Bùi Văn Phú
November 26, 2010
[Tháng Ba gãy súng. Cao Xuân Huy. 184 trang. Nxb Việt Nam tái bản lần thứ nhất 1989]
Tin Cao Xuân Huy qua đời làm tôi bùi ngùi thương tiếc, dù chẳng quen và chỉ biết tác giả qua tác phẩm đầu tiên của ông mà tôi đã đọc cách đây 20 năm: Tháng Ba gãy súng.
Trong tim tôi luôn có sự kính trọng những người lính Việt Nam Cộng hoà đã bảo vệ Miền Nam , những người đã bỏ súng, hay bị bẻ gãy súng, nhưng vẫn tiếp tục tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn bằng ngòi viết. Cao Xuân Huy chưa từng viết văn trong nước, nhưng ông đã cầm bút, đã làm văn học từ khi đến Hoa Kỳ vào năm 1983 cho đến cuối đời của ông.
Tôi hay đọc những tác phẩm viết về những tháng ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà để mong tìm ra lí giải cho sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, từ 55 Days, Decent Interval cho đến The Fall of Saigon là những quyển sách do các phóng viên hay cựu nhân viên CIA đã viết ra và được xuất bản chỉ ít năm sau tháng 4.1975.
Ba mươi năm trước cũng đã có tác giả người Việt ở hải ngoại viết về cuộc chiến Việt Nam trong những ngày cuối cùng, Nguyễn Cao Kỳ với 20 Years and 20 Days, Nguyễn Ngọc Ngạn với The Will of Heaven là những tác phẩm bằng tiếng Anh. Có Đại học máu của Hà Thúc Sinh viết bằng tiếng Việt thì về các trại học tập, cải tạo nhiều hơn.
Bài học Việt Nam 1975 có nhiều uẩn khúc mà tôi thường nghe, đọc thấy những nỗi uất ức của nhiều người lính Việt Nam Cộng hoà trong đó. Nói chung, người lính Việt Nam Cộng hoà đã không được phép chiến đấu bằng hết khả năng của họ.
Những ngày cuối tháng Tư 1975, ở Sài Gòn gặp người di tản từ Đà Nẵng, từ Huế, Nha Trang họ như mất thần, khóc lóc kể lại những cảnh chết chóc tang thương trên đường di tản bằng tàu, bằng đường bộ. Những câu chuyện chưa đánh giặc đã phải bỏ chạy làm ngạc nhiên nhiều người. Nhưng dân như chúng tôi và cả lính không ai lúc đó hiểu nổi.
Rồi 30.4 đến. Chuyện chiến tranh chấm dứt ở đó. Người ở lại chấp nhận cuộc đổi đời với tù tội, khó khăn cuộc sống. Kẻ thoát đi được, ra nước ngoài bận rộn với việc hội nhập, cố gắng làm lại cuộc đời nơi quê hương mới.
Ở Mỹ, tìm đọc sách báo thấy cảnh con tàu chở lính, đông nghẹt, di tản khỏi Huế từ bãi biển Thuận An vào tháng Ba. Hình ảnh chiếc máy bay Air America ở phi trường Đà Nẵng đang chuẩn bị cất cánh mà bên cạnh động cơ còn xác người bị kẹp. Ở cảng Đà Nẵng, những xác người trôi nổi giữa phao cấp cứu. Những ngày tháng Ba oan nghiệt của người dân miền Trung hình như chưa ai kể lại qua những trang sách.
Cho đến mười năm sau. Và người kể lại một phần câu chuyện đó là Cao Xuân Huy, cựu trung úy Thủy quân Lục chiến, Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 4.
25 tháng Ba năm 1975 Huế rơi vào tay bộ đội cộng sản Bắc Việt. Những người lính Việt Nam Cộng hoà không được lệnh bảo vệ mà phải rút lui, trong đó có đơn vị của trung úy Cao Xuân Huy đang nằm chờ ở bờ biển để được di tản vào Đà Nẵng. Đêm 26 rạng ngày 27.03 Huy và những người lính còn lại của đơn vị ông bị bắt làm tù binh.
Câu chuyện của Cao Xuân Huy qua hồi ký Tháng Ba gãy súng ghi lại khoảng thời gian từ 15.3, lúc tác giả còn ở Sài Gòn đi phép và đang tìm cách trở về đơn vị hiện đóng quân ở cây số 23 phiá bắc Huế, cho đến ngày 27.3 khi ông theo đoàn tù binh là lính Việt Nam Cộng hoà vừa bị bắt sau một cuộc rút lui vô cùng ngỡ ngàng theo lệnh cấp trên và đang được dẫn đi dọc quốc lộ 1 từ Huế về hướng bắc. Trên đoạn đường đó nhiều tù binh đã bị bộ đội xử bắn tại chỗ.
Cao Xuân Huy thoát chết là nhờ số mạng, hay nhờ ông ngoại phù hộ như tác giả kêu cầu khi đối diện với tử thần. Ông đã sống để kể lại những gì mình chứng kiến trong 12 ngày đêm ở tuyến đầu miền Nam Việt Nam qua cách viết chân thực, trong đó rổn rang những tiếng chửi thề, ngập hơi rượu, tình đồng đội và những cái chết nhẹ tựa lông hồng là điều rất thực về người chiến binh trong đơn vị của ông.
Hình như chưa ai kể lại những kinh hoàng của cuộc triệt thoái – hay rút lui – di tản bằng ngôn ngữ thật nhất như Cao Xuân Huy. Máu, thịt vương vãi. Đầu chẻ làm hai. Người chết dưới xích xe tăng, giữa mang sắt tàu. Những người lính bất tuân lệnh bị xử bắn ngay tại chỗ. Những người lính Thuỷ quân Lục chiến can trường không muốn để bị địch bắt làm tù binh, trên đường rút lui mà không còn hi vọng vì biết đã bị bỏ rơi nên cứ ba bốn người ôm nhau rồi cho nổ lựu đạn để cùng chết.
Trên đường rút lui, chờ di tản đơn vị ông ghi lại những chuyện khó có ai hiểu được. Một cô sinh viên văn khoa Huế có đầy đủ giấy tờ chứng minh, bồ của một người lính, cứ nhất định đòi đi theo người tình và thỉnh thoảng khóc lóc lớn tiếng, vái lạy tứ phương khiến có người nghi ngờ cô là cán bộ cộng sản gài vào đi theo đơn vị. Hay hình ảnh một nhà tu đầu trọc, mặc áo cà sa đeo súng đi bắt tù binh Việt Nam Cộng hoà. Câu chuyện lịch sử quân đội mà Cao Xuân Huy muốn ghi lại là một lữ đoàn Thuỷ quân Lục chiến, đơn vị thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hoà, bị một đại đội Việt Cộng bắt làm tù binh. Sự thất bại nhục nhã đó là một dấu hỏi lớn mà những lãnh đạo miền Nam phải trả lời cho những thế hệ mai sau.
Vài Mẩu Chuyện. Cao Xuân Huy. 125 trang. Tạp chí Văn Học xuất bản năm 2010.
http://buivanphu.files.wordpress.com/2010/11/buivanphu_caoxuanhuy_vaimauchuyen_blog1.jpg?w=245&h=378
Sau Tháng Ba gãy súng xuất bản lần đầu năm 1985 và đã được tái bản nhiều lần, Cao Xuân Huy chỉ in thêm một tập sách nữa mới phát hành trong năm nay trước khi ông giã từ cõi trần hôm 12.11.2010. Đó là tuyển tập Vài mẩu chuyện.
Cũng với lối viết giản dị nhưng rất thực về chiến tranh, mơ ước hoà bình, về đời sống tù cải tạo mà Cao Xuân Huy đã trải qua 4 năm rưỡi trong đó. Đọc “Người muôn năm cũ” để thấy ảnh hưởng của chiến tranh tâm lí qua đài Mẹ Việt Nam đã có sức mạnh làm lung lay tinh thần chiến đấu của bộ đội miền Bắc với giọng cô Hiền thường xuyên nhắc nhở đến chuyện “sinh Bắc tử Nam”.
Câu chuyện gặp gỡ giữa Huy và người bộ đội miền Bắc cũng gốc Hà Nội sau giờ ngưng bắn ngày 28.01.1973 cho thấy người Việt hai miền ai cũng mơ ước đất nước hoà bình. Nhưng anh bộ đội đã phải thay đổi thái độ ngay khi một đồng chí khác tiến đến gần chỗ hai người đang đứng nói chuyện với nhau. Để rồi chỉ chốc lát lại bắn giết mà anh bộ đội gốc Hà Nội chắc đã tử trận sau đó. Bi thảm của chiến tranh tưởng như đã hết nhưng nỗi oan nghiệt của hoà bình lại ùa tới.
Hệ quả của cuộc chiến với bao oan hồn của người dân, người lính còn ám ảnh tác giả trong chuyện “Chiếc lưỡi câu” ma quái.
Nguyện xin cho vong linh Cao Xuân Huy và những người đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam được gặp nhau trong an bình ở bên kia thế giới.
© Buivanphu 11.2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment