Sunday, November 28, 2010

KHI BẮC TRIỀU TIÊN ĐỔ (Fareed Zakaria)

Zakaria, The Washington Post
Monday, October 18, 2010

Hiếu Tân dịch
Ngày đăng: 28.11.2010

Seoul bài học quan trọng nhất rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính là lo lắng về những con “thiên nga đen.” Chúng là, như cách trình bày của Nassim Nicholas Taleb, những sự kiện khó xảy ra nhưng có tiềm năng gây ra những đổ vỡ lớn. Trong địa chính trị có một sự kiện như thế nó khiến tất cả chúng ra phải suy nghĩ căng – sự sụp đổ của bắc Triều Tiên.

Hầu hết chú ý của Washington dành cho kho đạn hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng có lẽ kịch bản dễ xảy ra hơn, và có thể là một kịch bản còn gây đỏ vỡ nhiều hơn, là sự phân rã của chế độ này.

Khi Christopher Hill, nhà ngoại giao kỳ cựu dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đàm phán với Bắc Triều Tiên, ở Seoul tuần trước lưu ý tôi rằng, tình hình ở Bắc Triều Tiên nghe như một câu chuyện châu Âu thời Trung cổ. Một ông vua già, cai trị một cách kỳ cục nhưng với quyền lực tuyệt đối, cuối cùng đã chỉ định kẻ kế vị - con trai út của ông ta. Hai mươi bảy tuổi, ít có kinh nghiệm về vũ trang hay chính quyền, bởi vậy người cha phải chỉ định một nhiếp chính. Nhiếp chính là người em rể của ông ta, và để củng cố hơn nữa sự nắm chặt quyền lực của gia đình, ông vua phong cho em gái của ông ta một chức tướng lĩnh cao cấp trong quân đội.

Đó là Bắc Triều Tiên ngày nay. Kim Jong Il, “lãnh tụ kính yêu” của đất nước, cuối cùng đã chỉ định người nối ngôi, con trai ông ta, Kim Jong Eun, và trao quyền lực mới cho em gái và em rể ông ta. Vở kịch Shakespeare này chắc sẽ rất vui nếu nó không phải là điềm báo trước tai họa. “Cái này giống như một sự kế vị được tính toán để ổn định một tình hình đang không ổn định,” Hill nói.

Bắc Triều Tiên đang tỏ ra có nhiều dấu hiệu bất ổn. Nó đã có một năm tồi tệ về kinh tế với việc tai hại là định lại giá đồng bạc của nó. Nạn thiếu thực phẩm và nạn đói vẫn là một phần của quanh cảnh. Những căng thẳng chính trị trong nước, có lẽ liên quan đến việc nối ngôi này, đã tạo ra tình trạng giao tranh bên ngoài, gay cấn nhất là việc đánh chìm tàu hải quân Cheonan của Nam Hàn, vào tháng Ba vừa qua.

Có lẽ đáng chú ý nhất, là Bắc Triều Tiên đang trở nên ngày càng biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài. Hiện nay trong nước này có khoảng 200.000 thuê bao điện thoại di động, và DVD được bán rộng rãi ở chợ đen. Nếu người Bắc Triều Tiên thật sự có được hình ảnh cuộc sống ở miền nam – hiện đại, sung túc, dân chủ - chắc chắn sẽ tạo ra bất bình xã hội và có lẽ hơn thế nữa. GDP theo đầu người của bắc Triều Tiên là 1.900$, Nam Triều Tiên là 28, 100$. Ở một số điểm, người Bắc Triều Tiên đang bắt đầu chuyển vào nam, để kiếm việc làm, tiền, cơ hội và tự do.

Và tại điểm này, ngoại trừ khi có kế hoạch cẩn thận trong Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, quang cảnh sẽ trở nên vô cùng lộn xộn.

Nam Hàn không muốn nghĩ về vấn đề này. Những câu hỏi tôi đặt ra với các chính khách Nam Hàn về những vấn đề này đều gặp những nụ cười lúng túng, những câu trả lời vội vã và chuyển đề tài. Tháng trước, Tổng thống Lee Myung-bak nêu lên một cách thông minh cái viễn cảnh về một gánh nợ không thể nào tránh khỏi của sự tái thống nhất, nhưng công chúng phản đối mạnh mẽ và vấn đề này nhanh chóng biến mất.

Điều này dễ hiểu. Người Triều Tiên nhớ một thí nghiệm như thế của thế giới trong thời gian gần đây. Mười năm sau ngày thống nhất nước Đức, vẫn còn những vết sẹo sâu và sự căng thẳng dai dẳng giữa hai miền. Năm phần trăm GDP của Đức được dành cho việc tái thống nhất – trong suốt một thập niên! trường hợp Triều Tiên gay gắt hơn nhiều. Bắc Triều Tiên to hơn và nghèo hơn nhiều so với Đông Đức.

Bắc Kinh đã chống lại việc gây một sức ép mạnh mẽ lên Bắc Triều Tiên, cả vì sự đoàn kết với chế độ này, nhưng chủ yếu vì mối lo hoảng thật sự về cái khả năng chế độ này sụp đổ (với những người tị nạn không chỉ miền nam mà cả miền bắc tràn vào Trung Quốc)

Washington từ trước đến nay phần lớn chỉ bận tâm về kho hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng để giải quyết vấn đề ấy, nó sẽ cần thảo luận với Trung Quốc những quy tắc tiến tới khi Bình Nhưỡng đổ.


Có những vấn đề lớn đang đe dọa. Liệu một nước Triều Tiên thống nhất có duy trì quan hệ chặt chẽ vói Mỹ không? Nó còn giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của nó không? Liệu quân Mỹ có ở lại nước này? Nếu câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên là “Có”, thì một nước triều Tiên độc lập sẽ là một đồng minh của Mỹ, với quân đội Mỹ và vũ khí hạt nhân ở kề ngay biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phản ứng với điều đó như thế nào? Nó có đưa quân vào để chống đỡ chế độ này không? Lúc ấy các lực lượng Nam Triều Tiên và Mỹ có thể sẽ làm gì?

Khi Bắc Triều Tiên sụp đổ, sẽ dễ dàng tưởng tượng sự hỗn loạn trên bán đảo triều Tiên châm ngòi cho hàng loạt phản ứng từ Bắc Kinh và Washington đang tranh đua và thù địch với nhau. Quên đi cuộc tranh cãi thanh lịch về giá trị của đồng nguyên – đây là điều có thể gây ra bất ổn địa chính trị nghiêm trọng. Và đó là lý do tại sao điều cốt tử là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nam Triều Tiên bắt đầu cuộc nói chuyện về những con “thiên nga đen.”
.
.
.

No comments: