Lê Diễn Đức
Thứ Ba, 30/11/2010
Từ kinh nghiệm của người Ba Lan cho thấy, để đạt được kết quả, phong trào vận động phải rất kiên trì, cương quyết và liên tục với sự tham gia rộng rãi của quần chúng trong cũng như ngoài nước. Ngoài ra không thể thiếu được yếu tố vận động tích cực của chính quyền.
Các trại tập trung giết người hàng loạt do quân phát xít Hitler thiết lập tại Ba Lan trong Thế chiến II là một trong những dấu ấn sâu sắc về tội ác diệt chủng trong lịch sử nhân loại.
Auschwitz-Birkenau được xem là trại tập trung khủng khiếp bậc nhất nằm ở phía nam Ba Lan.
27 Tháng 1 năm 1945, Auschwitz-Birkenau được giải phóng bởi Hồng quân Liên Xô. Cho đến ngày nay nó vẫn là một biểu tượng bi thảm của tội ác. Khoảng 1,1 đến 1,5 triệu người vô tội của các dân tộc và tôn giáo khác nhau đã bị giết hại tại đây, trong đó 90% là người Do Thái. Người Ba Lan là nạn nhân đứng thứ hai với số người bị giết hại khoảng 75 ngàn.
Cổng vào trại tập trung Auschwitrz với dòng chữ tiếng Đức: "Lao động mang lại tự do" - Foto: Tư liệu
Mọi thứ đều rõ như ban ngày. Auschwitz được gìn giữ nguyên trạng và trở thành khu chứng tích lịch sử trong danh sách của Unesco.
Thế nhưng cũng có kẻ điên rồ phủ nhận thực tế này. Người đó là đương kim Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.
Mahmoud Ahmadinejad đã từng tuyên bố không dưới một lần rằng, ông ta muốn xóa bỏ nhà nước Do Thái (Israel) trên bản đồ thế giới. Cho nên cũng dễ hiểu vì sao ông ta đã ăn nói ngông cuồng rằng, các trại tập trung là chuyện bịa đặt, thêu dệt của người Do Thái.
Chỉ đáng trách là các tờ báo lớn và cơ quan truyền thông có uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới! Không biết vô tình hay cố ý, khi họ nói về các trại tập trung của Đức Quốc Xã, từ ngữ đã được sử dụng không chính xác.
“The Wall Street Journal”, “New York Times”, “Washington Post”, hãng tin AP và DPA của Đức, gần đây thay vì “các trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Ba Lan”, đã viết là “các trại tập trung Ba Lan”.
Bộ Ngoại giao Ba Lan đã lên tiếng phản đối chính thức vì cho rằng cách viết trên đây gây ngộ nhận đối với nhiều người không nắm vững các biến cố lịch sử, nhất là giới trẻ. Các trại diệt chủng có thể được hiểu là của Ba Lan. Phía Ba Lan đã đề nghị các tờ báo và hãng tin phải cải chính, nhưng bị lờ đi.
Thế là một chiến dịch của người Ba Lan tại New York nổ ra. Đã nhiều lần, người Ba Lan tập trung đông đảo biểu tình trước trụ sở của “The Wall Street Journal” phản đối tờ báo sử dụng cụm “các trại giết người Ba Lan”.
Gần 100 ngàn người Ba Lan trong đó có Lech Walesa, cựu Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan, Nobel Hòa Bình năm 1983 và Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh của Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Cater, đã ký tên kiến nghị tới các phương tiện truyền thông của Hoa Kỳ yêu cầu chấn chỉnh phong cách biên tập chính xác trên các phương tiện truyền thông lớn nhất của Mỹ.
Theo tin của của “Newsweek” ấn bản Ba Lan, trong ngày thứ Hai, 29/11, “The Wall Street Journal” đã ghi nhận sai sót của mình.
“Xin lưu ý: Không phải là trại tập trung của Ba Lan trong Thế chiến II. Trại tập trung Auschwitz và các trại tương tự khác trên lãnh thổ Ba Lan là do Đức Quốc xã thiết lập…” – Tờ báo viết.
Các biên tập viên của bộ phận “Style & Substance editor” thuộc “The Wall Street Journal” cũng giải thích thêm về bối cảnh lịch sử: “Trong Thế chiến II nhà nước Ba Lan chỉ tồn tại trong hình thức hoạt động của chính phủ lưu vong ở London. Auschwitz thuộc Đức Quốc Xã sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan và sát nhập vào lãnh thổ của họ trong tháng 10/1939″.
Ông Alex Storozynski, chủ tịch “Tổ chức Kosciuszko” [tổ chức mang tên Tadeusz Kosciuszko (4/2/1746 – 15/10/1817), vị tướng của Ba Lan và cả của Hoa Kỳ, người đã từng tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ], nói rằng, người Ba Lan sẽ tiếp tục hành động cho đến khi các tờ báo và hãng tin còn lại “New York Times”, “Washington Post”, hãng tin AP và DPA của Đức, phải hiệu đính sai sót của mình.
Phản ứng của người Ba Lan làm tôi nhớ đến kết quả thu được của người Việt trên khắp thế giới hồi đầu tháng 3 năm nay. Trước áp lực của dư luận người Việt, National Graphic Society (NGS) đã chấp nhận điều chỉnh lại tên gọi trên bản đồ: quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) thuộc Việt Nam và đang trong tranh chấp chứ không phải của Trung Quốc (China).
Sau sự kiện NGS, người Việt hải ngoại đã và đang có cuộc vận động các nhà phát hành đồ bản hàng đầu thế giới điều chỉnh tên gọi “South China Sea” (Biển Nam Trung Hoa) thành “Southeat Asia Sea” (Biển Đông Nam Á).
Từ kinh nghiệm của người Ba Lan cho thấy, để đạt được kết quả, phong trào vận động phải rất kiên trì, cương quyết và liên tục với sự tham gia rộng rãi của quần chúng trong cũng như ngoài nước. Ngoài ra không thể thiếu được yếu tố vận động tích cực của chính quyền.
Về quần đảo Hoàng Sa, phản ứng mạnh mẽ của công luận đã buộc chính phủ Việt Nam không thể không lên tiếng. Nhưng với các chiến dịch “nhạy cảm” khác, ví dụ như đổi tên biển nêu trên, thật khó có thể mong đợi từ Hà Nội một động thái tích cực nào thêm.
Có vẻ như “16 chữ vàng” đã biến thành chiếc vòng kim cô “Made in China” đang ngày càng xiết chặt thêm đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguồn:
.
.
.
No comments:
Post a Comment