Tuesday, November 30, 2010

MAI CHỬNG - TÀI NĂNG và NHÂN CÁCH (Du Tử Lê)

Du Tử Lê
Monday, November 29, 2010


Điêu khắc gia Mai Chửng thời trẻ

Cho tới hôm nay, người ta vẫn chưa đồng ý với nhau về câu hỏi, tại sao trong lãnh vực nghệ thuật, với những bộ môn chính như: Sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, điện ảnh... thì điêu khắc là bộ môn ít được quần chúng biết đến nhất?

Mặc dù trong đời thường, ở bất cứ đất nước, quốc gia nào, hình ảnh những pho tượng, vẫn quen thuộc với đám đông vì chúng luôn chiếm lĩnh những vị trí trung tâm, quan trọng tại những địa điểm có tính cách công cộng như các quảng trường, công viên, giao lộ chính...
Những điêu khắc gia cũng ít nhận được những vòng nguyệt quế hoặc tiếng vỗ tay từ quần chúng!
Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật Miền Nam, ngay thời kỳ hưng thịnh nhất, dường cũng không có một cửa khác dành cho bộ môn này!
Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, ta vẫn thấy có một vài ngoại lệ. Một trong vài ngoại lệ đó, là Mai Chửng, điêu khắc gia.
Tôi muốn nói, với những người ít, nhiều quan tâm tới lãnh vực nghệ thuật của Miền Nam Việt Nam 20 năm, có thể đa số không rõ lắm về những đóng góp của điêu khắc gia Mai Chửng. Nhưng tối thiểu, họ cũng có đôi ba lần nghe tới tên ông.

Vậy, trước khi bước vào thế giới tạo hình ba chiều của điêu khắc gia họ Nguyễn, ta cũng nên biết qua về cuộc đời của ông. Ngay phần tiểu sử Mai Chửng, tự thân cũng đã cung cấp cho chúng ta khá nhiều chi tiết về tài năng và những đóng góp của ông.

Tổng hợp từ hai nguồn tài liệu chính là sách, báo và thân bằng quyến thuộc của Nguyễn Mai Chửng, ta được biết:

Ðiêu khắc gia Nguyễn Mai Chửng sinh năm 1940 tại Bồng Sơn, Bình Ðịnh. Một năm trước khi quyết định ra Huế, theo học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật ở cố đô, ông học dự bị tại trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh năm 1957, cùng với các họa sĩ Ðinh Cường, Hồ Hữu Thủ.

Năm 1961, ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 2 Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế. Sau đó, trở về Saigon, học khóa Sư Phạm Hội Họa tại trường Quốc Gia Cao Ðẳng Mỹ Thuật Saigon, ông tốt nghiệp năm 1963.

Theo trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì, ngay thời gian còn là sinh viên Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế, Mai Chửng đã cùng điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (về từ Pháp, cũng là thầy của họ Nguyễn,) thực hiện một loạt tượng lớn, khuynh hướng hiện đại, đặt tại quảng trường nhà thờ La Vang, Quảng Trị, đầu thập niên (19)60. Những pho tượng này có một vài tượng bị hư hại bởi chiến tranh. Nhất là sau trong cuộc giao tranh ác liệt năm 1972 xẩy ra. Tới nay, nơi này vẫn còn một số tượng và đã được tu bổ.

Năm 1968, Mai Chửng bắt đầu dạy ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế. Năm 1974 ông được biệt phái hẳn về dạy trường Ðại Học Kiến Trúc Saigon, thay thế họa sĩ Võ Doãn Giáp về hưu.

Theo nhà báo Nguyễn Chí Khả, một trong số ít những người bạn thân của Mai Chửng thì, vì Mai Chửng khi đó đã là quân nhân tại ngũ. (1) Ðể can thiệp cho Mai Chửng được về dạy tại Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế, nha Mỹ Thuật đã phải làm tờ trình với những lý lẽ mạnh mẽ trình lên Bộ Quốc Gia Giáo Dục duyệt xét. Từ đây, đơn xin biệt phái của Mai Chửng lại phải gửi qua Bộ Quốc Phòng, để nơi này quyết định. Nói cách khác, vẫn theo nhà báo Nguyễn Chí Khả thì nếu Mai Chửng không thực sự có tài và cần thiết cho trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế, ông sẽ khó qua khỏi những cửa ải phức tạp như vừa kể.

Năm 1975, như tất cả những sĩ quan khác của QL/VNCH, với cấp bậc trung úy, Nguyễn Mai Chửng bị tù cải tạo. Cuối năm 1978, ông mới được trả tự do.

Trong bài viết nhan đề “Mai Chửng, vừa hẹn tôi, mùa hè tới” đăng tải trong tập sách “Mai Chửng, cuộc đời và sự nghiệp,” họa sĩ Ðinh Cường cho biết:
Mai Chửng vượt biên tới Mỹ năm 1981. Ông bắt đầu cuộc đời mới bằng những nghề có tính cách lao động ở thành phố San Jose. Sau đó, cùng một người bạn (ông từng cho biết ông rất mang ơn), sang được chiếc xe “lunch” bán thức ăn nhanh cho nhân viên các công tư sở... Sau đấy, ông ra đảo Hawaii hành nghề tài xế taxi.
Năm 1990, ông bảo lãnh được vợ và 4 con qua Mỹ đoàn tụ. Tất cả các con của ông đều tốt nghiệp đại học và đã thành gia thất. Khi ông lo đám cưới cho người con gái út ở thành phố Dallas, 1 tờ báo Mỹ ở địa phương đã có bài và hình ảnh về một gia đình Việt Nam mà báo này coi là gương mẫu tốt đẹp của truyền thống văn hóa phương Ðông.

Tháng 7 năm 2001, Mai Chửng trở về Saigon, tham dự cuộc triển lãm chủ đề “Hồi Cố” với các cựu thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam. Nhưng, đúng ngày khai mạc, ông ngã bệnh. Mai Chửng được đưa vào nhà thương Chợ Rẫy cấp cứu. Người bạn đời tên Lan của ông cùng một người con gái từ Texas bay vội về Saigon, đem ông trở lại Hoa Kỳ.
Mai Chửng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 1 giờ 20 sáng Thứ Bảy, ngày 1 tháng 9 năm 2001, tại bệnh viện Taylor, thành phố Dallas, Texas. Ông mất vì gan của ông bị nhiễm một loại siêu vi trùng không thể chữa trị trừ phi được thay gan khẩn cấp...

Năm 1966, điêu khắc gia Mai Chửng là một trong những thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt NamSaigon. Nhiều thành viên hội này, sau đó rất nổi tiếng, như Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Nghiêu Ðề, Trịnh Cung, Ðinh Cường, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Ðồng, Nguyễn Thị Hợp, Bé Ký, Hồ Thành Ðức, v.v...
Ông cũng từng giữ chức vụ chủ tịch Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam sau cùng, tính đến tháng 4, 1975. (Hai chủ tịch trước là các họa sĩ Ngy Cao Uyên và Nguyễn Trung.)

Về phương diện tác phẩm hay tài năng, điêu khắc gia Mai Chửng, được biết đến như nhà điêu khắc tiên phong của Việt Nam trong việc sử dụng chất liệu kim loại trong bộ môn này.
Năm 1973, Mai Chửng ra mắt tác phẩm Cái Mầm tại gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental, Saigon. Ông dùng hàng ngàn vỏ đạn đồng hàn lại, cao 1,50 m. Ngụ ý cách gì thì hy vọng vẫn là hạt mầm nuôi sống người dân Miền Nam trong chiến tranh.
Sau đấy, hoàn tất bức tượng Chị Em, được nhiều người chú ý, đặt tại thương xá Tam Ða. (Bức tượng này đã biến mất sau tháng 4, 1975.)

Một tác phẩm khác của Mai Chửng được nhắc nhở nhiều nhất, có lẽ là bức tượng “Bông Lúa Con Gái.” Tác phẩm điêu khắc này thể hiện qua hình ảnh một bó bông lúa sung sức, cao tới 13 m, làm bằng những mảng phế liệu đồng gắn lại; được dựng tại trung tâm thị xã Long Xuyên năm 1970. Tới năm 1975, bức tượng bị phá hủy.

Dù thế, sau nhiều năm, nhìn lại, họa sĩ Nguyễn Trung (2) viết:
“...Nghệ thuật của Mai Chửng cũng vậy; đã trải qua nhiều biến chuyển; từ những thể hiện tươi mát chất lãng mạn, cho đến những công trình đậm trí tuệ. Mỗi giai đoạn có nét đặc trưng riêng, nhưng trong đại thể vẫn có một nét chung rất dễ thấy. Ðó là sự đơn giản và tính cách lớn lao của nó. Ðơn giản mà không thiếu sự tinh tế. Lớn lao cho dù tác phẩm được thể hiện trong một kích thước khiêm tốn.”

Họa sĩ Trịnh Cung, (3) người cùng học khóa 2 Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế với Mai Chửng, thì cụ thể hơn khi ghi rõ rằng:
“Những ai từng biết Mai Chửng trước những năm 1975 ở Việt Nam, ông là tác giả của những tác phẩm điêu khắc hiện đại có kích cỡ lớn mang tính tiên phong trong phong cách và chất lượng như ‘Bông Lúa Con Gái’ ở Long Xuyên, cao 18 mét bằng đồng lá; ‘Cái Mầm’ ông triển lãm đầu năm 1974 tại Gallery La Dolta Vita nằm trong khách sạn nổi tiếng Continental, trên đường Tự Do cũ, làm bằng cả ngàn cái vỏ đạn súng trường hàn lại...”

Họa sĩ Ðinh Cường, người mới có một cuộc triển lãm tranh (cùng với Nguyễn Ðình Thuần), tại Paris, Thứ Sáu, ngày 29 tháng 10 vừa qua, phát biểu về tài năng của điêu khắc gia Mai Chửng như sau:
“Tôi vừa ghé museum Brâncusi, trước mặt Centre Pompidou, Paris mùa Thu lạnh, không hiểu sao tôi nhớ Mai Chửng, người bạn cùng thời làm điêu khắc giỏi, tài hoa... Nếu Lê Thành Nhơn là những tượng đồ sộ bằng đá granito thì Mai Chửng là những tượng bằng đồng ghép hay những vỏ đạn... và Dương Văn Hùng là những tượng có vẽ thêm vào... Ba người bạn điêu khắc này cộng thêm Trương Ðình Quế... tôi cho là những nhà điêu khắc hiện đại, lớn, của Miền Nam trong lịch sử mỹ thuật chung của cả nước...”

Về nhân cách của tác giả “Cái Mầm,” cũng được họ Ðinh đánh giá là:
“Mai Chửng đời thưòng là người bạn đáng tin cậy và hiền lành nhất mà tôi luôn quý trọng. Lần về Dallas thắp nhang cho bạn, chị Mai Chửng đã cho tôi nhiều ống màu sơn dầu lớn bạn để lại, và tôi còn treo cái bay gọt đất sét của bạn như một kỷ niệm không rời. Tôi thương quý Mai Chửng biết chừng nào...”

Cũng vậy, nhà báo Nguyễn Chí Khả, một trong vài người bạn thân (không thuộc giới tạo hình) của cố điêu khắc gia Mai Chửng kể rằng, những lần Mai Chửng về dạy ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Huế, cuối tuần, tác giả “Bông Lúa Con Gái” không ở phòng riêng dành cho các giáo sư ở xa về, ông theo Nguyễn Chí Khả về nơi đóng quân của bạn. Chỉ vì muốn được ở với bạn mà ông chấp nhận ngủ trong hầm trú ẩn, ăn mì gói, nằm giường xếp... để được sống lại những ngày tháng có nhau trong doanh trại cục Tâm Lý Chiến.
Nguyễn Chí Khả kể:
“Ðầu năm 1973, tôi lập gia đình. Lợi dụng ít ngày phép có được, tôi bay về cục Tâm Lý Chiến tìm Mai Chửng. Thấy tôi, Mai Chửng rút từ túi áo 5,000 đồng, đưa cho tôi, bảo:
“‘Ðây là tiền tiêu của tao. Tao để dành để mừng đám cưới mày. Mày cầm lấy mà tiêu! Những ngày qua, có báo chúc mừng mày... Nhưng tao không thấy cần thiết làm việc ấy. Nó phù phiếm. Nó bề ngoài... Tao ngược lại!’ Chân tình của bạn khiến tôi vừa bất ngờ, vừa cảm động. Thời đó, lương đại úy độc thân của tôi chỉ có 25 ngàn. Không kể ruột thịt, bạn bè nếu có đi mừng đám cưới thì tối đa cũng chỉ có thể cho tới 2 ngàn là cùng! Nhưng tình bạn mà Mai Chửng dành cho tôi, không chỉ dừng ở đó! Năm 1995, khi được tin tôi tới Mỹ, Mai Chửng nhờ Nguyên Khai chở đi tìm tôi ở tòa soạn VB, khi đó còn ở đường Sullivan. Gặp tôi, Chửng nói: ‘Tao chỉ có 120 đồng. Cho mày 100, tao giữ lại 20 đồng.’”

Tôi muốn ra khỏi bài viết này, bằng hai mẩu chuyện nhỏ trong đời thường của Nguyễn Mai Chửng. Theo tôi tự thân vài mẩu chuyện kể trên, đã nói lên cái nhân cách đáng trân trọng; cũng như sự đáng trân quý về tài năng lớn lao của điêu khắc gia này.
Và, với riêng tôi, những tác phẩm điêu khắc của Mai Chửng, không chỉ có giá trị ở không gian ba chiều. Chúng còn có giá trị ở chiều thứ tư: Chiều vĩnh hằng, nữa.

Du Tử Lê
(23 tháng 11, 2010)
Chú thích:
(1) Nguyễn Mai Chửng bị động viên khóa 21 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức. Sau khi tốt nghiệp tháng 7 năm 1966, cùng với nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng, nhà báo Nguyễn Chí Khả... điêu khắc gia Nguyễn Mai Chửng được tuyển chọn về phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, Saigon.
(2), (3) Hai họa sĩ Nguyễn Trung và Trịnh Cung hiện cư ngụ tại Saigon.

----------------

.
.
.

No comments: