưa có. Và luật sư đã im lặng.

Thật là đáng ngạc nhiên vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất là cho tới nay phần lớn những người bị đem xét xử trong các vụ án chính trị cũng chỉ làm những điều mà rất nhiều người đã làm, họ bị bắt và bị đưa ra tòa chỉ vì dưới mắt chính quyền cộng sản họ đã hoạt động có tổ chức, dù chỉ là những tổ chức xã hội dân sự lỏng lẻo. Đấu tranh có tổ chức là điều chế độ này sợ nhất. Như vậy tranh luận về quyền kết hợp phải là chủ đề cốt lõi trong các vụ án chính trị và trong phong trào dân chủ nói chung. Tại sao cho đến nay chưa có luật sư nào nêu ra trong các phiên tòa ?

Lý do thứ hai là tại sao vị luật sư nêu ra quyền kết hợp trong phiên tòa vừa rồi –xin hoan hô và cảm ơn- lại im lặng sau khi nhận được câu trả lời ngu xuẩn của đại diện Viện Kiểm Sát ? Câu trả lời này chứng tỏ anh "công tố viên" này chẳng hiểu gì về luật. Anh ta chỉ là một công an làm phận sự đàn áp những người phản kháng.

Các bạn tôi, những người hiểu rõ tình hình trong nước, giải thích rằng đó là vì đa số khối hơn 15.000 luật sư Việt Nam không hiểu gì nhiều về luật mà chỉ là những người chạy án, một số nhỏ hiểu những không dám nói ra. Thiếu kiến thức hoặc thiếu can đảm hoặc cả hai. Họ có thể có lý. Sự kiện nhiều luật sư Việt Nam không hiểu luật là điều đáng buồn nhưng có thực. Bằng chứng là một luật sư khá nổi tiếng đã từng viết trên Facebook của mình rằng luật ở dưới chính trị vì, theo ông này, luật do chính trị làm ra và quyền tự do biểu đạt, hay tự do ngôn luận, phải ở dưới lợi ích quốc gia. Những sai lầm cơ bản này -mà một sinh viên năm thứ nhất trường luật, thậm chí một học sinh trung học, cũng không thể phạm- lại có thể do một luật sư nói ra và còn được một số đồng nghiệp ủng hộ thì quả thực là không tưởng tượng nổi. Như vậy thì phải nhắc lại những điều có thể coi là hiển nhiên.

Không có gì cao hơn luật. Điều này chính Đảng cộng sản Việt Nam, mà văn hóa nền tảng là coi thường sự thật và luật pháp, cũng phải nhìn nhận. Trong điều 4, điều thô lỗ nhất của bản hiến pháp thô lỗ 2013, họ cũng phải viết : "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Tại sao ? Đó là vì luật là cố gắng thể hiện lẽ phải trong xã hội và không có gì cao hơn lẽ phải. Ngay cả thượng đế mà sai cũng không cần tuân theo. Và vì quyền là nền tảng của luật nên quyền cũng ở trên tất cả và không thể thỏa hiệp.

Trong nhiều ngôn ngữ "quyền" cũng có nghĩa là "luật". Thí dụ như trong tiếng Pháp chữ "droit" vừa có nghĩa là "quyền" vừa có nghĩa là "luật". Những quy định của luật pháp chỉ có mục đích duy nhất là để việc sử dụng một quyền của người này không gây thiệt hại cho một quyền nào đó của người khác. Khi không có một quy định cho một quyền đặc biệt nào đó, như trong trường hợp quyền kết hợp tại Việt Nam, thì điều này chỉ có nghĩa là không có một giới hạn nào trong việc hành xử quyền này cả, trừ khi trong khi hành xử quyền này người ta vi phạm những quy định đã có sẵn trong hơn 200 bộ luật hiện có, như luật hình sự, luật thương mại, luật lao động v.v. Một tổ chức và những người điều hành nó chỉ có thể bị chế tài nếu vi phạm một điều khoản nào trong các luật này nhưng việc thành lập một tổ chức tự nó không vi phạm một quy định nào cả.

Vả lại nếu cần một quy định hướng dẫn việc thành lập các hội đoàn mà sau mấy chục năm vẫn chưa có thì đó là lỗi của chính quyền. Một quyền không bao giờ có thể bị coi là chưa có. Quyền kết hợp là một trong những quyền tự nhiên không cần một sự nhìn nhận chính thức nào cả nhưng đã được nhìn nhận hai lần một cách chính thức và long trọng đối với Việt Nam ; một lần trong hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải tôn trọng trong tư cách thành viên và một lần ngay trong hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc của luật là những gì luật không cấm người dân có quyền làm ; việc thành lập các tổ chức tại Việt Nam không những không bị cấm mà còn được chính thức và long trọng nhìn nhận, do đó không thể là lý do để buộc tội bất cứ ai. Điều này phải được nói ra thật minh bạch, trước hết bởi các luật sư.

Một điểm quan trọng khác cần được đặc biệt chú ý là ai có quyền quyết định một người hay một nhóm người đã vi phạm điều khoản nào trong các luật hiện có ? Cho tới nay trong tất cả các vụ án chính trị kết luận các bị cáo đã vi phạm điều 79, 88, 258 đều được nói là do một "ban giám định" mà không ai biết có thực hay không.

Đọc các bản cáo trạng thì thấy ban giám định này chỉ dựa trên những sự kiện mà ai cũng có quyền làm và nhiều người đã làm như viết bài trên Facebook, trả lời phỏng vấn v.v để kết luận rằng các bị cáo đã phạm pháp mà không hề dẫn chứng điều gì trong các bài viết và phỏng vấn này đã vi phạm cái gì và tại sao. Cũng vớ vẩn như nếu thấy một người đưa con đi học rồi kết luận rằng như thế là có đủ bằng chứng rằng người đó đã lên mặt trăng. Ban giám định này không hề gửi báo cáo giám định và đối chất với các bị cáo và luật sư của họ. Họ cũng không có mặt trong các phiên tòa để trả lời những chất vấn. Như vậy những kết luận của ban giám định này hoàn toàn vô giá trị. Dầu vậy chúng đã được dùng để tuyên những bản án 10 hay 15 năm tù. Tại sao chưa thấy luật sư nào nêu lên điểm này ?

Đã thế một số luật sư còn khuyên, hoặc gợi ý, các nạn nhận tội và xin khoan hồng. Họ đứng về phía tội ác thay vì lẽ phải, tiếp tay cho kẻ đàn áp thay vì bảo vệ người vô tội đồng thời cũng là thân chủ của họ.

Phải nói dứt khoát : trong các vụ án thô bạo này trách nhiệm của các luật sư là phải nói thân chủ của mình hoàn toàn vô tội, phải được trả tự do ngay tức khắc và phải được bồi thường thiệt hại. Lẽ phải bao giờ cũng cần được nói ra, ngay cả trong thế yếu. Và thực ra các luật sư vẫn có thể nói những gì cần nói mà không thể bị cáo buộc là khiêu khích hay thách thức. Vấn đề là họ không nghĩ đến việc nói ra những điều phải được nói ra và do đó cũng không tìm cách nói thích hợp.

Nghề luật sư không phải chỉ là một nghề để sinh sống bởi vì nó có quan hệ mật thiết và trực tiếp với giá trị cao nhất trong mọi giá trị : lẽ phải. Nó là một nghề trong đó đạo đức nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tương tự như nghề y sĩ. Một luật sư thấy thân chủ mình vô tội mà không dám biện luận cũng không khác một thầy thuốc biết bệnh nhân của mình cần một thứ thuốc để sống mà không cho. Đó là một vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất lớn, càng lớn vì không ai bị bắt buộc phải chọn nghề luật sư.

Nghề luật sư có hai sứ mệnh nghề nghiệp chính. Một là bảo vệ lẽ phải thông qua việc bảo vệ thân chủ. Hai là, cũng như các nghề luật nói chung, đóng góp để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách trung thực hơn. Cho tới nay đã có luật sư nào lên tiếng về điều 4 xấc xược của hiến pháp ? Đã có luật sư nào lên tiếng về các điều 79, 88, 258 vớ vẩn, tùy tiện và ác độc của bộ luật hình sự ? Phải nói là rất đáng buồn, vì đó là một bắt buộc nghề nghiệp của họ.

Một liên minh cần thiết và tự nhiên

Từ nhiều năm qua những người dân chủ đã đấu tranh và bị bách hại. Họ đã được sự tăng viện của nhiều thành phần dân tộc, văn nghệ sĩ, nhà báo, tôn giáo, dân oan, ngư dân và cả một sồ đảng viên cộng sản kỳ cựu trong đó có những người đã giữ những chức vụ quan trọng. Trừ các luật sư. Liên minh giữa những người dân chủ và các luật sư đáng lẽ phải tự nhiên và tự động bởi vì nếu nhìn kỹ thì các luật sư là thành phần bị ức hiếp nhất trong chế độ toàn trị này. Nhưng đó có lẽ cũng chính là lý do khiến họ thụ động và bất động.

Không phải đã không có những luật sư tham gia tranh đấu cho dân chủ. Trần Lâm, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định và dĩ nhiên Nguyễn Văn Đài là những thí dụ. Còn có những người khác. Tuy nhiên tất cả những người này không tranh đấu trong cương vị luật gia mà như những người Việt Nam bình thường. Điều này chứng tỏ giới luật sư đã thụ động đến độ mà ngay cả những đồng nghiệp cũng thất vọng.

Sự thụ động của giới luật sư một đặc tính của các chế độ cộng sản còn lại. Chủ nghĩa cộng sản chỉ coi luật pháp như một dụng cụ thống trị. Nghề luật sư trong các nước cộng sản chỉ mới xuất hiện gần đây, khi phong trào cộng sản thế giới bắt đầu sụp đổ và các chế độ cộng sản còn lại bắt buộc phải thỏa hiệp với thế giới dân chủ. Các luật sư Việt Nam vì vậy còn mới trong nghề và không được hưởng di sản của các đàn anh. Đã thế, chế độ còn coi giới luật sư như là một mối nguy và kiểm soát rất gắt gao, chỉ chấp nhận cho hành nghề luật sư những người mà họ đánh giá là không nguy hiểm, những người vừa không có ý định vừa không có khả năng phản kháng. Nếu có những luật sư "không tốt", nghĩa là không đáp ứng tiêu chuẩn này thì họ tìm mọi lý cớ để loại ra, như trường hợp luật sư Võ An Đôn.

Hậu quả của chính sách kìm kẹp này là giới luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ. Lúc đó tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng.

Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cho dân chủ trên thế giới cho thấy chúng thường diễn ra theo một kịch bản quen thuộc. Mới đầu là một số trí thức lãng mạn đấu tranh vì một lý tưởng mà họ thấy là đúng và đẹp. Những con người ít ỏi này gần như cô đơn và chịu rất nhiều cay đắng trong nhiều năm. Hy vọng bắt đầu ló dạng khi họ lôi kéo được một thành phần xã hội khác, các văn nghệ sĩ và các nhà báo. Đây là những người cũng ít nhiều lãng mạn, có nhu cầu phát biểu và cũng có nhiều tài năng phát biểu nhất trong xã hội, do đó cần tự do để phát biểu và sáng tạo. Sự nhập cuộc của họ khiến cuộc vận động dân chủ trở thành sôi nổi hơn và kéo theo thành phần kế tiếp : các luật sư, những người mà nghề nghiệp là bảo vệ công lý nhưng lại bị bắt buộc phải tiếp tay chà đạp công lý, nghĩa là phản bội lương tâm và nghề nghiệp của chính mình, với kết quả là họ vừa bị chính quyền ức hiếp vừa bị xã hội coi thường, lại cũng không giầu vì nghề của mình không lớn lên được. Mặt khác họ lại có khả năng đóng góp lớn cho cuộc đấu tranh dân chủ vì hiểu biết cơ chế vận hành của xã hội và có thể phản bác một cách chính xác và thuyết phục.

Khối luật sư là một trái bom nổ chậm trong lòng các chế độ chà đạp nhân quyền. Sự nhập cuộc của họ sẽ là một bước đột phá lớn cho cuộc vận động dân chủ. Sau đó sẽ đến lượt các ngành nghề khác. Rồi khi thanh niên, sinh viên và học sinh đứng dậy thì giờ cáo chung của chế độ độc tài đã đến.

Hiện nay giới nhà báo và văn nghệ sĩ đã nhập cuộc khá đông đảo, ít nhất đủ để khiến thành phần "trung với Đảng" trở thành vớ vẩn. Bao giờ đến lượt các luật sư ?

Những con én đầu tiên báo hiệu mùa xuân đã xuất hiện. Người ta đã có thể nhận diện được hơn mười người. Còn rất ít so với con số trên 15.000 luật sư nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều người khác. Một đốm lửa nhỏ trong một đám củi khô có thể bùng lên rất nhanh chóng.

Một lời sau cùng. Tôi không biết gì nhiều về luật sư Võ An Đôn, về khả năng cũng như về thân thế và cuộc sống riêng tư của anh. Điều tôi nhận xét là anh đã là người luật sư đầu tiên đứng lên phản kháng với tư cách một luật sư. Xin cảm ơn anh và xin tặng anh một bông hồng.

Nguyễn Gia Kiểng
(02/06/2018)






No comments: