Phạm Chí Dũng
Sunday, Jan 03, 2016
Quan
tài và bàn thờ
Năm 2015 vừa tạm khép lại bằng cánh cửa vụt mở của một
hiện tượng phản kháng xã hội chưa từng có: Lần đầu tiên nổ ra phong trào học
sinh biểu tình phản đối chính sách nhà nước.
Tiếng hô “Đả đảo!” lại một lần nữa bùng lên dữ dội
ngay trong lòng đất nước.
Địa chỉ của phong trào trên lại nằm ngay ngoại vi thủ
đô của chính thể “của dân, do dân và vì dân”: Ninh Hiệp – Gia Lâm.
Kết quả tệ hại mà một chính quyền tạo dựng được là
khiến cho tiếng thét phản kháng biến vọt từ cá nhân đến nỗ lực đồng thanh tập
thể. Có đến vài ngàn học sinh biểu tình phản đối chính quyền địa phương Gia
Lâm, trong khi cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh ở Hà Nội vào giữa năm
2015 chỉ quy tụ được chưa đến 500 người.
Hiển nhiên cuối 2015, phản kháng xã hội đã trở thành
hiện tượng lan truyền thế hệ: Đồng thanh tập thể đã ăn vào máu não của cả lớp
thiếu nhi chưa biết “Đảng” là gì.
Khác với vụ biểu tình của tiểu thương Chợ Đầm – Nha
Trang và tiểu thương ở nhiều địa phương khác, vài ngàn học sinh còn tuổi quàng khăn
đỏ đã cùng cha mẹ họ bao vây trụ sở hành chính công quyền để phản đối dự án xây
dựng trung tâm thương mại Ninh Hiệp vì gây tác động tiêu cực trầm trọng đến kế
sách mưu sinh của người dân nơi đây.
Và càng khác với kết quả những vụ biểu tình tiểu
thương trước đây chẳng mấy có kết quả, đám đông phản kháng ở Ninh Hiệp đã khiến
chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải tạm ngừng triển khai dự án.
Sức mạnh của lời thề “Quyết tử giữ đất!” từ bài học
Dương Nội – Hà Nội.
Sức mạnh của những chiếc quan tài và bàn thờ lãnh tụ.
Sức mạnh của đám đông!
Một trong những thắng lợi hiếm hoi không có bắt bớ
và máu đổ.
Đổ
máu và “đả đảo”
Không thể có “đả đảo” nếu không có bắt bớ và đổ máu.
Hai năm 2013 và năm 2014 thậm chí còn vang dội tiếng
thét “Đả đảo quân giết người!” và “Đả đảo chính quyền!”
Nhưng khác với những cuộc biểu tình của giới bất đồng
chính kiến, làn sóng “đả đảo” đã lan rộng ra các thành phần khác – những nạn
nhân của chính quyền nhưng không hề mang tố chất chính trị.
Cuộc biểu tình Tháng Ba năm 2014 của người dân ở
Ninh Thuận chống việc khai thác titan gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt là một bằng
chứng hiện thực và sống động. Chỉ là những người chân quê lam lũ với nắng gió
rát mặt quanh năm, song có lẽ cảm xúc đột biến khó ngờ với dân chúng nơi đây đã
bục vỡ vào một ngày nắng nóng bức bối. Những người chứng kiến cuộc biểu tình và
đối đầu của đám đông phẫn nộ với khối cảnh sát cơ động đã mô tả rằng không khí
kích nổ rất cận kề. Khoảng cách giữa đám đông ấy và rừng khiên chắn công an có
lúc đã gần chạm vào nhau, đến mức tưởng chừng chỉ nhích thêm vài bước nữa là lập
tức xảy ra xung đột và sau đó có thể đổ máu. Không còn là khẩu hiệu, mà “Đả đảo!”
đã vọt ra cửa miệng của hàng ngàn người dân – một con số gấp đôi so với báo cáo
của cơ quan chức năng.
Người ta cũng chứng kiến cảnh sắc đầy phấn khích gần
tương tự ở Dương Nội – Hà Nội và Hà Tĩnh, Nghệ An, những nơi mà chính quyền địa
phương đã dại dột xâm hại đến chủ quyền đất đai của dân lành và biến những kẻ bị
đuổi cổ khỏi nơi chôn rau cắt rốn thành tội phạm chế độ. Thậm chí ở Nghệ An,
con số biểu tình đã lên đến 3,000 – 4,000 người. Chỉ xét về mặt lượng, con số
này đã gấp nhiều lần cuộc biểu tình phản đối doanh nghiệp nạo hút cát của ngư
dân huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi vào năm 2013.
Với những người dân cần có thời gian để tiêu hóa nỗi
sợ hãi luôn gặm nhấm trong tâm hồn và thể xác, họ đã có ít nhất 4-5 minh họa sống
động từ đầu năm 2013 đến nay: Khi đám đông biểu tình lên tới hàng ngàn người,
chính công an lại phải tìm cách tiêu hóa nỗi e sợ trong chính từng bộ sắc phục.
Con giun xéo lắm cũng quằn. Với người dân Hà Nội, một
cuộc xuống đường ven bờ hồ Thiền Quang tại thủ đô đã tập hợp đến hơn 400 người
chuyển từ bức xúc sang hành động. Một blogger nhiều kinh nghiệm về những cuộc
biểu tình chống Trung Quốc công bố: Có đến 3/4 trong số hơn 400 tuần hành viên ấy
là những người mới đi biểu tình lần đầu tiên.
Cây
là người, người cũng là cây!
Cái “lần đầu tiên” ấy mới ý nghĩa đến thế nào! Cũng
như sự khác biệt đặc thù giữa số người xem với số lượt truy cập trên các trang
báo điện tử vào thời đại kỹ thuật số, xã hội và lòng dân chờ đợi không chỉ những
gương mặt biểu tình chống Trung Quốc được tái hiện trên đường phố, mà rần rật
hơn cả là những người dân bình thường đã vượt qua chút ranh giới sợ hãi còn sót
lại để bước ra khỏi cửa nhà mình.
Công an dày đặc quanh đoàn người biểu tình. Nhưng
khi một bạn nữ biểu tình tặng đóa hoa cho chiến sĩ công an, cô nhận lại nụ cười
không hẳn là gượng gạo.
Chính quyền nghiêng ngả! Không phải nhân viên cảnh
sát nào cũng có thể mặc lòng với người dân, chính vào lúc người dân đó lại là
chính nghĩa và là nhân dân của những cảnh sát biết suy niệm về đạo lý.
Lịch
sử sang trang
Giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh đang ở trên bề mặt
thô nhám của nó. Quân số và cường độ la hét luôn mang ý nghĩa quyết định cho ưu
thế đối đầu.
Hiển nhiên số lượng người biểu tình đang trở thành
biến số đầu tiên khiến cho các chính quyền địa phương chuyển từ tâm lý e ngại
sang trạng huống sợ hãi. Những đám đông dù hình thành tự phát nhưng cùng một
tình cảm và hơn nữa cùng chung mục đích luôn khiến ngay cả lực lượng cảnh sát
cơ động và phòng chống bạo loạn biểu tình cũng phải thoái lui – hình ảnh mà người
dân đã được chứng kiến ở Ninh Thuận, Nghệ An, Dương Nội hay Gia Lâm. Và hẳn đó
cũng là một bước tiến nối vòng tay lớn hơn của người dân Việt Nam năm 2014, so
với cuộc “biểu tình quan tài” nhanh chóng bị tàn lụi ở Vĩnh Yên năm 2013.
Tất nhiên, không phải tất cả những người tham gia biểu
tình đều có mối dây quan hệ trực tiếp đến mất mát đất đai hoặc đều là nạn nhân
môi trường. Nhưng chính hình ảnh hòa nhịp gián tiếp của nhiều người dân, dù chỉ
mang tính tự phát hoặc hùa theo đám đông, đã một lần nữa minh chứng cho sự biến
đổi đang gia tốc của lịch sử: Lòng dân đã uất hận đến mức đang vượt nhanh qua
giới hạn sợ hãi tự thân, đặc biệt trong điều kiện đám đông được chia sẻ và được
nhân rộng về con số.
Chu kỳ lịch sử đang gấp gáp sang trang. Xã hội Việt
Nam đang chứng kiến mọi kìm nén của người dân từ những năm trước đã gần đạt đến
điểm kích nổ, ứng với lý thuyết phòng chống bạo loạn biểu tình của chính quyền
và ngành công an về “điểm nóng chính trị” chứ không còn đơn thuần là “điểm nóng
xã hội” nữa.
Tất cả đều tuân theo quy luật lượng đổi chất đổi, đặc
biệt tại những vùng xa – nơi các chính quyền địa phương có khuynh hướng dùng
“luật rừng” để cai trị và đàn áp dân chúng, trong khi người dân lại không quá dốt
nát để không thể nắm được những thông tin liên quan đến quyền được tự do biểu đạt
của họ.
Thực trạng quá khốn quẫn giờ đây đối với chính quyền
là trên khắp các vùng đất nước, mũi dùi của nhân dân đang chĩa thẳng vào công
an, đặc biệt là khối cảnh sát mang tần suất o ép và va chạm với dân chúng nhiều
nhất, cùng các quan chức hành chính có nhiều tì vết đen đúa và mang thói quen
biến dân chúng thành đày tớ cho tầng lớp quan lại.
Vạn vật đều nhân quả. Xã hội Việt Nam cũng đang tiến
đến điểm vận hành ngày càng thắm thiết giữa các nhóm lợi ích với các nhóm chính
khách từ thấp đến cao, để hình thành khái niệm mới mẻ “nhóm thân hữu.” Từ một dự
án thu hồi đất với quy mô nhỏ cấp xã cho đến các dự án “khu đô thị” mang tầm
vóc quốc gia, đâu đâu người ta cũng chứng kiến cảnh doanh nghiệp dùng tiền hối
lộ để tạo nên một thứ “dịch vụ hỗ trợ thi công,” mà bản chất của nó là việc lạm
dụng hoặc lợi dụng lực lượng cảnh sát tại chỗ để trấn áp những người dân “bất đồng
chính kiến.”
Trận
lũ báo oán
Năm 2015 đã chứng nhận hàng loạt phong trào xã hội
phản đối chính sách nhà nước như phong trào chống chặt hạ cây xanh ở Hà Nội,
phong trào chống lấn sông Đồng Nai, phong trào đình công của công nhân về chính
sách nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, phong trào giáo dân Đông Yên chống
cưỡng chế ở Nghệ An, phong trào học sinh chống xây trung tâm thương mại Ninh Hiệp.
Cũng hoàn toàn khác với tâm trạng hoặc thờ ơ hoặc bị
tuyên giáo bịt miệng, báo giới nhà nước ngày càng biểu lộ cảm xúc đậm đà hơn với
các phong trào dân sinh phản kháng chính quyền. Những làn sóng phản kháng về
lao động, cây xanh, môi trường… đã đặc biệt khiến những tờ báo nhà nước cứng nhắc
nhất cũng phải trở nên trung dung, còn nhiều tờ báo khác tự quẫy mình khỏi vòng
kim cô tư tưởng để ít nhất cũng vọt ra được một tiếng nói không bị chặn họng.
Không khí đòi dân chủ và xã hội dân sự mỏng manh
đang dần định dạng.
Xã hội Việt Nam đang xảy ra một hiện tượng tâm lý
chưa từng có: Trong quá nhiều thất vọng về đảng và nhà nước, người dân và trí
thức tự tìm đến với nhau để nương tựa vào một niềm tin còn sót lại, dù rằng niềm
tin ấy đã chết.
Tunisia năm 2010. Sau vụ tự thiêu do quá phẫn uất của
một người bán hoa quả, điều đáng ngạc nhiên là đám đông đã chỉ được hình thành
bởi sự lan truyền thông tin của các em bé. Trẻ con lại dẫn đến mối quan tâm của
người lớn. Vào cuối ngày đầu tiên, thay vì về nhà theo thói quen, nhiều người lớn
đã chuyển sang một thói quen mới: Tập hợp với nhau, giữa những người không quen
biết, để đòi tổng thống phải từ chức.
Khi đám đông đã lên đến hàng triệu người, toàn bộ lực
lượng cảnh sát trở nên bất động. Còn quân đội thường giữ thái độ trung lập.
Như một quy luật, xã hội Việt Nam càng nhiễu nhương
và hỗn loạn, giới quan chức đảng và chính quyền càng ra sức trục lợi và cưỡng bức
người dân, đám đông dân chúng càng có lý do để bạo dạn hơn và liều lĩnh hơn.
Tâm lý sợ hãi cũng vì thế được chuyển hóa từ thận trọng sang giễu cợt, cho đến
khi bùng vượt qua ranh giới kìm nén.
Không thể nói khác hơn là phản ứng của dân chúng đã
biến thành phản kháng, và chỉ cần đủ thời gian để phản kháng trở thành đối đầu
và xung đột với chính quyền. Không chỉ là phản kháng về đất đai như trước đây,
mà môi trường cũng đang trở nên một chủ điểm làm cho dân lành quằn quại cùng đứng
dậy. Không ai có thể quên được câu chuyện tang thương của hơn 50 mạng dân lành
đã bị “giết sống” bởi cơn xả lũ vô đạo của 15 nhà máy thủy điện tại các tỉnh miền
Trung vào cuối năm 2013.
Nhưng sau cơn thảm sát hãi hùng ấy, tai họa còn ghê
rợn hơn: Không một quan chức chính quyền nào, từ giám đốc nhà máy thủy điện, Tập
đoàn điện lực Việt Nam đến ủy viên trung ương đảng kiêm bộ trưởng công thương
Vũ Huy Hoàng, bị lôi ra trước vành móng ngựa.
Một ước tính cho thấy xã hội Việt Nam hiện có đến
hàng triệu dân oan đất đai và hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường đang chờ chực
cơn “nhân tai” từ những kẻ còn lâu mới bị lôi ra trước vành móng ngựa.
Nhiễm sắc thể bạo bệnh phản văn hóa đang ăn sâu vào
thời kỳ cuối cùng của cơn ung thư di căn. Có quá nhiều lý do để cho rằng tình
thế khốn quẫn về văn hóa cai trị sẽ càng lan rộng hơn, tỷ lệ thuận với vô số đối
phó bạo ngược của nhiều cấp chính quyền và công an ở nhiều địa phương, thậm chí
ngay tại Hà Nội.
Những đám đông dân oan và đám đông nhân loại cũng vì
thế cứ ngày càng đông hơn, dày hơn nữa, cao hơn nữa. Để khi mọi dòng sông đều dồn
về biển cả, đó sẽ là lúc một cuộc trả thù văn hóa khởi sự.
Nhưng thật khó có thể tránh thoát rằng trận lũ báo
oán ấy sẽ không nương nhẹ với bất kỳ ngữ nghĩa nào của từ “văn hóa” trong từ điển
bách khoa của đảng Cộng Sản Việt Nam.
No comments:
Post a Comment