Nguyễn Cao
Nov 26, 2010
Quang cảnh chúc Thọ, từ trái: Nhà thơ Võ Thạnh Văn, Gs. nguyễn Cao Can
mang quà Chúc Tho, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà thơ Huệ Thu,
Hà Chưởng Môn, nhà văn Phan Lạc Tiếp, nhà thơ Đông Anh, nhà văn Tạ Xuân Thạc, nhà thơ Trường Giang…
Nhà hát của trường khá rộng, đồng hương và thân hữu đến rất đông, có thể trên 250 người tham dự, nhiều người chờ đợi bắt tay thăm hỏi Hà tiên sinh. Không khí thăm hỏi nhau ấm cúng lạ thường, dù bên ngoài trời lạnh. Khoảng 2:15 PM, buổi lễ bắt đầu khai mạc. Hai MC chính là nhà thơ Võ Thạnh Văn và nhà thơ Cao Mỵ Nhân đến từ Nam Cali.
Mở đầu, Gs. Nguyễn cao Can, TM. Ban Tổ Chức chào mừng quan khách:
“…Sự hiện diện thật đông đủ, thật sum vầy xung quanh thi sĩ Hà Thượng Nhân như hôm nay là vì tấm lòng yêu quý, ngưỡng mộ tài năng và đức độ của Thi sĩ Hà Thượng Nhân. Khung cảnh thật ấm lòng! …Từ thuở 16 tuổi, năm 1935, Cậu Ấm Phạm Xuân Ninh đã có thi phẩm dự thi với các bậc tiền bối và đã đoạt giải thưởng với bài thơ Trăng Thu:
“Sương mong manh, canh vắng lặng lờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ”
Từ đó cho đến nay, Thi sĩ Hà Thượng Nhân đã làm hằng ngàn bài thơ, đăng trên khắp các mặt báo từ trong nước ra đến hải ngoại. thi sĩ Hà Thượng Nhân – Trung tá Phạm Xuân Ninh còn có bút hiệu là Nam Phương Sóc trong các mục “Đàn Ngang Cung” của nhât báo Tự Do, hay “Những Điều Trông Thấy” trên báo Ngôn Luận ở Sài gòn của chúng ta ngày nào.
Ngoài tài ba, ngoài đức độ, thi sĩ Hà Thượng Nhân còn đặc biệt hơn người. Nhà binh mang cấp bậc Trung tá mà không có một ngày huấn luyện tại bất cứ một Quân trường nào. Không quân trường Đồng Đế, không Thủ Đức và cũng không Đà Lạt! Sau khi vào Miền Nam năm 1954, vì nhu cầu công vụ, nhất là vì tài năng, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã ký lệnh đặc cách mang lon Đại Uý cho chàng tuổi trẻ Phạm Xuân Ninh.
Thi Lão Hà Thượng Nhân, Trung Tá Phạm Xuân Ninh không xuất thân từ Quân Trường nào, nhưng các Quân Binh Chủng đều yêu quý Cụ. Không ở trong bất cứ một Hội Đồng Hương nào, nhưng Hội Đồng hương nào cũng yêu quý Cụ….
Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ lớn của Việt Nam .
-Không bon chen địa vị trong xã Hội.
-Không cần danh trên Văn đàn……
Rất nhiều anh chị em Văn Nghệ Sĩ yêu thơ Hà Thượng Nhân đều muốn gom thơ Hà Tiên sinh để in thành tác phẩm, hay viết về thi sĩ Hà Thượng Nhân để làm Kỷ Niệm, nhưng Cụ cũng một mực từ chối. Mãi đến sau này, Cụ mới vui lòng, nên tác phẩm “Kỷ Niện Về Thi Sĩ Hà Thương Nhân” mới có dịp trình diện quý vị và là món quà nhỏ mà thi sĩ Hà Thượng Nhân ký tặng quý vị hôm nay.
Ngoài mục đích ký tặng và giới thiệu tác phẩm của 47 cây viết: Kỷ Niện Về Thi Sĩ HÀ THƯỢNG NHÂN, hôm nay Ban Tổ Chức còn tổ chức Lễ Mừng Thượng Thọ Thi Sĩ Hà Thượng Nhân….
“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”! Sống được 70 là hiếm. Nhưng thi sĩ Hà Thượng Nhân đã phục vụ Văn học Nghệ thuật đã trên 70 năm lại càng hiếm quý hơn nữa!
….Thay Mặt Ban Tổ Chức, chúng tôi xin mượn lời Người Xưa để Kính Chúc Mừng Thượng Thọ thi sĩ Hà Thượng Nhân:
“Phước Như Đông Hải - Thọ Tỷ Nam Sơn”
Quang cảnh Chúc Mừng Thượng Thọ thi sĩ Hà Thượng Nhân
Sau đó, toàn Ban Tổ Chức và những vị khách phương xa đã lần lược lên Chúc Mừng Thượng Thọ đến Hà Chưởng Môn.
Ngoài Gs. Nguyễn Cao Can, thay mặt BTC tăng quà Chúc Mừng Thượng Tho, chúng tôi nhận thấy nhiều khách từ các Văn đàn ở San Jose và từ xa về nhân dịp chúc tho và Kỷ Niệm Đệ Ngũ Chu Niên Văn Đàn Đồng Tâm gồm có: NV. Tạ Xuân Thạc, Chủ nhiệm Văn Đàn Đồng Tâm đến từ Houston, nhac sĩ Quách Vĩnh Thiện & nữ sĩ Thanh Vân đến từ Paris, Nữ sĩ Dáng Thơ đến từ Úc Châu, Thi sĩ Trần Vấn Lệ đến từ Nam Cali, Thi sĩ Lê Xuân Bích đến từ Oklahoma, Thi sĩ Trường Giang, Thi Sĩ Đông Anh, NV Phan Lạc Tiếp đến từ San Diego, nhà văn Việt Hải, Chủ bút văn đàn Đồng Tâm…
Tiếp theo chương trình GS Ngô Đức Diễm trình bày về thi sĩ Hà Thượng Nhân: “Hà Thượng Nhân người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông có hai tên thật. Một là Hoàng Sĩ Trinh, tên cúng cơm từ tuổi nhỏ. Hai là Phạm Xuân Ninh, sau khi bỏ kháng chiến về thành, đuợc cụ Phạm Xuân Độ đỡ đầu, nên đổi luôn cả tên họ.
Năm 1945, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông đã theo kháng chiến chống Pháp. Nhưng năm 1952, ông đã sớm nhận ra bộ mặt xảo trá và độc ác của Cộng sản, liền bỏ kháng chiến về Hà Nội làm nghề dạy học, làm thơ viết văn.
Ông di cư vào Nam năm 1954, gia nhập quân đội với cấp bậc Đại Úy đồng hóa, phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, sau làm Giám Đốc đài Tiếng Nói Quốc Gia, và chủ nhiệm báo Tiền Tuyến. Ông được biết tới nhiều nhất qua mục “Đàn Ngang Cung” trên nhật báo Tự Do.
Từ năm 1954 đến năm 1975, Hà Thượng Nhân là thành viên Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế tại Âu Châu.
Ông đã rời quân ngũ về hưu trước năm 1975, nhưng vẫn bị cộng sản bỏ tù 8 năm. Ông rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO năm 1990. Ông tiếp tục làm thơ, giao tiếp bạn bè và sống an nhiên bên cạnh người bạn đời, cũng là một người yêu thơ, yêu đời….
Hà Thượng Nhân là con người “có trí”, nếu không muốn nói là “trí thức”. Với nhiệt huyết tuổi trẻ, ông đã gia nhập kháng chiến, nhưng nhờ có trí, ông đã sớm nhận ra bản chất dối trá và độc ác của cộng sản, nên đã bỏ ngũ, về phục vụ chính nghĩa quốc gia, phục vụ tận tình với tất cả lòng yêu nước chân chính. Ông đã bày tỏ:
Tất cả đều tin vào chính nghĩa
Ngọn cờ dân chủ Bắc và Nam
Ngọn cờ vẫy gọi con dân lại
Chỉ có tình yêu chỉ có xuân
Hà Thượng Nhân là con người “khí tiết”, thẳng thắn, không bao giờ chịu uốn cong ngòi bút hay hạ thấp nhân cách….”.
Nối tiếp chương trình nhà văn Diệu Tần trình bày về tác phẩm Kỷ Niệm Về Thi Sỹ Hà Thượng Nhân. Nhà văn Diệu Tần trình bày rất chi tiết về nội dung của 47 cây viết khắp nơi nói về nhiều kỷ niệm với thi sĩ Hà Thượng Nhân trong suốt trên 70 năm đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà. Phần lớn những tác giả đều ca ngợi thi sĩ Hà Thượng Nhân là một nhà thơ lớn của Việt Nam . Mọi người đều có tình cảm thương yêu và quý mến tài năng củng như đức độ của Hà Chưởng Môn. Mỗi người một vẻ, tất cả đều trải lòng quý mến Cụ như một bậc trưởng thượng tài đức, bậc sĩ phu của Việt tộc.
Phía trước nhà, đứng sau Cụ Hà, từ trái: Nhà thơ Ngọc Bích, Nhà báo Hạnh Dương, Bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nhà văn Trần Dạ Từ, Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Gs. Nguyễn Cao Can
Sau đó, nhà văn Tạ Xuân Thạc, Chủ nhiệm văn đàn Đồng Tâm đến từ Houston, Texas, trình bày về kỷ niệm Đệ Ngũ Chu Niên của Văn Đàn Đồng Tâm. Tuy thời gian quá ngắn, mới có 5 năm hình thành, nhưng Văn đàn Đồng Tâm cũng đã góp phần khiêm tốn trong việc sáng tác và phát hành một số tác phẩm, và 11 Tuyển Tập Đồng Tâm, được chăm sóc bởi nhiều cố vấn như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Trần Thanh Hiệp, nhà văn, Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh…., đã góp phần cho sự truyền bá tiếng Việt và cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam tại hải ngoại.
Ngày Kỷ Niệm Với Thi Sỹ Hà Thượng Nhân thành công tốt đẹp, dù tổ chức giữa tuần. Số đồng hương và thân hữu tham dự vào khoảng trên 250 người. Rất nhiều cụ lớn tuổi, vẫn chống gậy đến tham dự. Thật cảm động và đầy tình cảm ấm áp! Chương trình phụ diễn văn nghệ giới hạn, nhưng khá hấp dẫn với giọng ngâm thơ cụ Hà của nghệ sĩ Đan Hùng, giọng hát ngọt ngào của Thu Nga, Phương Vy… Xuất sắc với hoạt cảnh Cô Hàng Nước của Mây Ngàn Phương và sự trình bày những dòng nhạc phổ từ Kim Vân Kiều của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện & nữ sĩ Thanh Vân đến từ Paris, Pháp Quốc, rất hấp dẫn người nghe. Buổi lễ bế mạc lúc 5h30. Mọi người ra về thấy như nhè nhẹ trong lòng với nỗi niềm “Kính Lão Đắc Thọ” của anh chị em Văn Nghệ Sĩ miền Bắc Cali.
Ngoài ra, trước ngày Tổ chức 2 ngày, 22-11- 2010, Ông Trưởng Ban tổ chức đã hướng dẫn một phái đoàn đến tư gia Hà tiên sinh thăm trước để về kịp đón mừng Lễ Tạ Ơn với gia đình. Phái đoàn có nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đến từ Houston, nhà văn Trần Dạ Từ đến từ Nam Cali và Bình luận gia Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà thơ Ngọc Bích, San Jose. Cuộc thăm hỏi, tuy chớp nhoáng nhưng rất đậm tình và lưu nhiều kỷ niệm vì đã vượt đường xa vạn dặm.
Nguyễn Cao
---------------------------
Hà Thượng Nhân - Wikipedia tiếng Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment