Thursday, August 19, 2010

VỤ VINASHIN : CHỐNG PHÁ LẪN NHAU TRONG NỘI BỘ CHỐP BU ĐẢNG CSVN

Vụ Affair Vinashin: Chống phá lẫn nhau ở Trung ương để giữ ghế chia phân trong Đại hội 11

Âu Dương Thệ

DC&PT - Thời Sự 2010

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội 11, nơi sẽ quyết định số phận danh vọng và tiền bạc của nhiều nhân vật trong chế độ độc tài toàn trị. Vì thế cuộc tranh đua giành giật giữ phần các ghế cao, các chỗ hái ra tiền ở trong Bộ chính trị, Nhà nước, Quốc hội…đang diễn ra rất ráo riết, quỉ quyệt và rất tàn bạo. Đầu tháng 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng Sản đã công bố danh sách những sai phạm lớn của nhiều tổ chức Đảng và chính phủ. [i][1] Trong số này phải kể tới Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt nam thường được biết với cái tên Vinashin, đây là một doanh nghiệp Nhà nước. Gần một tháng sau Chủ tịch Hội Đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành Phạm Thanh Bình đã bị bắt tạm giam.[ii][2] Nhưng có lẽ Nguyễn Tấn Dũng đã cảm thấy đây là luồng gió độc có thể hại mình, nên chỉ một tuần sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo thì ông Dũng đã ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ của Phạm Thanh Bình trong Vinashin để vừa chứng tỏ là ta cứng rắn đồng thời cũng để trừ hậu hoạn.[iii][3]

Chỉ trong thời gian vài năm Phạm Thành Bình đã trở thành một nhân vật quan trọng và có quyền lực từng cai quản trên 200 tổng công ti và công ti với số nhân viên lên tới trên 70.000 người. Đã có một thời gian sự ưu đãi của Chính phủ cho Vinashin đến nỗi „không biết dùng tiền đề làm gì“! Nhưng từ khi Phạm Thanh Bình bị bắt báo chí của chế độ mới bắt đầu moi ra cách mở rộng Vinashin rất ồ ạt ra đủ mọi ngành từ cửa hàng Auto Vinashin tới trại nuôi lợn Vinashin và nhất là các phương pháp chi tiêu hàng trăm tỉ đồng, do thuế của dân, một cách vô cùng phí phạm của Phạm Thanh Bình như vất bạc tỉ qua cửa sổ! Không những thế Phạm Thanh Bình còn cho con trai, em trai, em vợ vào giữ những chức vụ quan trọng trong Vinashin. [iv][4]

Ngày 4.8 trong cuộc họp nội các Nguyễn Tấn Dũng đã cho công bố Thông báo của Văn phòng Chính phủ về Vinashin và mãi 4 ngày sau (8.8) mới công bố Kết luận của Bộ chính trị ngày 31.7 về Vinashin. Mới thoạt đọc qua, người ta có cảm tưởng như nội dung hai văn kiện này khá giống nhau. Nhưng phân tích kĩ thì sẽ thấy có những điểm rất khác lạ từ nội dung cho tới cách xếp đặt thứ tự, thậm chí kình chống lẫn nhau và chứa đựng những câu hỏi lớn cho các quan sát viên theo dõi tình hình nội bộ nhóm lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN. Hai bản văn của Bộ chính trị và Chính phủ cho thấy một bên đổ tội cho bên kia, trong khi ấy bên kia thì tìm cách lại đổ lỗi từ các yếu tố bên ngoài, dù rằng cả hai bên trong hai văn kiện quan trọng này không một nhân vật nào trong Bộ chính trị cũng như Chính phủ bị nêu đích danh. Nhưng nếu phân tích kĩ thì Bộ chính trị đã đưa ra cả một chuỗi những kết án và buộc tội ai đã là thủ phạm chính đứng đằng sau các vụ ném hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế do mồ hôi nước mắt của người dân qua cửa sổ của Vinashin trong suốt bốn năm qua.

Hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế của dân đã bị ném qua cửa sổ như thế nào ?

Cả Kết luận của Bộ chính trị lẫn Thông cáo của Chính phủ cho biết, tổng số nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tầu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lên tới 86.000 tỉ đồng (khoảng 4,5 tỉ USD).[v][5] Nếu so với tổng sản lượng của VN hiện nay khoảng 100 tỉ USD/năm thì đây là một món nợ rất lớn. Thử làm một sự so sánh: Nếu đem số nợ của Vinashin gây ra cho ngân sách nhà nước VN đối chiếu với tổng sản lượng của Mĩ (2008) là 14.265 tỉ USD [vi][6] thì số nợ sẽ lên tới trên 630 tỉ USD. Hãy thử tưởng tượng một cơ quan của chính phủ Mĩ hoạt động sai phạm đã gây ra món nợ 630 tỉ USD cho nhân dân Mĩ thì người dân Mĩ sẽ phản ứng như thế nào và chính phủ Mĩ sẽ bị điêu đứng và khiển trách ra làm sao?

Con số nợ thực sự của tập đoàn nhà nước Vinashin có lẽ còn cao hơn nhiều. Từ giữa tháng 6. 2006, chỉ ít ngày trước khi Nguyễn Tấn Dũng được cử làm Thủ tướng (TT) (khi ấy ông Dũng đang làm Phó Thủ tướng Thứ nhất phụ trách kinh tế thời TT Phan Văn Khải), Vinashin từ Tổng công ti đã được nâng cấp thành Tập đoàn. Từ đó suốt bốn năm làm TT, Nguyễn Tấn Dũng đã để cho Tập đoàn Vinashin được hầu như tự do hoạt động. Ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị còn kiêm cả Tổng giám đốc điều hành. Nghĩa là trong Vinashin ông Bình vừa thổi còi vừa đá bóng, toàn quyền trong mọi quyết định theo cách tiền trảm hậu tấu. Báo chí trong nước tường thuật, có những trường hợp hôm trước ông Bình vừa mới thông báo cho Nguyễn Tấn Dũng quyết định mua tầu thì chỉ ngày hôm sau ông đã đặt đơn mua hàng không cần chờ các cơ quan kiểm tra.[vii][7] Điều này cho thấy sự tin cậy cá nhân đã thay thế qui chế điều hành của Chính phủ đối với một doanh nghiệp nhà nước. Nguyễn Tấn Dũng đã khoán trắng cho Phạm Thanh Bình đến mức độ như thế nào trong các hoạt động của Vinashin! Nhưng mặt khác cũng cho thấy sự lẫn lộn giữa công và tư, nói một cách khác là các qui định của chính phủ trong việc điều hành các doanh nghiệp nhà nước đã bị coi thường. Nghĩa là người đứng đầu chính phủ hoàn toàn thiếu trách nhiệm trong việc theo dõi các hoạt động của Vinashin . Cũng như Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Thanh Bình là người Cà mâu. Nhưng cho tới nay chưa thấy tiết lộ là hai người này đã có những liên chặt chẽ với nhau như thế nào và từ bao giờ.

Đúng ra nhiệm vụ chính của Vinashin là đóng tầu thủy mới và sữa chữa tầu. Mục tiêu của nhóm lãnh đạo đưa ra là Vinashin phải trở thành mũi nhọn của kinh tế VN, nhất là sau khi Hội nghị Trung ương một số năm trước đã có quyết định là từ nay tới 2020 kinh tế biển phải trở thành trọng tâm của kinh tế VN. Trong một cuộc phỏng vấn trước bị bị bắt tạm giam Phạm Thanh Bình đã mô tả mục tiêu to lớn và lâu dài của Vinashin là muốn dùng đường vận chuyển biển thay cho đường bộ và đường sắt, ông đã thuyết phục những người trên ông về mục tiêu này. [viii][8] Có lẽ vì thế cho nên thay vì lo đóng tầu (đòi hỏi thời gian rất dài cả hàng chục năm –từ khi học tập kĩ thuật đóng tầu biển cho tới khi phát triển) từ năm 2006 Phạm Thanh Bình đã biến Vinashin thành nơi nhập khẩu các tầu của nước ngoài, đặc biệt lại là những loại tầu cũ.

Báo chí trong nước đã cho biết, chỉ trong vòng hai năm 2006-07 Phạm Thanh Bình đã kí quyết định cho mua tới 10 tầu ngoại quốc cũ với tống số là trên 3.000 tỉ đồng. Trong số này có những tầu cũ đến nỗi đã phải bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để tu sửa và canh tân trở thành „khách sạn 3 sao“ trên biển chở khách Bắc-Nam, như tầu Hoa sen trị giá 60 triệu Euro nhưng chỉ dùng được vài lần đã phải buộc neo ở hải cảng Nha trang.[ix][9] Hay tàu Bạch Đằng giang trị giá trên 168 tỉ đồng, sau nhiều lần tu sửa và nâng cấp thành „khách sạn 4 sao“, nhưng sau thời gian dài để phơi nắng phơi sương, cuối cùng phải bán thanh lý phần thân vỏ tàu sắt vụn để thu được 66 tỉ 190 triệu đồng. Chỉ riêng hai việc này ngân sách Nhà nước, tức thuế của nhân dân, đã mất hàng trăm tỉ đồng…[x][10] Sở dĩ Phạm Thanh Bình đã có thể chi tiền rộng rãi như thế là vì chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng đã ưu đãi đặc biệt về tài chánh cho Vinashin. Vinashin đã được Chính phủ đứng bảo lãnh để vay nước ngoài 750 triệu USD.[xi][11] Chỉ tính riêng từ 9.2006 đến 4.2007, Vinashin đã phát hành 6 đợt trái phiếu trong nước với tổng số tiền huy động lên đến 8.300 tỉ đ. và các khoản vay khác tổng giá trị lên tới 13.672 tỉ đ...[xii][12]. Ngay cả năm 2009 Chính phủ lại vẫn cho Vinashin phát hành thêm 3.000 tỉ đồng trái phiếu.[xiii][13]

Nói tóm lại, so với vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU 18 trước đây 5 năm thì vụ tiêu sài phí phạm và gây món nợ cho nhà nước 86.000 tỉ đồng của Vinashin còn cao hơn nhiều. Đứng về phương diện quản trị tài chánh công và phát triển kinh tế thì các hoạt động của Vinashin trong bốn năm qua rõ ràng là đã phá hoại tài sản của nhân dân, lũng đoạn tài chánh công và làm tan nát kinh tế VN!

Nhưng so với vụ tham nhũng nghiêm trọng PMU 18 trước đây thì trong vụ Vinashin cho tới thời điểm này các bên còn tự kiềm chế chưa nêu tên các nhân vật chính. Có lẽ các phe sợ rằng, nếu làm quá thì phía bên pkia cũng có thể có phản ứng quá mạnh ngược lại, vượt qua tầm kiểm soát cho cả hai bên, từ đó có thể đưa tới thiệt hại chưa thể lường được. Cho nên các bên chỉ tập trung đổ tội một mình cho Phạm Thanh Bình.

Trong khi ấy các báo chí của chế độ cũng giữ thái độ tránh né, viết theo “lề phải”. Cho tới nay các bài báo chỉ tập trung tố cáo sự lạm dụng quyền hành của Phạm Thanh Bình trong việc chi tiền và cất nhắc cả con trai, em trai… Các báo không dám nêu ai đứng đằng sau bảo vệ cho ông Bình chi tiêu hàng ngàn tỉ đồng trong vài năm qua. Có thể họ rút kinh nghiệm đau khổ của một số đồng nghiệp trong vụ PMU 18 vì đã dám viết bài tố một số tham quan lớn đính lúi ăn bẩn, nên sau ĐH 10 một số Tổng biên tập đã bị cách chức và một số nhà báo đã bị bắt giam.

Bộ chính trị đổ lỗi cho Chính phủ

Ngày 31.7 Ban cán sự Đảng Chính phủ, đứng đầu là Nguyễn Tấn Dũng đã phải báo cáo Bộ chính trị về các nguyên nhân đưa tới tình trạng nợ nần quá lớn của Vinashin trong thời gian ông Dũng làm TT. Trong Bộ chính trị hiện nay vai trò của Nguyễn Phú Trọng rất mạnh và ai cũng biết hai ông Trọng và Dũng không ưa nhau, một người gian thâm và một người thích nổ. Trong bốn năm qua ông Trọng đã phê bình và chế diễu ông Dũng một số lần công khai, không những thế phe Nguyễn Phú Trọng ít nhất đã hai lần buộc tội Nguyễn Tấn Dũng đã có những sai lầm trong lãnh vực mình phụ trách. Lần thứ nhất khi Nguyễn Tấn Dũng đã để xẩy ra nạn lạm phát phi mã trong hai năm 2007-08, lần thứ hai mới xẩy ra vào giữa tháng 6 khi Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội „bác“ Siêu Dự án đường sắt cao tốc của Chính phủ.[xiv][14] Chính trong việc này tờ Quân đội đã phải viết bài bình luận bênh vực và giàn hòa cho cả hai bên. [xv][15]

Vụ Vinashin lại là một cơ hội tốt không lâu trước ĐH 11 để phe Nguyễn Phú Trọng chỉ trích thêm Nguyễn Tấn Dũng. Ngay trong phần mở đầu của Bản Kết luận Bộ chính trị đã xác định mốc thời điểm từ giữa năm 2006 để đánh giá các hoạt động của Vinashin, tức là từ khi theo quyết định của TT Phan Văn Khải Vinashin đã được chuyển từ Tổng công ti lên thành Tập đoàn. Nhưng đáng để ý là cũng vào thời điểm này Nguyễn Tấn Dũng đã được cử làm TT (cuối tháng 6.2006.) Bản kết luận đã lên tiếng khen các hoạt động thành công của Vinashin suốt trong 10 năm từ 1996-2006: Riêng trong thời kỳ từ năm 1996 - 2006, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao (bình quân 35% - 40%/năm), kinh doanh có lãi; tăng được vốn chủ sở hữu và giá trị tài sản của doanh nghiệp.“[xvi][16]

Nhưng Bản kết luận của Bộ chính trị đã kết án nghiêm khắc Vinashin từ giai đoạn giữa 2006 cho tới nay:

„…hiện nay, Vinashin đang gặp nhiều khó khăn rất lớn, bộc lộ nhiều yếu kém, sai phạm nghiêm trọng: (1) Đầu tư mở rộng quá nhanh, quy mô lớn, một số dự án trái với quy hoạch được phê duyệt, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn, có lĩnh vực không liên quan đến công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, trong đó nhiều lĩnh vực kém hiệu quả, có nhiều công ty, dự án thua lỗ nặng nề. (2) Tình hình tài chính đứng trước bờ vực phá sản: Theo số liệu ban đầu, ước tính dư nợ hiện đang rất lớn, lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng; nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng; tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền. (3) Sản xuất, kinh doanh hiện đang bị đình trệ; bị mất hoặc giảm nhiều đơn đặt hàng; nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả. (4) Tình hình nội bộ diễn biến phức tạp: Hơn 70.000 cán bộ, công nhân viên lo lắng do việc làm và thu nhập giảm; hiện đã có khoảng 17.000 công nhân chuyển việc hoặc bỏ việc; 5.000 công nhân bị mất việc làm; nhiều công nhân của một số nhà máy, xí nghiệp bị chậm trả lương trong nhiều tháng... „[xvii][17]

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, các nhân vật nào và cơ quan nào đã để cho Vinashin ném tiền hàng ngàn tỉ qua cửa sổ suốt trong bốn năm qua và đẩy doanh nghiệp nhà nước này đang đi vào phá sản? Người ta hiểu tại sao Bộ chính trị trong Bản kết luận đã không nêu đích danh người chịu trách nhiệm chính trong việc này vì lẽ dễ hiểu là dứt giây động rừng sẽ chết cả lũ! Nhưng ai cũng biết, trong đoạn trên các nhân vật chống Nguyễn Tấn Dũng trong Bộ chính trị đã ám chỉ tới Nguyễn Tấn Dũng. Vì theo qui định về thẩm quyền của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước thì trong tư cách là TT, Nguyễn Tấn Dũng điều khiển các hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, trong đó được quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm các thành viên Hội Đồng Quản trị và Ban Giám đốc. Không những thế, theo chỉ thị của TT, Bộ Tài chánh và Ngân hàng Nhà nước sẽ cung cấp ngân sách hoạt động cho Vinashin và Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm sát việc chi tiêu của Vinashin. Như vậy Nguyễn Tấn Dũng, trong tư cách đứng đầu Chính phủ, phải chịu trách nhiệm trực tiếp tới các hoạt động của Chủ tịch Hội Đồng Quản trị và kiêm Tổng Giám đốc Phạm Thanh Bình trong suốt bốn năm từ 2006 tới nay. Chính trong thời gian này Phạm Thanh Bình đã tạo ra một số nợ khổng lồ lên tới 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD), không những thế nhiều tầu của Vinashin mua từ nước ngoài trị giá hàng ngàn tỉ đồng đã trở thành đống sắt vụn hoặc không thể hoạt động nữa! Rõ ràng đây là một sự phí phạm tài sản của nhà nước do thuế của người dân đóng góp.

Trong khi đó Thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 4.8 lại đổ lỗi cho sự làm ăn thua lỗ của Vinashin là từ những nguyên nhân khách quan là chính, còn các sai lầm chủ quan thì chỉ qui chụp cho một mình Phạm Thanh Bình. Thông báo của Văn phòng Chính phủ đã đổ cho việc “ thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột” từ khi xẩy ra khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2008 là nguyên nhân chính dẫn tới suy sụp hầu như phá sản của Vinashin. Đồng thời cũng kết án “ Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu”. Bản Thông báo còn xác nhận Hội đồng Quản trị Vinashin đã qua mặt Nguyễn Tấn Dũng qua việc báo cáo gian:Năm 2009 và Quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi.”[xviii][18]

Mãi tới điểm 5 Thông báo của Văn phòng Chính phủ mới xác nhận lỗi của chính phủ 5. Sự chỉ đạo của Chính phủ, của các Bộ ngành trong việc khắc phục yếu kém, sai phạm và tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Vinashin”. Nhưng liền đó, theo Thông báo, vẫn còn bào chữa bảo rằng:Ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của Tập đoàn, yêu cầu cắt giảm các dự án đầu tư nhằm tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng mới tàu biển.[xix][19]

Trong khi ấy Bản kết luận của Bộ chính trị lại kết án thẳng phía Chính phủ đã điều hành rất lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với tình hình Vinashin: “từ năm 2006 - 2009 tuy đã qua 11 lần kiểm toán, kiểm tra, thanh tra nhưng vẫn không phát hiện được đầy đủ, kết luận đúng tình hình và những yếu kém, khuyết điểm nghiêm trọng của Tập đoàn, chưa đưa ra được những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả, mặc dù những biểu hiện về những khó khăn, khuyết điểm của Vinashin đã được cơ quan thông tin đại chúng và dư luận phản ánh, cảnh báo từ sớm và nhiều lần.”[xx][20]

Ngoài ra, trái với Thông báo của Văn phòng Chính phủ đã dành phần quan trọng đổ lỗi suy sụp cùa Vinashin là do nguyên nhân khách quan từ khủng hoảng kinh tế thế giới, Bản kết luận đã khẳng định “nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu”, trong đó do sai lầm của Hội đồng Quản trị của Vinashin và sự điều hành của Chính phủ. Bản kết luận chỉ nói rất sơ qua về nguyên nhân khách quan.

* * *

Như vậy cách nhận định, kết luận và kết án của Bộ chính trị và Chính phủ về món nợ khổng lồ 4,5 tỉ USD, làm ăn thua lỗ suốt trong bốn năm qua đến mức độ phá sản của doanh nghiệp nhà nước Vinashin là hoàn toàn trái ngược nhau. Tuy nhiên, thật hết sức kì lạ, cho tới nay chỉ có một mình Phạm Thanh Bình bị bắt tạm giam, còn tất cả các cơ quan khác và các nhân vật khác có liên hệ trực tiếp tới các hoạt động của Vinashin thì vẫn bình chân như vại, không ai dám động chạm tới, như hai Ủy viên Bộ chính trị TT Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (phụ trách mảng kinh tế), Ủy viên Trung ương đảng Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương đảng Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Giầu, Ủy viên Trung ương đảng Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền...Ngạc nhiên nữa là, Bộ chính trị còn chỉ định Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Tình trạng này phản ảnh đặc điểm của pháp chế Xã hội chủ nghĩa là chỉ các tép con bị bắt, còn các con cá gộc thì vẫn tung tăng!

Rõ ràng đây là quyết định để giữ nguyên tình trạng của những người có quyền lực trong Bộ chính trị. Đối với việc để thất thoát tài sản quốc gia lớn như vậy thì đây là thái độ cực kì vô trách nhiệm đối với nhân dân của những người có trách nhiệm trong Bộ chính trị. Tình thế này có thể giải thích là phe Nguyễn Phú Trọng tuy mạnh nhưng vẫn không đủ quyền hành, nên không thể loại Nguyễn Tấn Dũng mà chỉ có thể đẩy Nguyễn Tấn Dũng phải nhìn nhận vai trò có tính cách quyết định của phe ông Trọng trong ĐH 11 sắp tới.

Không những thế, là người cực kì bảo thủ và quyết giữ các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước làm “nền tảng”[xxi][21] của sinh hoạt kinh tế trong thời gian tới, cho nên Nguyễn Phú Trọng hiểu được không nên để báo chí chế độ khai sâu và mở rộng hơn nữa về chủ đề Vinashin. Nó có thể gây ra những bất lợi đến mức tuột tay kiểm soát, nhất là trong thời điểm rất nhạy cảm trước thềm của ĐH 11. Điều này cho thấy, tuy ở thế mạnh nhưng phe của Nguyễn Phú Trọng vẫn không giám có quyết định mạnh đối với một số nhân vật có trách nhiệm trực tiếp trong sự làm ăn thua lỗ của Vinashin. Thái độ dứt giây sợ động rừng chết cả lũ cho nên chỉ muốn bắn dọa để uy hiếp đối thủ, còn thực tâm vẫn muốn giữ nguyên tình trạng. Đối với những người đang nắm quyền lực của chế độ độc tài toàn trị thì việc thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng tài sản quốc gia do sự đóng góp của nhân dân qua thuế không phải là điều quan tâm hàng đầu, nhưng chỉ có sự tồn tại của chế độ qua việc giữ ghế chia phần giữa các phe với nhau mới là chính yếu. Thái độ này phản ảnh quan điểm được trình bày trong Bản kết luận của Bộ chính trị:

„Tình hình của Vinashin có thể ảnh hưởng xấu đến các tổ chức tín dụng, các đơn vị được nhận chuyển giao, ngân sách nhà nước, sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, việc làm và thu nhập của cán bộ, công nhân Tập đoàn và nhiều hộ gia đình nông dân nơi có đất bị thu hồi; ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp nhà nước và mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước; tác động tiêu cực đến ổn định chính trị - xã hội của đất nước. „ [xxii][22]

Từ đây người ta có thể thấy rõ, những nhân vật bất tài và vô trách nhiệm sẽ tiếp tục ăn trên ngồi chốc trong ĐH 11 sắp tới, vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được duy trì. Cỗ xe ngốn tiền bạc này của nhân dân, nơi làm ăn vô trách nhiệm, nơi các quan bất tài nhưng ăn bẩn để làm giầu bất chính sẽ tiếp tục tác oai tác quái phí phạm tài sản của nhân dân và phá hoại kinh tế VN !

.

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

.

.

.



No comments: