Saturday, November 27, 2010

MÔ HÌNH QUẢN TRỊ ĐÔNG Á : LẶNG LẼ HỌC HỎI (Kishore Mahbubani)

Kishore Mahbubani
26/11/2010 04:00 GMT+7

Mối quan tâm lớn nhất với họ chính là sự an nguy của quốc gia chứ không phải số phận của bản thân họ. Mong muốn cháy bỏng của họ là làm sao đất nước mình không phải cúi đầu, quỵ lụy

Sau thất bại khi xây dựng một mô hình xã hội mang nặng tính quân sự trong nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản rất nỗ lực duy trì cam kết về một mô hình dân chủ trong giai đoạn nửa sau của thế kỷ. Ngày nay, câu chuyện về sự thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản phần nào đã bị lu mờ bởi sự thành công vượt bậc của người láng giềng Trung Quốc, quốc gia đang duy trì một nền kinh tế chuyển đổi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hàn Quốc cũng bắt đầu giai đoạn phát triển kinh tế thần tốc dưới sự nắm quyền của Park Chung Hee trong khi Hồng Kông phát triển trong thời gian nằm dưới sự cai trị của thực dân Anh. Bỏ qua những sự khác biệt rất lớn về hệ thống chính trị, đâu là điểm chung trong sự phát triển của Đông Á?

Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên đây, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ việc tìm hiểu xem Nhật Bản đã làm thế nào để khơi dậy làn sóng học tập trong những nhà lãnh đạo.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ở Đông Á thức tỉnh sau nhiều thập kỷ chìm trong giấc ngủ say. Chính những chuyến đi của người phương Tây, đặc biệt là chuyến thám hiểm của đại tá hải quân Perry vào năm 1853 đã khiến Nhật Bản nhận thức được điểm yếu và sự tụt hậu của mình so với thế giới bên ngoài.

Nhìn sang các nước láng giềng, người Nhật thấy rõ sự nhu nhược của Trung Quốc trước phương Tây và họ hiểu rằng họ cũng sẽ chịu chung số phận nếu không tiến hành những cải cách sâu rộng. Một nhóm những nhà cải cách trẻ tuổi đã dũng cảm đứng lên lật đổ chế độ cai trị của Tokugawa Shogunate và khôi phục vai trò hoàng đế cho Minh Trị.

Cuộc cách mạng này đã đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình cải cách tại Nhật Bản. Fukuzama Yukichi, một trong những người lãnh đạo nhóm cải cách đã nói: "Việc ngay lập tức chúng ta phải làm là không thể mất thời gian chờ đợi lâu hơn nữa sự trỗi dậy của các nước láng giềng để cùng với họ tạo nên một châu Á phát triển. Tốt hơn hết là chúng ta cần phải tự tìm ra con đường riêng của mình và phải thử vận may từ những nước văn minh phương Tây. Chúng ta cần phải hợp tác với họ chính xác như cách người phương Tây đang làm với chúng ta."1 Nhật Bản vì thế đã trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Á nhận thức được rằng học tập phương Tây là yếu tố cơ bản để phát triển một cách thành công.

Điều gì đã thôi thúc những nhà cải cách Minh Trị hành động trong bối cảnh cuối thế kỷ 19?
Mối quan tâm lớn nhất với họ trong giai đoạn bấy giờ chính là sự an nguy của quốc gia chứ không phải số phận của bản thân họ. Mong muốn cháy bỏng của họ là làm sao đất nước mình không phải cúi đầu, quỵ lụy trước những người phương Tây. Chính điều đó đã tạo ra động lực để họ tìm đến mọi ngõ ngách trên thế giới để tìm ra chân lý làm nên một quốc gia hùng cường.

Những nhà cải cách đã thể hiện một tinh thần rất thực tế khi đem áp dụng những gì mình đã học hỏi. Thay vì cố gắng tìm ra một hệ thống các công thức hay bài học từ một xã hội, họ rất hứng khởi trong việc kết hợp những thực tiễn thành công từ rất nhiều nguồn.

Iwakura Tomomi, một trong những nhà cải cách Minh Trị, đã có chuyến đi kéo dài hai năm tới 54 vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Những gì họ được mắt thấy tai nghe thực sự làm họ vô cùng kinh ngạc và khiến họ nhận ra được yêu cầu phải thay đổi xã hội một cách toàn diện.
Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục, người Nhật đã áp dụng hệ thống giáo dục giống như của Pháp nhưng chương trình giảng dạy lại theo mô hình của người Mỹ. Họ tập trung vào việc phổ cập giáo dục tiểu học và nhân rộng giáo dục bậc trung học cơ sở. Mô hình này cũng cho phép những học sinh tài năng có thể tiếp tục tiến xa hơn.

Người Nhật cũng vận dụng hệ thống tuyển dụng công chức theo kiểu của người Đức thông qua các kỳ thi đầu vào.

Trong lĩnh vực chính trị, Nhật Bản tiến hành những nghiên cứu sâu rộng về hệ thống luật của phương Tây. Các nhà cải cách Minh Trị cũng học hỏi được kỹ thuật làm nông nghiệp của phương Tây để giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Goh Keng Swee, một trong những người được coi là "công thần khai quốc" của Singapore cũng đã đánh giá: "Bằng việc học hỏi kỹ thuật của phương Tây, chiêu mộ những chuyên gia phương Tây và tạo ra những giống mới thông qua những thử nghiệm, nền nông nghiệp Nhật Bản đã tạo ra những bước tiến vượt bậc và không ngừng đến mức mà ngay cả ngày nay, khi số lượng nông dân ở Nhật Bản dù là rất nhỏ so với giai đoạn đầu Minh Trị thì sự gia tăng dân số cũng không gây ra áp lực nào cho ngành nông nghiệp hiện đại" (Goh 1995a, 139)

Goh Keng Swee đã nỗ lực không mệt mỏi trong việc tìm hiểu về mô hình cải cách thời Minh Trị. Cùng với Lý Quang Diệu và S. Rajaratnam, Goh Keng Swee được biết đến là một trong những người làm nên sự thành công như ngày nay của Singapore. Và ông luôn nhắc đến những nhà cải cách thời Minh Trị trong rất nhiều những bài viết của mình. Khi ông có bài phát biểu để tưởng nhớ Harry. G Johnson tại Royal Society, London ngày 28/7/1983 với chủ đề "Hành chính công và phát triển kinh tế ở các nước kém phát triển nhất", ông đã thảo luận rất nhiều bài học từ câu chuyện thành công của Nhật Bản, đặc biệt là những cải cách thời Minh Trị (Goh 1995).

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là Goh Keng Swee đã cố gắng áp dụng những bài học từ những nhà cải cách Minh Trị để phát triển Singapore. Thực tế, sự cống hiến của ông cho sự phát triển của Singapore là không hề nhỏ. Lý Quang Diệu, người sau này trở thành Thủ tướng của đảo quốc sư tử cũng đã kể lại rằng bất cứ lúc nào ông gặp những khó khăn trong việc điều hành đất nước, ông luôn đặt Goh Keng Swee vào vị trí đó.

Lý Quang Diệu đã từng mô tả về Goh Keng Swee như sau: "Trong suốt quá trình làm việc 21 năm cho đến ngày ông ấy nghỉ hưu khi giữ cương vị Phó Thủ tướng vào năm 1984, ông ấy luôn là người bạn tri kỷ của tôi, luôn hoài nghi, luôn đi đến ngọn ngành của mọi vấn đề để tìm ra cái sai của nó và giúp tôi thay đổi nó. Ông ấy là một con người rất uyên bác và một người đấu tranh quả cảm" (Lee 1998, 510).

Goh Keng Swee đã từng giữ trọng trách là bộ trưởng tại rất nhiều bộ khác nhau, từ Bộ Quốc phòng cho đến Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục, Ngân hàng Trung ương trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Không mắc một sai lầm nào, ông đã vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Ông cũng đã để lại dấu ấn đậm nét của mình trong mỗi cương vị mà ông đã từng kinh qua. Một cách đáng kinh ngạc là ông có thể xử lý mọi khó khăn dù lớn hay nhỏ.

Vườn chim Jurong, Vườn thú Singapore (cả vườn thú ban ngày và ban đêm), Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Singapore và Viện Đông Á (trước đây đã từng là viện nghiên cứu đạo Khổng) vẫn tiếp tục phát triển và trưởng thành dựa trên chính những nền tảng mà ông đã dày công xây dựng.

Tôi đã một lần được tháp tùng Goh Keng Swee trong cuộc gặp gỡ của ông với Paul Volcker, người sau này đã giữ chức Chủ tịch Ban Lãnh đạo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào năm 1985. Trước chuyến thăm, chúng tôi có thảo luận về vai trò của Fed. Tôi có thể thấy rõ ràng là chỉ trong có vài phút ngắn ngủi, Goh đã nắm bắt được về Fed và hệ thống tiền tệ của Mỹ một cách rất sâu sắc.

Trên thực tế, ông đã áp dụng mô hình tương tự của phương Tây ở Singapore, Cơ quan Tiền tệ của Singapore (MAS) một cách rất khôn ngoan và hoàn toàn không phải là bản sao lệ thuộc vào phương Tây. Đó đã trở thành nguyên tắc trong quản lý của Goh: học hỏi từ thực tiễn thành công của tất cả các nước trên thế giới và áp dụng vào điều kiện rất đặc thù của Singapore. Để làm được điều đó, ông đã hành động đúng như những gì mà những nhà cải cách Minh Trị đã từng làm ở Nhật Bản gần 100 năm trước đây.

Nếu như Goh học hỏi và áp dụng từ người Nhật thì bản thân ông cũng là người truyền cảm hứng cho một quốc gia khác, đó là Trung Quốc. Ít ai biết được rằng chính Trung Quốc trong giai đoạn đầu dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã nỗ lực rất lớn để học hỏi và áp dụng mô hình thành công của Singapore.

Đặng Tiểu Bình xứng đáng được vinh danh là một những nhà lãnh đạo xuất sắc của mọi thời đại vì những đóng góp to lớn của ông trong việc cải thiện đời sống cho một tỷ người Trung Quốc. Ngay cả những những triết gia người Anh theo trường phái học thuyết thực thế kỷ 19 cũng phải ca ngợi những cống hiến của ông đối với xã hội Trung Quốc. Điều kỳ diệu là ở cách ông thay đổi đất nước đông dân nhất trên thế giới đơn giản như cách người ta xoay mặt một đồng xu và biến Trung Quốc từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung kiểu xã hội chủ nghĩa thành một nền kinh tế thị trường tự do.

Ngay cả khi đến ngày nay, những thành công to lớn của Đặng Tiểu Bình đã được công nhận thì cũng không có nhiều người hiểu được những nhận thức về thế giới của ông đã chuyển biến như thế nào trên suốt chặng đường đó.

Suốt từ khi 20 tuổi cho đến khi đã về già ở độ tuổi 75, thời điểm ông bắt đầu cho tiến hành chính sách Bốn hiện đại hóa, ông vẫn luôn là một người cộng sản chân chính. Ông cũng là một chứng nhân lịch sử của Công cuộc đại nhảy vọt thất bại vào những năm 1958-1960 và cả Cuộc Đại cách mạng Văn hóa vào năm 1966-1967. Đã từng có hai lần ông bị Mao Trạch Đông và những người thân cận với Mao thanh trừng ra khỏi Đảng Cộng sản, do đó, hơn ai hết ông ý thức rõ hơn cả những sai lầm của mô hình kinh tế kiểu xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên điều gì đã đưa ông đến việc quyết định chuyển đổi mô hình kinh tế theo những nguyên tắc của thị trường tự do?

Câu chuyện này có lẽ chưa một ai được biết đến. Nhưng nếu chúng ta quay ngược thời gian để tìm hiểu về những thách thức ông phải đối mặt vào thời điểm vừa được phục chức và bắt đầu quay lại làm việc vào tháng 7 năm 1977 có lẽ chúng ta sẽ tìm ra được một phần câu trả lời.
Ngoài việc phải giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng xã hội do cuộc Đại Cách mạng văn hóa gây ra, ông cũng phải đối mặt với một cục diện địa chính trị nhiều rối ren chưa từng thấy. Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1978, sau khi kí hiệp định với Moscow ngày 3/11 cùng năm trong đó có điều khoản Moscow sẽ đảm bảo an toàn cho Hà Nội trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Đặng Tiểu Bình đã thân chinh đến Washington vào tháng Một năm 1979 để giải thích với Tổng thống Carter việc tại sao Trung Quốc cần phải phản ứng chống lại hành động của Việt Nam. Trong ký ức của Zbigniew Brzinski, cố vấn an ninh quốc gia của Carter, người đã có mặt trong cuộc gặp gỡ năm đó, hình ảnh về Đặng Tiểu Bình vẫn vô cùng sống động. "Đó là hiện thân ấn tượng nhất của quyền lực chính trị mà tôi từng gặp trong suốt 4 năm làm việc tại Nhà Trắng", ông nói (Goh 1995b, 325).

Chúng ta cũng nên nhớ lại rằng cũng trong chuyến thăm đó, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra một quyết định rất mạnh mẽ để biến xã hội Trung Quốc trở nên thịnh vượng giống như Hoa Kỳ. Đây thực sự là một rủi ro chính trị rất lớn bởi nó đã chứng minh một điều gần như ngược lại với những nhận thức đã ăn sâu vào tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng người dân Mỹ rất nghèo khổ và luôn phải chịu đàn áp. Tuy nhiên ông Đặng đã đánh cược cả sự nghiệp chính trị của mình vào canh bạc đó.

Quyết định mang tính lịch sử đó cũng đã cởi trói cho sức mạnh của Trung Quốc. Điều họ học được từ người Mỹ chính là một cuộc sống tốt đẹp hơn đang chờ đợi nếu như họ chấp nhận chuyển đổi nền kinh tế theo hướng thị trường tự do.

Cũng không thể trách được bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nếu họ chỉ chăm chăm vào giải quyết những thách thức nảy sinh từ cục diện địa chính trị trong bối cảnh rất nhiều khó khăn như lúc bấy giờ (đó cũng là những gì mà những nhà Lãnh đạo Xô-viết đã từng làm trong thời điểm đó). Tuy nhiên Đặng Tiểu Bình đã lựa chọn cho mình một hướng đi khác khi ông đã tập trung gần như tất cả sức lực của mình vào việc cải cách kinh tế trong nước, những gì mà Trung Quốc phải tiến hành.

Đồng thời, ông Đặng đã quyết định đi thăm một số nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Singapore. Những chuyến thăm này đã giúp ông mở mắt để thấy được những phát triển kinh tế thần kỳ đang diễn ra trong khu vực.

Tháng 12 năm 2005 khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Thời đại Châu Á, Lý Quang Diệu đã nhớ lại những phản ứng của ông về chuyến thăm của ông Đặng tới Singapore: "Tôi có thể thấy được rằng chuyến thăm của ông ấy tới Bangkok, Kuala Lumpur và Singapore vào tháng 11 năm 1978 đã thực sự gây sốc cho ông ấy. Cái ông ấy từng hình dung trước đó là hình ảnh về những thành phố thuộc thế giới thứ 3 nhưng những gì ông ấy thấy lại là hình ảnh về những thành phố của thế giới thứ hai phát triển hơn nhiều so với Thượng Hải hay Bắc Kinh. Khi cánh cửa chuyên cơ của ông ấy đã đóng lại, tôi quay sang nói với các đồng nghiệp của mình, những trợ lý của ông ấy giờ này có lẽ đang phải chịu trận vì họ đã đưa cho ông ấy những báo cáo sai lệch."

Trong vài tuần tiếp theo, tờ Nhân dân Hàng ngày đã thay đổi những lời lẽ khi viết về Singapore, Singapore không còn là con chó trung thành chỉ biết chạy theo người Mỹ nữa; đất nước đó giờ đây là một thành phố xinh đẹp, xanh tươi, sạch sẽ và rất nhiều công trình nhà ở xã hội chất lượng cao đã được xây dựng. Họ đã thay đổi luận điệu. Còn ông ấy thì đã chuyển sang chính sách "mở cửa". Suốt cả một đời là một người cộng sản tận tụy, ở độ tuổi 74, ông ấy đã thuyết phục những người trong Đảng hướng đến mô hình kinh tế thị trường. (Elegant and Elliot 2005, 6)

Sau chuyến thăm tới Singapore, Đặng Tiểu Bình đã làm hết sức để thúc đẩy việc cải cách kinh tế. Để công cuộc cải cách có thể lan tỏa tới một tỷ người dân, ông Đặng luôn phải giữ một quan điểm rất rõ ràng, như ông ấy đã từng mô tả một cách rất đơn giản rằng: "Không quan trọng là mèo trắng hay mèo đen, miễn là nó có thể bắt chuột thì đấy vẫn  là một con mèo tốt." Ông ấy muốn truyền cho người Trung Quốc quan điểm theo hướng thực tiễn chủ nghĩa chứ không phải cách tiếp cận duy ý chí như trước đây dưới thời Mao Trạch Đông.

Ông ấy cũng muốn đem đến cho người dân Trung Quốc một hình mẫu mà họ có thể tin trưởng. Nhật Bản hay bốn con hổ châu Á (Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan) đều có thể là những hình mẫu đó. Tuy nhiên Nhật Bản và Hàn Quốc nằm ngoài sự lựa chọn bởi những đối đầu về chính trị do ảnh hưởng của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Xét từ góc độ văn hóa, cũng không dễ dàng để người Trung Quốc chấp nhận đi theo Hàn Quốc hay Nhật Bản (đến nay vẫn được xem là những vệ tinh của văn hóa Trung Quốc). Hồng Kông hay Đài Loan cũng không thể được tính tới bởi chừng nào những bộ phận lãnh thổ đó còn tách rời khỏi Trung Quốc, chừng đó người Trung Quốc còn coi đó là một nỗi hổ thẹn trong lịch sử của dân tộc mình và Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn đang phải từ từ hồi phục sau những thất bại đó. Vì thế mà gần như mặc định, Singapore trở thành hình mẫu mà người Trung Quốc rất coi trọng.

Ông Đặng đã có chuyến đi thị sát quanh một loạt các địa phương trong nước để bảo đảm rằng Trung Quốc có thể học được một hay hai bài học từ những kinh nghiệm phát triển của Singapore. Như Lý Quang Diệu đã kể lại trong cuốn hồi ký của mình, thái độ của Trung Quốc đối với Singapore đã thay đổi đáng kể chỉ ngay sau chuyến thăm của ông Đặng năm 1978.
Ông Lý đã trích dẫn lời của Đặng Tiểu Bình trong bài phát biểu vào tháng 10 năm 1979 (2000, 668-69): "Tôi đến Singapore để học cách làm thế nào họ sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài. Singapore đã được hưởng lợi từ việc để người nước ngoài vào xây dựng nhà máy tại nước mình: thứ nhất, những công ty nước ngoài này sẽ trả 35% lợi nhuận ròng của mình vào thuế, tất nhiên là nhà nước thu được khoản tiền này; thứ hai là người lao động có thu nhập; và thứ ba là những khoản đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ. Tất cả những khoản thu nhập này đều có lợi cho nhà nước".

Ông Lý còn nói thêm rằng: "Tất cả những gì ông Đặng thấy được ở Singapore đã trở thành một điểm tham khảo cho những gì nhỏ nhất mà người Trung Quốc cần phải đạt được".

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc học hỏi bằng cách mời Goh Keng Swee làm việc với vai trò như một cố vấn kinh tế cho Ủy ban Nhà nước của Trung Quốc về phát triển vùng ven biển từ năm 1985 đến giữa những năm 1990. Chúng ta sẽ không có cách nào biết được đầy đủ những gì mà Tiến sỹ Goh đã cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc. Hầu hết những thông tin này là bí mật.

Nhưng có lẽ TS. Goh cũng đã đề cập với phía Trung Quốc rằng những gì ông học được hoặc là từ những nhà cải cách Minh Trị hoặc là áp dụng hình mẫu phát triển của phương Tây. Ông đã có lần mô tả về kinh nghiệm phát triển của Singapore như thế này: "Nếu như kinh nghiệm của chúng ta có thể được sử dụng làm kim chỉ nam cho chính sách ở các nước đang phát triển thì bài học ở đây là ở chỗ hệ thống kinh doanh tự do, được định hướng đúng đắn và quản lý một cách khéo léo có thể trở thành  một công cụ rất quyền lực và linh hoạt để phát triển kinh tế." (Goh 1995c). Ông Goh chắc hẳn cũng đã chia sẻ suy nghĩ đó với Chính phủ Trung Quốc.
Câu chuyện về một người đàn ông học hỏi từ những cải cách thời Minh Trị, áp dụng những bài học đó vào Singapore và sau đó chia sẻ kinh nghiệm với Trung Quốc cách thức quản lý Singapore có lẽ chỉ là một minh họa rất nhỏ để thấy rằng giữa những nhà lãnh đạo Đông Á đã có rất nhiều sự trao đổi, học hỏi qua lại trong suốt quá trình họ nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển đi lên trong xã hội. Tất nhiên sẽ còn rất nhiều những dẫn chứng hùng hồn khác nhưng sẽ còn phải có thêm thời gian cho những nghiên cứu sâu hơn.

Tuy nhiên một số trong những câu chuyện này có thể sẽ mãi mãi là bí mật. Ví dụ như ai cũng biết rằng sự thành công của nền kinh tế Hàn Quốc là dựa trên sự phát triển từ những gì học được từ mô hình của Nhật Bản. Một cách thông thường thì sẽ không có gì phải bàn nếu như người Hàn Quốc công khai công nhận điều đó.

Tuy nhiên lịch sử chính trị hiện đại của mối quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản là rất phức tạp và khó lường. Giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ những năm 1910 đến 1945 vẫn là những trang lịch sử đầy đau buồn và tàn khốc. Người Hàn Quốc thậm chí còn không được phép nói tiếng nói của dân tộc mình trong thời kỳ bị chiếm đóng. Mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn khi mà ngay cả đến ngày nay, Nhật Bản cũng vẫn né tránh đề cập đến những đau đớn mà họ đã gây ra cho Hàn Quốc.

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc trong một động thái tương tự luôn tránh phải công nhận những đóng góp tích cực của Nhật Bản cho sự phát triển của mình. Vết thương vẫn chưa được hàn gắn. Sẽ phải mất rất nhiều thời gian để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung về khía cạnh tích cực hơn của mối quan hệ đầy phức tạp này.

Tuy nhiên không thể phủ nhận được những mối liên hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên ngoài người ta vẫn thấy thái độ hằn thù đối với Nhật Bản ở Hàn Quốc là một hiện tượng phổ biến bởi những quá khứ đau buồn về thời kỳ bị Nhật chiếm đóng vẫn ám ảnh người Hàn Quốc. Tuy nhiên, đằng sau sự hằn thù đó vẫn là một thái độ trân trọng các giá trị văn hóa và những thành tựu của Nhật Bản ẩn sâu bên trong.

Nhiều nhà phát triển kinh tế chỉ ra rằng vào năm 1960, GDP bình quân thu nhập đầu người ở Hàn Quốc thậm chí còn thấp hơn cả những nước đang phát triển khác trong khu vực với khoảng 80 USD.

Con số này ở Ghana là 200 USD và Argentina là 2700 USD. Ngày nay, trong khi Hàn Quốc đã đạt đến mức 13900 USD thì Ghana mới chỉ dừng lại ở 380 USD và Argentina là 3700 USD. Liệu người Nhật có đóng góp gì cho sự phát triển này của Hàn Quốc hay không?

Những nhà sử học Hoa Kỳ, những người không bị ảnh hưởng bởi khía cạnh cảm xúc trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc, đã nỗ lực tổng kết những bài học mà Hàn Quốc đã học được từ Nhật Bản. Dennis L. McNamara, một nhà nghiên cứu xã hội tại trường Đại học Georgtown tìm hiểu sự khởi đầu của mô hình tư bản ở Hàn Quốc và mô hình những chaebols2 (McNamara 1990) và đã được Ezra Vogel bổ sung như sau:

Sau chiến tranh thế giới II, chỉ có chính phủ Hàn Quốc và Singapore là nghiên cứu rất nghiêm túc về những kinh nghiệm của Nhật Bản một cách chi tiết tuy nhiên những điểm chính về chiến lược phát triển của Nhật Bản đều đã được các con rồng châu Á tìm hiểu. Họ đều hiểu rằng Nhật Bản khởi đầu từ những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và sử dụng thu nhập từ xuất khẩu trong các ngành này để mua mới các trang thiết bị, máy móc, cùng lúc đó Nhật cũng từng bước tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực năng suất cao có thể tạo ra thu nhập cao hơn cho người lao động.

Họ cũng thấy được vai trò then chốt của chính phủ trong việc dẫn dắt những thay đổi này. Những gì họ thấy được từ mô hình của Nhật Bản đã cho họ  một niềm tin rằng họ cũng có thể thành công và những gì họ cần phải theo đuổi. (Vogel 1991, 91).

Còn tiếp...
Dương Ngọc Quyến biên dịch theo spp.edu.sg
-------------------------------
Chú thích
1: Trích dẫn trong Nishikawa (1993) trang 8 được đăng tải lại trên website của Cơ quan giáo dục quốc tế (International Bureau of Education, Tổ chức giáo dục, kho học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO, Paris) tại địa chỉ http://www.ibe.unesco.org/publications/ThinkersPdf/fukuzawe.pdf. Nguyên văn được lấy từ Fukuzawa (1885) và do Sinh Vinh dịch trên Fukuzawa Yukichi nenkan (Annals) 11, Mita, Tokyo, Fukuzawa Yukichi koykai 1984.
2. Chaebols: là những tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc.

Tài liệu tham khảo:
Elegant, Simon, and Michael Elliot. 2005. "Lee Kuan Yew Reflects". Time Asia 166 (24), on the Web on December 5. http://www.time.com/time/asia/covers/501051212/lky_intvu6.html.
Fukuzawa, Yukichi. 1885. "Datsu-A Ron" [Our Departure from Asia]. Jiji-shimpo, March 16.
Goh Keng Swee. 1995a. "Public Administration and Economic Development in LDCs." In
Wealth of East Asian Nations: Speeches and Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low,
128-45. Singapore: Federal Publications.
---. 1995b. "The Vietnam War: Round 3." In Wealth of East Asian Nations: Speeches and
Writings by Goh Keng Swee, ed. Linda Low, 313-32. Singapore: Federal Publications.
---. 1995c. The Economics of Modernization. Singapore: Federal Publications.
IMF (International Monetary Fund). 2003. "Interview with Raghuram Rajan: Top Economist
Calls for Rethink of IMF's Role." IMF Survey 32 (22): 361-64. http://www.imf.org/external/
pubs/ft/survey/2003/121503.pdf.
Lee Kuan Yew. 1998. The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew. Singapore: Times
Editions.
---. 2000. From Third World To First: The Singapore Story, 1965-2000. Singapore: Times
Media Private Ltd.
McNamara, Dennis L. 1990. Colonial Origins of Korean Enterprise, 1910-1945. Cambridge:
Cambridge University Press.
Nishikawa, Shunsaku. 1993. "Fukuzawa Yukichi." Prospects: The Quarterly Review of
Comparative Education XXIII (3/4): 493-506.
Vogel, Ezra F. 1991. The Four Little Dragons: The Spread of Industrialization in East Asia.
Cambridge, MA: Harvard University Press.
.
.
.

No comments: