Tuesday, January 5, 2016

Người Mỹ Da Trắng Tự Hủy Diệt (Fareed Zakaria - Washington Post)





Fareed Zakaria  -  Washington Post
Nguyễn Minh Tâm  dịch
Cập nhật: 02/01/2016 17:50

Hoa Kỳ đang trải qua một thời đại thay đổi sức mạnh, thay đổi quyền lực rất lớn.Những người lao động Da Trắng không hề nghĩ họ là thành phần ưu tú. Nhưng trong một chiều hướng nào đó, họ cho rằng họ phải là thành phần được ưu đãi, nhất là khi đem so sánh với các nhóm Da Đen, Hispanic, Da Đỏ và các giống người di dân khác. Họ coi mình là trọng tâm của nền kinh tế Mỹ, của xã hội Mỹ, có một dạng tịch hết sức riêng biệt. Họ không còn ở vị thế ưu đãi đó nữa.

Cali Today News - Vì sao giai cấp Trung Lưu Mỹ đang tự nó chết dần, chết mòn? Sự kiện này có lẽ là phát hiện quan trọng nhất của ngành xã hội học lúc gần đây. Nó làm thay đổi bối cảnh chính trị Mỹ. Nhà báo Jeff Guo của tờ Washington Post ghi nhận rằng thành viên của nhóm Trung Lưu Da Trắng là yếu tố quan trọng đưa đến hiện tượng “ông Donald Trump dẫn đầu trong cuộc tranh cử để được đảng Cộng Hoà chọn làm ứng cử viên tổng thống.”. Câu hỏi chính được đặt ra là vì sao giới Trung Lưu Da Trắng Mỹ đang bị chết dần? Và khi nghiên cứu hiện tượng này, chúng ta tìm được câu trả lời để gỉải thích cho thái độ giận dữ, tức tối hiện đang chế ngự không khí chính trị Hoa Kỳ. Thái độ đó sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong nhiều thập niên, dân chúng trong của các nước giầu có thường mạnh khoẻ, sống lâu hơn. Nhưng trong một bài nghiên cứu khá nổi tiếng mới đây, hai kinh tế gia Angus Deaton và Anne Case nhận thấy rằng trong 15 năm qua, có một nhóm người Mỹ trung niên Da Trắng ở Hoa Kỳ tạo ra một xu hướng đáng lo ngại. Họ chết dần với tỉ lệ ngày càng tăng.  Và hiện tượng này càng tệ hơn đối với những người chỉ học đến hết bậc trung học, hay kém hơn. Một số người lo ngại về những con số ước tính được đưa ra, nhưng ngay cả những người không tin vào con số này, cũng phải công nhận rằng hiện tượng xảy ra ở Mỹ quá lớn so với nhiều nước khác.

Lý do chính đưa đến cái chết của người Da Trắng còn làm cho chúng ta hết sức kinh ngạc: Họ chết vì tự tử, chết vì nghiện rượu, và chết vì dùng quá liều lượng những loại thuốc cần toa bác sĩ. Kinh tế gia Deaton nói với tôi: “Người ta hình như đang tự giết mình, một cách chậm chạp, hay vội vàng.”. Hoàn cảnh đưa đến những cái chết này là do “stress”, tức là lo âu, phiền muộn, và trầm cảm,tức là xuống tinh thần,  hay tuyệt vọng, tức là chán đời. Chỉ riêng hiện tượng số người chết gia tăng trong một nước công nghiệp xảy ra ở Nga là có thể so sánh với hiện tượng đang xảy ra ở Mỹ. Ở nước Nga, khi Liên Bang Xô Viết vừa mới sụp đổ, rất nhiều đàn ông Nga chết vì uống rượu. 

Lối giải nghĩa thông thường về hiện tượng chán nản và lo âu của giai cấp trung lưu là do hiện tượng toàn cầu hoá, và những thay đổi về kỹ thuật khiến cho người công nhân trung bình của các nước công nghiệp bị áp lực đè nặng. Nhưng xu hướng này không thấy xảy ra ở các nước Tây phương khác. Nó là hiện tượng duy nhất chỉ có ở Mỹ. Và lẽ ra Hoa Kỳ là quốc gia được bảo bọc kỹ nhất, không bị hiện tượng toàn cầu hoá chi phối, bởi vì Hoa Kỳ là một thị trường rộng lớn, tự phát triển trong nội điạ, không lệ thuộc vào mậu dịch quốc tế. Thương mại chỉ chiếm 23% nền kinh tế Hoa Kỳ, ở Đức nó chiếm tới 71%, và ở Pháp là 45%.

Ông Deaton phòng đoán với tôi rằng có lẽ Âu châu người ta có chế độ eo phe rộng lượng hơn do đó nó có thể giúp những mối lo sợ về thay đổi nhanh chóng gỉam bớt đi chút ít. Kinh tế gia này qủa quyết tin rằng ở Hoa Kỳ, các bác sĩ và công ty dược phẩm hăng hái giúp con bệnh đối phó với những đớn đau về tâm lý, và thể xác, nên chi họ sẵn sàng kê toa cho người Mỹ mua nhiều loại thuốc cực mạnh, có chứa á phiện. Việc tung ra thị trường thuốc Oxycontin, hay các loại thuốc giảm đau, có chứa thuốc phiện đi đôi với việc gia tăng số người chết.

Nhưng vì sao chúng ta không thấy có xu hướng đó trong nhóm người Mỹ thuộc sắc tộc khác? Trong lúc tỉ lệ số người chết của nhóm trung niên Da Trắng giữ nguyên, hay gia tăng, thì tỉ lệ người chết trong nhóm Hispanic và Da Đen tiếp tục giảm đáng kể. Những nhóm sắc tộc này cùng sống trong một nước, và còn phải đối phó với những áp lực kinh tế nặng nề hơn người Da Trắng. Tại sao họ không bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng?.

Câu trả lời nằm ở những “kỳ vọng”. Giáo sư nhân chủng của đại học Princeton, bà Carolyn Rouse trong email trao đổi ý kiến với tôi, nói rằng có lẽ những nhóm khác không có những kỳ vọng về lợi tức, tiêu chuẩn sống, và vị thế xã hội, tưởng như là lúc nào cũng phải cải thiện, phải gia tăng đều đặn. Những nhóm đó không có niềm tin, niềm tự hào rằng hễ họ cứ siêng năng làm việc thể nào họ cũng sẽ được thăng tiến, ăn trên, ngồi chốc. Giáo sư Rouse nói rằng sự thực cho thấy sau hàng trăm năm sống trong tình trạng nô lệ, phân biệt và kỳ thị, người Da Đen đã tự nghĩ ra cách riêng để đối phó với sự tuyệt vọng, và những điều bất công xảy ra trong đời sống: Họ lấy gia đình, nghệ thuật, những diễn từ phản kháng, và nhất là lấy tôn giáo làm vũ khí để đối phó với sự tuyệt vọng, chán chường.

Trong bài diễn văn “I have a Dream” năm 1963, Mục sư Martin Luther King Jr. nói với người Mỹ Da Đen rằng: “Các bạn là những người cố cựu nếm mùì gian khổ, một cách sáng tạo. Các bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ với đức tin cho rằng những đau khổ giáng xuống đầu bạn một ngày nào đó sẽ giúp bạn được Thượng Đế cứu rỗi.”. Trong một bài luận thuyết viết năm 1960, Mục sư King giải quyết vấn đề này theo kinh nghiệm cá nhân của ông: “Khi những đau khổ cá nhân của tôi chồng chất lên cao, tôi sớm nhận ra rằng có hai cách để tôi đối phó với hoàn cảnh của mình: hoặc là tôi phản ứng với những khổ đau bằng sự cay đắng, hay tôi chuyển hoá những khổ đau này thành sức mạnh sáng tạo...Do đó, giống như Thánh Paul dạy cho chúng ta, bây giờ tôi có thể khiêm nhường, song cũng hãnh diện, mà nói rằng: “Tôi mang trong người, trong thân thể tôi dấu ấn của Chúa Giê Su.”.

Người Hispanic, hay người Di dân có những kinh nghiệm về sự đau khổ khác nhau khi sống ở Hoa Kỳ. Nhưng ít có người nào trong các nhóm sắc dân này lại tin tưởng chắc chắn rằng vị trí của họ trong xã hội được bảo đảm. Theo định nghĩa, nhóm dân thiểu số chỉ là hạng người đứng bên lề. Họ không dám dự đoán, tự coi là có một hệ thống xã hội nào đó được xây dựng riêng cho họ. Họ cố gắng làm việc hết mình, và hy vọng sẽ thành công, nhưng họ không kỳ vọng điều đó là khuôn mẫu đương nhiên, và bất di dịch. 

Hoa Kỳ đang trải qua một thời đại thay đổi sức mạnh, thay đổi quyền lực rất lớn.Những người lao động Da Trắng không hề nghĩ họ là thành phần ưu tú. Nhưng trong một chiều hướng nào đó, họ cho rằng họ phải là thành phần được ưu đãi, nhất là khi đem so sánh với các nhóm Da Đen, Hispanic, Da Đỏ và các giống người di dân khác. Họ coi mình là trọng tâm của nền kinh tế Mỹ, của xã hội Mỹ, có một dạng tịch hết sức riêng biệt. Họ không còn ở vị thế ưu đãi đó nữa. Ông Donald Trump hứa rằng ông sẽ làm thay đổi, và giúp cho người Da Trắng dành lại ưu thế cũ. Nhưng ông ta sẽ không làm được điều này. Không một ai có thể làm chuyện đó được. Và tận sâu trong đáy lòng, họ thừa biết điều này.

Bài nhận định của Fareed Zakaria  trên Washington Post ngày 31/12/2015
Nguyễn Minh Tâm  dịch






No comments: