Nguyễn Hoàng Văn
02/11/2010 | 1:50 chiều
talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________
Nguyễn Hoàng Văn
1.
i. Vấn đề hệ trọng hàng đầu của Việt Nam hiện tại và trong tương lai lâu dài, theo tôi, vẫn là vị trí “địa lý chính trị” của Việt Nam .
Trước đây, trong một bài viết trên talawas, tôi đã từng dẫn lời ông José de la Cruz Porfirio Díaz Mori, Tổng thống Mexico từ 1876 đến 1880, “Poor Mexico, so far from God, so close to The United States“. Câu nói ấy có thể áp dụng vào trường hợp Việt Nam : “Trời” hay “Thượng đế” hầu như không có, và nếu có thì quá xa trong khi nước Trung Quốc / Đại Hán thì gần quá.
Hiện tại – khi chính phủ Obama tỏ rõ quyết tâm trở lại Biển Đông – nhiều người Việt khấp khởi hy vọng rằng Mỹ sẽ là một thứ “Trời”, một thứ “Thưọng Đế” trên mặt đất. Có người như ông Nguyễn Trọng Vĩnh (nguyên là thiếu tướng, đại sứ CHXHCNVN tại Trung Quốc), cho rằng Mỹ cần phải “làm mạnh hơn nữa”.
Dĩ nhiên đây là một yếu tố tích cực nhưng cần phải nghĩ rằng Mỹ chỉ hành động theo quyền lợi của mình, và nếu đã “quyết tâm đến” thì sẽ có lúc họ sẽ “quyết tâm đi”. Mỹ đã từng làm thế ở Việt Nam vào thập niên 70, đang làm ở Iraq và sắp sửa làm tại tại Afghanistan . Như để “chuẩn bị” cho việc này, báo chí Mỹ đang đều đặn báo động về “đế chế” tham nhũng và ma túy của những thân nhân quanh gia đình Tổng thống Kazai, không khác về những ông tướng tham nhũng và thuốc phiện của Việt Nam Cộng hòa vào thập niên 70 là mấy.
Cuộc cờ đã khác nhưng nước cờ có lẽ vẫn vậy. Trước kia ông John Kennedy chủ trương đưa quân sang Đông Nam Á để đánh nhau với cộng sản thay vì chờ cộng sản thâm nhập đến lãnh thổ Mỹ rồi mới ra tay. Nay thì đến lượt Obama chủ trương nghênh chiến với Trung Quốc ngoài khơi Đà Nẵng thay vì đợi Trung Quốc đưa tàu tới ngoài khơi Hawaii .
Như thế thì vấn đề đặt ra là: nếu chúng ta không đủ bản lĩnh để chống lại một siêu cường, chúng ta đã đủ khôn ngoan và tỉnh tảo để len lỏi giữa hai siêu cường chưa, hay là vẫn hay cứ lặp lại cái chu kỳ cũ.
Đến đây tôi chợt nhớ đến nhân vật Phi Lạc của Hồ Hữu Tường. Theo nhân vật này thì cách hay nhất để chống lại dã tâm xâm lược của một cường quốc là bám vào một cường quốc khác mạnh hơn: trở thành con nợ của nó và nó sẽ bảo vệ con nợ của mình tới cùng.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang biến Việt Nam trở thành con nợ của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ bảo vệ con nợ Việt-Nam-Cộng-Sản này đến cùng chăng?
ii. Việt Nam đang quay trở lại với chu kỳ suy tàn và yếu kém trong lịch sử của mình.
Nếu lịch sử là một chu kỳ xoay chuyển theo hình trôn ốc thì Việt Nam hiện đang trở lại cái chu kỳ suy nhược và yếu hèn, tương tự thời Nam – Bắc Triều khi ở mạn Bắc thì nhà Mạc cát cứ, ở Thăng Long có cung vua và phủ Chúa, ở phía Nam thì nhà Nguyễn.
Nói theo ngôn ngữ mà giới lãnh đạo hiện tại ở Hà Nội ưa dùng thì “nguyên khí quốc gia” đã suy kiệt. Sự tồi kém và bất lực của hệ thống cầm quyền hiện tại là chuyện rành rành, tuy nhiên cả thế lực đối kháng trong và ngoài nước cũng không khá gì. Lẽ đơn giản là nếu khá hơn thì đã lay chuyển được tình thế hay ít ra cũng được mời vào bàn đàm phán rồi chứ? (Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn / Cho nên chúng nó lại làm quan).
Ví von một cách thô thiển thì “nguyên khí quốc gia” này chính là những software vận hành còn đất nước với lãnh thổ, sông biển và những nguồn tài nguyên của nó chính là hardware. Phần mềm không chỉ chậm rì, ì ạch, kém hiệu năng mà còn đầy mã độc, trong khi đó thì phần cứng ngày càng mọt ruỗng.
Nhìn vào những gì đang xảy ra – từ rừng đầu nguồn đến Tây Nguyên đất đỏ hay các chương trình trình truyền hình, thông tin trên báo v.v… – chúng ta có thể hình dung cái software đang vận hành đất nước chứa đầy mã độc, đầy những virus hoạt động cho lợi ích của láng giềng. Đất nước ngày càng mọt ruỗng khi vài năm nữa sẽ phải nhập than, nhưng than lậu vẫn ồ ạt chuyển sang Trung Quốc với giá rẻ mạt.
Như thế thì đến đây chúng ta cần cần nhìn kỹ hơn vào hệ thống cầm quyền.
iii. Vận mạng dân tộc đang nằm trong trong tay một hệ thống cầm quyền máy móc, nô lệ và một chiều, không đủ trình độ để đối phó với sự phức tạp của một thế giới đa cực và biến chuyển nhanh.
Trong Giờ thứ hai mươi lăm (lấy bối cảnh Đệ Nhị Thế chiến) nhà văn Virgil Gheorghiu đã đề cập đến sự hình thành của những “nô lệ kỹ thuật” thể hiện qua hình tượng của các “ủy viên chính trị người Nga”. Theo dõi cách hành xử và phản hứng của nhà cầm quyền hiện tại chúng ta có thể thấy rằng họ cũng là những bằng chứng sống động cho thứ “nô lệ kỹ thuật” này. Chẳng hạn như phản ứng của họ trong đợt lũ vừa rồi.
Theo báo chí Việt Nam thì mưa bắt đầu từ ngày 30 tháng 9 và đến ngày 4.10.2010 đã có tới 44 người chết và mất tích. Thế nhưng mãi đến ngày 5.10 thì Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mới gởi “công điện khẩn” đến các chính quyền địa phương và cơ quan hữu trách yêu cầu họ khẩn trương chuẩn bị cho công tác “phòng chống bão lụt”. Cùng lúc ấy ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có “công điện khẩn” căn dặn địa phương “không để cho dân đói”. Quả là một chuyện khôi hài. Giả như lúc đó họ gởi công điện khẩn yêu cầu chính quyền địa phương xuất tiền mua quan tài cho các nạn nhân thì nghe còn hợp lý hơn.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên. Chỉ cần tra cụm từ “công điện khẩn” và “bão lụt” trên Internet chúng ta có thể thấy ngay rằng đó là phản ứng máy móc đã thành… công thức của giới lãnh đạo cộng sản kể từ khi Việt Nam có… Internet. Trận lụt nào cũng vậy, đợi khi số người chết và mất tích đã lên đến 50, 78, 80 hay 100 thì họ sẽ máy móc gởi những công điện khẩn, với toàn những nội dung “khẩn” nực cười như vậy.
Trận lụt nói trên xảy ra trong thời gian tổ chức “Đại lễ Ngàn năm Thăng Long”, kỷ niệm sự kiện vua Lý Thái Tổ dời kinh từ vùng núi Hoa Lư chật hẹp ra Thăng Long của đồng bằng rộng lớn. Thăng Long nằm sát sông Hồng, hàng năm phải oằn mình ra đối phó với lũ lụt, và khi dời đô như thế thì vua Lý Thái Tổ đã thách thức thiên nhiên để từ đó mở ra “ngàn năm văn hiến”.
Trong trận lụt vừa qua qua báo chí đã nói nhiều đến trường hợp hy sinh của cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Hương Thủy (Hương Khê, Hà Tỉnh). Anh Lê Trọng Thống đã kể với các phóng viên câu chuyện của cô Hoa (Dân Trí 7.10.2010): “7h sáng ngày 3/10, khi biết nước lũ dâng cao, Trường Mầm non Hương Thuỷ sắp bị ngập trong lũ, cô Hoa đã nhờ tôi và chồng là anh Trung ra để cứu trường. Ra đến đường sắt thấy nước lũ quá cao, tôi và anh Trung bảo cô Hoa đưa chìa khoá phòng đây để bọn anh ra cứu trường còn em về lo dọn dẹp nhà cửa mà chạy lũ. Cô Hoa không chịu cứ một hai để em đi cùng các anh chứ việc nhà để sau giờ lo việc tập thể đã. Trường có hai người giữ chìa khóa tầng một, em cầm một cái còn cô kia thì ở xa không thể đến được, trường lại sắp ngập, nên đây là trách nhiệm của em. Em phải ra dọn trường đưa toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập lên tầng hai chứ giao cho các anh em không yên tâm chút nào.[…] Vừa vượt qua được chỗ sâu nhất sắp lên phía bờ bên kia thì bất ngờ nước lũ đổ về quá mạnh cuốn trôi cả ba người. Tôi tìm cách vẫy vùng bám vào bụi cây rồi gắng sức bơi lên bờ. Sau khi quan sát thấy anh Trung đang hấp hối cố bơi vào bờ tôi đã lao ra cứu. Còn cô Hoa mất tăm mất tích. Anh Trung gào thét định lao ra tìm vợ nhưng tôi đã ngăn cản lại. Nếu giờ anh ra đó sẽ chết, biết tìm vợ đâu giữa biển nước thế này, hai người phải có một người sống để nuôi con”.
Theo tôi thì không có thí dụ sống nào hay và đúng với ý nghĩa của “đại lễ” hơn thế. Cô giáo đã thách thức lại sự cuồng nộ của thiên nhiên để cứu trường, để bảo toàn sự học của các em nhỏ. Đây chính là hành động mang ý nghĩa “mở mang văn hiến”. Trong một “đại lễ” như thế thì một nhà lãnh đạo sáng suốt và có tầm nhìn sẽ ngay lập tức sử dụng tấm gương cô giáo Trần Thị Hoa để gây sinh khí, để tạo một niềm “cảm hứng” cho đất nước.
Tôi nghĩ đến những hình ảnh chiếu trên truyền hình ngày 14.10.2010 khi ông Luis Alberto Urzua, trưởng kíp của 33 thợ mỏ, được cứu lên mặt đất. Lúc đó Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã bước đến bắt tay chào đón trong tiếng nhạc của bản quốc ca Chile và nói: “You are not the same, and the country is not the same after this. You were an inspiration. Go hug your wife and your daughter.” (Anh sẽ không còn là anh của trước đây nữa và đất nước của chúng ta không còn là Chile trước đây nữa. Chính anh là nguồn cảm hứng. Hãy tới ôm vợ và con gái đi anh.)
Ông Urzua, trong vai trò trưởng kíp thợ, đã ở lại đến giây phút cuối cùng, khi toàn bộ công nhân của ông đã được đưa lên mặt đất an toàn. Và ông Pinera, trong vai trò người đứng đầu đất nước Chile , đã ở lại cho đến giây phút cuối khi người thợ cuối cùng được đưa lên mặt đất an toàn. Không chỉ là người thợ trưởng kíp mà tự thân hành động của ông Tổng thống Pinera cũng là một niềm “cảm hứng”.
So sánh với ông ông Chủ tịch của Việt Nam chúng ta thấy gì? Ông Chủ tịch của chúng ta đã không có lời nào về các nạn nhân của trận lụt. Ông không đả động gì đến sự hy sinh đầy ý nghĩa của cô giáo, cho dù trong các ngày 6, 7 và 8 báo chí liên tiếp đưa tin về cô, diễn tả đám tang thương tâm của cô. Tại lễ bế mạc đại lễ ông ta chỉ máy móc đọc bài diễn văn soạn sẵn nhưng ông ta cũng lập cập, cà lăm. “Lý Thái Tổ” là cái tên lẽ ra học trò tiểu học phải thuộc làu nhưng ông cũng lập bập “Lấy… Lý Thái Tổ”.
Chính vì cách tư duy và cách làm việc máy móc, nô lệ và một chiều đó nên hệ thống cầm quyền này chỉ thích hợp với cái gì đơn giản, một chiều. Từ đó họ đâm ra sợ hãi và đố kỵ với những gì phức tạp. Tâm lý này đã dẫn đến tình trạng đồng hoá khái niệm phức tạp thành khái niệm “xấu”, “tiêu cực”, “ác độc và thậm chí “ngoài vòng pháp luật”.
Trong thời Nhân Văn – Giai Phẩm thì từ “phức tạp” đã được sử dụng để chỉ những nhà văn nhà thơ hay tác phẩm “có vấn đề”. Một khu phố có nhiều đĩ điếm và băng đảng thì được mệnh danh là khu phố “phức tạp”. Thậm chí chính quyền còn sử dụng khái niệm “phức tạp” để che giấu sự bất lực của mình: nếu một cơn bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam trái với dự báo của cơ quan khí tượng, cơn bão đó sẽ được gọi là “diễn biến phức tạp”.
Nhưng thế giới này là một thế giới đa cực và phức tạp. Lịch sử của nền văn minh, thực chất, là tiến trình lịch sử ở đó nhân loại từng bước “phức tạp hoá” những cái mà họ từng tưởng là đơn giản. Ngày nay đa số chúng ta ai cũng cho rằng vật thể ở trên cây rơi xuống đất là chuyện tự nhiên, nhưng chính vì “phức tạp hoá” điều tưởng là đơn giản này, Issac Newton đã đưa ra định luật vạn vật hấp dẫn, nền tảng của cơ học cổ điển và văn minh cơ khí, và cùng với thuyến tương đối rộng của Albert Einstein làm nên hai dấu mốc lớn nhất trong lịch sử khoa học.
Đố kỵ cái phức tạp có nghĩa là đố kỵ với xu thế tiến bộ. Ngày nào cái chính quyền sợ hãi sự phức tạp này còn cầm quyền, ngày đó dân tộc còn tụt hậu.
iv. “Văn hoá đầu hàng” và sự tha hoá của đạo đức và ý chí sinh tồn
Sự áp chế của của bộ máy toàn trị và sự suy tàn của “nguyên khí quốc gia”, nếu có thể gọi như thế, đang hình thành nên cái “văn hoá đầu hàng”.
“Văn hoá” đó đang thể hiện qua nhân sinh quan “sống chung với”. Chỉ cần google cái cụm từ “sống chung với” chúng ta sẽ thấy cả một đất nước chăm chăm đầu hàng: “sống chung với rác”, “sống chung với ô nhiễm”, “sống chung với tiêu cực”, “sống chung với kiểm duyệt” v.v… Khi thái độ cam chịu đã thẩm thấu vào mọi ngóc ngách của đời sống nó đã là một nhân sinh quan. Khi nhân sinh quan ấy được cả cộng đồng chia sẻ thì nó đã là một… văn hoá.
Trong cuộc tranh luận trên talawas về vấn đề kiểm duyệt (Thơ đến từ đâu), nhà thơ kiêm dịch giả Dương Tường đã lên tiếng về áp lực của chế độ kiểm rồi tuyên bố: thôi thì “sống chung”, cũng giống như là “sống chung với lũ”.
Nhưng hãy nhìn sang các nước Đông Âu và Nga. Không chấp nhận “sống chung với kiểm duyệt” nhưng những nhà văn bất đồng chính kiến đã viết chui, viết không cần xuất bản, viết không cần làm đẹp lòng cán bộ biên tập. Chính vì thế nên sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, người đọc mới có cơ hội thưởng thức những tác phẩm xuất sắc, những tác phẩm làm phong phú nền văn học quốc gia của họ.
Sống chung với kiểm duyệt thì chúng sẽ trở thành bồi bút. Sống chung với “rác”, “ô nhiễm” mãi thì những phẩm chất sinh học của chúng ta, như là con người, có nguy cơ bị thoái hoá và nhích lại gần với loài ruồi nhặng. Sống chung với tiêu cực thì, nếu làm quan chúng ta sẽ trở thành những thứ sâu dân mọt nước hay nịnh thần, và làm dân thì chúng ta mãi mãi là kẻ tôi đòi.
Cứ như thế chúng ta sống chung và trở nên dửng dưng với cái ác, với cái vô liêm, vô đạo và dần dà chấp nhận chúng, thậm chí thân thiện với chúng.
v. Tuổi trẻ trước nguy cơ trụy lạc hoá, phù phiếm hoá và ngu đần hoá
Tương lai đất nước thuộc về thế hệ trẻ, về ý thức của thế hệ này với những vấn đề chính trị và xã hội. Thế nhưng thế hệ này đang trở thành đối tượng của chủ trương trụy lạc hoá, phù phiếm hoá hay ngu đần hoá về chính trị qua những chính sách thành văn hay bất thành văn.
Theo dõi nội dung truyền thông, theo dõi chính sách kiểm duyệt của chính quyền chúng ta thấy gì? Rõ ràng, tuổi trẻ Việt Nam có thể thoải mái làm một người hưởng nhưng không được quyền làm người yêu nước, họ được quyền học hỏi đến nơi đến chốn các ngón ăn chơi trác táng nhưng không được quyền tìm hiểu những quyền lợi căn bản của một con người hay một công dân. Họ tha hồ tìm hiểu những chuyện “nhạy cảm” trong chỗ kín của cơ thể đàn ông hay đàn bà nhưng không được tìm hiểu những vấn đề “nhạy cảm” của xã hội và đất nước.
Mộ “ca/văn sĩ” như Lê Kiều Như mà cũng được thổi lên thành một “hiện tượng”. Một ca sĩ đàn ông không ra đàn ông đàn bà không ra đàn bà như Đàm Vĩnh Hưng mà trở thành thần tượng của bao lớp trẻ. Tình trạng phù phiếm hoá tuổi trẻ đang lan tràn một cách đáng ngại.
2.
Nhưng sau 24 tiếng đồng hồ, sau khi tôi về hưu non hay bị… đảo chính, nhà cầm quyền kế tục tôi sẽ làm gì? Nếu tôi xoá điều 4 Hiến pháp hôm nay thì hôm sau họ có thể khôi phục lại. Nếu tôi ký sắc lệnh cho phép tư nhân ra báo hôm trước, hôm sau họ có thể thu hồi ngay lệnh này. Nếu tôi ra lệnh trả tự do cho các tù nhân chính trị hôm trước, hôm sau họ có thể bắt giam trở lại. Nếu tôi ra lệnh giải tán những cơ quan, những ngành, những đoàn thể vô dụng, chỉ có tác dụng duy nhất là tăng sản lượng… phân bắc như Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc v.v… để dồn ngân sách cho ngành giáo dục vào hôm trước, hôm sau họ ký lệnh phục hồi thì sao?
Như vậy thì vấn đề cần đặt ra tôi là phải tiến hành những biện pháp mà sau đó kẻ kế tục không thể đảo ngược.
Nếu mục tiêu của chúng ta là xây dựng một xã hội dân chủ pháp quyền thì cái cần đả phá là những nền tảng tinh thần của hệ thống toàn trị. Không kể guồng máy công an và mật vụ, hệ thống toàn trị nào cũng tồn tại nhờ vào sự bưng bít thông tin và những huyền thoại giả tạo. Như thế, nếu được cầm quyền tuyệt đối chỉ trong 24 tiếng đồng hồ thì tôi sẽ tận dụng từng phút, từng giây, từng sát na của 24 tiếng đồng hồ ấy để bạch hoá những gì mà hệ thống toàn trị hằng che đậy cũng như mặt sau của những huyền thoại.
Từ cuộc đời riêng của từng lãnh tụ cho đến các vấn đề hay vụ án mập mờ từ Cải cách Ruộng đất, Nhân Văn – Giai Phẩm, Xét lại chống Đảng, các tài liệu mật về chiến tranh Việt Nam, về vụ “xuất cảng Hoa kiều” năm 1979 v.v…, tôi sẽ cho bạch hoá toàn bộ, sao chép hoàn toàn miễn phí, kể các các hồ sơ đóng dấu “Tối mật”. Tôi cũng sẽ ra lệnh bạch hoá và phổ biến rộng rãi toàn bộ các đơn thư khiếu nại của công dân, toàn bộ hồ sơ của các vụ án.
Tôi sẽ cho công chúng nhận ra tính vô dụng và “phí cơm” của những cơ quan như Tuyên giáo và sự bất tài của của những kẻ lãnh đạo hay vận hành chúng. Tôi sẽ ra lệnh cho các viên chức của các cơ quan này ở cấp trung ương và địa phương phải tổ chức ngay những cuộc tranh luận công khai với công chúng và học sinh – sinh viên, qua đó sẽ lật tẩy bản chất lếu láo và vai trò vô dụng của họ.
Tôi cũng sẽ tiến hành ngay một hành động nhân đạo mà kẻ kế tục không thể đảo ngược được và những kẻ phản đối cũng không thể nào chê trách được. Đó là triệt để áp dụng phong trào “Học và làm theo di chúc bác Hồ: hoả táng thi hài Hồ Chí Minh rồi cho mang tro rải ở ba miền theo di chúc của ông.
Chúng ta có thể bàn cãi về di sản của Hồ Chí Minh nhưng là một con người đã chết, ông ta xứng đáng được đối xử nhân đạo là được phép an nghỉ theo sở nguyện của mình. Việc đánh giá ông ta thì đã có những hồ sơ bạch hoá, tôi chỉ đơn giản làm đúng di chúc của ông, và làm đúng với tập tục cha ông: dân tộc Việt không có tục ướp lạnh xác người. Có đọc cuốn hồi ký của Lý Chí Tuy, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, chúng ta mới thấy sự tàn nhẫn trong việc ướp lạnh kẻ chết để mang xác ra triển lãm!
Còn lại thì chúng ta sẽ làm gì với cái lăng xấu xí mô phỏng kiến trúc Nga ấy? Phá ra ngay để cải tạo thành một vườn hoa, hay là đào sâu xuống, biến thành một cái hồ? Khi xây lăng vào thập niên 70, người ta đã phát hiện dấu vết hoàng thành cổ nhưng bất chấp, Hồ Chí Minh là trên hết. Biến nó thành một cái hồ, chúng ta vừa có thể tìm kiếm những dấu vết khác thêm vào pho lịch sử mù mờ của chúng ta, vừa góp phần giải quyết nạn lụt cho thủ đô. Theo nhiều ý kiến thì một trong những lý do khiến Hà Nội ngập úng khi mưa là tình trạng san lấp, xâm lấn các ao đầm để xây nhà.
3.
Trong Next, một bộ phim sản xuất tại Hollywood năm 2007, tài tử Nicolas Cage đóng vai một ảo thuật gia có tài đoán trước những gì sẽ xảy ra trong vòng 2 phút tới. Năng lực thiên bẩm của nhân vật này đuợc FBI phát hiện và, sau nhiều diễn biến gay cấn với sự xuất hiện của một bóng hồng, anh ta đã trở thành vị cứu tinh của nước Mỹ truớc thảm hoạ khủng bố bằng vũ khí nguyên tử.
Chỉ biết trước 2 phút thôi mà đã như vậy, nói gì là biết trước cả mấy tháng, một hay hai thập niên? Tuy nhiên công việc dự báo không phải là khả năng tiên nghiệm như câu chuyện trên mà một công việc khoa học, duy lý. Hồi còn sinh viên tôi đã ghi danh môn học nhiệm ý Business Forcasting và khám phá rằng, chủ yếu, đó là môn toán thống kê áp dụng với kinh tế học.
Trong môn học này sinh viên phải biết phân tích sự thay đổi đột ngột trong mối quan hệ toán học của các yếu tố kinh tế – tài chính thông qua các biến cố kinh tế, xã hội và chính trị. Nếu gọi y là một chỉ số thị trường cần dự đoán trong tương lai, chẳng hạn như tỷ số lạm phát thì chúng phải xác định rằng hiện tại và trong quá khứ y đã có biến thiên như thế nào trong mối quan hệ với các biến số khác như dân số, giá trị đồng tiền, cán cân mậu dịch, tỷ lệ thất nghiệp, GDP bình quân đầu người v.v…
Nói theo ngôn ngữ toán học thì nếu gọi các biến số trên là a, b, c, d, e thì phải làm sao để xác định được hàm số y = f[a, b, c, d, e..] và quan hệ toán học “f” này có là quan hệ bậc hai, bậc ba, hàm số mũ v.v… Đó là những mối quan hệ phi tuyến, hoàn toàn bất khả đoán nếu chúng ta chỉ suy diễn bằng logic thông thường và, quan trọng hơn, luôn luôn là những quan hệ gián đoạn.
Trong nửa đầu thập niên 60 thì có thể quan hệ sẽ là y = f[a, b, c, d, e] nhưng sau đó sẽ khác đi vì những biến cố mới hay sự xuất hiện của các “biến số” mới, tỷ như một cuộc cách mạng kỹ thuật, những quan hệ thương mại mới, những nguồn tài nguyên mới khám phá hay chính phủ thiên hữu hơn hay thiên tả hơn. Như thế, theo thời gian quan hệ không còn là y = f[a, b, c, d, e] mà là y = g [a, b, c, d, e] hay y = g [a, b, c, d, e, f, i, j, k] v.v…
Tạm gọi tình hình Việt Nam năm 2010 là y 2010 thì để xác định y 2020 hay y 2030 một cách khoa học việc trước tiên chúng ta cần xác định quan hệ giữa những y 2000, y 2005 , y 2009 đó với các “biến số”.
Nhưng các “biến số” đó là gì? Tình trạng kinh tế Việt Nam ? GDP bình quân đầu người? Áp lực ngoại giao về các vấn đề nhân quyền? Trình độ quan trí và trình độ trí? Tỷ lệ tiến sĩ và thạc sĩ giả trên tiến sĩ và thạc sĩ thật? Mức đầu tư ngoại quốc? Ngân sách dành cho ngành tuyên huấn và công an? Ngân sách mà chính quyền đổ ra để mua vui cho công chúng theo “tinh thần văn nghệ” và “tinh thần thể thao? Và chúng ta còn phải chú ý đến cả sự hình thành và sức thu hút của… diễn đàn talawas nữa chứ.
Với tôi việc xác định những “biến số” gây tác động và thiết lập mối quan hệ định lượng giữa chúng với tình hình Việt Nam trong hiện tại đã là khó, nói gì là khai triển cho 10 hay 20 năm tới.
Nhưng rõ ràng là để có một sự thay đổi, để tạo ra sự thay đổi cho tình hình thì chúng ta cần có những diễn đàn có sức thu hút như talawas và tôi dài dòng văn tự như thế này là để nhấn mạnh vai trò và di sản của talawas, như một lời chia tay và lời cám ơn đến với BBT talawas.
Xin cám ơn.
© 2010 Nguyễn Hoàng Văn
© 2010 talawas
.
.
.
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (23) – Trịnh Lữ - Trịnh Khả Nguyên – Francois Guillemot – Lê Văn Hưng
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (21) – Trần Hoàng Lan – Dũng Vũ – Đoàn Tiểu Long
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (20) – Hoàng Linh Vương – Nguyễn Đăng Thường – Trần Mộng Tú
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) - Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
.
.
.
No comments:
Post a Comment