Monday, January 11, 2016

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN CÓ PHẢI LÀ CĂN NGUYÊN CỦA SỰ NGHÈO ĐÓI ? (Ricardo Hausmann, Project–Syndicate)





Ricardo Hausmann, Project–Syndicate
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Jan 12, 2016

Cambridge – Chủ nghĩa tư bản đang bị lên án trong rất nhiều vấn nạn ngày nay: từ nạn nghèo đói, sự bất bình đẳng, đến nạn thất nghiệp, và thậm chí cả tình trạng ấm lên toàn cầu. Giáo hoàng Francis đã khẳng định trong một bài phát biểu gần đây ở Bolivia: “Hệ thống này đã ở vào tình trạng mà người ta không thể chịu đựng được nữa: những người làm công trong trang trại không thể chịu đựng được nữa, người lao động cũng không thể chịu đựng được nữa, nhiều cộng đồng cũng thể chịu đựng được nữa, dân chúng không thể chịu đựng được nữa. Đến cả Trái đất – người chị cả của chúng tôi, Mẹ Trái đất, như chính Thánh Francis sẽ nói – cũng thấy không thể chịu đựng được nữa”.

Nhưng có phải những vấn nạn đang khiến Giáo hoàng Francis trăn trở thực sự là hậu quả của thứ mà ông gọi là “chủ nghĩa tư bản mất kiểm soát”? Hoặc căn nguyên của chúng lại là chính những thất bại đáng ngạc nhiên của chủ nghĩa tư bản trong những lĩnh vực mà con người từng đặt niềm tin vào nó? Liệu một chương trình nghị sự phải truy vấn về vấn đề công bằng xã hội dựa trên khả năng kiểm soát chủ nghĩa tư bản hay dựa trện việc loại bỏ những rào cản ngăn chặn sự phát triển của nó?

Chúng ta hãy tạm gác lại lời giải đáp cho truy vấn này đối với những nền kinh tế của châu Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và châu Á. Để làm rõ vấn đề, chúng ta cần nhớ lại cách Karl Marx hình dung về tương lai.

Đối với Marx, vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản là tái cấu trúc quá trình sản xuất. Những trang trại gia đình, xưởng thủ công, và cả “quốc gia của những người bán hàng”, như cách Napoleon khinh bỉ gọi nước Anh, phải biến mất. Tất cả các hoạt động mang tính tiểu tư sản sẽ bị thay thế bằng những hình thái kinh doanh tương đương như các hãng Zara, Toyota, Airbus, hay Walmart của ngày hôm nay.

Kết quả là, những người làm công sẽ không còn khả năng sở hữu phương tiện sản xuất, như ở các trang trại gia đình hoặc xưởng của thợ thủ công, “tư bản” sẽ nắm quyền sở hữu tất cả những thứ ấy. Người lao động chỉ có thể sở hữu lao động của chính họ, thứ họ sẽ phải trao đổi bằng những đồng lương khốn khổ. Tuy nhiên, họ vẫn sẽ may mắn hơn “đội quân khốn cùng của những kẻ thất nghiệp” – một lực lượng người lao động nhàn rỗi đủ lớn để làm cho người khác phải sợ cảnh mất việc làm, nhưng đủ nhỏ để không lãng phí giá trị thặng dư có thể được tạo ra bằng cách buộc những người e sợ ấy phải làm việc.

Khi tất cả tầng lớp xã hội trước đó chuyển thành giai cấp công nhân, và tất cả phương tiện sản xuất thuộc quyền sở hữu của tập thể những kẻ tích lũy “tư bản” vốn không bao giờ suy kiệt, một cuộc cách mạng vô sản sẽ dẫn nhân loại đến một thế giới đại đồng: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, như chính miêu tả nổi tiếng của Marx về viễn cảnh ấy.

Rõ ràng, nhà thơ, cũng là nhà triết gia, Paul Valéry đã đúng: “Tương lai, giống như mọi thứ khác, sẽ không bao giờ như ngày trước được nữa”. Nhưng chúng ta không nên đem dự báo nổi tiếng của Marx ra làm trò cười. Bởi sau tất cả, như chính nhà vật lý Niels Bohr đã lưu ý, “Mọi dự đoán luôn tiềm ẩn bất trắc, đặc biệt là về tương lai.”

Bây giờ, chúng ta biết rằng khi mực đã khô trên bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, giá trị của đồng lương ở châu Âu và Hoa Kỳ đã tăng lên rất nhiều trong khoảng 160 năm, làm cho người lao động trở thành một phần của tầng lớp trung lưu, với xe ô tô, thế chấp, lương hưu, với những mối bận tâm ở mức tiểu tư sản. Lời hứa tạo ra công ăn việc làm luôn hiện diện trong hành ngôn của các chính trị gia ngày nay – cũng như lời hứa tạo ra cơ hội để kiếm lời từ tư bản – họ chẳng việc gì phải tìm cách chiếm hữu phương tiện sản xuất.

Chủ nghĩa tư bản có thể đạt được biến chuyển như vậy là vì khả năng tái cấu trúc sản xuất để tạo ra năng suất chưa từng có. Vấn đề phân công lao động trong và giữa các doanh nghiệp, viễn cảnh mà Adam Smith đã hình dung từ năm 1776 như là động lực của sự tăng trưởng, cho phép từng cá nhân chia sẽ bí quyết với nhau và như vậy khiến toàn thể luôn biết nhiều hơn so với bộ phận và tạo nên mạng lưới ngày càng phát triển trong việc trao đổi và hợp tác.

Một công ty ngày nay sở hữu chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, thiết kế, tiếp thị, bán hàng, tài chính, kế toán, quản lý nhân sự, đến hậu cần, thuế, hợp đồng, và hơn thế nữa. Quá trình sản xuất đương đại không chỉ là kết quả của nỗ lực tích lũy quyền chiếm hữu cơ sở hạ tầng và phương tiện sản xuất như trong Das Kapital[1] và vận hành một cách máy móc bởi nguồn nhân công tùy biến. Thay vào đó, diễn trình ấy là một mạng lưới điều phối được kiến tạo từ phức hợp của những nguồn nhân lực chuyên biệt trong một “Das Human-Kapital” – Chủ nghĩa Tư bản Nhân văn. Trong một thế giới cùng phát triển, chủ nghĩa tư bản đã chuyển đổi gần như tất cả mọi người thành người lao động vì tiền lương, nhưng chính nó cũng giải thoát họ khỏi đói nghèo và làm cho họ giàu hơn mọi khả năng mà Marx có thể hình dung.

Marx không chỉ sai ở chủ điểm này. Đáng ngạc nhiên hơn, việc tái cấu trúc quá trình sản xuất của chủ nghĩa tư bản ngày càng suy kiệt theo đà phát triển của thế giới, để lại phần lớn lực lượng lao động nằm ngoài tầm kiểm soát của chính nó. Những con số này đã đạt đến mức đáng kinh ngạc. Trong khi tỷ lệ tự kinh doanh ở Hoa Kỳ chỉ đạt mức một trên chín người, con số này ở Ấn Độ đã lên đến 19 trên 20. Ít hơn một phần năm người lao động ở Peru được tuyển dụng bởi loại hình doanh nghiệp tư nhân mà Marx từng hình dung sẽ biến mất. Tại Mexico, tỷ lệ này đạt đến mức khoảng một phần ba.

Thậm chí tại một số nước, những chỉ số về mức sống liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ lực lượng lao động làm việc trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ở bang Nuevo León của Mexico, hai phần ba công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, trong khi ở bang Chiapas thì tỉ lệ này chỉ ở mức một trên bảy. Kết quả tất yếu là thu nhập bình quân đầu người ở bang Nuevo León cao hơn ở bang Chiapas chín lần. Tại Colombia, thu nhập bình quân đầu người ở thủ đô Bogota cao hơn Maicao bốn lần. Chuyện này chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi thị phần của doanh nghiệp tư nhân ở Bogota cao hơn sáu lần.

Với đất nước Bolivia kiệt quệ vì nghèo đói, Giáo hoàng Francis chỉ trích rằng “tâm lý đạt được lợi nhuận bằng mọi giá, cũng như sự vô tâm trước bất bình đẳng xã ​​hội hay vấn nạn tàn phá thiên nhiên”, cùng với “một niềm tin ngây ngô và thô kệch vào lòng tốt của những kẻ nắm giữ quyền lực kinh tế và hoạt động được đề cao của các hệ thống kinh tế hiện hành” là căn nguyên của bất ổn.

Nhưng cách giải thích như vậy về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản hoàn toàn trật trọng tâm. Các công ty có lợi nhuận nhất trên thế giới đang làm ngơ Bolivia. Họ chỉ đơn giản là không có mặt ở đó ngay từ đầu, bởi vì họ không thấy lợi nhuận ở môi trường như vậy. Vấn nạn cơ bản của các nước đang phát triển là việc tái cấu trúc quá trình sản xuất và việc làm của chủ nghĩa tư bản vẫn chưa tìm đến các nước và vùng lãnh thổ nghèo nhất, cũng như bỏ mặc phần lớn lực lượng lao động nằm ngoài tầm ảnh hưởng của nó.

Như Rafael Di Tella[2] và Robert MacCulloch[3] đã chứng minh, thực ra đặc trưng của các nước nghèo nhất thế giới không phải là niềm tin ngây ngô vào chủ nghĩa tư bản, mà chính là một niềm bất tín hoàn toàn, dẫn đến sự can thiệp vô lý của chính phủ và quy định nặng nề của các doanh nghiệp. Trong điều kiện như vậy, chủ nghĩa tư bản không phát triển mạnh và nền kinh tế thì ngày càng tụt hậu.

Giáo hoàng Francis đã đúng khi dành sự chú ý cho hoàn cảnh của những người nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, nỗi đau khổ của họ hoàn toàn không phải là hậu quả của chủ nghĩa tư bản mất kiểm soát, mà là một chủ nghĩa tư bản đã bị định hướng sai.
__________

Ricardo Hausmann là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và là cựu trưởng kinh tế gia của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và là giáo sư của dự án Thực hành Phát triển Kinh tế tại Đại học Harvard, nơi ông cũng là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế. Ông là Chủ tịch của Hội đồng Global Agenda Meta-Council thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Tăng trưởng Hòa nhập.

***
[1] Tư bản luận của Karl Marx
[2] Học giả về kinh tế ở đại học Harvard
[3] Học giả về kinh tế ở đại học

Auckland© 2007 – 2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info






No comments: