Friday, March 11, 2016

CHỈ THỊ 15 LÀ GÌ MÀ BÀ CON NGHE HẾT HỒN ? (FB Lê Nguyễn Hương Trà)






Qua giờ FB ồn ào trích dẫn phát biểu của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Sở Công an Tp.HCM tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015:

“Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.

Vậy chỉ thị 15 là gì, có bí mật hơm mà bây giờ bà con nghe mới hết hồn!?
......

Ngày 7/7/2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Nội dung trong chỉ thị này có liên quan đến sự bất lực trong phát biểu của tướng Minh: Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp uỷ đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt...thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.

Vì thế như tướng Minh nói, công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên nằm trong ý nếu không được tổ chức đảng, cấp uỷ quản lý trực tiếp đảng viên đó ra văn bản đồng ý.
..

Chỉ thị 15 là cách để thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, ngăn ngừa chạy án, ngăn ngừa đánh án có động cơ không trong sáng, ngăn ngừa mất đoàn kết gây án giả để gây chia rẽ, làm mất uy tín cán bộ, đảng viên...

Nói chung chỉ thị này chủ yếu để đảng quản lý chặt chẽ từ đầu tới cuối toàn bộ quá trình tố tụng của một vụ án có liên quan đến đảng viên của đảng: từ trinh sát, phát hiện dấu hiệu, củng cố chứng cứ, khởi tố, bắt, truy tố đảng viên vi phạm nhằm bảo đảm khách quan, chính xác, trung thực, bảo vệ tốt công tác chính trị nội bộ, không để lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để làm mất đoàn kết, trù dập cán bộ đảng viên....và làm đúng như câu các văn bản vẫn hay dùng "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật".
...

Trên thực tế, nhiều tổ chức đảng đã tận dụng ngay sức mạnh của chỉ thị 15 để biến một sai phạm phải xử lý hình sự với cán bộ đảng viên thành xử lý hành chính, làm chậm hoặc can thiệp làm thay đổi bản chất vụ việc, bảo vệ nhau, thậm chí còn thăng chức cán bộ đảng viên sai phạm lên chức cao hơn để xoá tội, can thiệp thô bạo vào quá trình điều tra, họp án, o bế, bảo vệ, cứu nhau, cấp trên cứu cấp dưới, thủ trưởng cứu lính, tập thể cứu lãnh đạo... ngăn cản những bước đi tiếp theo của cơ quan tố tụng, dần dần như dân gian vẫn nói... để lâu cứt trâu hoá bùn.

Ngoài những động cơ lợi ích nhóm, cùng hội cùng thuyền, cùng bè cánh cứu nhau, còn là bệnh thành tích, né không cho án xảy ra trong tổ chức cơ quan ban ngành mình để luôn luôn "100% cơ sở đảng trong sạch vững mạnh", tạo cơ hội nhận thành tích cao, lấy bàn đạp cho sếp lên cao...
..

Như vậy, chỉ thị 15 của Bộ Chính trị đã bị một số cơ sở đảng bóp méo, chuyển từ thế tiêu diệt sai phạm sang thế bảo vệ sai phạm mà hầu như thủ phạm trong những vụ việc như thế này đều rất khó chỉ mặt đặt tên vì nó được thực hiện rất đúng quy trình qua nhiều cuộc họp với những biên bản, biểu quyết tuyệt đối ủng hộ... tha.

Một khi có đảng viên sai phạm, một khi nhận được báo cáo của cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu tổ chức đảng, cấp uỷ đó không trong sáng, không thực lòng chống tiêu cực, thì chắc chắn vụ án sẽ không hình thành, mọi công việc tố tụng không được tiếp diễn, thậm chí có nhiều vụ án phải ngưng, huỷ, thay đổi..vv

Phát biểu của tướng Minh rất tâm huyết và chính xác với tình hình, vì thế, dễ hiểu trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, hầu hết cơ quan, ban ngành, địa phương đều rạo rực công bố không phát hiện thấy tham nhũng.

Đây là một câu chuyện dài, phức tạp. Cuộc chiến chống tham nhũng vì thế nó chỉ có thể được thực sự bắt đầu khi cơ quan tố tụng phải là những cơ quan độc lập, toàn quyền và thực hiện trách nhiệm đúng nghĩa "mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật", pháp luật không phân biệt anh là đảng viên hay dân chúng, đối tượng của pháp luật chỉ có một từ duy nhất để gọi: công dân. (Nguồn: Infornet).

........

Theo tui, tướng Phan Anh Minh phán vài câu thôi mà giá trị hơn tất cả cá các câu nói hoa hòe hoa sói của các lãnh đạo Tp.HCM trước nay!

P/s: Những câu chuyện về tướng Minh thì nhiều vô kể. Anh tui kể, một lần vợ Chủ tịch Quốc hội khi ấy là ông Nguyễn Văn An bay tới TSN có điện cho Phan Anh Minh nói đưa xe ra đón. Minh không đi, cũng đếch đưa xe ra đón luôn. Rồi chuyện hai thằng bạn chạy tới gặp Phan Anh Minh nhờ vả chuyện gì đó. Khi về không quên bỏ lại quà đã bị anh này chửi té tát, ê mặt. Mấy chuyện như vầy nghe nhiều lắm, anh em học Pétrus Ký với Phan Anh Minh ngày xưa còn tám nhiều vụ hay hơn; rảnh kể tiếp wink emoticon

10 năm. Tóc Phan Anh Minh đã từ tiêu chuyển qua muối, ắt trong đó có vụ... bất lực. Đừng thắc mắc sao nhiều người đặt hashtag #ĐMCS ^-^

*
*
Lê Nguyễn Hương Trà stt của nhà báo Hoai Nam Nguyen: Tham nhũng xong bị điều tra mang tiền nộp là hết tội!
Mấy ngày nay, báo chí và mạng xã hội nói nhiều về thiếu tướng Phan Anh Minh. Phó giám đốc Công an TP.HCM có những phát biểu thẳng thắn trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Tướng Minh đã bày tỏ gặp khó khi trinh sát cán bộ tham nhũng vì cán bộ đó là đảng viên.
Có thể nói một tướng Công an đã phải thốt lên:“Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”. Tuy nhiên, vụ án tham nhũng tôi kể dưới đây cho thấy Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM chẳng cần phải trinh sát nữa, nhưng chẳng hiểu sao vẫn không xử lý.
Số là đầu năm 2010, người dân phường Bình Chiểu quận Thủ Đức tố cáo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức có dấu hiệu cố ý làm trái gây thất thoát hàng chục tỉ đồng tiền nhà nước trong Dự án cải tạo Kênh Ba Bò.
Vào cuộc điều tra được biết, Dự án Cải tạo kênh Ba Bò là một trong những dự án trọng điểm đầu tư, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của hàng ngàn người dân dọc kênh ở phường Bình Chiểu (TP.HCM) và huyện Thuận An (Bình Dương). Tổng số kinh phí dự án, tiền bồi thường, giải tỏa ban đầu là 307 tỉ đồng 3 năm sau đội lên 744 tỉ đồng. Trong quá trình áp giá đền bù để giải tỏa, có hàng chục hộ dân được áp giá đền bù sai. Cụ thể, cùng thừa đất có 32 hộ bị giải tỏa nhưng có 13 hộ được đền bù còn 19 hộ chỉ được hỗ trợ; Đất công cũng được đền bù (có 1 hộ được đền bù khống 2,6 tỉ đồng).
Nhận thấy đây là vụ án tham nhũng tiền của Nhà nước có tổ chức, đầu năm 2010 mình đã báo cáo trung tướng Phạm Qúy Ngọ (lúc này đang đương chức thứ trưởng Bộ Công an, kiêm thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an). Trung tướng Ngọ hẹn gặp mình ở tầng 9 khách sạn Caravelle. Nhận và xem hồ sơ của mình, tướng Ngọ lấy bút phê chuyển cho C37 phía Nam vào cuộc điều tra.
Biết Công an điều tra, Các cán bộ trong Ban Bồi thường GPMB vội vàng mang hàng tỉ đồng là tiền tham nhũng nộp lại cho Nhà nước. UBND quận Thủ Đức nhanh chân ra quyết định kỷ luật 6 cán bộ là Phan Hòa Anh Tuấn (nguyên chủ tịch hường Bình Chiểu), Trần Ngọc Cường (Phó chủ tịch Hội đồng Bồi thường); Trương Nguyễn Thuận Bình (Phó Ban Bồi thườngGPMB); Trần Văn Lắm (cán bộ thẩm định), mức kỷ luật là khiển trách và cảnh cáo. Riêng hai cán bộ là Nguyễn Minh Thông và Nguyễn Thanh Đạo bị buộc thôi việc.
Sau 7 tháng vào cuộc điều tra, C37 khẳng định sai phạm của các cán bộ thuộc Ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức đã có đủ căn cứ cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ Luật hình sự. C37 đã xin ý kiến xử lý, lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát chỉ đạo C37 chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an TP.HCM xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Cục cảnh sát, đầu năm 2012, C37 chuyển toàn bộ hồ sơ sai phạm đến PC46 Công an TP.HCM để điều tra theo thẩm quyền.
Ngày 22.8.2012 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, lý do là “Sau khi bị phát hiện sai phạm các cá nhân liên quan đã khắc phục xong hậu quả và đã bị kỷ luật; Hành vi không cấu thành tội phạm”.
Rõ ràng vụ tham nhũng xảy ra ở Ban Bồi thường GPMB quận Thủ Đức rõ như ban ngày, việc trinh sát không cần vì Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm hết, tội của các cán bộ tham nhũng cũng được cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ rõ. Thế nhưng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vẫn không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can chỉ vì “đã được khắc phục xong hậu quả”.
Như vậy, nếu cán bộ tham nhũng khi bị phát hiện điều tra, vội vàng mang tiền đi khắc phục hậu quả sẽ không bị khởi tố như vụ án tham nhũng trong Dự án cải tạo Kênh Ba Bò thì chẳng bao giờ tham nhũng ở Việt Nam bớt được.







No comments: