Sunday, January 17, 2016

ĐẠI ÚY HOÀNG DUY THẠCH ĐÃ TỬ TRẬN NGÀY 19-1-1974 TẠI HOÀNG SA (FB Đinh Ngọc Thu)






Đại úy Huỳnh Duy Thạch là 1 trong 74 quân nhân VNCH đã tử trận trong ngày 19-1-1974.

Ông Huỳnh Duy Thạch sinh năm ngày 2-11-1943 ở Đà Lạt, tử trận khi mới hơn 30 tuổi. Năm 1971, ông Thạch được phong cấp bậc trung úy, ông là Cơ khí trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 từ ngày 16-4-1973 đến khi tử trận. Ông được phong cấp bậc đại úy vào ngày 19-1-1974.

Hạm trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 là Thiếu tá Ngụy Văn Thà, cũng đã tử trận cùng ngày với Đại úy Huỳnh Duy Thạch trong trận đánh này.

Đề đốc Trần Văn Chơn, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH, là người đã ký giấy báo tử gửi cho bà Lê Kim Chiêu, số 8 Lê Thánh Tôn, báo tin chồng bà là Đại úy Huỳnh Duy Thạch, đã tử trận ngày 19-1-1974, trong trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng.

Trích giấy báo tử: "Sự ra đi vĩnh viễn của cố Đại úy Thạch đã khiến Hải quân Việt Nam mất đi một chiến sĩ ưu tú, Tổ Quốc mất một người con yêu quý trong cuộc chiến hào hùng hiện nay của dân tộc và để lại cho người thân yêu niềm thương tiếc vô hạn".
____

Lê Châu An Thuận: Về Đại úy Huỳnh Duy Thạch

Anh-hùng Huỳnh Duy Thạch, sinh năm 1943, quê quán Ðà Lạt, nhà gần khu vực Domaine De Marie, cựu học sinh trường “École D’ Adran” Ðà Lạt. Rời Ðà Lạt để về Saigon, vì trúng tuyển vào trường Việt Nam Hàng Hải thuộc Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ. Anh ở nhà người chị ruột sinh sống ở Thủ Thiêm, Saigon. Tốt nghiệp khóa 13 Sĩ Quan Hàng Hải Thương Thuyền, ngành Cơ Khí, niên khóa 1963-1965. Ra trường anh làm việc trên các thương thuyền Việt Nam trong một thời gian, sau đó động viên vào Trường Võ Bị Thủ Ðức, khóa 25, sau khi học xong giai đoạn I ở Quân Trường Thủ Ðức, anh được chuyển sang Quân Chủng Hải Quân để học nốt giai đoạn II. Tốt nghiệp Thủ Ðức, anh được chuyển hẳn sang Hải Quân với cấp bực HQ Chuẩn Úy CK/HHTTvà lần lượt phục vụ trên các chiến hạm của Hạm Ðội VNCH, anh cũng có thời gian làm việc tại đơn vị bờ với chức vụ Sĩ Quan Công tác tại Hải Quân Công Xưởng. Chức vụ sau cùng của anh ở Hải Quân là HQ Trung Úy CK/HHTT, Cơ Khí Trưởng Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10.

Trước chuyến công tác định mệnh của HQ. 10, chiến hạm bị hư bơm cao áp của máy chính tả, chiến hữu Huỳnh Duy Thạch và ban cơ khí của chiến hạm cùng lo sửa chữa với các bác công nhân của Xưởng Ðộng Cơ của Hải Quân Công Xưởng do Bác Bửu, Trưởng toán Ðại Ðộng Cơ của HQCX trực tiếp phụ trách sửa chữa. Chiến hữu Huỳnh Duy Thạch ít nói, giọng trầm, người ngâm ngâm đen, ăn mặc quân phục lúc nào cũng tươm tất, đối xử tốt với bạn bè, kính trên nhường dưới, chiến hữu ưa thích hút thuốc Bastos, và hút quá nhiều, và còn thích uống café đen đậm, anh em khuyên bớt thuốc lá thì lúc nào cũng hứa nhưng chỉ hứa để làm vui lòng anh em mà thôi chớ không bớt chút nào.

Trước chuyến công tác cuối cùng, chiến hữu Huỳnh Duy Thạch đã nhận được lịnh thuyên chuyển để về phục vụ cho Hàng Hải Thương Thuyền. HQ. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng HQ.10 muốn cho anh được thuyên chuyển trước khi tàu rời Đà Nẳng đi Hoàng Sa, và bàn giao lại cho HQ. Trung Úy CK Phạm Văn Thi, anh có thể chọn trở lại cuộc sống dân sự thoải mái và sung túc, nếu rời chiến hạm HQ.10 ngay lúc đó, nhưng anh đã chọn “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” và ở lại với đồng đội trong lúc dầu sôi lửa bỏng.

Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10 đã cùng với các chiến hạm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ. 5, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ. 16, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ. 4 tham dự trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa đang bị quân Trung Cộng lấn chiếm. Như chúng ta đã biết Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10 đã chẳng may bị trúng đạn của chiếc Kronstad 271 của Hải Quân Trung Cộng và bị chìm. Chiến hữu Huỳnh Duy Thạch là một trong những chiến sĩ hy sinh vì đạn thù, máu của anh cùng máu của đồng đội đã đổ để cố bảo vệ từng tấc giang sơn của Tổ Quốc Việt Nam.

Sau 30 năm được coi như một chiến sĩ vô danh, nay anh đã được phục hồi và tôn vinh là Anh Hùng, Liệt Sĩ Hoàng Sa.

Sau đây là cái nhìn của một trí thức trong nước về trận hải chiến Hoàng Sa, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, đã viết:”Năm 1973 [đúng ra là năm 1974] thình lình Trung Quốc đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chống trả quyết liệt, gây cho địch quân những tổn thất về người cũng như chiến hạm nặng nề gấp mấy lần mình. Nhưng, vì lực luợng hải quân quá mỏng so với Trung Quốc, các chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa đành rút bỏ!”.
Dẫu thế nào đi nữa, tôi đề nghị phải xây một đài kỷ niệm để vinh danh những chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến đó.”

Chính Phủ, Quân Đội và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì xả thân để bảo vệ tổ quốc, trong khi tập đoàn lãnh đạo CSVN, bất chấp sự phản đối của đồng bào trong và ngoài nước, đã nhục nhã ký Hiệp định Biên Giới và Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ dâng đất đai và lãnh hải cho Trung Cộng.

Tài liệu của Lê Châu An Thuận
____

Về Đề đốc Trần Văn Chơn, ông sinh năm 1920 ở Vũng Tàu. Đầu tháng 11-1974 ông được giải ngũ vì cao tuổi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Trần Văn Chơn là vị tướng hải quân VNCH duy nhất bị bắt đi tù cải tạo 12 năm, đến năm 1987 thì ra tù. Năm 1991, ông cùng gia đình qua Mỹ theo diện HO, định cư ở San Jose, Bắc California.


Ảnh 1: Đại úy Huỳnh Duy Thạch. Nguồn ảnh: HQVNCH.

Ảnh 2: Thư báo tử của Đề đốc Trần Văn Chơn gửi bà Lê Kim Chiêu, vợ ông Thạch. Nguồn ảnh: internet





No comments: