Tuesday, November 2, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (28)

Vy Huyền
03/11/2010 | 1:49 sáng | 1 phản hồi

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Vy Huyền

Năm vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam
1. Sự thờ ơ của giới trẻ
Một lần, khi qua cầu Larz Anderson[1] bắc ngang dòng Charles, nối khuôn viên Đại học Harvard và thành phố Boston, ở vùng cực Đông Hoa Kỳ, tôi bắt gặp dòng chữ
Mong sao chiếc cầu này, được xây nên để tưởng nhớ một học giả, một chiến sĩ, và để nối liền sân trường và sân chơi của Trường Đại học Harvard, mãi mãi là lời nhắc nhớ cho sinh viên ngày ngày qua đây, lòng trung thành đối với đất nước, đối với đại học và lời khuyên sau hết là hãy tận hiến đời mình, và những gì học được từ giảng đường và từ quãng thời gian vui chơi bên bờ sông này, để phụng sự quốc gia.”

Ảnh tác giả chụp tại cầu Larz Anderson, Cambridge, Massachusetts

Nơi đây, một trong những Đại học danh giá nhất thế giới, nơi từng đào tạo ra nhiều nhân tài đã và đang phục vụ cho đất nước Hoa Kỳ[2], người ta thầm cấy cho sinh viên lòng trung thành và lòng ái quốc.
Bên bờ Tây Hoa Kỳ, mỗi lần về lại Đại học Berkeley và ghé qua Free Speech Café – Tạm dịch là Café Tự do Ngôn luận – tên gọi gắn bó với phong trào đấu tranh đòi quyền Tự do Ngôn luận của sinh viên Đại học Berkeley[3] diễn ra vào thập niên 1960, tôi lại cảm nhận được không khí sôi sục của một thời sinh viên tranh đấu và đứng lên cho tiếng nói của mình. Tinh thần đó, cho đến hôm nay vẫn còn ăn sâu vào từng sinh viên của trường, dù hơn 40 năm đã trôi qua.
Ở hai thái cực khác nhau, một nơi gieo sâu vào sinh viên lòng ái quốc, một nơi nuôi dưỡng tinh thần tranh đấu, bất khuất và phản kháng vì lẽ phải. Lý tưởng, tuổi trẻ và tinh thần tranh đấu sẽ cho ai qua những nơi này cảm được khí trường tồn của một dân tộc.
Việt Nam hôm nay, trong giới trẻ và sinh viên, chúng ta có cảm được cái khí trường tồn đó hay không? Có bao nhiêu phần trăm trong giới trẻ Việt Nam hôm nay sống vì lý tưởng, sẵn sàng tận hiến tài năng cho quê hương, hay cần thiết hơn, là sẵn sàng đứng lên để phản kháng cho những công bình xã hội và cá nhân?
Thử lướt qua các trang web Việt Nam, chúng ta sẽ dễ nhận thấy tuổi trẻ Việt Nam hôm nay thờ ơ trước đại cuộc của đất nước. Ngọn lửa nhiệt huyết của những người như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định… hay những nhóm sinh viên từng đứng lên biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là hết sức cần thiết cho sự cân bằng và tiến bộ của xã hội. Rất tiếc, những trái tim đầy lửa đó quá nhỏ. Ngược lại, những “sự kiện” kiểu như những đại gia tuổi teen chơi nổi, hay giới trẻ hút chích, “tự sướng” hay “show hàng” tràn lan trên khắp các trang mạng internet.
Đó là vấn đề đáng lo, đáng buồn và đáng sợ nhất. Nếu một ngày kia, những cái đầu thờ ơ của hôm nay nắm vận mệnh dân tộc của ngày mai, thì đất nước này chưa thoát ra những lầm than mà nó đang mang trên tấm thân ì ạch, lê bước trong thế kỷ 21.

2. Sự liệt kháng của xã hội
Xã hội Việt Nam hôm nay, ngoại trừ một số nhỏ những trí thức và những con người có tấm lòng bất khuất, quan tâm đến vận mệnh dân tộc, đứng lên tranh đấu trước những bất công của xã hội và trước bạo quyền của chế độ độc tài, thì đại đa số bộ phận như buông xuôi, chấp nhận khép vào khuôn khổ mà nhà cầm quyền đã lập sẵn.
Xã hội Việt Nam hôm nay rụt rè, e sợ. Phải khá khen Chính quyền Cộng sản tại Việt Nam, đã lập lại “trật tự hoàn toàn” sau năm 1975, và đã diệt sạch tất cả những gì còn sót lại của tinh thần tranh đấu sôi sục một thời của miền Nam Việt Nam, để hôm nay, đất nước Việt Nam là tập hợp của một đại bộ phận thờ ơ và đầy ảo tưởng về vị trí của dân tộc mình trên bản đồ thế giới.
Bên cạnh những đàn áp và khuôn phép của chính quyền, chúng ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá phương Đông. “Kính trên nhường dưới” và “Gọi dạ bảo vâng” từ lâu đã là khuôn lề của gia đình và xã hội. Xã hội chúng ta từ lâu đã được phân tầng, nhỏ phải phục tùng lớn, kẻ kém quyền phải quỳ luỵ kẻ cầm quyền. Từ rất bé, chúng ta đã mất đi khả năng nói “Không”. Đã đến lúc, chúng ta phải dạy cho tuổi trẻ tính tự lập và khả năng nhận xét vấn đề. Đã đến lúc, chúng ta thôi không dạy trẻ thơ sự vâng lời bất chấp đúng sai. Đã đến lúc thay đổi, để thế hệ tương lai không là những con ngựa bị bịt mắt, nhát đòn roi, nhưng lại vẫn hung hăng tiến về phía trước.

3. Sự dối trá của phương tiện truyền thông
Bên cạnh việc bưng bít thông tin, đưa tin thiếu trung thực, bóp méo sự thật và bóp méo lịch sử, đại đa số báo chí Việt Nam trong nước còn đóng thêm vai trò đầu độc văn hoá.
Dù bằng phương thức truyền thông một chiều hay dối trá và mị dân, chính quyền độc đảng ở Việt Nam cũng đã làm được một việc mà hiếm đất nước nào làm được, là tạo nên một bộ phận không nhỏ, mang tự cao tự đại một cách lố bịch về đất nước mình.
Nhưng đã đến lúc chúng ta nên lạc quan, vì thế kỷ 21 và những sáng chế của nó, ví dụ, kỹ nghệ internet và những trang mạng xã hội, đã giúp thông tin lan nhanh với một tốc độ mà không một chính quyền độc tài nào có khả năng ngăn chặn và bưng bít hoàn toàn.

4. Giáo dục
Một nền giáo dục lạc hậu và coi nặng thành tích. Nếu không thay đổi thì chúng ta chỉ có cách bất lực nhìn chính đất nước mình tụt hậu và lạc hậu.

5. Độc đảng, Độc tài
Có lẽ chúng ta không cần nói thêm về những vấn đề mà một chính quyền độc tài mang lại. Đó là một trong những nguyên do chính khiến cho xã hội suy đồi, thối nát, tham nhũng, hối lộ, đàn áp, bóc lột, và sẽ không giấy mực nào kể xuể. Tuy nhiên, tôi cho đây không phải là vấn đề lớn nhất. Nếu một ngày nào đó, không xa, tuổi trẻ không còn thờ ơ và chịu khuất phục, tuổi trẻ tìm tòi và mạnh mẽ đứng lên, thì thời gian cho đến ngày tàn của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn được đếm trên đầu ngón tay. Không xa. Nhưng ngày đó, chắc chắn sẽ đến sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam chặn Youtube và Twitter.

Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ
Chữ “nếu” ở đây như là một chuyện cổ tích, vì sẽ không bao giờ có cái gọi là “Được cầm quyền tuyệt đối”. Và 24 tiếng là thời gian quá ngắn để
- Thay đổi thể chế chính trị
- Thay đổi hiến pháp
- Thay đổi giáo dục
- Thay đổi nhận thức
- Thay đổi cách nhìn về lịch sử
- …
Nhưng, đã là cổ tích thì chúng ta vẫn phải có quyền ước mơ. Nếu như điều đó là có thật, thì mong muốn duy nhất của tôi là 24 tiếng đồng hồ đó, trẻ con được quyền nói chuyện thật sự với người lớn, được quyền nói không và nói lên những cái sai của người lớn, và người lớn phải chân thành lắng nghe và nhận biết sai lầm của mình. Và cũng vậy, những kẻ cầm quyền hãy lắng nghe những nhà bất đồng chính kiến. Xã hội hẳn sẽ tiến bộ hơn sau 24 tiếng đồng hồ.

Hình dung về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030
2010: Như lịch sử từng cho chúng ta thấy, những năm đầu của một thế kỷ bao giờ cũng là những bước ngoặt quan trọng. 2010, trước những biến động xã hội và sức ép của Trung Quốc, và sự trở lại vùng Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, chúng ta đang đứng trước ngã ba đường. Như Lý Quang Diệu viết trong hồi ký[4] “Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, những năm của thập niên 1960 và 1970, khi chúng tôi còn chưa biết rõ phe nào sẽ giành phần thắng, chúng tôi chọn đi theo Tây phương… Đến những năm cuối thập niên 1980, thì rõ ràng là chúng tôi đang ở về phe thắng cuộc.” Hy vọng chúng ta không rẽ sai thêm lần nữa.
2020 và 2030: Chặng đường 10 năm và 20 năm là quá ngắn để đôi khi thấy được sự thay đổi. Chỉ có một điều tôi quả quyết rằng, 20 năm nữa, chúng ta sẽ rất hiếm khi “được” nghe cụm từ “Chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tôi quả quyết.
Lời cuối
talawas đã đi hết chặng đường 9 năm, vào thời điểm vô cùng quan trọng của kỷ nguyên internet và dân tộc Việt Nam.  Như cánh cửa đã mở ra, sẽ phải có ngày khép lại, và để những ai đã từng qua, sẽ tiếp bước và mở ra những cánh cửa mới. Xin mượn bài hát “Như một lời chia tay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, làm lời tạm biệt cho một quãng thời gian gắn bó. Xin tri ân tất cả những người mà tôi đã từng được dịp làm việc và trao đổi, dù chưa một lần được gặp mặt hay biết tên. Làm sao biết từng nỗi đời riêng. Để yêu thêm yêu cho nồng nàn.

© 2010 Vy Huyền
© 2010 talawas
----------------------------
[1] http://www.charlesriverconservancy.org/projects/Bridges/AboutLarzAndersonBridge.html
[2] http://news.harvard.edu/gazette/story/2008/11/obama-joins-list-of-seven-presidents-with-harvard-degrees/
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Free_Speech_Movement
[4] From Third World To First, Lee Kuan Yew – Preface xv
.
.
.
Phạm Hồng Sơn
03/11/2010 | 12:58 sáng | 4 phản hồi

Ra quyết định là một quá trình xác lập và đánh giá các khả năng khác nhau (alternatives) để cuối cùng lựa chọn một (hoặc một số) trong các khả năng đó.
Cuộc đời con người có thể nói là một chuỗi các quá trình ra quyết định. Từ những quyết định như vô thức, vô hại như đặt bàn chân nào lên trước khi leo cầu thang cho tới những quyết định có tính mất còn đối với một dân tộc như chọn quốc gia nào làm đồng minh hay chọn phương cách nào để giành độc lập. Ngay việc quí vị đang dành cho bài viết nhỏ này một sự quan tâm hào phóng cũng là hệ quả của một quyết định. Tuy vậy, con người thường ít ý thức trong việc ra quyết định cho dù đã có nhiều công trình nghiên cứu hữu ích về vấn đề này.
Về lý thuyết, một cách lý tưởng, quá trình ra quyết định thường trải qua ba giai đoạn: 1. Định dạng và thiết lập mọi khả năng có thể .2. Xác định các hệ quả đến từ mỗi khả năng. 3. So sánh sự phù hợp và hiệu suất của mỗi tập hợp hệ quả vừa xác định để chọn lấy khả năng tối ưu (optimal).
Thuyết Lý tính bị rào (bounded rationality) của Herbert Simon, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1978 với thuyết này, đã gần như bác bỏ các lý thuyết kinh tế trước đó cho rằng: con người luôn xác định các khả năng lựa chọn một cách hệ thống và hữu lý (rational) nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế cho sự lựa chọn cuối cùng. Thuyết Lý tính bị rào (năm 1957) đã chứng minh điều ngược lại: “con người có một khả năng hạn chế và có xu hướng tìm tới những cách đơn giản-những cách chỉ xét tới một vài phương diện của vấn đề khi xác định các khả năng lựa chọn trong quá trình ra quyết định. Và kết quả là quyết định của con người thường không hữu lý (irrational), không đạt được tính tối ưu (optimality)”.
Các nghiên cứu tâm lý sâu hơn về quá trình nhận thức của con người trong việc ra quyết định, trong các thập niên tiếp theo kể từ khi Herbert Simon công bố thuyết Lý tính bị rào, cũng có những kết luận trùng hợp với nhận định kể trên của Herbert Simon. Năm 1990, một nghiên cứu của nhà tâm lý học Stephen P. Stich đã đưa tới một kết luận khá bi quan: “Con người kém cỏi một cách kỳ lạ trong việc lý luận, ngay cả lúc bình tĩnh, minh mẫn và không phải chịu một áp lực nào về thời gian.” Hoặc một nghiên cứu khác do William M. Goldstein và Robin M. Hogarth công bố năm 1997 cho rằng: “Con người có những “giới hạn về tinh thần” (mental limitations). Con người không sáng suốt và hữu lý như họ tưởng.” Thậm chí các nghiên cứu hành vi động vật, tiến hành đồng thời với một số nghiên cứu tâm lý con người, còn chứng tỏ động vật lại có xu hướng thực hiện các lựa chọn khôn ngoan hướng tới các quyết định tối ưu.
Dù các nghiên cứu về khả năng của con người vẫn còn tiếp tục và chưa có một kết luận nào được hoàn toàn đồng ý nhưng các kết luận bi quan về khả năng ra quyết định của con người đáng là một tiếng chuông cảnh báo quí giá cho con người. Vì không ai là người muốn ra quyết định sai. Tuy nhiên trên thực tế, những sai lầm chỉ vì coi thường khả năng mắc sai lầm của bản thân vẫn là một nguyên nhân thường gặp, ngay cả đối với những người làm những công việc đòi hỏi lối tư duy hệ thống và thận trọng như các nhà khoa học, các nhân viên dự báo thời tiết hay các lãnh đạo quân sự. Để giảm thiểu khả năng mắc sai lầm, nhiều nhà khoa học đã công phu thống kê và phân tích hàng chục, hàng trăm các sai lầm hoặc các dạng sai lầm con người thường mắc khi phải ra một quyết định.[1] Nhưng các liệt kê sai lầm hay các minh họa cho sai lầm sẽ vô nghĩa nếu con người vẫn mất cảnh giác về khả năng sai lầm, và khả năng sai lầm rất đa dạng của mình. Vì vậy, để tránh sai lầm, điều trước tiên phải là ý thức được về khả năng mắc sai lầm của bản thân. Đó là lý do mà danh mục một số sai lầm thông thường trong việc ra quyết định được trình bày sau cùng trong bài viết này và bị rút đi gần hết các ví dụ minh họa do các nhà tâm lý học và logic học uy tín soạn thảo. Vì theo kinh nghiệm của nhiều người, việc tự tìm lấy các ví dụ minh họa không chỉ là một cách đọc tích cực mà còn giúp ý thức về khả năng mắc sai lầm của chúng ta được nâng cao hơn. Cuối cùng, bài viết này chắc chắn còn nhiều sai lầm, không chỉ do vấn đề khả năng, mà còn do người viết vẫn chưa ý thức đủ về khả năng mắc sai lầm. Như một nhà khoa học đã cảnh báo: “Muốn giảm thiểu tối đa khả năng mắc sai lầm thì đừng bao giờ nghĩ đủ khi ý thức về nó.”

Chín sai lầm thường gặp khi ra quyết định
1. Sai lầm của người đánh bạc (gambler’s fallacy)
Tên của sai lầm này liên quan tới việc quan sát trong sòng bạc. Người mắc sai lầm này thường tin một cách sai lầm rằng qui luật xác suất (những khả năng xảy ra của một hiện tượng) sẽ diễn ra một cách công bằng và nó có tính tự điều chỉnh (ví dụ nếu 10 lần liên tiếp quả bóng đã rơi vào lỗ đen, một trong hai lỗ của bàn đánh bạc, thì lần tiếp theo rất nhiều khả năng nó sẽ rơi vào lỗ còn lại, là lỗ đỏ). Về lâu dài (với một số lượng vô cùng lớn) thì giả định đó là không tồi, nhưng giả định đó không thể áp dụng cho một trường hợp đơn lẻ và độc lập.
2. Sai lầm vì khái quát vội vàng (hasty generalization)
Người mắc sai lầm này thường chỉ xem xét một số hiện tượng bất thường hoặc có tính cá biệt rồi vội đưa ra kết luận có tính khái quát cho tất cả các hiện tượng tương tự.
3. Sai lầm do áp đặt qui luật chung (accident)
Sai lầm này thường mắc khi chỉ chú ý đến qui luật chung mà quên mất hoàn cảnh có tính chất riêng biệt (accidental) của đối tượng, hiện tượng đơn lẻ.
4. Sai lầm kiểu suy diễn bất tri (argument from ignorance)
Khẳng định ngay một điều là đúng chỉ vì thấy điều đó chưa được chứng minh là sai hoặc ngược lại.
5. Sai lầm do bị ấn tượng mạnh (overestimate the improbable)
Sai lầm này liên quan đến việc gán khả năng dễ xảy ra cho những hiện tượng gây xúc cảm mạnh hoặc thường được nhắc đến nhiều trên truyền thông hay dư luận.
5. Sai lầm kiểu khẳng định ngược (confirmation bias)
Người mắc sai lầm này thường đưa ra kết luận trước một vấn đề rồi cố đi tìm các chứng cớ phù hợp cho kết luận đó trong khi bỏ qua các chứng cớ phản bác (disconfirming evidence).
7. Sai lầm do cuồng tín (belief perseverance)
Người mắc sai lầm này thường tự động loại bỏ các chứng cứ đi ngược lại với niềm tin mà họ đã có.
8. Sai lầm do nhầm lẫn giữa bộ phận và tổng thể (composition and division)
Sai lầm này mắc phải khi lấy một đặc tính chung của các bộ phận để làm thành đặc tính chung của tổng thể và ngược lại.
9. Sai lầm do quá tự tin (overconfidence effect)
Người mắc sai lầm này thường quá tin vào những dự đoán, số liệu hay hiểu biết của bản thân dẫn đến hậu quả không chỉ ảo tưởng về bản thân mà còn đánh giá thấp những gì họ không biết và bỏ phí những nguồn trợ giúp quí giá (tài liệu, bạn hữu, đồng nghiệp,…) vốn có ngay bên cạnh.

Tài liệu tham khảo chính
1. Wayne Weinten, Psychology, Themes & Variations, fifth edition, Wadsworth, 2002.
2. Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.
© 2010 Phạm Hồng Sơn
© 2010 talawas
----------------
[1]Aristotle, cách đây gần 2500 năm, đã liệt kê 13 dạng sai lầm của tư duy con người trong tác phẩm “Sophistical refutation”. Năm 1959, W. Ward Fearside và William B. Holder liệt kê và mô tả chi tiết 51 sai lầm trong tác phẩm “Fallacy: Counterfeit of argument”. Năm 1970, David Hackett Fischer liệt kê và phân tích hơn 100 sai lầm trong tác phẩm “Historian’s Fallacies”. Nguồn: Irving M. Copi, Introduction to logic, sixth edition, Macmillan Publishing Co., 1982.
.
.
.
Tôn Văn
03/11/2010 | 12:55 sáng

(Cảm tạ và Chia tay)

Lời mở
Tôi đã rất suy nghĩ, đắn đo khi khởi viết những dòng sau đây. Thực ra giàn ý đã có sẵn khi đọc thông báo của talawas về “Lịch nhận bài viết cuối cùng và phản hồi cuối cùng cho talawas blog”. Tôi đã lập biểu theo dõi 2 chuyên mục:

a) Bài “talawas sắp ngừng hoạt động với các phản hồi theo các trang (7 trang);
b) Các “Trả lời phỏng vấn của talawas” (6 trang tác giả).

Nhìn chung đều là những nhận định chí tình chí lý và sáng tỏ, có thể như những văn bản quý cho bản thân để thưởng thức và suy ngẫm sau này. Vậy viết thế nào để gửi gấm lòng quý trọng của mình với những gì rất thân thiết (các tác giả, bạn phản hồi, và rất nhiều điều) trong 9 năm qua? – Thiên nan, vạn nan; Nhưng không làm được thì… mắt cứ chong chong mở, không thể nào nhắm lại được!

Xin trình bày để trao đổi thêm 2 điểm:
- Trí thức, và
- Việc học.

Trí thức
Tôi quan niệm “trí thức” là lĩnh vực hoạt động của con người và “người trí thức” là thành phần làm việc trong lĩnh vực truyền bá và phát triển tri thức. Từ những khái niệm này đã có thể thấy hoạt động trí thức là hoạt động cộng đồng của tập thể con người. Câu nói kinh điển: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại” cũng là một cách trình bày khác: Sự tồn tại của một cá thể chỉ có nghĩa là nó thuộc về một cộng đồng và bản chất “tồn tại” của cá thể đó là “tư duy”.
Điều kiện cho tư duy và phát triển tri thức là giao lưu. Có 2 thí dụ nổi tiếng:
Lão tử giữ kho sách của nhà Chu, cũng có thể coi như một kho tri thức. Khi bỏ quan, ra đến cửa thành thì viên quan coi cửa nói với ông: Ông hãy vì tôi viết ra những điều sở đắc… Vì cớ đó mà Lão tử bỏ công trước tác để lại Đạo đức kinh. Bỏ qua lối diễn tả của người sau, ta có thể thấy sự kích khởi (Emotion) cho tri thức (Intelligent) phát lộ có nhiều phần do tha nhân. Không từ tha nhân và vị tha nhân thì tri thức không trụ vào đâu và không hướng đến đâu.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo có thể nói “công trùm bờ cõi, oai khắp thiên hạ”, Nhưng tư thế trí thức của Người cũng là tấm gương sáng để noi theo. Sử ghi khi Người gần mất, vua Anh-tông đến thăm và hỏi kế giữ nước, Đức Thánh nói: “… tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” – Người vấn kế cho Nước, người suy tư cho Dân đều được kính trọng như nhau!
Giao tiếp và đối thoại trong tinh thần tương kính và chân thật. – Đó là môi trường và cách sống của trí thức; Và đó cũng là bản sắc 9 năm của talawas. talawas có kiểm duyệt không? Thực ra talawas đã thiết lập một chế độ kiểm duyệt văn minh nhất, đó là sự kiểm duyệt của tự giác, tự trọng và tự do trong tinh thần nhân bản trí thức với một điều lệ rõ ràng không cần một điều khoản riêng biệt nào dành riêng cho ai hay phe nhóm nào.

Trong những ngày gần đây tôi mới sáng ra điều “Ban Biên tập” thường nhắc nhủ: “Sự thành công của talawas là do sự động viên và đóng góp của bạn đọc và của các tác giả”. Sáng ra, ấy là vì việc talawas sẽ/đã (phải) “trở thành lịch sử” (lời nhà thơ Hoàng Hưng) chính, phần nhiều, là do “bạn đọc”. (Tất nhiên cũng chính là “tôi”!) Tôi ngờ rằng cái lằn ranh “bọn nó”/“bọn mình” mà tác giả Hồ Phú Bông cho là chỉ có trong “cái buổi ban đầu” thì hình như vẫn chưa được vượt qua, dù đã bước đi rất nhiều. Khi chưa vượt qua cái gì đó của quá khứ, việc bước tới tương lai tất nhiên sẽ bội phần gian khó.
Nhưng thôi, xin ngắn gọn bằng cách nhìn lại chữ “bản sắc talawas”: Khi nhìn nhận “giao tiếp và đối thoại” là bản sắc talawas (cho nên “phản hồi” mới hấp dẫn, say mê và vì vậy được nhìn nhận là “diễn đàn trí thức”) thì dễ dàng nhận thấy những trang mạng phản biện rất sắc sảo là của các sỹ phu phê phán những trang mạng “riêng một lề” đầy lưỡi gỗ… Khác nhau là như vậy và sự không thể thay thế talawas cũng chính là ở chỗ đó!

Việc học
(Phần này xin coi như sự tri ân talawas và hồi đáp thân hữu.)
Tôi chịu khó đọc và mầy mò viết. Tất cả những gì tôi có (từ “thuở” “Ý kiến ngắn” đến “phản hồi” sau này) đều được talawas chỉnh văn và sửa lỗi chính tả cho. Nhưng chính là qua sinh hoạt phản hồi mà tôi có thêm bạn để tâm tình và học hỏi.
Chín năm tôi học được gì?
Điều tâm đắc nhất là nhìn ra cái gọi là “Cơ-Linh tương hợp/tác” như cơ sở của tồn tại và phát triển:
* Các sinh thể (một con người, một đội công tác, một quốc gia,…) là một hệ thống hữu cơ (Cơ) được hình thành trong một điều kiện không gian (địa lý), thời gian (lịch sử) xác định cho nên có tính đặc thù để phân biệt với các hệ thống khác (Nguyễn Trãi: Núi sông bờ cõi đã chia; Phong tục bắc-nam cũng khác).
* Sinh thể tồn tại khi hiện hữu phần tinh túy gọi là Linh (Anh linh của con người, Software của PC, Văn hóa của một dân tộc bao gồm văn học, nghệ thuật, tôn giáo, học thuật,…)
* Quan hệ gắn bó giữa 2 phần Cơ và Linh là quan hệ biện chứng bao gồm “tương hợp” (kompatibel, tương thích) để tồn tại và “tương tác” để phát triển.
* Những hệ thống lớn (một đội bóng đá, một tổ hợp máy, một quốc gia, tổ hợp quốc gia như EU,…) được coi như hệ thống tổng của các hệ thống con có tính chất: “Ý nghĩa‚ hệ thống to lớn hơn nhiều tổng cộng các thành viên của nó” (Aristoteles: System ist mehr als Summe seiner Elementen.); Sức mạnh của “hệ thống tổng” gọi là Energie. Quan hệ giữa các “hệ thống con” thông qua các “giao diện” (Chi tiết này dành riêng trao đổi cùng bác Trầm Kha) để bảo đảm tương hợp và tương tác trong hệ thống tổng. Trường hợp xảy ra diễn biến tiêu cực (chiến tranh vì ý thức hệ để tiến tới thống nhất, nói thí dụ) thì việc làm đầu tiên sau đó là “hòa giải, hòa hợp” để tái hồi “tương hợp và tương tác”. Việc du nhập những thành tựu của nhân loại (Tôn giáo, triết lý, học thuyết, học thuật, etc.) – như một tự nhiên trong lịch sử, một tất yếu trong “toàn cầu hóa” ngày nay – cũng phải tuân thủ nguyên tắc “tương hợp” để loại trừ “tương khắc” là nguy cơ hủy hoại hệ thống.
* Tính Thống Nhất là nguyên tắc tối thượng và là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của hệ thống.
Mấy điều lý thú viện ra để… “bao biện”:
- Giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích rất rõ “lỗi hệ thống” trên BauxiteVietnam.info;
- Giáo sư Phạm Toàn trong bài trả lời phỏng vấn nhân “Thăng Long ngàn năm” đã nói về ý nghĩa của “hệ thống”. Trong trả lời phỏng vấn lần này trên talawas của Giáo sư, nội dung cũng nêu lên những “bất cập” về cả “phần cứng, Cơ” (Các hội đồng kiểm soát và nghiên cứu) và “phần mềm, Linh” để hướng tới mục tiêu giáo dục nhằm “dưỡng Linh, nâng cao dân trí”.
- Những quan sát, tìm tòi của các thế hệ trẻ như Joyce Anne Nguyễn là rất đáng mừng và cần khích lệ.
- Etc.
PS.: Khái niệm “cách mạng, revolution” mang 2 ý nghĩa là “thay đổi thể chế bằng bạo lực của một thế lực khác” và “bước tiến bộ về chất”. Để nhấn mạnh ý nghĩa thứ 2 (tiến bộ về chất), tôi thường dùng cụm từ “hướng thiện và hướng thượng” thích hợp hơn với “trí thức” như một “sức mạnh mềm” tinh tế.
Bản quyền talawas “© 2010 talawas”
Tôi chân thành cảm ơn talawas đã nâng đỡ tôi trên bước đường học hỏi.
Bỗng nhiên tôi nhớ phương ngôn dân Việt:
Học THÀY; (Muốn tri thức) tròn đầy: Học BẠN.
Xin hồi hướng tới quý bạn cùng lời chúc An lạc và Minh trí.
Trân trọng,
Tôn Văn
© 2010 Tôn Văn
© 2010 talawas
.
.
.

No comments: