Thụy My – RFI
Đăng ngày 05-06-2018
Tác
giả Euan Graham trên trang web của Lowy Institut, một think tank Úc nhận định,
bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã hành động rất tốt tại Đối thoại
Shangri-La ở Singapore.
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tại Shangri-La, Singapore ngày
02/06/2018. Bài phát biểu của ông mang tựa đề "Sự lãnh đạo của Mỹ và thách
thức an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương". REUTERS/Edgar Su
Cuộc Đối thoại Shangri-La, tức Hội nghị Thượng đỉnh
An ninh Châu Á, được tổ chức trong bối cảnh chỉ một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc
gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên
Kim Jong Un, cũng ngay tại Singapore.
Cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim vốn rất được chờ đợi,
bị tổng thống Trump hủy bỏ, rồi lại được loan báo vẫn diễn ra như dự kiến… đã
gây ra nhiều đồn đãi, bàn tán trong hành lang hội nghị. Tuy nhiên nhờ sự dẫn
dắt của tướng James Mattis, mà các đại biểu không bị xao lãng qua sự kiện trên.
Thay vào đó, chính thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông lại trở
thành trung tâm chú ý của Đối thoại Shangri-La.
Bên cạnh bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc rất
thẳng thừng của tướng Mattis, điều đáng chú ý là nhiều bộ trưởng Quốc Phòng các
nước, kể cả bộ trưởng Hoàng Vĩnh Hoành (Ng Eng Hen) của nước chủ nhà Singapore,
đều cho rằng việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông là mối quan ngại hàng đầu.
Vạch
trần tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông
Sau đây là nguyên văn đoạn phát biểu của tướng
Mattis liên quan đến Trung Quốc tại Diễn đàn Shangri-La :
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là dự báo cho
mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chúng tôi đã cảnh báo Bắc Kinh là sẽ phải đối mặt
với một loạt thách thức và cơ hội trong những năm sắp tới. Chúng tôi sẵn sàng
ủng hộ, nếu Trung Quốc chọn lựa hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả các
nước, trong khu vực năng động này.
Nhưng chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông lại hoàn
toàn tương phản với sự cởi mở của chiến lược mà Hoa Kỳ muốn phát huy, đặt ra
các câu hỏi về những mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc.
Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển
Đông, kể cả triển khai các hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn địa-không, thiết bị
điện tử gây nhiễu, và mới đây nhất là việc cho oanh tạc cơ hạ cánh xuống đảo
Phú Lâm.
Mặc dù Bắc Kinh chối cãi, sự bố trí các hệ thống vũ
khí này trực tiếp gắn với việc sử dụng trên phương diện quân sự, mà mục đích là
hù dọa và bức hiếp. Việc quân sự hóa Biển Đông cũng trái ngược hẳn với những
cam kết công khai của chủ tịch Tập Cận Bình, ngay tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào
năm 2015.
Vì những lý do đó, tuần trước Hoa Kỳ đã rút lại lời
mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Đó là câu trả lời
bước đầu của chúng tôi trước tình trạng Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển
Đông, vì thái độ này đi ngược lại với các nguyên tắc và mục tiêu của cuộc tập
trận RIMPAC – mà điểm nổi bật nhất trong những nguyên tắc đó là tính minh bạch
và tinh thần hợp tác.
Nói rõ hơn, chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia
nào phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bởi vì một người bạn không đòi hỏi
bạn phải chọn lựa.
Trung Quốc cần và phải có được tiếng nói trong hệ thống
quốc tế đang được định hình, và tất cả các láng giềng của Trung Quốc phải có
tiếng nói về vai trò của Trung Quốc đang được xác định. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mối
quan hệ mang tính xây dựng và hướng đến kết quả với Trung Quốc ; hợp tác khi
nào có thể, hay đối địch mạnh mẽ, một khi cần phải như thế.
Tất nhiên chúng tôi ghi nhận Trung Quốc có vai trò
trong một trật tự Ấn Độ - Thái Bình Dương bền vững. Theo lời mời của Trung
Quốc, tôi sắp đến Bắc Kinh với tinh thần cởi mở, minh bạch, để mở rộng và đào
sâu đối thoại giữa hai quốc gia Thái Bình Dương chúng ta.
"Hoa
Kỳ không mơ thống trị ai cả"
Tôi xin kết thúc như đã bắt đầu : với tư cách một
quốc gia Thái Bình Dương, Hoa Kỳ vẫn luôn cam kết chia sẻ vận mệnh với khu vực.
Hoa Kỳ đề nghị mối quan hệ đối tác chiến lược, chứ
không phải lệ thuộc về chiến lược. Bên cạnh các đồng minh và đối tác, nước Mỹ
tiếp tục cam kết duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Một
quan điểm sẽ được lưỡng đảng trong hệ thống chính trị ở Washington ủng hộ cả
trong thời kỳ chuyển tiếp.
Như tổng thống Donald Trump đã phát biểu tại Đà Nẵng
: « Chúng tôi sẽ không bao giờ đòi hỏi các đối tác phải đầu hàng về mặt chủ
quyền, hay về sở hữu trí tuệ…Hoa Kỳ không mơ thống trị nước nào cả ».
Làm việc cùng nhau trên cơ sở những nguyên tắc được
chia sẻ, chúng ta sẽ tạo ra một tương lai hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho
tất cả mọi người. « Một chùm sao gồm những quốc gia, mà mỗi nước là một
ngôi sao lấp lánh ánh sáng riêng của mình, không là vệ tinh của ai cả ».
Đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp Mỹ chỉ
đích danh Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông, tại một hội nghị quan trọng
như Đối thoại Shangri-La. Ông còn nhấn mạnh, việc không cho Trung Quốc tham dự
cuộc tập trận RIMPAC năm nay ở ngoài khơi Hawai chỉ mới là một lời cảnh báo nhẹ
nhàng sơ khởi. Trong tương lai, sẽ là « những hậu quả lớn hơn » nếu
Trung Quốc tiếp tục hù dọa các láng giềng.
Trước đó, tướng James Mattis trong đoạn đầu của bài
diễn văn đã nhắc nhở, từ đầu những năm 1800, tổng thống Hoa Kỳ Thomas Jefferson
đã quan tâm đến sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương, và nước Mỹ đã gia tăng
những cam kết trong khu vực ngay từ thời đó.
Bên cạnh đó, ông cũng không ngần ngại khẳng định Hoa
Kỳ sẽ tiếp tục cung cấp các thiết bị quốc phòng và dịch vụ cho Đài Bắc, phản
đối mọi hành động nhằm thay đổi nguyên trạng hai bên bờ eo biển Đài Loan.
Trung
Quốc thất thế tại Shangri-La
Bị « chạm nọc », đoàn đại biểu Trung Quốc phản ứng
ra sao ?
Hãng tin AP cho biết trong phần chất vấn, đại tá
Trung Quốc Triệu Tiểu Trác (Zhao Xiaozhuo) nói rằng việc Washington gởi hai
chiến hạm đi vào « vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc » mới
đây là « vi phạm luật pháp », một sự « khiêu khích
trắng trợn về an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ ». Nhưng tướng
Mattis đáp trả rằng câu hỏi này hoàn toàn tách rời khỏi thực tế, với phán quyết
của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Hai chiến hạm Mỹ đi gần quần đảo
Hoàng Sa hôm 27/5, là việc tái khẳng định trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
South China Morning Post ghi nhận một cảm giác hoang mang, thất bại của cả đoàn. Trung tướng
Hà Lôi (He Lei), phó viện trưởng Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc tuy
mạnh miệng nói rằng « Hoa Kỳ là nguồn gốc gây xung đột trong khu vực »,
nhưng phía sau hậu trường, đoàn đại biểu Trung Quốc cảm thấy hoàn toàn ở thế
bất lợi tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Tướng về hưu Diêu Vân Trúc (Yao Yunzhu) phàn nàn
: « Mỹ đã tạo ra một loạt từ khóa như ‘trật tự dựa trên cơ sở luật
pháp’, ‘tự do hàng hải và hàng không’, ‘quân sự hóa’…Mỗi lần nghe những cụm từ
đó trên diễn đàn, chúng ta biết rằng những chỉ trích này nhắm vào Trung Quốc ».
Nhiều nhà quan sát cho rằng, với việc gởi một đoàn
đại biểu cấp thấp đến Shangri-La, Bắc Kinh muốn tránh né đồng thời làm giảm tầm
quan trọng của hồ sơ Biển Đông. Một nguồn tin thông thạo cho South
China Morning Post biết, ban tổ chức đã chuẩn bị phương tiện cho bộ
trưởng Quốc Phòng Trung Quốc phát biểu, nhưng vào giờ chót Bắc Kinh đã hủy.
William Choong, chuyên gia của IISS nói rằng các nhà
tổ chức năm nay đã hai lần đến Bắc Kinh để cố thuyết phục Trung Quốc gởi đoàn
đại biểu cấp cao đến, nhưng không thành công. Một chuyên gia khác nhận xét có
lẽ « Bắc Kinh muốn giảm thiểu tầm vóc của Đối thoại Shangri-La vì muốn
tạo ra một sự kiện song song », chẳng hạn như Diễn đàn Hương Sơn
(Xiangshan Forum). Tuy nhiên « chẳng có gì hay nếu chỉ đối thoại với
những người luôn đồng ý với mình ».
·
Đọc thêm: Chúng ta đã mất Biển Đông chưa ?
Quay lại với bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis,
tướng Mỹ được báo Pháp Le Monde gọi là « vị tướng thầy
tu ». Vị tướng trí tuệ có tủ sách hàng ngàn cuốn, độc thân, là nhân
vật duy nhất đã khiến Quốc Hội Mỹ an tâm trong cuộc điều trần trước khi được
chính thức bổ nhiệm, nhận được những tràng pháo tay vang dội. Tuy mang biệt
danh « Chó Điên » (Mad Dog),nhưng ông được coi là nhân vật « người
lớn », có cách ứng xử mẫu mực trong chính quyền Trump.
Hôm nay CNN đưa tin hai oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã
bay ngang quần đảo Trường Sa, theo nguồn tin quốc phòng Mỹ, chỉ hai ngày sau
khi tướng Mattis tố cáo Trung Quốc « hù dọa và bức hiếp » láng
giềng tại Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ không hề có ý
định rút khỏi khu vực này, bất chấp phản ứng tức tối của Bắc Kinh.
Tác giả Euan Graham nhận định, gánh nặng đang đặt
trên vai ông Mattis, trong hồ sơ Ấn Độ - Thái Bình Dương, trước bối cảnh Trung
Quốc đã và đang làm mưa làm gió tại khu vực.
No comments:
Post a Comment