Wednesday, January 6, 2016

NGƯỜI LÍNH HÒA HỢP - NHÀ NƯỚC CÓ HÒA GIẢI ? (Paulus Lê Sơn - GNsP)





Paulus Lê Sơn  -  GNsP 
Đăng ngày 05.01.2016 - 6:23am

GNsP – Những ngày tri ân TPB – VNCH vừa kết thúc tốt đẹp trong sự nỗ lực của tất cả mọi người tham gia chương trình này vào ngày 04.01.2016. Đó là một sự cố gắng rất lớn của một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thuộc Văn Phòng CLHB Sài Gòn, của các tình nguyện viên, của các nhà hảo tâm và ân nhân. Đặc biệt là sự phá rào khỏi sợ hãi và tâm lý lo lắng của chính những người lính VNCH sau bao năm tháng sống trong sợ hãi. Và hơn hết có cả sự xuất hiện của những cựu binh Bắc Việt.

Mặc dù bị kiềm kẹp, bị theo dõi của an ninh ấy vậy mà hơn một tuần lễ tri ân vẫn diễn ra thành công trong sự can trường, nhiệt thành của tất cả mọi người.

Giây phút mặc niệm về những người lính đã ngã xuống cho non sông và dân tộc. Bắt đầu mỗi buổi lễ Tri Ân TPB – VNCH đều có nghi thức này: Ảnh GNsP

Trong những ngày bên cạnh Thương phế binh VNCH, nhìn nhận được một số vấn đề liên quan tới hòa giải dân tộc sau 40 năm chinh chiến hai miền liệu có thực sự được hòa giải hay không? Khi mỗi con người đều mang trái tim của tình người. Tham gia chương trình này có một trong những người lính Bắc Việt ca ngợi chương trình tri ân TPB là rất tuyệt vời và vô cùng tâm huyết.

Ông Nguyễn Tường Thụy, một nhà báo độc lập và từng là một người lính Bắc Việt tham gia phục vụ TPB trong ba ngày đã nói rằng ‘’những chương trình như thế này đã làm dịu bớt đi nỗi đau của anh em TPB – VNCH, phần nào đó làm cho họ cảm thấy được tôn trọng sau nhiều năm họ bị phân biệt, bị kỳ thị”.

Với con mắt của người miền Bắc và trước đây là một người lính Bắc Việt, hiện tại ông Thụy nhìn về người lính VNCH, ông nói ‘’những người lính VNCH không bao giờ có lỗi, không bao giờ là ngụy quân, nếu gọi vậy là xúc phạm đến họ’’. Ông giải thích ‘’kể cả người lính miền Bắc hay miền Nam họ không có lỗi, vì họ bị cuốn vào cuộc chiến, chứ họ không tạo ra cuộc chiến, không phát động chiến tranh mà những người có thế lực họ mới phát động chiến tranh. Vì vây, sau cuộc chiến, lính VNCH và Bắc Việt đều phải bình đẳng như nhau. Không được phân biệt đối xử, nhưng rất tiếc điều này đã không xảy ra”.

Đây chính là lời nói của một tâm nguyện hòa giải thực sự của những người lính Bắc Việt.
Ông Nguyễn Tường Thụy còn khẳng định ‘’Tôi sẽ làm hết sức mình để mà đấu tranh chống lại sự kỳ thị, phân biệt ấy để hàn gắn vết thương chiến tranh’’.

Linh mục An tôn Lê Ngọc Thanh, phụ trách chính chương trình Tri Ân TPB VNCH nói lời cám ơn các ân nhân trong và ngoài nước đã đóng góp cho chương trình này. Cha nhấn mạnh, đặc biệt còn có cả những ân nhân từng là người lính Bắc Việt.

Những người lính của hai đầu chiến tuyến đã thấy được nhau, hiểu nhau và thương mến nhau, thậm chí còn lên tiếng đòi quyền lợi cho nhau.

Còn về phía nhà cầm quyền Hà Nội thì sao? Ông Nguyễn Tường Thụy cho rằng ‘’ trong diễn biến cuộc chiến đi theo hướng bất lợi cho VNCH, kết thúc chiến tranh thì những người hai bên phải như nhau, đối xử một cách bình đẳng, nhưng tiếc rằng do tính kỳ thị và sự hẹp hòi, nhà cầm quyền Việt Nam không làm được điều đó. Những người TPB đã khó khăn về mưu sinh rồi nhưng mà họ vẫn bị gọi là ngụy quân, ngụy quyền, và cách cư xử của chính quyền địa phương và nhà cầm quyền đối với họ vẫn cứ khác. Đó là điều mà theo tôi phải tìm mọi cách để xóa bỏ nó đi’’. Đã có rất nhiều lời kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc được các quan chức chính quyền Hà Nội tuyên bố, nhất là mỗi dịp tết đón xuân về, nhiều kiều bào ở nước ngoài trở về đón tết tại Việt Nam kèm theo túi tiền ngoại hối của họ rất lớn. Nhưng rốt cuộc thì những người lính VNCH đang sống trong nước vẫn bị kỳ thị, bất công.

Một TPB- VNCH khi được hỏi về cuộc sống tật nguyền của mình có được nhà nước quan tâm, giúp đỡ không. TPB này trả lời rành rọt trong đau khổ “suốt từ sau năm 1975 đến giờ sống bình thường còn khó nói chi đến được quan tâm, giúp đỡ của nhà nước’’. Ông Thụy cho rằng “nhà cầm quyền chỉ kêu gọi hòa hợp hòa giải bằng những mỹ từ nhưng họ không làm được và chưa làm được’’.

Cựu lính Bắc Việt sau 40 năm họ nói gì về TPB – VNCH, Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của quân đội miền Bắc công tác tại Cục Chính trị trong thời gian chiến tranh trả lời Đài RFA “Tôi cho rằng dù sao nữa thì những người thương phế binh mặc dù là họ bên kia chiến tuyến họ chiến đấu cho mục đích của họ nhưng phải thừa nhận rằng họ không đáng chịu chế độ khắc nghiệt như thế’’.

Kết thúc câu chuyện với nhà báo Nguyễn Tường Thụy trong những ngày tri ân TPB, ông Thụy muốn nhắn gởi đến anh em TPB sự kính trọng của mình dành cho họ. Ông nói “Tôi mong muốn có nhiều cuộc tri ân như thế này đối với họ nữa. Ông Thụy cũng muốn nhắc nhớ tới nhà cầm quyền Hà Nội “hãy hành động đi, đừng nói suông nữa, người ta không tin đâu, cụ thể như không phân biệt đối xử với, giúp đỡ họ về công ăn việc làm, về vật chất, động viên họ về tinh tình. Phải xác định là cộng sản hay hay Quốc Gia đều là con dân đất Việt, chung một dòng máu con cháu Lạc Hồng nên không có lý do gì để phân biệt’’.

TPB – VNCH vẫn tự hào, kiêu hãnh vì đã phục vụ dân tộc Việt Nam, vì trách nhiệm đối với quốc gia. Họ đáng được sống trong sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương giữa quê hương của họ.
Paulus Lê Sơn

--------------------------

Tri Ân Anh Thương Phế Binh VNCH
Huyền Trang, GNsP
.
19.11.2015
.
.
TPB VNCH – Những mảnh đời     GNsP (16.08.2015)
Những thân thể bị tàn phá    GNsP (08.08.2015)
.
.





No comments: