Tuesday, November 2, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (29)

Hoàng Ngọc-Tuấn
03/11/2010 | 6:24 sáng

Ba câu phỏng vấn cuối cùng của talawas đã được nhiều bạn văn trả lời rất xác đáng, rất sâu sắc. Đúc kết tất cả, chúng ta có một kho ý tưởng phong phú về những vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Tôi tự thấy mình không thể nói thêm một điều gì hay ho hơn nữa. Do đó, thay vì cố gắng trả lời ba câu hỏi ấy, tôi chỉ xin viết ra những tâm tình đơn sơ dưới đây để thay một lời giã từ talawas.

*

Tôi đọc talawas không chỉ như một thói quen, mà như một nhu cầu thường xuyên, gần giống với sự ghiền thuốc lá (tôi không thể bỏ thuốc lá, dù đã từng cố gắng!). Hầu như ngày nào tôi cũng đọc talawas, thậm chí có ngày tôi đọc nhiều lần nếu trên talawas đang diễn ra những đề tài quan trọng. Không chỉ đọc các bài viết, tôi đọc cả những ý kiến của độc giả, và đôi khi tôi cũng tham gia góp ý. Công việc hàng ngày của tôi rất bận rộn, nên ít khi tôi có thì giờ để đọc một hơi hết cả các bài mới, mà talawas lại cập nhật bài mới mỗi ngày vài lần, vì thế tôi thường phải trở lại hơn một lần để tiếp tục đọc. Trong những chuyến du lịch hay làm việc ở những nơi không thuận tiện truy cập internet, mỗi khi có cơ hội, tôi vào copy các bài mới trên talawas, giữ trong một cái USB để đọc dần trong những lúc có thì giờ.

Bạn bè và các em tôi ở Sydney dường như ai cũng đọc talawas hàng ngày, và talawas chiếm một phần nhất định trong ý nghĩ của họ. Mỗi năm, chúng tôi có rất nhiều dịp để quây quần gặp gỡ với nhau, và hầu hết những gì chúng tôi đem ra bàn bạc bao giờ cũng xoay quanh các đề tài về văn học, nghệ thuật và chính trị, đặc biệt là chính trị; và hiển nhiên các bài viết và ý kiến trên talawas đã cung ứng phần lớn chất liệu cho những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Đó là chưa kể rằng trong những cuộc trao đổi qua điện thoại, những buổi cà phê giữa đôi ba người,… talawas cũng thường xuyên được nhắc đến. Chín năm hiện diện của talawas nhất định đã mang đến cho khả năng suy luận và nhận định chính trị xã hội của chúng tôi thêm những chiều sâu và những bề rộng đáng kể. talawas là nơi chúng tôi hàng ngày tiếp cận để thu nhận thông tin và có cơ hội cọ xát với những vấn đề nhức nhối của cuộc sống Việt Nam. Bởi thế, sự hoá thạch của talawas sau ngày 3/11/2010 chắc chắn sẽ làm chúng tôi cảm thấy hụt hẫng.

Nhớ lại hồi đầu năm 2010, lúc talawas và một loạt trang web khác bị tin tặc đánh sập, bạn bè chúng tôi ở Úc đã gọi điện thoại cho nhau và đến gặp nhau để trò chuyện trong một tâm trạng căm giận đối với những thế lực đang ra sức ngăn chặn tiếng nói tự do dân chủ. Trong thời gian talawas ngưng sinh hoạt, mỗi ngày tôi vẫn gõ talawas.org vào browser dăm ba lần, với hy vọng thấy talawas sống lại. Thế rồi, một hôm, sau nhiều ngày chờ đợi trong sự thất vọng, tôi đã liên lạc với nhà văn Phạm Thị Hoài để hỏi thăm khả năng hồi sinh của talawas. Được biết tình trạng của talawas lúc ấy rất khó khăn, tôi đề nghị với Hoài để cho em trai của tôi (tức là Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia về internet) giúp khôi phục lại talawas và thiết lập một hệ thống kỹ thuật tốt hơn để bảo quản an ninh. Sau đó, Hoài và Diêu đã liên lạc với nhau, và Diêu đã nhiệt tình góp tay vào công việc. Thế rồi, talawas sống lại. Chúng tôi rất đỗi vui mừng. Kể từ đó, Diêu tình nguyện theo dõi và bảo quản an ninh cho talawas, liên tục đối phó với những đợt tấn công đủ cỡ, đủ kiểu của tin tặc…

Một hôm, cuối tháng 9/2010, Diêu nói với tôi: “Chị Hoài cho em biết rằng từ đầu tháng 11 sắp tới talawas sẽ ngưng sinh hoạt…” Tôi nói với Diêu: “Hãy hy vọng là talawas tạm ngưng một thời gian để cải tiến, cũng như hồi đầu tháng 11/2008 talawas đã dừng lại khoảng vài tháng, trước khi biến thành talawas blog sinh động hơn… Nhưng cũng có thể lần này talawas sẽ thật sự giã từ, vì có lẽ Hoài muốn trở lại với công việc sáng tác. Kể từ lúc talawas chào đời cho đến nay, Hoài đã quá bận rộn điều khiển diễn đàn, không còn thời gian để viết tiểu thuyết. Hoài mà ngưng viết tiểu thuyết thì quá uổng cho tài năng của Hoài, nhưng talawas mà ngưng sinh hoạt thì chúng ta lại mất đi một diễn đàn quan trọng của những đối thoại tự do và dân chủ về mọi phương diện của đất nước Việt Nam. Thật ra, vài năm trở lại đây, Hoài đôi lúc đã có ý muốn ngưng talawas đúng vào sinh nhật 3/11 để có một kết thúc tròn trịa, nhưng rồi Hoài vẫn cho talawas tiếp tục triển hạn thêm một năm nữa, rồi một năm nữa… vì các vấn đề của đất nước cứ dồn dập xảy ra không ngớt… Lần này chúng ta hãy hy vọng rằng Hoài sẽ có một giải pháp nào đó để vừa có thể trở lại với văn chương, nhưng vừa có thể tiếp tục duy trì talawas…”

Thế rồi, vào sáng sớm ngày 21/10/1020, tôi nhận được từ nhà văn Phạm Thị Hoài một email kèm 3 câu phỏng vấn cuối cùng của talawas. Trong email có câu: “Quyết định đã được bỏ phiếu từ mấy tháng trước rồi…” Tôi thẫn thờ một lát, muốn gửi Hoài một email để nói “khoan đã…”, nhưng tôi biết rằng mọi sự đã được quyết định.
Để tự trấn an, tôi pha một tách café, và giở sách ra, tìm lại một đoạn văn của Mario Vargas Llosa trong tiểu luận “Literatura y exilio”:[1]
“Để phục vụ cho đất nước, nhà văn không có cách nào tốt hơn là viết văn với sự nghiêm túc và lòng thành thật tối đa. Nhà văn chứng tỏ sự nghiêm túc và lòng thành thật của mình bằng cách đặt thiên chức của mình vào vị trí ưu tiên và bằng cách tổ chức cuộc sống của mình sao cho phù hợp với công việc sáng tạo. Văn chương là sự trung thành đầu tiên, trách nhiệm đầu tiên, nghĩa vụ đầu tiên của nhà văn.”
Trong tiểu luận ấy, Mario Vargas Llosa còn đưa ra một so sánh rất sâu sắc. Theo ông, đôi khi một nhà văn cũng có thể phục vụ đất nước bằng cách gác việc sáng tác sang một bên để làm “một nhà báo giỏi, một nhà giáo tốt hay một nhà vận động văn hoá hữu hiệu”, nhưng chính sự chọn lựa này lại tước đoạt mất một nhà văn của đất nước. Mario Vargas Llosa cho rằng một người có tài năng văn chương thì tốt nhất nên làm một nhà văn, vì:
“Đây không phải vấn đề nhận biết cái gì quan trọng hơn, hữu ích hơn; một thiên chức (đặc biệt là thiên chức của nhà văn) thì không thể được quyết định một cách chính xác trên những tiêu chuẩn mang tính thương mại, lịch sử, xã hội hay đạo đức.”
Tôi cảm thấy vui trở lại sau khi ngẫm nghĩ về những lời của Mario Vargas Llosa.

*

Tôi tin rằng nhà văn Phạm Thị Hoài quyết định ngưng sinh hoạt talawas để tiếp tục viết tiểu thuyết. Tất nhiên tôi buồn vì không còn được đọc talawas mỗi ngày, nhưng tôi cảm thấy vui vì nhà văn tài hoa của chúng ta lại trở về với công việc sáng tạo văn chương. Chín năm điều khiển diễn đàn talawas đã là một hy sinh lớn của nhà văn. Bây giờ Hoài có quyền trở lại với nghệ thuật của mình. Tôi tin chắc rằng sớm muộn gì rồi cũng sẽ có một (hay những) diễn đàn khác ra đời để tiếp nối những gì talawas đã làm, vì chín năm tồn tại của talawas đã để lại một con đường rõ nét cho những người có nhiệt tâm, có khả năng, theo đó mà tiếp tục thực hiện và khai triển mỗi lúc một hữu hiệu hơn.

Hôm nay là ngày cuối cùng của talawas. Tôi không biết nói gì hơn là trân trọng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự cống hiến to lớn của nhà văn Phạm Thị Hoài và tất cả các anh chị em trong ban biên tập talawas trong những năm qua. Xin chân thành cầu chúc các bạn một tương lai đầy thành công trong sự nghiệp của mình
Sydney, 01 giờ, 3/11/2010
© 2010 Hoàng Ngọc-Tuấn
© 2010 talawas

[1] Mario Vargas Llosa, “Literatura y exilio”, Contra viento y marea, I (1962-1972), Barcelona: Seix Barral, 1986, 111-138.
.
.
.
Nguyễn Thị Thanh Bình
03/11/2010 | 4:25 sáng

Thôi cũng đành như lần hạnh ngộ. Thôi cũng đành như phút chia tay.
Chúng ta hãy thay nhau tặng talawas một vòng hoa diễm ảo, như gặp nhau trong thế giới ảo:
Thôi lên núi hát tình sầu
Ai vừa xuống núi đoạn cầu cứ qua
Là thấy nhau cả khi xa
n trong giấy lạnh kêu ca 9 tầng
W (double u) đố “u” thử xoay vần
Áo vai lịch sử một lần cho xong
Sóng văn chương vẫn cuồng phong
thành quách chữ nghĩa dội lòng mai sau

talawas và những lưu dấu. Chính trị, xã hội, văn hóa, văn học nghệ thuật… đến từ mọi ngõ ngách cùng khắp thế giới. Tìm về và mở ra những nẻo đường ý thức Việt Nam dẫn đến tự do, dân chủ. Mãnh liệt, tuyệt vời như chưa bao giờ và hơn cả mãnh liệt tuyệt vời như chẳng thể hẹn tới bao giờ.
Kỳ thực tất cả những điều chúng ta đang và sắp nghĩ ra đây chỉ là những giả định. Giả định như giả định… thơ trong những gieo vận (nước) bất ngờ.
Những câu hỏi của talawas trước lúc chia tay sao vẫn sắc lẹm như những con dao cau Huế. Chưa trả lời mà đã bị rạch đầy thương tích.
Thôi cũng đành mắc tội yêu người, đất nước ơi. Than ôi!

Tỷ như. Giá gì. Khi những khuôn mặt lẫy lừng không xấc lối và vì dân (như Tổng thống Sebastián Piñera của một nước Chile may mắn vừa rồi chẳng hạn). Rằng thì là mà… “vấn đề đất nước là chuyện nội bộ”. Biết đâu chúng ta sẽ được giải đáp của những vị tình nguyện làm đầy tớ nhân dân: Tổng Bí thư sáng giá tương lai Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, hoặc ông Nguyễn trước khi “theo gương Thánh Gióng về trời vui thú điền viên” mà không bận “canh giữ hòa bình thế giới”, chịu lại gần dân, để nghe dân hỏi về cuộc phỏng vấn ngoạn mục này.
Chí ít tôi thấy mấy ông lớn còn bạo làm bạo nói (vì rất ư là có khoa ăn nói, khỏi tốn công bồi dưỡng khóa hùng biện, diễn văn và làm lãnh đạo Việt Nam thì oách hơn người, có quyền làm sai tàn bạo).
Lời nói phải đi đôi với hành động. Không thì trẻ con cũng biết là đem bánh vẽ ra lòe. Mất chữ tín, niềm tin.
Còn chúng ta ư?
Trả lời mà tiếng nói bị té nhào ngay xuống vực hoặc hoạch định mơ mộng cũng chẳng làm được gì.
Im lặng là vàng của một số anh chị em tưởng sẽ có mặt coi vậy mà hợp lý (dù có thể không hợp tình). Đỡ phiền hà hệ lụy và bi lụy.
Chúng ta đúng chỉ là những kẻ lãng mạn như huyền sử. Ẩn số và ẩn số.
Thôi thì cũng chỉ là một góc nhìn, về hiện tình đất nước quê nhà.

1.
Thử tưởng tượng một ngôi nhà. Phía mặt tiền được sơn phết giả hình (giả nghĩa) mà phên vách, vật dụng, đồ đạc ở bên trong đã mục ruỗng. Mục ruỗng đến hồi báo động… Đỏ thì vấn nạn hẳn sẽ nhiêu khê hơn con số 5 nhiều.
a)  Một nền giáo dục khủng hoảng nhồi sọ ngu dân, bế tắc trầm trọng, làm triệt tiêu mọi ý chí vươn lên, mở rộng một tầm nhìn độc lập. Nhà nước cũng không thực sự quan tâm đến ngân quỹ giáo dục để đáp ứng nhu cầu nâng cấp cải tiến.
b)  Tuổi trẻ băng hoại, không định hướng: Thái độ ù lì, lơ là hư hỏng của tuổi trẻ phải nói là kết quả của những tệ đoan suy đồi đạo đức văn hóa, cũng như những nhồi nhét áp đặt kinh điển, phe nhóm đảng bộ của thành phần con ông cháu cha đã làm chệnh đi những mục tiêu của một người tuổi trẻ cần định hướng, làm họ quên đi trách nhiệm với những hệ lụy đất nước, cũng như ý thức vai trò của một người công dân trong xã hội mình đang sống.
Có bài thơ của người thầy Huỳnh Tấn không dưng tôi bỗng muốn viết lại để tặng tuổi trẻ Việt Nam: “Gằm đầu xuống mà học. Cúi đầu xuống mà đi. Đất nước như món hàng. Đồng bào như con lợn. Trước mắt ta tủi nhục. Sau lưng ta nỗi buồn. Còn gì vui sướng nữa.” (trích Vươn lên trong tủi nhục).
c)  Tủi nhục và lo âu trong những hiểm họa xâm lăng. Chắc chắn cuối cùng CSVN. cũng sẽ không thoát được âm mưu thâm độc muốn bành trướng của Trung Cộng. Dĩ nhiên CSVN sẽ phải tiếp tục gia tăng quan hệ với Mỹ và các nước láng giềng để tìm hậu thuẫn.
Không biết CSVN có thừa đủ mánh khóe chính trị để vừa hưởng lợi của Mỹ, vừa được đàn anh không hà hiếp, để yên cho mình duy trì quyền lãnh đạo độc tôn.
Vấn đề trước mắt vẫn là những nỗ lực võ trang tân tiến qui mô, trong chiến lược quốc phòng trừ bị. Muốn sống yên ổn hòa bình, con người phải biết sẵn sàng đối diện với chiến tranh. Cái họa chung của đất nước biết đâu là ý nguyện trời đất, muốn mang dân tộc lại gần nhau. Điều kỳ vọng vẫn là thế hệ trẻ thanh niên vốn rường cột nước nhà.
d)  Xài luật rừng, công an trị và hiến pháp không phân minh, nghiêm chỉnh. Chưa bao giờ, lúc nào trong lịch sử, mà sự hống hách dương oai của “những tay cớm vàng” xảy ra như cơm bữa, làm ngược ngạo những cánh cửa công quyền. Sự vô liêm sỉ, sự nhẫn tâm tra tấn, những hối lộ tham nhũng được bao che từ trên xuống. Luật pháp bị coi thường, những luật lệ hành động xử phạt không tuân thủ, tùy tiện. Yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp, vẫn không đủ cho những tiếp tục vi hiến. Vai trò và thế lực lãnh đạo đã đến hồi lũng đoạn, mâu thuẫn rõ ràng từ giấy tờ nguyên tắc và thực tế thi hành. Kinh tế thị trường làm mất uy tín tư nhân ngoại quốc đầu tư là một ví dụ.
e)    Sự củng cố quyền lực, tham nhũng thối nát, tham quyền cố vị của một thể chế độc tài. Nghĩ cho cùng, tựu trung, cốt lõi, gây ra những sự mục nát của ngôi nhà. Tham vọng chiếm hữu độc quyền “cái nhà là nhà của ta thôi”, của một chủ thuyết chính trị độc đảng, dẫn đến tình trạng đàn áp không khoan nhượng những đối kháng, đối lập dân chủ, vi phạm nhân quyền, tự do ngôn luận truyền thông báo chí… Làm phân hóa niềm tin nhân dân của một sự cai trị độc ác và độc đoán.

2.
24 tiếng làm “lãnh tụ trong mơ” coi như cũng tàm tạm đi. Chắc tôi lùng bắt ngay một đại trượng phu hiền lành đức độ như Chu Văn An thì chắc đang ở ẩn trên núi, mà chưa chắc đã ổn vì cũng cần biết dấn thân mạnh mẽ. Còn thứ đại trượng phu gian ác, loạn luân như Trần Thủ Độ thì lại chết sống cho sơn hà, dẹp tan quân Mông Cổ nhưng như thế thì cũng không thể ổn được. Vậy thì đúng là cái ông đại trượng phu mà ngay cả khi đang mơ như thế này, tôi vẫn đâu có lùng bắt được.
Kỳ thực tôi đâu muốn làm “lãnh tụ… bất đắc dĩ, chi bằng tôi mượn vương miện của talawas phong đại cho một “trẫm” nào đó, để mình được lên chức “ái khanh” , vừa đỡ phải suy tư chuyện nước đang đến mùa đỏ lửa (đùa!).
À, nếu là giấc mơ thì thường là phải ngủ mới mơ, phải uống thuốc ngủ đủ phê mới mơ được. 24 tiếng thì phải mơ cả ngày lẫn đêm. Mơ tới bến.
Một con mắt nhắm, một con mắt mở nhìn cuộc đời thì chắc là “mơ huyền”. Kỳ thực vẫn có những “giấc mơ ban ngày” cũng chỉ cốt để huênh hoang những ảo vọng.
Làm nghị sĩ thì chỉ thích ngủ gật khi họp, nghị… gật, nhưng 24 tiếng làm “lãnh tụ trời ơi” (nghe sao giống lãnh tụ đầu hàng họ Dương quá) thì ngủ cả 24 tiếng cũng phải thôi.
À, mà nếu được “cầm quyền tuyệt đối” như thế cũng có nghĩa là… “cái nhà là nhà của ta” đã bị san bằng đống gạch vụn?
Nếu thế thì phải kiếm khẩn cấp một hiền tài, để xây lại một ngôi nhà có thật nhiều ô cửa thoáng mát tự do, mở rộng trời xanh, mây lành… dân chủ.
Nói thật, làm lãnh tụ mà chỉ làm lãnh tụ tồi, không ham. Nên chi phải “lùng kiếm, huy động” khắp nơi là vậy. Bởi nếu không, thì đúng là bắt toàn dân “trao thân nhằm một lũ tướng cướp”.
Nhà văn của giải Nobel văn học năm nay, Mario Vargas Llosa cũng có lúc vì quá lãng mạn, ảo tưởng về một điều gì đó có thể thay đổi, cho cuộc diện đẹp hơn, đẹp như thơ nên “suýt” chút nữa làm nhà văn lãnh tụ. Vậy sau 24 giờ “thà một phút huy hoàng”, các bạn có còn muốn làm lãnh tụ chiêm bao nữa không. Kể cũng không dễ gì gặp lại giấc mơ ấy, trong giấc mơ của mình đâu.
Í quên, công việc đầu tiên của tôi trong 24 tiếng nhé. Tôi sẽ tìm ra cho được từ những phỏng vấn của talawas một biểu quyết chung cuộc, để từ đó mà chấp nghi theo thứ tự kiến nghị nhỏ lớn. Mấy ông nhớn đời nay chỉ thích ngồi sa-lông uống rượu vang đỏ hoặc cường dương bổ thận Tàu mà không hề chấp nghi.
Cái giai đoạn chuyển đổi kế tiếp (nghe như cướp chính quyền, đảo chánh) tôi sẽ nhờ một thi sĩ Việt Nam thích đi bên lề trái, có hơi ngầu và có cá tính như nhà thơ Nguyễn Đăng Thường chẳng hạn, sáng tác một bài thơ lấy liền trình diễn trên những hệ thống truyền thông hiện đại (để nguyên con, không cắt xén) theo cùng với bài diễn văn khá lâm ly của tôi cũng sẽ được soạn nhờ tay viết của một trí thức xuống đường như Nguyễn Hưng Quốc (sẽ được cấp visa Liên Hiệp Quốc về thăm nước, khỏi phải sợ bị đuổi đi).
Mải lo chuyện diễn văn thơ phú hứa hẹn xong, thì cũng phải lập hội nội các lâm thời để chính danh tuyên bố mình không phải là tướng cướp, và bàn giao công việc cấp bách. Phàm người ta bám cái ghế lãnh tụ dai như giẻ rách, năm này tháng nọ không muốn nhả mà tôi chỉ có 24 tiếng thì cũng hơi găng và dễ cương sảng.
Công việc tiếp theo nghe hơi cải lương là dẹp và xây biểu tượng.
Đây là khoảnh khắc thay đổi lịch sử nên tôi phải nhanh chân thôi.
Đập hết những nhà tù không bản án để xây lại hoặc trùng tu trường lớp, nhất là xây cái cầu khỉ và cái cầu ở Kontum cho mấy em khỏi phải đu dây Tarzan qua sông đi học. Chúng ta sẽ cho mọc thêm những ngôi chùa, giáo đường, sau khi những nhà tù không tên gọi được đóng lại vĩnh viễn.
Chúng ta sẽ cho mồ yên mả đẹp, như ý nguyện một người đã chết, của một biểu tượng ở Ba Đình.
Thay vào đâu đó, có khi chỉ là những tượng đài nghệ thuật nhưng đơn giản, cốt ghi lại những cái tên của những anh hùng tử trận, hoặc là tượng nữ thần tự do có nét mặt bất khuất của hai nữ anh hùng dân tộc…
Thực thi ngay một tờ báo tư nhân đầu tiên và mời Phạm Thị Hoài về điều hành, như một ước mơ thầm kín được làm sống lại talawas với bất cứ giá nào.
Dĩ nhiên sẽ ra lệnh đóng cửa hơn 600 tờ báo của Đảng đang nắm trong tay.
24 tiếng như “24 giờ phép” ngắn ngủi của những người lính khi xưa mỗi lần được trở về từ trận địa, gợi lên trong tôi có lẽ chúng ta nên dành thì giờ để làm một cuộc hóa giải như kiểu lập đàn giải oan của nhà Phật: Tất cả những người dân sẽ được huy động (dĩ nhiên là qua những phương tiện truyền thông) mặc toàn đồng phục trắng và sẽ thả nhũng cánh chim bồ câu trắng hòa bình bay tung tăng trong bầu trời nắng ấm.
Dĩ nhiên chúng ta cũng sẽ làm một đêm không ngủ để thắp nến nguyện cầu cho hồn thiêng sông núi, để gióng lên những bài ca Bạch Đằng Giang hào hùng.
Một khẩn cấp khác ngoài những chạnh lòng rất đàn bà của một nữ lãnh chúa… có trái tim, tôi cũng sẽ phải chứng tỏ khả năng biết dùng người tài giỏi và không lãng phí, trù dập.
Tôi sẽ triệu tập đặc biệt giới trí thức luật sư ở trong cũng như ngoài nước. Họ có thể sẽ cố gắng tối đa thời gian, để tu chỉnh và cố định lại Hiến pháp Việt Nam theo đường lối Hoa Kỳ và công ước quốc tế. Các khuôn mặt lẫy lừng của những nhà văn hóa, giáo dục, các kinh tế gia cũng sẽ được tụ tập đông đảo để mỗi người phải là mỗi viên gạch đóng góp cho công cuộc xây dựng lại ngôi nhà đổ vỡ.
Vì chúng ta luôn mở ra con đường hòa bình hòa giải dân tộc, nên trong giai đoạn sang trang lịch sử ngắn ngủi, chúng ta sẽ có thể mời một số khuôn mặt đảng viên phản tỉnh hoặc có lòng với đất nước, để ngồi lại với nhau hội thảo, tìm một giải đáp cho mối họa chung của đất nước đã quá gần kề. Điều khôi hài một chút là có thể nội các mới sẽ “mời” một số chóp bu đi du lịch dài hạn ở Trung Quốc để ăn cơm Tàu chính hiệu 16 chữ (nai) vàng và để biết nỗi lòng của những cô dâu được gả bán qua Đài Loan, Hàn Quốc…

3.
2010: biến động lớn nhất là sự từ biệt của talawas (sao talawas lại chọn ngày sinh nhật để nói lời chia tay, bởi có phải trong chia tay cũng có mầm gặp lại). Lý do không hẳn vì có rất nhiều cây viết cộng tác cho talawas ở Việt Nam, mà chính là cái tâm thể chung của Việt Nam ở bất cứ nơi đâu trên cùng khắp thế giới, đã cùng nhau phát huy, xiển dương cho bầu dưỡng khí tự do. Tất cả đã được thở; đã nhờ talawas để đỡ hấp hối… Hình dung biến động này sẽ làm CSVN khoái tái tê (chữ của Nguyễn Viện).
2020 & 2030: Chúng ta vẫn than vãn 24 giờ cho một ngày là không đủ, là quá ngắn, nhưng nghĩ mà xem, 10 năm hay 20 năm với chiều dài lịch sử thì cũng chẳng nghĩa lý là bao (35 năm/65 năm thì quả là oan nghiệt).
Giá gì. Tỷ như. Những người trong chúng ta đừng sợ hãi 24 giờ là ít. Mọi chuyện sao không như là “thà một phút huy hoàng”. Ai mà biết được sự hủy diệt của những bờ đê vỡ.
Em đâu biết khi nào nguôi gió chướng
Anh chẳng về làm phên vách 1000 năm
Em còn đợi suốt mấy mùa không tưởng
Thắp trong hồn một nghiệt ngã Việt Nam

© 2010 Nguyễn Thị Thanh Bình
© 2010 talawas
.
.
.
Phạm Xuân Nguyên
03/11/2010 | 3:22 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________
Phạm Xuân Nguyên
chín năm một mạng tala
was gây vang động gần xa trong ngoài
chín năm một phạm thị hoài
nam việt thức tỉnh lay đoài chuyển đông
Tôi chọn giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm cùng của talawas để gửi đi những câu trả lời ngắn gọn của mình. Biết bao cảm xúc và suy tư khi chấm dứt một diễn đàn như talawas. Nhưng trang mạng talawas đóng lại, mà trí tuệ, tinh thần và bản lĩnh talawas thì mở ra. Có một “thế hệ talawas”, tôi có thể nói vậy. Cùng với ba câu trả lời, tôi gửi đến bạn đọc talawas lần cuối bản dịch bài viết của một nhà văn trẻ Nga nhan đề “Gutbai Lenin”.
1. Theo tôi, Việt Nam hiện nay đang có nhiều hơn 5 vấn đề hệ trọng nhất (cũng có thể là có ít hơn 5 vấn đề hệ trọng nhất), nhưng một vấn đề hệ trọng nhất nhất là xác định con đường phát triển của đất nước. Nói xác định nghĩa là bao gồm đướng hướng, mô hình và cách thức phát triển.
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi chỉ làm một việc: đó là quyết định bằng quyền lực tuyệt đối của mình cho trưng cầu dân ý về tương lai của đất nước.
3. Năm 2010, năm 2020, năm 2030 tình hình Việt Nam sẽ có thay đổi theo chiều hướng rộng mở hơn nhưng vẫn là trong một mô hình, một hệ thống.
________________

Sergei Beregovoy – Gutbai Lenin!
Xin chào, lão bà Châu Âu! Bà vẫn khỏe chứ? Chúng tôi đã ở đây với bà. Màu cờ các nước của bà chúng tôi đã quen thuộc. Những vạch từ trái qua phải, những vạch từ trên xuống dưới, những vạch đen, trắng, đỏ, vàng, xanh lam, xanh lơ. Những cây thập tự trắng trên nền đỏ, những cây thập tự đỏ trên nền trắng. Các nước đó chúng tôi đã đến nhiều lần. Mùi vị mỗi nước chúng tôi đều rành. Chúng tôi đã đi tàu điện ngầm ở London, xem thế vận hội ở Athen và mua hàng ở München. Sáng thứ Bảy chúng tôi uống cà phê ở Roma, còn chiều Chủ nhật thì đi nhảy ở Praha. Thế giới hiện nay không còn ranh giới, các khoảng cách đã biến thành thủ tục: địa chỉ của mỗi người chúng tôi bây giờ bắt đầu bằng www.
Thế nào, lão bà, nắm đấm sắt của phương Đông đỏ không còn làm bà sợ hãi nữa chứ? Tất cả những cơn ác mộng đã lùi lại đằng sau phải không? Đúng, gutbai, Lenin! Bức tường vững chắc giờ đây không còn ngăn cách chúng ta, nó đã đổ sụp trong nháy mắt, đã biến thành một đống kỷ niệm.
Tất cả mọi người đều sướng vui như con trẻ! Còn gì tốt hơn nữa: Berlin là một thành phố và thậm chí là một quốc gia. Một thủ tướng, một thủ đô, một đội tuyển bóng đá quốc gia.
Những đứa con mỗi ngày nghỉ đều có thể về thăm bố mẹ già. Hệ thống phát thanh truyền khắp lãnh thổ nước cộng hòa. Nước Đức đã thống nhất!
Ở giữa Berlin còn lại một đoạn tường thành gợi nhắc về một quá khứ mù mờ, gợi nhắc về một tư tưởng không được thành sự thật. Đó là mơ ước về sự công bằng toàn thể, về những lý tưởng đạo đức và nhân văn. Những mơ ước về hạnh phúc không thể nào có được cho tất cả mọi người. Đoạn tường thành còn lại đó là mảnh rời của một thời đại đã qua bị bóng ma không tưởng dối lừa.
Thậm chí những người Đức với thói cố chấp cuồng tín và tính kỷ luật thép của mình cũng không thể đạt được cái mà ông hô hào. Nửa thế kỷ họ đã cố gắng hết sức. Rốt cuộc họ hiểu ra việc này là vô nghĩa và thân ái nói với ông: “Gutbai, Lenin!”[1].

Gutbai, Lenin! Chúng tôi cũng đã tin vào ông. Có người trong chúng tôi đã chết vì ông, có người đã giết chóc nhân danh ông. Tin vào ông, chúng tôi đã thắng trong các cuộc chiến tranh và đã phóng lên vũ trụ những tên lửa đầu tiên. Nhiều người đã hiểu sai ông, bản thân ông cũng đã hiểu sai nhiều cái. Tuy nhiên chúng tôi đã tin vào ông. Tin cho đến tận giây phút cuối cùng. Rồi sau đó hiểu ra là ông đã lừa dối chúng tôi. Dù ông lừa dối không chỉ chúng tôi, mà cả bản thân ông. Chúng tôi đã từ bỏ ông. Chính ông đã đẩy chúng tôi đến bước này, không để cho chúng tôi và cả ông một sự lựa chọn nào. Ông, có lẽ, chính ông cũng không biết làm gì, do đó đã đưa mình đến ngõ cụt. Ông đã lập nên một nhà nước chỉ dựa trên niềm tin vào ông. Khi niềm tin này không còn thì nhà nước cũng không còn. Chúng tôi rất khó khăn chia tay với ông, nhiều người đã khóc, một số người đến nay vẫn chưa tin chuyện này. Chúng tôi chia tay ông như người lớn chia tay tuổi thơ và như người thanh niên hết tin vào chuyện cổ tích. Thật đau đớn phải nói lên điều đó, nhưng dù sao chúng tôi cũng nói với ông: “Gutbai, Lenin!”.

Tất nhiên, không phải một mình ông có lỗi trong việc để xảy ra mọi sự như bây giờ. Nói chung ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ. Chỉ đơn  giản là ông đã chọn sai đất nước. Chỉ đơn giản là ông đã không biết rằng ở nước Nga có thể đồng thời vừa là thiên thần vừa là ác quỷ.
Cái đất nước mà ông tập hợp đã vỡ tung tóe một cách ngu ngốc. Bây giờ bạn bè và họ hàng sống ở các quốc gia khác nhau: những tổng thống khác nhau, những thủ đô khác nhau, những đội tuyển thể thao khác nhau, những con người khác nhau.
Thực ra cái ý tưởng gom mọi người vào ở trong một ngôi nhà, cho họ thử sống cùng nhau vui vẻ, thân thiện, không phải là một ý tưởng tồi. Đúng, nói gì thì nói, ông là một cậu trai không tồi, Lenin ạ! Nhìn xem, cả Châu Âu đã theo gương ông. Giờ đây họ đã là một đại gia đình: lão bà của chúng ta vẫn chưa nói lời cuối cùng.
Chúng tôi ngủ đêm ở các khách sạn tại Genève, sáng sớm bay đi Barcelona. Chúng tôi tụ tập xem biểu diễn nhạc rock ở Helsinky và mời khách đến Moskva.
Nhưng không ai còn bao giờ đến thăm CCCP (Liên Xô) nữa. Nó là một đất nước bí ẩn, lạ lùng và mâu thuẫn như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không lạ lùng đến thế nếu không phải là những người Nga như thế. Bây giờ còn lại của CCCP chỉ là dòng chữ đề trên các áo thể thao. Vậy mà nó đã từng là tổ quốc chúng tôi. Chúng tôi, cũng như tất cả mọi người trên hành tinh, không muốn chiến tranh, mà chỉ mơ về hạnh phúc và hòa bình. Chúng tôi không có lỗi khi những ước mơ của chúng tôi không thành hiện thực.
Nam Tư, Tiệp Khắc… Những cái tên này cũng không còn nữa trong ngôn ngữ chúng tôi. Chỉ còn trên hòn đảo Tự Do đầy ánh mặt trời giữa biển khơi Caribe xa xôi là nơi tên ông chưa trở thành một âm thanh trống rỗng. Nhưng được bao lâu nữa?
Thế nhưng nước Đức đã thống nhất. Bức tường Berlin đã vỡ thành những cục nhỏ – những ký ức 5 Euro để nhớ về một chuyến du lịch. Lão bà lại ca khúc khải hoàn của mình.
Còn ông… chỉ còn là bức tượng đồng giấu mình đâu đó ở thành phố nơi tôi sống. Ông chỉ còn là một từ gồm năm chữ cái được ghi trong sách giáo khoa lịch sử. Các thế hệ mới không biết ông vì chúng không cần đến ông. Chúng thậm chí không giã từ ông vì ông là người xa lạ. Nghĩa là, đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Lịch sử đối xử rất nghiệt ngã với những tình nhân của nó. Đơn giản là ông đã thoái lui. Đơn giản là ông đã già đi. Xin lỗi, nếu không phải là thế. Dẫu sao ông là một cậu trai không tồi, nhưng… gutbai, Lenin!
13.11.2004
(Dịch từ nguyên văn tiếng Nga)
----------------------------------
[1]Phiên âm trong bản tiếng Nga: “ Гуд бай, Ленин!”
.
.
.

No comments: