Tuesday, June 5, 2018

INTERNET & MẠNG XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM : ĐẰNG SAU NHỮNG CHỈ SỐ THỐNG KÊ (Lâm Bình Duy Nhiên)




05/06/2018

Thống kê người dùng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial.

Những ngày này, cộng đồng mạng trong và ngoài nước đang bất bình trước thông tin về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sắp được Quốc hội của nhà cầm quyền cộng sản thông qua (15/6/2018). Dư luận càng phẫn nộ hơn về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm. Danh tính của nhà đầu tư thuê đất lại không được nêu lên trong dự thảo Luật cũng như trên các phương tiện truyền thông chính thống của chính phủ. Một bí mật Polichinelle mà ai cũng rõ nhưng nhà cầm quyền lại cố tình tránh né, không muốn đề cập, kiểu như « tàu lạ » đánh chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Không khó khi đoán ra rằng rất nhiều khả năng chính Trung Quốc là đối tác sẽ được chính quyền cộng sản trải thảm đỏ mời vào đầu tư.

Bởi vì các nước phương Tây chỉ đầu tư có chừng mực vào Việt Nam, nhất là các ngành công nghệ cao. Sức tăng trưởng về kinh tế tại Việt Nam cũng chỉ mang tính tương đối, bên cạnh đó, trình độ nhân công còn thấp, nạn tham nhũng trong bô máy hành chính và thể chế chính trị độc đoán, cơ cứng vẫn là rào cản lớn khiến cho các tập đoàn đa quốc gia không muốn đầu tư lâu dài tại đây.

Trong khi đó, Trung cộng sẵn sàng đổ tiền vào Việt Nam khi họ đã« nắm » được hầu hết các nhân vật lãnh đạo chóp bu của đảng CSVN và của Bộ Chính trị. Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Việt Nam đã để lại những hậu quả nghiêm trọng trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, sức khỏe đến môi trường. Chủ quyền đất nước luôn là một đề tài nhạy cảm trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia mà Hà Nội luôn tìm cách bưng bít thông tin khi không minh bạch hóa những văn bản được ký kết giữa hai chính phủ.

Làn sóng bài Trung cộng ngày càng dâng cao trong xã hội. Sự phẫn nộ của dư luận trước dự thảo Luật 3 đặc khu kinh tế đối với chính quyền là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông vẫn còn căng thẳng. Đứng trước một mối đại họa, đó là sự hiện diện lâu dài của Trung cộng trên ba vùng đất trọng yếu của Việt Nam, những ngày qua, trên mạng xã hội Facebook, vốn được người Việt sử dụng nhiều nhất, đã xuất hiện nhiều dòng trạng thái, bài viết và tranh luận nhằm đưa ra những phân tích, những hiểm họa nếu Quốc hội thông qua dự thảo Luật 3 đặc khu kinh tế.

Nhưng khái niệm “nhiều” ở đây chỉ mang tính tương đối khi Facebook cho hiển thị những tin tức của bạn bè thường tương tác với nhau trên trang cá nhân, ví dụ về xã hội và chính trị. Không nên ngộ nhận cho rằng đó là xu hướng chung của cộng đồng mạng, của cả xã hội Việt Nam khi cùng đồng loạt bất bình trước việc muốn cho Trung cộng thuê những vùng đất trọng yếu trong khoảng thời gian là 99 năm.

Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam vẫn chọn thái độ vô cảm, thờ ơ khi được đề cập đến chính trị và thậm chí những vấn đề liên quan đến chủ quyền dân tộc. Ngay cả khi người dân tại Sài Gòn và Hà Nội xuống đường hiểu tình chống vụ Trung cộng đem giàn khoan HD 981 vào biển Đông (5/2014) thì đó cũng chỉ là những hành động can đảm của một thiểu số diễn ra trong sự im lặng đáng sợ của đại đa số đồng bào.

Sự lẩn tránh các vấn đề liên quan đến chính trị trong xã hội Việt Nam là một trở ngại lớn cho công cuộc dân chủ hóa đất nước. Người dân vẫn còn mang nặng tư tưởng sợ hãi trước sự đàn áp của chế độ. Ngay khi cả thế giới được kết nối chỉ sau vài giây qua mạng Internet với cả một đại dương thông tin đa chiều sẵn sàng đáp ứng cho mọi nhu cầu tìm hiểu hay học hỏi thì người dân trong nước vẫn e ngại và không muốn nắm bắt lấy những cơ hội ấy. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền luôn cố tình can thiệp một cách thô bạo để ngăn cản người dân tìm đến những thông tin, được cho là không tốt, cho chế độ. Nhưng với các kỹ thuật vượt tường lửa, việc tiếp cận những trang web bị chăn là điều không khó.

Việt nam, một trong những quốc gia có số lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới

Tại Việt Nam, những người quan tâm đến chính trị và môi trường trên các mạng xã hội chỉ chiếm một con số vô cùng nhỏ bé, khiêm tốn, so với tổng số người sử dụng Facebook. Theo thống kê mới nhất của công ty WeAreSocial, Việt Nam đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng các quốc gia có đông người sử dụng Facebook nhất với 58 triệu tài khoản. Sài Gòn cũng là thành phố xếp hạng thứ 6 trong số những thành phố có số người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu tài khoản.

Các quốc gia và thành phố đứng đầu về số lượng người dùng Facebook – Nguồn : WeAreSocial.

Cũng theo WeAreSocial, có 64 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam vào đầu năm 2018. Đây là một con số rất lớn, đưa Việt Nam vào trong số 20 quốc gia có số người kết nối Internet cao nhất thế giới. Mạng điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh và có đến 50 triệu người vào các mạng xã hội qua thiết bị này.

Theo thống kê trên thì mỗi người Việt Nam dành 6 giờ 52 phút để truy cập Internet đối với những người dùng máy tính và 3 giờ 3 phút với người dùng điện thoại di động. Đây là con số không nhỏ và một câu hỏi quan trọng được đặt ra là người Việt Nam làm gì trên Internet trong khoảng thời gian ấy ?

Cần nhắc lại rằng chính quyền Việt Nam luôn áp đặt sự kiểm duyệt hay ngăn chặn những trang web « phản động » theo cái nhìn của họ. Những bài viết mang tính thời sự, chính trị hay các tài khoản của những nhân vật bất đồng chính kiến cũng không tránh khỏi sự đánh phá, can thiệp từ bộ máy an ninh mạng hay lực lượng dư luận viên hùng hậu trung thành với đảng cộng sản.

Thời gian trung bình một người sử dụng Internet mỗi ngày – Nguồn : WeAreSocial.

Thời gian trung bình một người sử dụng Internet trên điện thoại di động mỗi ngày – Nguồn : WeAreSocial.

Phần lớn khoảng thời gian dùng Internet, người Việt chủ yếu vào các mạng xã hội, xem phim và nghe nhạc. Thời gian dành cho việc đọc sách trên mạng hay tìm hiểu các vấn đề mang tính thời sự và văn hóa so với mảng giải trí lại rất thấp.

Facebook vẫn là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, tiếp đến là Youtube, Facebook Messenger, Zalo, Google +…

Việc sử dụng Facebook phần lớn dành cho nhu cầu giải trí, kết bạn, hay theo dõi một nhân vật của công chúng, như các ca sĩ, diễn viên hay MC, … Sự quan tâm đến các vấn đề xã hội và chính trị trên Facebook đối với 58 triệu tài khoản tại Việt Nam là điều không tưởng, có chăng chỉ vài ngàn người. Một con số quá nhỏ và đó cũng chính là điều mà nhà cầm quyền cộng sản mong muốn : tránh xa chính trị, hãy cứ vui chơi giải trí, những việc còn lại đã có đảng lo !

Những dòng trạng thái (status) trên Facebook liên quan đến các ngôi sao showbiz Việt thường cuốn hút cả chục ngàn Like hay bình luận, trong khi đó những bài viết về xã hội, chính trị và môi trường của những nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng cũng chỉ lôi kéo vài trăm, vài ngàn người đọc.

Các mạng xã hội được sử dụng tại Việt Nam – Nguồn : WeAreSocial.

Số người sử dụng Facebook ở Việt Nam, đặc biệt trong độ tuổi 18-34 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao so với những độ tuổi khác. Đây cũng chính là thế hệ trẻ, rường cột của Việt Nam. Tiếc thay, cũng chính độ tuổi này lại có cái nhìn vô cảm với hiện trạng đất nước khi họ không muốn, không « dám »quan tâm đến những khía cạnh chính trị trong xã hội.

Họ cố tình lãng tránh mọi chủ đề liên quan đến quyền con người, đến Formosa, đến biển Đông, đến Hoàng Sa, Trường Sa và cả dự thảo Luật 3 đặc khu kinh tế. Cũng có những người trong độ tuổi ấy dám lên tiếng, dám tranh đấu nhưng họ chỉ là thiểu số đáng buồn so với hàng chục triệu người chọn thái độ im lặng.

Độ tuổi sử dụng Facebook tại Việt Nam – Nguồn : We Are Social.

Một thống kê khác do công ty Appota (Việt Nam) thực hiện về tình hình sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) giúp cho chúng ta hiểu được phần nào mục đích sử dụng Internet tại Việt Nam. Theo đó, người sử dụng internet bằng điện thoại dành nhiều thời gian cho việc vào các mạng xã hội, nhắn tin, tìm kiếm thông tin giải trí. Ngược lại việc đọc sách qua điện thoại chiếm tỷ lệ thời gian thấp. Đây là những kết quả hoàn toàn đồng nhất so với việc sử dụng Internet trên máy vi tính. Nhu cầu giải trí vẫn là điều mà đại đa số người sử dụng Internet tại Việt Nam tìm kiếm.

Thống kê về tình hình sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam (quý II-2017) – Nguồn : appota.com

Tự do báo chí bị xâm phạm nghiêm trọng
Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về việc sử dụng Internet và mạng xã hội Facebook nhưng Việt Nam cũng chính là một trong những quốc gia xếp hạng chót theo báo cáo thường niên 2018 về Chỉ số tự do báo chí toàn cầu của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières – RSF). Trong số 180 quốc gia, Việt Nam xếp hạng 175, sau Sudan và trên Trung Quốc. Hệ thống báo chí trong nước nằm trong sự kiểm soát của đảng cộng sản. Không có một tờ báo độc lập nào được phép hoạt động. Mọi thông tin « lề phải » đều một chiều, nhằm tuyên truyền cho tính chính danh của đảng cộng sản. Người dân chỉ có thể tiếp cận những thông tin « lề trái » từ những nhà báo tự do, các blogger được đăng trên các mạng xã hội như Facebook và các trang web« ngoài vòng pháp luật ». Cũng theo RSF, chính phủ Việt Nam luôn gia tăng sự đàn áp trên không gian mạng và sẵn sàng bắt bỏ tù những ai dám viết bài hay phát biểu chính kiến về thảm hoại môi trường, về nạn tham nhũng, về quyền tự do ngôn luận, về chủ quyền đất nước thông qua các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Chính quyền cũng tìm mọi cách gây áp lưc lên Facebook để gỡ bỏ những bài viết lên án nhà cầm quyền hay khóa các trang Facebook cá nhân của những nhà bất đồng chính kiến. Đó chính là sự vi phạm trắng trợn quyền tự do báo chí với chủ đích bảo vệ và duy trì sự tồn tại của chế độ CSVN.

Bảng xếp hạng toàn cầu năm 2018 về tư do báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới – Nguồn : www.rsf.org

Có nên bi quan?

Sự mâu thuẫn giữa hai bảng xếp hạng : số lượng người dùng Internet, các mạng xã hội và chỉ số tự do báo chí tại Việt Nam cho chúng ta thấy sự định hướng dư luận của chế độ trong các sinh hoạt vui chơi và giải trí. Mọi nhu cầu phản biện hiện tình đất nước trên không gian mạng đều bị họ cấm đoán và đàn áp với những bản án tù thật nặng qua những tội danh « tuyên truyền chống phá nhà nước »« lạm dụng quyền tự do dân chủ » hay « lật đổ chính quyền ». Các chính sách về công nghệ thông tin cũng chỉ nhằm mục đích khuyến khích người dân, đặc biệt các thế hệ trẻ, làm giàu. Thanh niên Việt Nam lên mạng không để tìm tòi, học hỏi hay tranh luận. Tính phản biện của tuổi trẻ không được phát huy và họ trở nên thụ động, vô cảm trước những vết thương của xã hội.

Các thống kê về việc sử dụng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam, thật ra cũng không thoát khỏi qui luật chung của thời đại toàn cầu hóa. Mục đích sử dụng Internet cho các nhu cầu giải trí lành mạnh là xu hướng của tuổi trẻ trên thế giới. Điểm khác biệt cơ bản và quan trọng nhất là các công dân của những quốc gia tiến bộ đã được hấp thụ những khái niệm về quyền công dân và dân chủ ngay từ nhỏ. Họ sẵn sàng tranh đấu, biểu tình, xuống đường nếu như chính phủ ban hành những đạo luật, chính sách đi ngược lại quyền lợi công dân hay vi phạm hiến pháp. Môi trường chính trị đa nguyên, đa đảng giúp cho người dân luôn sẵn sàng phản biện để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ. Đó chính là điều mà tuổi trẻ Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung không hề có từ 43 năm qua. Bên cạnh đó, sự sợ hãi và tính ỷ lại là sức cản cực lớn khiến người ta chọn thái độ im lặng và “mặc kệ nó”.

Làm sao không khỏi bi quan hay thất vọng về sự tham gia thụ động của người dân trong tiến trình cải tổ và dân chủ hóa đất nước, về sự lạnh nhạt, tránh né các chủ đề chính trị của thanh niên trong nước. Sự thật, chỉ có một thiểu số hăng hái tham gia phản biện trên Facebook hay cũng chỉ là những khuôn mặt, những tiếng nói quen thuộc trong nước đang miệt mài đương đầu với cả chế độ để nhằm vạch trần bản chất mạt nhược của nó.

Nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn của Internet trong một xã hội độc tài như Việt Nam. Không một chế độ độc tài nào có thể ngăn cản khát vọng dân chủ và bưng bít thông tin lâu dài, nhất trong thời đại kỹ thuật số. Thiểu số đang tranh đấu trên không gian mạng và trong cuộc sống hàng ngày đang miệt mài lót những viên gạch nền nhằm xây dựng một Việt Nam dân chủ.

Chúng ta không mừng vội khi thấy trên mạng những chỉ trích, lên án chế độ rồi từ đó cho rằng người dân đã thức tỉnh và biết nắm lấy vận mệnh đất nước trong tay. Ngược lại, chúng ta cần lạc quan để hiểu đó chỉ là những chặng đường cần thiết cho một tiến trình đòi hỏi nhiều công sức và thời gian để làm thay đổi được nhận thức của người dân. Ý thức chính trị của một công dân tiến bộ không thể được xây dựng trong một sớm một chiều !

Và dẫu chỉ vài ngàn người trong số vài chục triệu người sử dụng Facebook hay cũng chỉ chừng ấy người xuống đường trong số gần 90 triệu đồng bào để lên tiếng về Formosa, về biển Đông, về tự do ngôn luận và về dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thì chúng ta vẫn phải tiếp tục tranh đấu và phản biện.

Bằng không, độc tài toàn trị vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài trên đất nước Việt Nam và chính chúng ta chứ không ai hết sẽ mang trọng tội với các thế hệ mai sau.

Lâm Bình Duy Nhiên, ngày 5/6/2018








No comments: