La Thành
03/11/2010 | 6:52 chiều
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
________________
La Thành
1. Năm vấn đề tối hệ trọng của nước Việt hiện tại
Người Việt bị tước đoạt ý thức dân tộc: Người Việt đã và đang hoặc tự giác, hoặc bị cưỡng bức từ bỏ ý thức dân tộc. Biểu hiện của điều này khá đa dạng trong sự nhất quán: từ chuyện nước ngoài được tự do tuyên truyền nguỵ-chủ-quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa trên một website tên miền nhà nước của Việt Nam cho đến chuyện phó thủ tướng Việt Nam dùng cả hai tay để bê một bàn tay của tổng lý quốc vụ viện Trung Quốc, từ chuyện các cuộc biểu tình hoà bình tự phát của công dân Việt chống chủ nghĩa ăn cướp đại Hán bị thẳng tay đàn áp cho đến chuyện mọi tài nguyên Việt – khoáng sản, cơ bắp, chất xám và cả các bộ gien quý (trong đó có các bộ gien mang tên Ngô Bảo Châu và Trần Thị Hương Giang) – đều bị xuất siêu ra nước ngoài, vân vân.
Trên thực tế, tuyệt đại đa số người Việt hầu như đã không còn ý thức dân tộc. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt hiện chỉ còn được lợi dụng để đắp điếm cho tính chính danh của nền chính trị đương cuộc.
Không gian sinh tồn và không gian văn hoá của người Việt bị nhiễm bẩn và/hoặc bị tàn phá một cách quy mô và vô cảm: Mặc cho những rêu rao của giới hoạch định chính sách về một nhận thức phát triển bền vững (‘sustainable development’), các thành tố cốt tử của không gian tồn tại sinh học của quốc dân Việt như rừng, nguồn nước, đất đai đang bị khai thác một cách vô tội vạ, bị cướp bóc một cách không thương tiếc cho những toan tính ngắn hạn, chủ yếu là toan tính chính trị và vụ lợi phe nhóm, theo phương châm bần-cố-nông “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, bất chấp nhu cầu của các thế hệ sau.
Về văn hoá, những thành tố văn hoá mang tính bản sắc ít ỏi được người Việt gây dựng và gìn giữ sau hai nghìn năm sử đang bị xoá sạch một cách man rợ. Trên thực tế, nước Việt đang là một thuộc địa văn hoá của Trung Quốc đương đại.
Sự mục nát của đạo đức xã hội, sự tụt cấp thê thảm của các giá trị: Lấy năm 1975 làm một cột mốc lịch sử, cho đến nay trọn một thế hệ người Việt đã được sinh ra và trưởng thành trong một xã hội có nền tảng đạo đức liên tục bị băng hoại. Có lẽ chưa bao giờ những tội ác vô luân như con giết cha, mẹ hại chết con, vợ chém chồng, chồng phân thây vợ, thầy đoạt tình trò, trò bạo hành thầy, bạn lừa bạn, người tình phản người tình lại diễn ra ‘đều như vắt chanh’ như bây giờ. Có lẽ chưa bao giờ những nghi thức đối nhân xử thế của người Việt lại móp méo và sặc mùi kim tiền như bây giờ. Cũng có lẽ chưa bao giờ các danh vọng từng được đánh giá cao như hàm cấp học thuật (giáo sư, tiến sỹ…), phẩm tước quan trường (đặc biệt là quân hàm cấp tướng trong quân đội và công an), sự tưởng thưởng và suy tôn công trạng (các loại huân chương, danh hiệu anh hùng và các danh hiệu vinh dự khác) lại bị làm giả, làm điêu và/hoặc được tặng trao một cách đại quy mô và rẻ rúng như bây giờ.
Một thế hệ tiếp theo đã được sinh thành và đang được dưỡng dục bởi thế hệ này.
Giới tinh hoa Việt hèn đớn và bất lực: Sau hơn nửa thế kỷ bị đàn áp và chia rẽ, tuyệt đại đa số trong bộ phận có học nhất của người Việt đã bị thoái hoá về ý thức phản kháng, đã lựa chọn lối sống thích nghi với hệ thống chính trị, quy phục cường quyền. Hiện tại, đây là bộ phận kém đoàn kết và kém được tổ chức nhất trong quốc dân Việt: khi một cá nhân nào đó có vấn đề với chính quyền, dường như chỉ một mình anh/chị ta phải đương đầu với các hệ luỵ. Sự liên kết nội bộ và tinh thần phản kháng của giới trí thức Việt thực sự yếu ớt hơn nhiều so với các tầng lớp ít học và nghèo khổ hơn họ.
Ở trong nước, giới tinh hoa Việt đang hoặc nuốt nhục cầu vinh, hoặc đã hoàn toàn mất phương hướng trong khi chỉ sống và làm việc một cách đối phó trước những tình thế cụ thể.
Sự khủng hoảng thiếu nhân lực chính trị và lực lượng chính trị thay thế: Đất nước đang thiếu vắng những nhân vật chính trị và lực lượng chính trị có tầm vóc. Đây là hậu quả của sáu thập kỷ dân tộc Việt sống trong đêm trường của chủ nghĩa toàn trị – độc tài ý thức hệ.
Bản thân Đảng Cộng sản cũng đang là nạn nhân của chính nó: dù đang nắm độc quyền thống trị, đảng này đang lâm vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử của nó – khủng hoảng thiếu lãnh tụ –, một kết cục tất yếu của văn hoá đào tạo và đề bạt nhân lực phản-chọn-lọc. Trước thềm Đại hội Mười một, những cái gọi là ‘nhân lực nguồn’ của các vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của đảng này chỉ là những nhân cách nhợt nhạt, xơ cứng, trống rỗng và hoang tưởng. Đặc điểm chung nổi bật của các nhân vật này là ở họ, khả năng biết xấu hổ đã thoái hoá triệt để.
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 giờ
Tôi sẽ gửi một công hàm (‘note’) tới các đại diện ngoại giao của Liên hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và các cường quốc dân chủ tại Hà Nội, sau đó tổ chức họp báo chính thức để công bố nội dung của bức công hàm: tuyên bố Việt Nam trở thành một quốc gia uỷ trị Liên hiệp Quốc (‘a United Nations mandate’) trong vòng 3 năm, đề nghị Liên hiệp Quốc cử chính quyền lâm thời và gửi lực lượng gìn giữ hoà bình để điều hành và duy trì sự ổn định của đất nước trong khoảng thời gian đó, song song với việc thực thi một lộ trình phi cộng sản hoá – dân chủ hoá nền chính trị Việt (hiệp thương các lực lượng chính trị, tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến để soạn thảo và ban hành Hiến pháp mới phù hợp với các giá trị của thời đại, giám sát và hỗ trợ quá trình thể chế hoá một nhà nước dân chủ đa nguyên ở quốc gia Việt sau đó).
3. Hình dung của tôi về nước Việt tại các thời điểm 2010, 2020 và 2030
Năm 2010: Nền chính trị toàn trị của quốc gia Việt đang ở vào phân đoạn cuối cùng của giai đoạn hậu-toàn-trị, mà đặc trưng nổi bật là sự vô chính phủ kết hợp một cách độc đáo với sự độc tôn về ý thức hệ. Không một nhân vật chính trị nào đủ tầm để trở thành nhà độc tài tối cao; cái gọi là ‘tứ trụ’ của thể chế thực chất chỉ là các đầu lĩnh phe nhóm. Mối quan hệ giữa trung ương và các địa phương thực chất chỉ là sự ràng buộc về lợi ích giữa các sứ quân. Trong bức tranh đó, ý thức hệ Marx-Lenin – mặc dù đã bị thực tiễn xa lánh tuyệt đối – vẫn tiếp tục giữ vai trò tông màu chủ đạo, vừa biện hộ cho sự tồn tại của hệ thống, vừa chi phối sự vận hành của nó. Mâu thuẫn chết người này vẫn còn chưa phát huy tác hại đáng kể cho hệ thống là nhờ ở sự thịnh đạt của một văn hoá sống và văn hoá chính trị dối trá. (Tôi đề nghị gọi tên bức tranh quái dị này là nền độc tài của một ý thức hệ đã chết / ‘the dictatorship of a dead ideology’.) Với đặc trưng này, hệ thống hậu-toàn-trị ở Việt Nam hiện nay là một sự tương tự (song còn cứng rắn và mê muội hơn về chính trị) của các nền cộng hoà Islamic ở Nam Á và Trung Đông.
Đảng Cộng sản đang rầm rộ chuẩn bị cho kỳ đại hội áp chót của nó vào đầu năm sau. Cùng với ‘đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội’, việc tổ chức đại hội này là cơ hội cuối cùng để giới lãnh đạo Đảng phô trương sự hoang tưởng của nó. Lũ lụt tại miền Trung Việt Nam và sự cố vỡ hồ bùn đỏ Ajka (Hungary) là những cảnh báo gay gắt về cái giá phải trả cho những sách lược kinh tế ăn đong, mang đậm dấu ấn của sự thoả hiệp phe nhóm. Nước Việt đang chuyển dịch những thước đầu tiên trên con đường dân chủ hoá chính trị. Tuy còn mỏng mảnh, một xã hội dân sự Việt đã thực sự thành hình và bắt đầu lan toả sang địa hạt chính trị. Quyết định tặng thưởng Giải Nobel Hoà bình năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba là một sự khích lệ gợi buồn: luồng gió mát của Tự Do có lẽ nào sẽ thổi từ tiểu lục địa Trung Hoa vào nước Việt, trong khi nó hoàn toàn có cơ hội thổi theo hướng ngược lại?
Sau 65 năm hành khiển chính trường nước Việt, quốc gia có kích thước dân số đứng thứ 13 thế giới, ‘Đảng vĩ đại của các giai cấp lao động và của toàn thể quốc dân Việt’ đã có thành tựu huy hoàng là đưa thu nhập bình quân của người dân Việt lên mức bằng một phần mười thu nhập bình quân đầu người của toàn thế giới, đoạt hạng từ thứ 113 đến 135 (trên tổng số 194 quốc gia hoặc lãnh thổ có chủ quyền) trong tất cả các bảng phân hạng, đứng dưới một loạt quốc gia / lãnh thổ vẫn bị coi là nghèo đói ở châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latin. Theo trang tin liên mạng VNExpress, 100 người giàu nhất đất nước hiện sở hữu khoảng 4 tỷ đô-la Mỹ, bằng một phần hai mươi ba (1/23) tổng sản lượng quốc nội (92 tỷ) năm 2009 của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa 88 triệu dân: một dẫn chứng thuyết phục về sứ mạng ‘đại biểu trung thành lợi ích của các giai cấp lao động’ của Đảng.
Năm 2020: Đảng Cộng sản Việt Nam đi hết tuổi thứ 90, sau 75 năm chấp chính. Nó đã sống và tác oai tác quái lâu hơn người anh lớn đã quy tiên của nó là Đảng Cộng sản Liên Xô.
Xã hội dân sự Việt đã lớn mạnh, đủ sức xé toang bức màn dối trá che đậy những dàn cảnh chính trị. Chế độ hậu-toàn-trị đếm những giây cuối cùng của cuộc sống của nó. Vì văn hoá hậu-toàn-trị Việt không có khả năng đào tạo nên những nhà lãnh đạo kiểu Gorbachëv, nên cuộc cách mạng dân chủ hoá chính trị ở nước Việt năm 2020 sẽ diễn ra theo kịch bản Ba Lan 1989: những đợt tổng đình công có quy mô toàn quốc – được lãnh đạo bởi một hoặc một số nghiệp đoàn độc lập – làm tê liệt sinh hoạt kinh tế của đất nước, đại diện chính quyền cộng sản ngồi vào bàn tròn cùng với giới lãnh đạo các nghiệp đoàn để thương thảo một lộ trình đa nguyên hoá nền chính trị Việt.
Bốn triệu đảng viên cộng sản công khai đốt hoặc lặng lẽ vứt thẻ đảng: Đảng Cộng sản tự tan rã kịp trước khi tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc kỳ Mười ba trong kế hoạch của nó. Chính quyền dân cử đầu tiên của quốc gia Việt kêu gọi không trả thù những người cộng sản, song nghiêm cấm việc quảng bá chủ nghĩa Marx-Lenin cùng với mọi sản phẩm văn hoá khả dĩ phương hại đến việc khôi phục các thuần phong mỹ tục của người Việt.
Năm 2030: Quốc hiệu Đại Việt trong lịch sử đã được khôi phục. Nhớ rằng ‘Việt Nam’ (= ‘[vùng đất] phía Nam khu vực Bách Việt [của Trung Quốc, tức phần lãnh thổ Trung Quốc ở phía Nam sông Dương Tử]) là quốc hiệu mà nhà Mãn Thanh “tuyên phong” cho nước ta, khi vua Gia Long nhà Nguyễn đề xuất quốc hiệu ‘Nam Việt’ (= ‘nước Việt ở phương Nam’, cũng từng là tên nước của nhà Triệu, bao gồm cả đất Lưỡng Quảng của Trung Quốc ngày nay); cả hai quốc hiệu, một do nhà Nguyễn đề xuất và một được nhà Thanh chuẩn nhận, đều hàm ý lấy Trung Quốc làm tâm định hướng.
Chính trường nước Việt được chi phối chủ yếu bởi một liên minh dân chủ – xã hội. Các chính khách Việt nghe và nói thạo tiếng Anh trong những gặp gỡ quốc tế. Hôn lễ của các lứa đôi Việt được tổ chức theo kiểu tiệc đứng, với số lượng khách mời ít hơn nhiều so với hiện nay. Người dân Việt bớt vô cảm hơn đối với nạn móc túi và cướp giật nơi công cộng. Các nhà khoa học giỏi và các hoa hậu Việt bắt đầu chọn chỗ làm việc và quê chồng trong nước…
oOo
Lời tri ân
5 năm trước, talawas là mảnh vườn tinh thần mà tôi đã ngẫu nhiên bước vào, khi tôi đang theo học ở Liên bang Nga. Nó đã trở thành cơ hội để tôi tự tìm thấy chính mình. Tôi tin nó đã chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong lịch sử nền báo chí Việt.
© 2010 La Thành
© 2010 talawas
-------------------------------
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (29) – Hoàng Ngọc Tuấn – Nguyễn Thị Thanh Bình – Phạm Xuân Nguyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (26) – Nguyễn Việt – Trần Quốc Việt – Hai Trầu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (23) – Trịnh Lữ - Trịnh Khả Nguyên – Francois Guillemot – Lê Văn Hưng
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (21) – Trần Hoàng Lan – Dũng Vũ – Đoàn Tiểu Long
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (20) – Hoàng Linh Vương – Nguyễn Đăng Thường – Trần Mộng Tú
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) - Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
.
.
.
No comments:
Post a Comment