Tuesday, November 30, 2010

KHU PHỐ MỚI CỦA NGƯỜI TÀU Ở THỦ ĐÔ NƯỚC LÀO (Brian McCartan, Asia Times)

ASIA TIMES
Đăng bởi anhbasam on 29/11/2010

ASIA TIMES
Khu phố Hoa Kiều đời mới đang có những người Lào sống bên lề
Bài của Brian McCartan
Ngày 26-7-2008

VIÊN CHĂN, Lào – Đây là một thành phố cựu thuộc địa của Pháp đang nhanh chóng nhường chỗ cho một ảnh hưởng mới mẻ khi những nhà đầu tư Trung quốc trúng thầu để xây dựng một khu phố vệ tinh mới theo khuôn mẫu của nhiều thị trấn kỹ nghệ thình lình mọc lên trên khắp quê hương của họ. Một dự án liên doanh gây nhiều tranh cãi nhằm xây dựng một khu phố Hoa Kiều tại vùng vành đai phía đông bắc Viên Chăn đã gây lo lắng cho các cư dân Lào ở đây và gợi nên những quan ngại mới về ảnh hưởng ngày càng gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc lên nước láng giềng nhỏ bé hơn của họ.
Chính phủ Lào gần đây đã ngưng một kế hoạch cho phép các nhà kinh doanh Trung Quốc xây dựng nhiều cửa hàng, nhà máy, khách sạn và nhà cửa trong một khu vực chưa được phát triển của thành phố này và một số người nói khu đầm lầy That Luang có ý nghĩa quan trọng cho môi trường. Trong kế hoạch phát triển, dự án sẽ bao gồm 1.640 ha, với những tòa nhà chiếm khoảng dưới 1000 mẫu và hai phần ba còn lại của khu vực được dành riêng cho nguồn nước và những công viên giải trí. Việc xây dựng và dọn sạch mặt bằng vẫn chưa được bắt đầu.
“Dự án Phát triển khu Đô thị Mới,” như tên chính phủ đặt cho nó, bao gồm một liên doanh giữa ba công ty của Trung Quốc được quản lý bởi tập đoàn
Đầu tư Hải ngoại Khu Công nghiệp Suzhou và một đối tác Lào. Các điều khoản của bản thỏa thuận lần đầu tiên được loan báo vào tháng 9-2007, cho phép công ty của Trung Quốc quyền khai thác trong 50 năm, có thể gia hạn thêm 25 năm, trong khi đối tác Lào chỉ nắm giữ có 5% cổ phần trong dự án. Dự án sẽ được trao lại cho Lào một khi thời kỳ nhượng quyền kết thúc.
Dự án đã châm ngòi cho sự bất mãn của công luận từ những người dân bình thường bị đàn áp của nước này và đã thúc dục chính quyền đưa ra lời giải thích công khai hiếm hoi về chính sách của mình. Vào tháng Hai, Phó Thủ tướng Thường trực Somsavat Lengsavad đã bênh vực cho các hành động của chính phủ và phủ nhận những tố cáo do báo chí đưa ra, được khích động thêm bởi những tin đồn loang rộng rằng một bản thỏa thuận đã được thực hiện để đem 50.000 người Trung Hoa vào cư trú tại khu đô thị vệ tinh mới, đồng thời ông khẳng định không có những nhượng bộ đặc biệt nào dành cho các công dân Trung Hoa cả.
Ông cho hay thỏa thuận đã được đàm phán trong một cuộc họp với chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) nhằm tìm kiếm một khoản vay trị giá 100 triệu Mỹ kim để xây dựng một vận động trường 20.000 chỗ ngồi và những khu phức hợp thể thao liên quan dùng cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games vào năm sau được đăng cai tổ chức tại Viên Chăn. Chính phủ hy vọng sự kiện này sẽ khuếch trương nước mình như là một điểm đến cho đầu tư và du lịch.
Vị chủ tịch CDB đã chấp thuận một khoản vay phụ thuộc vào việc Lào sẽ đưa ra một khu đất thích hợp cho một công ty Trung Quốc được hưởng đặc ân để phát triển ở đây. Theo ông Somsavat, công ty Trung Quốc từng phát triển Khu Công nghiệp Suzhou tại tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, nay sẽ được phép hưởng lợi từ việc bán các tòa nhà, công xưởng và dinh thự trong khu đô thị vệ tinh này. Lào sẽ được lợi từ việc mở mang khu đô thị mới mà không cần phải tìm kiếm các khoản vay cho việc kiến thiết công trình xây dựng, ông nói.
Trong một cuộc họp báo tiếp theo vào tháng Ba, được tổ chức lần nữa để giải thích về dự án và nhằm lái chệch hướng những chỉ trích vẫn được liên tục đưa ra, thị trưởng Viên Chăn Sinlavong Khoutphaythoune đã nói với các nhà báo rằng có ba lý do chính cho việc mở mang khu đô thị mới. Trước hết, nó phù hợp với chính sách công khai của chính phủ nhằm sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước, bao gồm đất đai, như là nguồn vốn tư bản để phát triển đất nước. Thứ hai, đó là một cách để trả các khoản Trung Quốc đã cấp vốn và xây dựng một sân vận động cho SEA Games. Lý do cuối cùng mà ông đưa ra, thật mỉa mai, là để bảo tồn vùng đầm lầy.
Các tổ chức ví như Quỹ Quốc tế Bảo tồn Động vật Hoang dã [FWW] ước tính khu đầm lầy rộng 20 km2 cung cấp những nguồn lợi thủy sản cho khoảng 3.000 hộ gia đình và 17 làng và giúp phòng chống lũ lụt cho thành phố do nó vận hành như một hồ tự nhiên chứa nước lũ trong mùa mưa. Khả năng bảo hộ cho cuộc sống cư dân mà khu đầm lầy cung cấp được ước tính trị giá 2 triệu Mỹ kim và việc tránh được những thiệt hại do lũ lụt được đánh giá là trên 18 triệu Mỹ kim.
Khu đầm lầy nằm dưới chân một ngọn đồi thấp, mà trên đỉnh đồi có tu viện Phật giáo và là biểu tượng quốc gia nổi tiếng nhất của Lào, That Luang, tương tự như Quốc hội của Lào. Theo ông Yong, người phát ngôn của chính phủ, cách đây chừng 30 năm khu vực này không có người ở, nhà nước đã cho rút bớt nước một phần để hạn chế muỗi và khai hoang lấy đất canh tác.
Khu vực xung quanh đầm lầy giờ đây là một hỗn hợp các nhà ở và các khu buôn bán nhộn nhịp, bao gồm một số chợ bán sản phẩm tươi sống, thực phẩm khô và các hàng hóa khác. Dân chúng sống dọc theo đầm lầy canh tác trên những cánh đồng lúa và rau quả, thu hái những loài thực vật ăn được cũng như các loài cá, cua, ốc trong khu vực. Những điểm đánh bắt thủy sản nằm rải rác dọc theo một con kênh chạy xuyên qua vùng đầm lầy. Một số ít dân cư trong khu vực có những giấy tờ xác nhận quyền sở hữu thích đáng đất đai và yêu cầu đền bù cho việc họ bị di dời đã báo hiệu khả năng gây nên những mối bất đồng.

Khu Manhattan của Lào
Một bức phác hoạ về khu đô thị mới được đề xướng xuất hiện trên báo của Lào đã diễn tả khu vực này trông như một Manhattan hiện đại.
Chính phủ Lào tỏ vẻ tha thiết phát triển khu vực chạy dọc theo các con đường của các khu công nghiệp Trung Quốc mới xây dựng, mà trong đó có khu Suzhou, nơi Tập đoàn Đầu tư Hải ngoại Khu Công nghiệp Suzhou trú đóng. Theo trang web của chính quyền Suzhou, Khu Phát triển Công nghệ Cao Suzhou được thành lập từ năm 1992 đã thu hút lượng đầu tư nước ngoài trị giá hơn 6 tỉ Mỹ kim. Hầu hết các doanh nghiệp được thành lập trong khu vực đều thuộc về ngành công nghệ thông tin, cùng các công ty khác bao gồm phần mềm máy tính, máy móc chính xác và hoá chất.
Việc Lào có thể hoặc cần phải cố nhân đôi những kỳ công thương mại đó hay không thì có lẽ còn phải bàn cãi. Trong khi khu đô thị mới đã lên thời biểu cho việc xây dựng tại khu đầm lầy That Luang là không có vẻ sớm đạt được cái trình độ phát triển kia, điều ấy đưa ra một chỉ dấu về những gì mà chính phủ Lào và các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới. Trong lúc sự mở mang phát triển trên quy mô như vậy có thể đem tới nhiều hoạt động đầu tư và công ăn việc làm cần thiết, vấn đề mà những người coi thường ở dự án này tiếp tục bị chất vấn là tất cả những công nhân ở đây sẽ từ đâu đến ?
Để xây vận động trường cho SEA Games, Tập đoàn Yunnan Construction Engineering Company Group Corporation của Trung Quốc đã đưa vào hàng nghìn công nhân của nước họ do tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng nguồn lao động có tay nghề của Lào. Mặc dù chính phủ Lào đã kịch liệt bác bỏ thông tin rằng hành chục ngàn người Trung Quốc sẽ tới Viên Chăn để định cư trong khu đô thị vệ tinh mới được lên kế hoạch, song bản thân người Lào không có những kỹ năng và đủ nhân lực để tự mình xây dựng khu đô thị. Với trình độ kiến thức hiện tại, nước này cũng không thể có khả năng để vận hành một thành phố công nghệ cao một khi nó được hoàn thiện.
Điều này sẽ hầu như chắc chắn phải có sự nhập cư của hành nghìn công nhân và chuyên gia, đa số có lẽ từ Trung Quốc. Các số liệu của chính phủ Lào ước đoán có 30.000 người Trung Quốc hiện đã sống tại nước này, song hầu hết các nhà phân tích tin rằng con số thực có thể phải lớn hơn gấp mười. Các cửa hàng có sở hữu chủ hoặc được điều hành bởi người Trung Quốc nổi lên khắp miền bắc Lào, trong khi những người Trung Quốc khác sống ổn định tại các làng mạc xa xôi trong vai trò là những quản đốc và công nhân tại các dự án kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Viên Chăn cũng giống như mọi thành phố ở Đông Nam Á đều có một lượng dân số là người Hoa được thừa nhận như là bộ phận của cộng đồng, cũng đông đảo như những người Việt Nam nhập cư. Giờ đây, nổi lo sợ trong nhiều người dân Viên Chăn là người Trung Quốc không còn đơn thuần là những thương gia và chủ cửa hiệu, song thực sự lại tự mình sở hữu một phần lớn thành phố và khuyến khích hàng nghìn người dân ở nước họ sang định cư và thống trị các hoạt động kinh doanh, xã hội và đời sống văn hóa.
Người phát ngôn chính phủ Lào, ông Yong Chathalangsy, đã hạ nhiệt cho các mối quan ngại đó. Viện dẫn luật đầu tư của Lào, ông nói với tờ Asia Times hay rằng 85% ngành nghề kinh doanh phải do người Lào làm chủ, và rằng quyền ưu tiên là phải dành cho việc tuyển mộ công nhân Lào. “Một số nghề được dành riêng cho người dân chúng tôi,” ông nói mà không cho biết thêm chi tiết. Mặc dù ông lưu ý rằng chính phủ thừa nhận thực tế có một số kỹ năng hiện đang thiếu trong lực lượng lao động của Lào và chính phủ đã chấp nhận cho phép các công ty nước ngoài trong những trường hợp nhất định được đưa vào Lào các lao động có tay nghề. “Chúng tôi cần những người nước ngoài làm trong những ngành nghề mà chúng tôi không thể đáp ứng các đòi hỏi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển mộ thêm cho những nhu cầu này.”
Ông thừa nhận rằng có một nan đề về việc công nhân Trung Quốc còn ở lại Lào sau khi hoàn thành các dự án, thực tế đã thể hiện rõ ràng trong trường hợp tại các vùng phía bắc nước này nơi các công ty Trung Quốc giám sát các dự án mở đường mới.
“Chúng tôi phải tăng cường công tác đôn đốc tuân thủ pháp luật để ngăn chặn những người ở lại. Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ hơn, kiểm tra và kiện toàn luật lệ đối với lao động nước ngoài tại đất nước chúng tôi,” ông nói. Ông còn lưu ý rằng 1.800 lao động Trung Quốc được chính phủ cho phép xây dựng khách sạn Don Chan tại Viên Chăn cho hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 10 năm 2004 đều đã về nước sau khi dự án được hoàn tất.
Trung Quốc bắt đầu nắm vai trò quan trọng hơn tại Lào từ những năm cuối 1990, đoạt cơ hội nảy sinh từ việc ứng cứu cho nền kinh tế Lào tiếp theo sau cơn khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-98. Đầu tư và viện trợ của Trung Quốc cho Lào từ đó tăng vọt như hỏa tiễn, được tạo thuận lợi qua một loạt thỏa thuận song phương bao quát các lĩnh vực kinh tế, hợp tác kỹ thuật, đầu tư, ngân hàng và phát triển cơ sở hạ tầng. Các thỏa thuận này đã được bổ sung bằng những khoản trợ cấp xuất khẩu và vay không tính lãi.
Vào tháng 11 năm 2000, ông Giang Trạch Dân đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị lãnh đạo nhà nước Trung Quốc tới Lào, như cách tượng trưng để nhấn mạnh cho việc củng cố mối quan hệ của hai nước. Trong việc theo đuổi những lộ trình giao thương mới, những nguồn năng lượng và trao đổi sản phẩm cho nền công nghiệp và dân số ngày càng tăng tại các tỉnh phía nam, Trung Quốc đang tìm tới nước Lào giàu tài nguyên nhằm đáp ứng những đòi hỏi đang tăng nhanh đó. Cho tới tháng 8-2007, Uỷ ban Kế hoạch và Đầu tư Lào đã phê chuẩn 1,1 tỉ Mỹ kim đầu tư trực tiếp của Trung Quốc, làm cho Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại đây sau Thái Lan. Năm ngoái, Trung Quốc thậm chí đã đầu tư tới 876 triệu Mỹ kim, so với 3 triệu các khoản chi phí tại nước này năm 1996.
Trung Quốc mới đây còn phê chuẩn khoảng 500 triệu Mỹ kim các khoản trợ cấp và cho vay không tính lãi, hầu hết để giúp ổn định đồng tiền của Lào sau cuộc khủng hoảng tài tính 1997-98. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố trong một chuyến viếng thăm chính thức vào tháng Ba năm nay rằng chính phủ ông sẵn sàng hỗ trợ thậm chí nhiều khoản đầu tư hơn thông qua các doanh nghiệp Trung Quốc tại Lào. Mậu dịch song phương giữa Lào và Trung Quốc đã lên tới 249 triệu Mỹ kim vào năm 2007. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng con số thực tế sẽ cao hơn nhiều một khi giao thương không chính thức và buôn lậu được tính đến.

Thay đổi sự bảo trợ
Quan hệ kinh tế đang gia tăng của Lào với Trung Quốc đánh dấu một bước thay đổi từ sự nương tựa trước đây của nước này vào Việt Nam. Mặc dù có những tuyên bố chính thức của Hà Nội và Viên Chăn về việc tiếp tục các mối quan hệ trên tình anh em vững chắc, song nhiều nhà lãnh đạo trẻ hơn của Lào giờ đây đang leo lên những vị trí trung cao cấp trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) được cho rằng sẽ không tham gia vào những tình cảm tương tự về sự trung thành với nước Việt Nam đang được nắm giữ bởi bộ khung lãnh đạo già cỗi hơn. Những nhà lãnh đạo này lớn lên sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương và không cảm giác hàm ơn đối với Việt Nam về những giúp đỡ của nước này trong thời kỳ cách mạng với đỉnh cao vào năm 1975 khi những người cộng sản giành được chính quyền ở Lào.
Lào là một trường- hợp- nghiên- cứu phân- tích về chiến lược mềm mỏng của Trung Quốc trong khu vực. Tại Viên Chăn, Trung Quốc đã cho xây Cung Văn hóa Quốc gia trị giá 7 triệu Mỹ kim, cấp vốn hoàn toàn để mở Đại lộ Trung tâm dài 13 km dẫn thẳng tới Patouxay trung tâm, hay còn gọi là Vòm Chiến thắng, đài kỷ niệm xây vào năm 2003, và nâng cấp công viên bao quanh đài kỷ niệm này vào năm 2004. Giờ đây các dự án đã trở nên có xu hướng thương mại hơn và cung cấp chỉ dấu về mặt hàng nào sẽ được trưng bày bên trong cửa hàng dành cho khu đầm lầy That Luang.
Ngày 1-8-2007, khu thương mại hiện đại đầu tiên của nước này đã mở cửa tại quận Sikhottabong phía tây Viên Chăn. Tại buổi lễ khai trương, ông Ding Guo Jiang, chủ tịch Công ty San Jiang, nhà đầu tư chính của dự án 6 triệu Mỹ kim này, đã tuyên bố qua trích dẫn của tờ Vientiane Times, “Khu buôn bán của Trung Quốc mới mở này giờ đây thuộc loại chợ lớn nhất cho các sản phẩm của Trung Quốc tại Đông Nam Á và là một điểm tụ tập dành cho các thương nhân Trung Quốc ở thành phố này.”
Dự án này, một cách công khai, nhắm vào thị trường người Hoa kiều và vốn đầu tư của các thương gia Trung Quốc. Với hơn 300 gian hàng trong khu trung tâm thương mại, Ding Guo Jiang lưu ý rằng 200 gian đã được lấp đầy bởi các công ty của Trung Quốc trong khi 100 gian đã được điều hành bởi các người Lào bản địa. Một con số dự đoán 80% lượng hàng hóa trong khu thương mại này là được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Khu thương mại này là bộ phận của một dự án lớn hơn được biết đến dưới cái tên Trung tâm Hữu nghị Lào-Trung được Bộ Công nghiệp và Thương mại Lào gọi là “một phần của khuôn khổ hợp tác thương mại và đầu tư giữa chính phủ Lào và chính phủ Trung Quốc”. Dự án rộng 174.000 m2 này được ban cho một điều kiện nhượng quyền hoạt động trong 50 năm và với mức phí được cho rằng vào khoảng 18 triệu Mỹ kim khi hoàn thiện. Theo ông Ding Guo Jiang, người cũng đang là giám đốc điều hành toàn bộ dự án, trung tâm thương mại mới này sẽ bao gồm một khách sạn, nhà nghỉ, công viên, các nhà hàng và một chợ bán thức ăn tươi sống.
Trung tâm Hữu nghị Lào-Trung là trung tâm thương mại thứ ba được thiết lập giữa chính phủ Lào và chính phủ Trung Quốc. Hai cơ sở kia là Trung tâm Thương mại Boten Border và siêu thị Trung Quốc Nong Duang, cũng đều gây ra tranh cãi. Ví dụ, trung tâm thương mại tại Boten ở tỉnh Luang Nam Tha miền bắc Lào chủ yếu gồm có các doanh nghiệp Trung Quốc chuyên bán hàng hóa Trung Quốc cho một loại khách gần như đều là người Trung Hoa. Các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hiệu và nhân viên khách sạn đều thuộc tộc người Trung Hoa.
Trong khi đó, các cư dân Lào chính gốc vùng Boten đều bị đẩy tới một khu vực tồi tàn phía dưới xa con đường được Trung Quốc đầu tư xây dựng chạy suốt từ biên giới qua. Cư dân Luang Nam Tha và các nhân viên của tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước lặng lẽ tố cáo chính phủ đã bán rẻ Boten cho người Trung Quốc, với một số người Lào đoan chắc một cách cay đắng rằng vùng này đã trở thành bộ phận của Trung Quốc.
Có một tình cảm bất mãn ngấm ngầm tương tự về Dự án Phát triển Thành phố Mới trong số những người dân Viên Chăn, kể cả các tầng lớp trung lưu có bản lĩnh đang ngày càng gia tăng. Trong khi họ chỉ tỏ ra quan ngại một cách ôn hòa về sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu bắc Lào, thì dự án này đã đem tới bóng ma từ sự thống trị của Trung Quốc ngay trước ngưỡng của nhà họ. Những đồn đại về nạn tham nhũng trong giới chức nhà nước và một thỏa thuận hậu trường cho phép 50.000 người Trung Quốc dời vào sống trong thủ đô đang như đổ thêm dầu vào những phẫn uất trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và về một chính phủ có vẻ đang tiếp tay cho những hành động tồi tệ.
Theo những thông tin từ báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh đã đồng ý xoá bỏ phần lớn trong khoản nợ 1,7 tỉ Mỹ kim của Lào vào năm 2003. Điều đó dẫn tới suy đoán rằng dự án phát triển khu đô thị vệ tinh có thể là sự đền đáp lòng tốt cho những cứu trợ tài chính độ lượng của Bắc Kinh. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á, Trung Quốc đã cho vay và tài trợ hàng triệu Mỹ kim cho việc xây dựng, nằm trong số những khoản kiến thiết khác, tuyến đường mới mở từ Boten trên biên giới với Trung Quốc tới Huay Xai nằm trên biên giới Thái Lan. Các khoản cho vay của Trung Quốc cũng được cung cấp nhằm giúp khởi động công ty Lao Telecom Company và Lao Asia Telecom, thiết lập các dự án chính phủ điện tử và mua hai phi cơ tua-bin phản lực cánh quạt MA 60 cho hãng hàng không Lao Aviation.
Một số nhà phân tích cho rằng không phải ai ai trong đảng cộng sản cầm quyền cũng vui lòng về thỏa thuận đó. Bản chất giấu giếm cao độ của nhà nước làm cho vấn đề này hầu như không thể được xác định, song có khả năng là trong ban lãnh đạo có những người không chia sẻ những bổng lộc từ của bố thí của Trung Quốc và họ có thể sẽ không vừa ý với sự thỏa thuận. Theo một nguồn tin thân cận với chính phủ thì sự thoả thuận đã gây nên khó chịu cho nhiều nhân vật nòng cốt của đảng bởi vì họ đã bởi vì họ đã không thuộc nhóm người rất có thế lực chuyên quyết định các chính sách và chỉ khám phá về khu đô thị vệ tinh mới sau khi nó đã được loan báo công khai.
Lẽ dĩ nhiên, nước Lào thông thường hầu như không có điều kiện cho phép những hành động phản kháng. Song sự bất mãn đang sôi sục là đủ lớn để cho chính phủ phải có hành động giải thích công khai hiếm có cho những việc làm của mình vào cả tháng Hai và tháng Ba. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn là nhạy cảm, và nhiều người ở Viên Chăn, cả người Lào lẫn nhân viên người nước ngoài, đều không sẵn lòng thảo luận về chương trình phát triển gây tranh cãi này.
Các nhân viên NGO đã được các giới chức chính phủ nhắc nhở rằng không được ám chỉ dự án như là “thành phố Trung Quốc”. Người phát ngôn của chính phủ, ông Yong, tỏ ra cởi mở hơn về chương trình phát triển. “Đó là một bất động sản và là dự án phát triển công nghiệp được giao cho đối tác Trung Quốc được nhượng quyền kinh doanh, không có gì khác hơn thế.” Đối với ông Yong, tuyên bố này là một sự thừa nhận thực tế về sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc. “Đó là điều cơ bản. Một số người không sẵn sàng sống với tình hình mới. Chúng ta giờ đây có những tay chơi mới.”

Brian McCartan là một nhà báo tự do sống ở Chiang Mai.

Hiệu đính: Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
.
.
.

No comments: