Wednesday, January 6, 2016

NGƯỜI TRẺ & GIÁ TRỊ LÀM NGƯỜI KHI PHỤC VỤ THƯƠNG PHẾ BINH VNCH (Huyền Trang - GNsP‬)





Huyền Trang  -   GNsP 
Đăng ngày 06.01.2016 - 10:02am

GNsP (06.01.2016) – Phục vụ những con người đui què, nghèo, khốn khổ, bị xã hội loại trừ, miệt thị -điển hình là người Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa-, thậm chí bị ảnh hưởng đến bản thân, lại chính là niềm vui sống của những người trẻ sinh sau đẻ muộn không có một ý thức về chiến tranh, về ý thức hệ, bởi họ tìm được một cuộc đời có ý nghĩa khi đụng chạm đến những mảnh đời éo le, tang thương của quý TPB VNCH.

Chính nơi cuộc đời quý TPB VNCH đã dạy cho các bạn trẻ -khi có cơ hội tiếp xúc- về giá trị làm người, nhân cách ‘lớn lên’ mỗi ngày chứ không được ‘lụi tàn’ trong chính sự vùi dập, đọa đầy của thể chế, vì con người có thể tạo nên một thể chế và phế bỏ thể chế đó. Tìm được cuộc đời có ý nghĩa qua sự phục vụ, đó chính là lý do thúc đẩy nhiều bạn trẻ kêu gọi cùng nhau làm tình nguyện viên cho Chương trình Tri Ân Anh – TPB VNCH trong suốt 7 ngày vừa qua từ ngày 28.12.2015 – 04.01.2016 (ngày 03.01.2016 nghỉ).

Một bạn trẻ tên Phú, 24 tuổi, sống tại Sài Gòn, cho hay: “Khi tiếp xúc các bác TPB thì mình nhận ra cuộc sống của bác kém may mắn hơn mình nhiều, nên mình cần phải tôn trọng họ nhiều hơn. Khi nói chuyện với họ thì mình thấy họ có một tinh thần yêu nước mãnh liệt, hy sinh cho đất nước nhưng lại bị nhà nước này bỏ rơi, bị tù đày [đi cải tạo] nhưng họ không sợ gì cả làm mình cảm thấy có động lực vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân.”

Lắng nghe ông kể chuyện

Tìm được giá trị tuổi trẻ bằng cách cống hiến thời gian rảnh và sức trẻ giúp đỡ quý ông TPB VNCH, tạo niềm vui cho quý ông… là kinh nghiệm của một Tình nguyện viên (TNV) tên Bảo, 22 tuổi, sống tại Sài Gòn. Bạn Bảo tham dự chương trình ngót 1 năm, bạn chia sẻ: “Từ khi mình tham dự chương trình này thì mình học được sự quan tâm, sự thương yêu, sự cảm thông của mọi người dành cho các ông. Cuộc đời của các chú làm cho tôi không còn cảm thấy mình vô dụng nữa, tôi cảm thấy có nhiều người rất cần tôi giúp họ cách này cách khác, bởi vì cuộc sống của tôi quá đầy đủ còn các chú thì quá thiếu thốn.”

Một bạn trẻ khác cũng sống tại Sài Gòn nhưng có ‘gốc gác’ là con nhà lính VNCH tên Tài, 21 tuổi, bộc lộ rằng: “Các ông TPB là những người hy sinh, bảo vệ đất nước và đáng được tri ân. Tôi cảm thấy vui khi được giúp họ, có cơ hội gần gũi hỏi thăm hoàn cảnh của họ, dù cuộc sống của họ có nghèo khổ đi nữa nhưng họ vẫn giữ được tinh thần của Quân lực VNCH là ‘Tổ Quốc, Trách nhiệm và Danh dự’.”

Dìu ông vào chỗ ngồi

Qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với quý TPB VCNH các bạn trẻ càng hiểu rõ hơn về sự thật lịch sử chiến tranh ‘huynh đệ tương tàn’ năm 1975, cuộc chiến tranh tàn khốc và dã tâm khi Cộng sản Bắc Việt sử dụng người Việt chia rẽ-đánh-ly tán người Việt. Các bạn sẽ thấu cảm hơn về các góc khuất của thân phận con người TPB VNCH bị đọa đầy suốt hơn 40 năm qua đang lê lết thân xác què quặt, ốm đau để chìa tay bán từng tờ vé số, để ngửa tay…ăn xin thế hệ con-cháu trên từng góc phố, từng ngóc ngách, từng con hẻm để mưu sinh. Những thân phận con người hẩm hiu ấy được bao nhiêu người lớn và người trẻ nhận ra và công nhận sự hy sinh của họ đã bỏ một phần thân thể vì Tổ Quốc? Hay, họ vẫn chỉ là… một người cù bơ cù bất, đầu đường xó chợ, một người ăn mày mà thôi?

Bạn sinh viên tên Ngọc uất ức nói: “Em được một người bạn của chương trình giới thiệu và muốn tìm hiểu thêm các câu chuyện đời lính của các chú TPB nên em đến tham dự. Các chú chia sẻ những khó khăn mà chính quyền hiện tại đang gây ra cho gia đình các chú, em không thể chấp nhận cách hành xử của chính quyền đối với các chú TPB vì họ cũng là người dân VN.”

Anh Long, đang đi làm và thu xếp công việc ở công ty để có cơ hội phục vụ quý TPB VNCH trong những ngày vừa qua, anh bộc bạch: “Họ là những người cống hiến cho đất nước, họ bị bỏ rơi, bị kỳ thị và không có một chính sách nào dành cho họ khi họ bị thương tật như thế. Một sự sai lầm của nhà nước.”

Dưới nhãn quan của các bạn trẻ, chương trình “Tri Ân Anh – TPB VNCH’ là việc làm đúng, cần khuyến khích nhiều bạn trẻ tham gia phục vụ, nhưng đối với nhà cầm quyền thì họ cho rằng đây là việc làm sai trái và ngăn cấm người dân VN thực hiện các nghĩa cử Tri ân đối với quý ông. Một TNV trong chương trình bị nhà cầm quyền địa phương hạch sách, câu lưu hơn 4 tiếng đồng hồ vào ban đêm vì đã tham dự chương trình này. TNV xin được giấu tên cho biết:

“Tại đồn công an, họ hỏi tôi nhiều câu hỏi dồn dập như: ‘phục vụ cho những hạng người đó thì cảm thấy như thế nào? Vì sao lại đi theo con đường đó? Ai giới thiệu? Nhà ở đâu? Làm gì?… Tôi bị câu lưu mà không được thông báo cho gia đình biết. Tôi cảm thấy bị xúc phạm quyền tự do cá nhân. Tôi xác quyết tôi phục vụ các ông TPB VNCH là việc làm đúng vì tôi đang giúp người nghèo và người tàn tật. Tôi còn muốn giúp nhiều người nghèo khác ngoài các ông TPB nữa.”

Bạn trẻ tên Phú đồng tình với lời giải thích của TNV này: “Nếu công an có mời tôi lên làm việc, tôi cũng không sợ bởi vì tôi làm theo lương tâm, trách nhiệm và bổn phận của tôi vì tôi là người dân VN, và đây là việc làm đúng khi giúp đỡ người nghèo.”

Bạn trẻ Tài còn dứt khoát và ngắn ngọn hơn: “Nếu tôi sợ thì tôi sẽ không đến đây phục vụ.”

Hơn 40 năm rồi mới được bồng bế

Được biết, Cựu Tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, TNV được quý cha phòng Công lý và Hòa bình DCCT Sài Gòn giao trọng trách Điều phối chính trong các buổi Tri Ân, bị an ninh theo dõi và canh gác liên tục trước cửa nhà. Ông cùng với phu nhân phải trốn ra khỏi nhà trước mấy ngày trước khi các hoạt động Tri Ân diễn ra, và phải ở nhờ nhà bà con trong suốt thời gian hoạt động Tri Ân được triển khai, để hoàn thành tốt công việc mà quý cha đã giao.
Trong suốt các buổi Tri Ân, về an ninh, chương trình cũng gặp một vài rắc rối khi có một số người ăn mặc chỉn chu muốn vào tham dự chương trình với những câu hỏi ‘cắc cớ’ và hạch sách. Anh Trực, TNV – Trưởng ban bảo vệ, chia sẻ: “An ninh gây khó khăn cho chúng tôi nhiều hình thức, họ đưa nhiều thanh niên đến hỏi chúng tôi những câu hỏi cắc cớ như: “ai tổ chức buổi này, ai cấm giáo dân vào khu vực này’… Chúng tôi giải thích một cách ôn hòa để họ không thể tiếp cận gây khó khăn cho buổi lễ. Theo quan điểm của tôi, những ai muốn đến xem chương trình với tấm lòng thiện chí thì họ sẽ có thái độ ôn hòa chứ không cộc cằn và thô lỗ.”

Làm những công việc mình xác quyết là đúng, mang lại ích lợi cho cộng đồng, làm với sự tự nguyện và lòng nhiệt tâm sẽ mang lại giá trị ý nghĩa cho cuộc đời không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho người khác, và hy vọng sẽ tác động những người xung quanh đổi thay với niềm thông cảm thân phận quý TPB VNCH.

Những ai ngăn cản, gây khó dễ cho công cuộc Tri ân TPB VNCH, trước hết, họ đang thể hiện tâm địa hẹp hòi, nhưng quan trọng hơn là họ đang vi phạm pháp luật. Bởi, Luật Người khuyết tật đã có những định nghĩa rõ ràng: “1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. 2. Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. 3. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó…”. Pháp luật không phân biệt ‘nguyên nhân’ gây ra khuyết tật, mà qui định trách nhiệm: “Mọi cá nhân có trách nhiệm tôn trọng, trợ giúp và giúp đỡ người khuyết tật” (khoản 3 Điều 7). “Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật” là hành vi bị nghiêm cấm qui định tại khoản 1 Điều 14).

Cám ơn tất cả các TNV nhiệt thành, tận tụy và tràn đầy yêu mến

Huyền Trang, GNsP





No comments: