Thursday, August 19, 2010

VIỆT NAM - BẮT ĐẦU MỘT GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI DỒN DẬP

Bắt đầu một giai đoạn thay đổi dồn dập

Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 19/08/2010 lúc 13:49:21 EDT

http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=5035

Quan hệ Việt – Trung đã thay đổi từ ngày 31-12-2008. Ngày hôm đó Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất việc cắm mốc biên giới một cách tưng bừng, nhưng sau đó quan hệ giữa hai nước nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu. Các biến cố gây căng thẳng dồn dập tới.

Một vài thí dụ

Tháng 4-2009 Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông từ 15/5 đến hết tháng 8 và ngay sau đó gia tăng uy hiếp ngư dân Việt Nam, bắn chết nhiều người, bắt giam, tịch thu tài sản, phạt tiền v.v. Việt Nam mới đầu im lặng, thậm chí còn nhìn nhận ngư dân Việt Nam có ăn cắp lưới để biện minh cho sự khiếp nhược của mình, sau đó phản đối một cách ngày càng quả quyết hơn.
Tháng 5-2009 Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền kinh tế trên biển với một vùng hình lưỡi bò bao gồm gần trọn Biển Đông và biểu quyết đạo luật bảo vệ vùng biển và các hải đảo; Việt Nam phản đối và tranh thủ được sự đồng tình của Malaysia trong một bản tuyên bố chung về lãnh hải của hai nuớc đệ trình Liên Hiệp Quốc.
Tháng 7-2009, cùng với việc Mỹ chấp nhận ký Thoả Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với ASEAN để có thể tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit, EAS), ngoại trưởng Mỹ trưởng Mỹ Hillary Clinton trịnh trọng tuyên bố tại Bangkok: "Mỹ trở lại Đông Nam Á".
Trung Quốc tổ chức du lịch trên Hoàng Sa và Việt Nam phản đối. Trung Quốc và Việt Nam đều đặt chính quyền địa phương tại Hoàng Sa và Trường Sa. Gần đây, tháng 3 năm nay, Trung Quốc tiến thêm một bước quyết định trong tham vọng bành trướng, tuyên bố coi Biển Đông là vùng “quyền lợi cốt lõi”, một cách để nói rằng sẵn sàng dùng võ lực nếu cần.
Một số sự kiện khác cũng đã góp phần đầu độc quan hệ giữa hai bên một cách quyết định. Các báo điện tử Trung Quốc cho đăng một số bài đe doạ đánh Việt Nam, hoặc cảnh giác về "nguy cơ" Việt Nam sẽ tấn công họ; tướng hồi hưu Tô Quang Vũ tuyên bố: "Sở dĩ trong quá khứ chúng tôi bình lặng trong các tranh chấp với các nước láng giềng là vì hải quân của chúng tôi chưa đủ sức bảo vệ các khu kinh tế của mình, nhưng bây giờ thì hải quân đã có khả năng làm nhiệm vụ". Sự "bình lặng" của Trung Quốc cho tới nay đã quá ngột ngạt rồi, người ta tự hỏi Trung Quốc sẽ còn hung hăng như thế nào trong thời gian sắp tới? Gần như một lời tuyên chiến. Nên nhớ là khác với tại các nước phương Tây, các tướng hồi hưu Trung Quốc vẫn còn sinh hoạt đảng và đo đó những điều họ tuyên bố về chính sách của nhà nước vừa phản ánh những gì họ đã biết trong thời gian tại chức vừa không thể trái với chính sách hiện hành. Vả lại đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc đã không hề đưa ra một lời đính chính nào sau đó. Các nước trong vùng đều đã hiểu là Trung Quốc đã dứt khoát chọn lựa chính sách bá quyền khu vực dựa trên sức mạnh, và họ đều đã nhanh chóng tăng cường sức mạnh không quân và hải quân, đặc biệt là Việt Nam, nước chịu áp lực trực tiếp và mạnh nhất của Trung Quốc, đồng thời cũng là nước có thể bị thiệt hại quyền lợi nhiều nhất. Chính quyền CSVN đã hiểu là dù muốn hay không đối đầu cũng là chọn lựa bắt buộc. Một đối sách mới bắt đầu. Việt Nam làm ngơ để cho một số trí thức lên án Trung Quốc, cụ thể là phản đối dự án cho Trung Quốc khai thác bôxit tại Tây Nguyên, sau đó bộ ngoại giao lập trang Web
Biên Giới Lãnh Thổ chủ yếu đưa những thông tin và tuyên cáo phản đối sự chèn ép của Trung Quốc; Việt Nam mua máy bay chiến đấu hiện đại và tàu ngầm của Nga và Trung Quốc coi đây như là một sự chuẩn bị để đối đầu với họ. Việt Nam gia tăng quan hệ hợp tác về quân sự với các cường quốc, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm viếng Hoa Kỳ, và Trung Quốc nói bóng gió rằng Việt Nam đang tìm hậu thuẫn để chống lại họ.
Tháng 3 và tháng 4-2010 Trung Quốc cho tập trận hải quân trong vùng Đông Nam Á xuống tận phía đông eo biển Malacca và thực tập oanh tạc các mục tiêu ngoài biển trong vùng Trường Sa. Trung Quốc cũng không giấu mục tiêu nới rộng hoạt động của hải quân ra khắp Thái Bình Dương. Sự leo thang dồn dập của Trung Quốc đã khiến Hoa Kỳ hiểu rằng họ phải hiện diện tích cực hơn tại vùng này. Các tàu chiến Mỹ trang bị hoả tiễn Tomahawk được điều động đến thăm viếng thường xuyên Biển Đông và các vùng biển lân cận. Nên lưu ý là trái với các hoả tiễn nguyên tử chỉ có mục đích phô trương một khả năng hành động trong trường hợp tuyệt vọng, các hoả tiễn Tomahawk là những hoả tiễn chính xác với tầm hoạt động 2500km đã từng được sử dụng, chúng nói lên một ý chí sẵn sàng can thiệp nếu cần. Mỹ cũng bán thêm vũ khí cho Đài Loan và tập trận với hải quân Hàn Quốc ngay sát nách Trung Quốc. Báo chí và các quan chức Việt Nam nói tới các chuyển động của hải quân Mỹ một cách có thiện cảm.
Người ta còn có thể kể vô số thí dụ khác. Điều đáng lưu ý là những lời qua tiếng lại giữa Trung Quốc và Việt Nam ngày càng nhiều và càng ít nể nang. Tuy chưa có những lời tuyên bố thực sự thù địch giữa hai chính quyền nhưng người ta không thấy một thiện chí hoà giải nào, trái lại căng thẳng ngày càng gia tăng.

Và điểm đoạt tuyệt vừa đạt tới
Tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) khai mạc tại Hà Nội ngày 23-7 vừa qua, ngay sau hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, Mỹ và các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, đã công khai đứng cùng một phía đối đầu với Trung Quốc, cùng phản bác những yêu sách của Trung Quốc và cùng ủng hộ công thức giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông qua thảo luận đa phương thay vì qua những cuộc thương thuyết song phương như Trung Quốc vẫn đòi hỏi. Ngay trước mặt ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố rằng quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ gắn bó với tình hình an ninh, tự do lưu thông và sự tôn trọng công pháp quốc tế trên Biển Đông, do đó Hoa kỳ đặc biệt quan tâm tới những tranh chấp trong vùng biển nàykể cả những tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các nước muốn giải quyết những tranh chấp bằng thương thuyết thay vì sức mạnh. Bà Clinton nói thêm rằng chủ quyền kinh tế trên biển chỉ có thể xác định dựa trên chủ quyền đã được nhìn nhận về đất và đảo. Ngoài việc phủ nhận cái lưỡi bò của Trung Quốc đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ chính thức bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và, một cách gián tiếp nhưng rõ rệt, đứng về phía các nước ASEAN và Việt Nam trong thế đối đầu với Trung Quốc. Đúng là Hoa Kỳ đã trở lại Đông Nam Á.

*


Phải nhìn bước ngoặt quan trọng này như thế nào?

Trước hết, đối với Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á vào lúc này chỉ giản dị là trở lại Việt Nam. Bởi vì người Mỹ không có nhu cầu "trở lại" Đông Nam Á. Họ chưa hề ra đi và còn đang hiện diện rất mạnh tại đây. Năm nước Đông Nam Á quan trọng –Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Singapore- đều là những đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Trở lại Việt Nam có nghĩa là Mỹ sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và sẽ không để cho Trung Quốc ức hiếp Việt Nam. Và quả như thế, đầu tháng 8, tàu sân bay George Washington đến thăm cảng Đà Nẵng, một hội nghị giữa Hoa Kỳ và bốn nước thuộc hạ lưu sông Mê Kông đang khốn khổ vì Trung Quốc xây đập giữ nước trên thượng nguồn –Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan- sắp được triệu tập; sau đó là một hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vào tháng 10 sắp tới. Tất cả như báo hiệu một liên kết giữa các nước ASEAN dựa vào Mỹ để đương đầu với Trung Quốc.

Điều thứ hai cần được đặc biệt lưu ý là Mỹ đã trở lại Đông Nam Á trong thế thượng phong. Từ lâu các nước ASEAN đã muốn Hoa Kỳ hiện diện tích cực hơn trong vùng. Từ nhiều năm nay họ đã yêu cầu Hoa Kỳ ký Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với ASEAN để hiện diện trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) nhưng Hoa Kỳ đã từ chối. Lý do là vì hiệp ước này qui định các nước ký kết không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, thí dụ như không đặt vấn đề nhân quyền. Đó là điều khoản mà Hoa Kỳ không chấp nhận, họ đang trừng phạt Myanmar (Miến Điện), một thành viên ASEAN, vì vi phạm nhân quyền và cũng dành quyền nhắc nhở Việt Nam vì cùng lý do. Dù điều khoản này chỉ hiện diện trong hiệp ước như một nguyên tắc chứ không phải như một ràng buộc –không có qui định chế tài nào đối với các nước không tôn trọng- nhưng Hoa Kỳ vẫn muốn giữ khả năng can thiệp một cách danh chính ngôn thuận, và vấn đề đã dùng dằng từ nhiều năm nay. Sau cùng thì trước chính sách bá quyền ngày càng lộ liễu của Trung Quốc các nước ASEAN đã phải nhượng bộ để có được hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Chính họ, trong hội nghị các ngoại trưởng ASEAN tại Hà Nội ngay trước Diễn Đàn Khu Vực ARF, đã phải vị phạm nguyên tắc này bằng cách phê phán mạnh mẽ tập đoàn quân phiệt Myanmar. Việt Nam cũng đã phải nhượng bộ. Theo ông Phạm Gia Khiêm, Hà Nội đã chấp nhận coi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam như là một vấn đề để thảo luận chứ không còn là một vấn đề nội bộ nữa. Tóm lại, dù cần bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của mình tại Đông Nam Á và trên Biển Đông, Hoa Kỳ đã chỉ trở lại trong thế mạnh, với sự cầu khẩn của các nước ASEAN, và đặc biệt của chính quyền CSVN. Không những thế Mỹ còn trở lại với sự đồng tình và đồng hành của Pháp. Cần lưu ý là ngay sau Diễn Đàn Khu Vực ARF bộ trưởng quốc phòng Pháp Hervé Morin đã đến Hà Nội ký hiệp ước hợp tác quân sự giữa hai nước theo đó Pháp sẽ cung cấp thiết bị và giúp đào tạo các sĩ quan không quân và hải quân Việt Nam. Tuy thua xa Mỹ nhưng Pháp vẫn là cường quốc thứ 5 trên thế giới về kinh tế và thứ 3 về quân sự.

Thứ ba là chọn lựa sáp lại với Mỹ và tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc không thể đảo ngược được và sẽ được thể hiện ngày càng nhanh và mạnh hơn. Đồng minh với Hoa Kỳ chắc chắn có lợi cho Việt Nam về mọi mặt, kể cả để có thể chung sống bình yên với Trung Quốc. Điều này mọi người đều đã biết từ lâu. Vấn đề là một quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ mâu thuẫn với sự duy trì chế độ độc tài đảng trị, vì thế ban lãnh đạo đảng CSVN đã ngoan cố chống lại. Nhưng ngày nay họ đã bị bắt buộc phải đổi ngược chính sách vì không còn chọn lựa nào khác do áp lực không những của nhân dân Việt Nam mà còn của chính đa số đảng viên cộng sản. Thay đổi ngoạn mục nhất trong nội bộ ĐCSVN trong thời gian qua đã là sự kiện chỉ trong vài tháng hầu như mọi cấp lãnh đạo đều trở thành chống Trung Quốc. Không gì mạnh hơn một ý kiến đã chín muồi. Không ai có thể đảo ngược chọn lựa này. Trái lại, như một thay đổi phải có nhưng đã bị trì hoãn quá lâu, khi cuối cùng phải đến nó sẽ có sức đẩy rất mạnh.

Ngoài ra cũng phải nói chính thái độ của Trung Quốc cũng đóng góp khiến chọn lựa này vừa không thể đảo ngược vừa phải gia tăng cường độ. Trung Quốc không thể vụng về hơn. Họ đã quá ngang ngược và tham lam, không để cho Việt Nam, và các nước ASEAN nói chung, một chọn lựa nào khác hơn là dựa hẳn vào Mỹ để đương đầu với họ. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh đáng lẽ phải hiểu là sau khi cắm xong mốc biên giới Việt - Trung trên đất liền Việt Nam đã được giải toả khỏi một một đe doạ lớn, đe doạ bị gặm nhấm đất đai, và không còn phải sợ như trước nữa. Nhưng thay vì đổi thái độ theo chiều hướng hoà nhã họ đã xấc xược và kẻ cả hơn. Kết quả là trong Diễn Đàn Khu Vực ARF vừa qua Trung Quốc đã hoàn toàn bị cô lập trước cả một khối ASEAN đoàn kết với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Điểm thứ tư là đồng minh với Mỹ là một chọn lựa rất an toàn cho Việt Nam, dù không an toàn cho đảng cộng sản. Dù tức giận tới đâu Trung Quốc cũng không thể gây hấn. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc so với Mỹ còn quá kém và sự thua kém này tiếp tục tăng lên chứ không giảm đi vì ngân sách quốc phòng Trung Quốc (72 tỉ USD năm 2009) dù đã gia tăng nhanh chóng (14,8% năm 2009 và 17,6% năm 2008) vẫn chỉ bằng 11% ngân sách quốc phòng của Mỹ. Thực tế đã cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu nhượng bộ. Tại Hà Nội, trả lời bà Clinton, ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng Mỹ đã dựa vào một lý cớ hoàn toàn không có thực là an ninh trên Biển Đông để "tấn công" Trung Quốc, rằng an ninh trên Biển Đông hoàn toàn được bảo đảm và Trung Quốc luôn luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình qua thương thuyết, Trung Quốc cũng sẵn sàng thương thuyết trên mọi vấn đề, kể cả Trường Sa. Qua lời lẽ cứng rắn, đây rõ ràng là bước đầu của một sự nhượng bộ. Ngay sau đó bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra đề nghị năm điểm trong đó Trung Quốc chấp nhận "thương thuyết giữa sáu nước". Như vậy thương thuyết song phương không còn là đòi hỏi bất di bất dịch nữa, dù Bắc Kinh vẫn chưa chịu thảo luận về Hoàng Sa.

Nhận định thứ năm là Việt Nam bắt buộc phải đi đến thế đồng minh với Mỹ, không thể khác. Một mặt, Mỹ có thừa sức bảo vệ Việt Nam nhưng cũng sẽ chỉ bảo vệ Việt Nam nếu Việt Nam là một đồng minh của họ, mặt khác các nước ASEAN và Việt Nam cần sự bảo vệ này nếu không chắc chắn sẽ bị Trung Quốc chèn ép. Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt thái độ sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự. Đề nghị giải quyết các tranh chấp bằng thảo luận tay đôi giữa Trung Quốc và từng nước liên hệ chỉ là cách để dùng sức mạnh trấn áp từng nước một và đề nghị tạm gác các tranh chấp để cùng khai thác Biển Đông chỉ là để cho phép Trung Quốc thực hiện tuyên bố chủ quyền kinh tế đơn phương của họ.

Cần đánh tan một hiểu lầm. Thực ra chính quyền cộng sản Việt Nam đã không chọn làm đồng minh của Trung Quốc, họ là một trong những chính quyền thù ghét Trung Quốc nhất. Hai bên đã từng có chiến tranh biên giới trong mười năm và đã mạt sát nhau thậm tệ. Việt Nam đã mất nhiều đất cho Trung Quốc, nhiều lắm chứ không phải chỉ có thác Bản Giốc và ải Nam Quan, và vẫn còn bị chèn ép sau thời gian "hữu nghị". Đảng CSVN đã chỉ chọn "không đi với Mỹ" và vì chọn lựa này mà họ phải bất đắc dĩ cầu hoà với Trung Quốc để được nương tay phần nào trong thế cô lập. Nói cách khác, chỉ vì không dám đi với Mỹ mà đành ngậm bồ hòn đi với Trung Quốc. Như vậy từ nay khi đã nhận thấy là không thể đu dây nữa, phải dựa vào Mỹ và lại thấy có thể được Mỹ bảo vệ họ sẽ không còn cần phải nhịn nhục như trước nữa; ngược lại Trung Quốc cũng không còn lý do để nương tay nữa, trừ khi sợ phản ứng của Mỹ. Cái vòng xoắn thù địch này sẽ bắt buộc Việt Nam dù không muốn cũng phải trở thành đồng minh thực sự của Mỹ.

Cũng cần nói thêm là Việt Nam không những bị bắt buộc mà còn được khuyến khích tách rời khỏi quỹ đạo Trung Quốc và tiến đến thế đồng minh với Mỹ. Trung Quốc ngày càng bị cô lập, một tâm lý bài Trung Quốc đang dần dần mạnh lên trên khắp thế giới, các phê phán đối với Trung Quốc ngày càng nhiều và gay gắt. Ngay tại Châu Phi, nơi Trung Quốc đã đổ ra rất nhiều tiền để tranh thủ những đồng minh và tăng cường sự hiện diện, họ cũng đang gây thất vọng. Nigeria, Angola và Congo, những nước mà Trung Quốc đầu tư nhiều nhất, đang xét lại nhiều hợp đồng với Trung Quốc theo chiều hướng bất lợi. Diễn Đàn Khu Vực ASEAN (ARF) vừa qua tại Hà Nội cho thấy Trung Quốc đã bị cô lập ngay tại Đông Á, vùng mà họ vẫn coi là đất nhà. Cũng nên hiểu lý do tại sao thế giới ngày càng nhìn Trung Quốc như một đe doạ. Đó là vì Trung Quốc mạnh lên trong khi vẫn là một nước độc tài chuyên chính. Trước đây, sau thế chiến II, Nhật và Đức đã phục hồi rất mạnh mẽ -kinh tế Nhật đã tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm từ 1956 đến 1980, nhân tổng sản lượng bình quân trên mỗi đầu người lên 40 lần, từ 300 USD lên 12.000 USD, trong vòng 24 năm- nhưng không hề gây một lo ngại nào cả, trái lại còn được hoan nghênh vì đó là những nước đã dứt khoát chọn lựa dân chủ và do đó không đe doạ hoà bình thế giới.

*

*

Sau cùng và quan trọng nhất, việc chọn lựa tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc để trở thành đồng minh với Mỹ sẽ có hậu quả nào đối với Việt Nam?
Dù có thể là thừa cũng cần nhắc lại một lần nữa rằng đây là một chọn lựa hoàn toàn đúng và rất có lợi cho Việt Nam. Chọn Mỹ cũng là chọn cả khối phương Tây, Châu Âu và Nhật. Chúng ta có rất nhiều điều để học ở họ. Đặc biệt là ở Hoa Kỳ, quốc gia giàu mạnh và tân tiến nhất đồng thời cũng là quốc gia năng động và sáng tạo nhất thế giới. Chúng ta cần học nơi họ những kiến thức khoa học kỹ thuật, cách suy nghĩ và lý luận độc lập, óc mạo hiểm chấp nhận rủi ro, tinh thần thượng tôn luật pháp; quí báu hơn hết là sự tôn trọng tự do cá nhân và phẩm giá con người với niềm tin rằng con người tự do có tiềm năng rất lớn. Nói chung là những giá trị nền tảng của một xã hội dân chủ mà Trung Quốc hầu như không có.

Về mặt thương mại Hoa Kỳ cũng là một thị trường to lớn và đầy hứa hẹn, như Châu Âu. Ngoại thương với Hoa Kỳ đem lại cho chúng ta một thặng dư lớn (gần 10 tỉ USD năm 2009) và còn có thể lớn hơn gấp nhiều lần trong tương lai. Ngược lại quan hệ thương mại với Trung Quốc là một tai hoạ, thâm thủng nặng (hơn 11 tỉ USD năm 2009), chưa kể số hàng lậu đang bóp nghẹt sản xuất nội địa của ta. Càng ngày càng có nhiều người, ngay cả trong số cán bộ đảng viên cộng sản, nhận ra rằng quan hệ đối với Trung Quốc hoặc phải được lành mạnh hoá hoặc phải chấm dứt.

Sở dĩ cho tới nay Hà Nội vẫn ngoan cố từ chối chọn lựa này và theo chân Trung Quốc mặc dù biết bao tủi nhục và mất mát là vì các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam nhận định rằng không thể đi với Mỹ và phương Tây mà vẫn duy trì chế độ độc tài đảng trị. Đây là một nhận định đúng dù nó chỉ nhắm quyền lợi của đảng cộng sản và hoàn toàn trái ngược với quyền lợi dân tộc. Nó đã làm mất hơn hai mươi năm cho đất nước nhưng đã giúp chế độ tiếp tục tồn tại sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng thế giới đã thay đổi và xã hội Việt Nam cũng đã thay đổi, thời gian đã làm công việc của nó. Và hiện nay cũng chính nhu cầu sống còn buộc ban lãnh đạo cộng sản phải làm chọn lựa ngược lại để tránh một sụp đổ tức khắc, do sự nổ bùng ngay trong nội bộ đảng.
Họ đã phải chọn giải pháp mà từ lâu họ biết chắc là sẽ dẫn đến sự đào thải của chế độ.

Dĩ nhiên sau khúc quanh lịch sử này chọn lựa hợp lý kế tiếp cho ĐCSVN là thẳng thắn chấp nhận dân chủ đa nguyên, thực hiện hoà giải và hoà hợp dân tộc -bắt đầu bằng cách trả tự do cho mọi tù nhân chính trị và phục hồi danh dự và quyền lợi cho các nạn nhân của chế độ- và tự hoá thân thành một đảng hoàn toàn khác về cả đường lối lẫn nhân sự lãnh đạo. Chần chừ đồng nghĩa với tự sát, bởi vì một thay đổi bắt buộc nhưng bị trì hoãn quá lâu thường rất dữ dội khi cuối cùng phải đến. Tuy nhiên, tâm lý tham quyền cố vị sẽ khiến những người cầm đầu đảng cộng sản cố tự đánh lừa mình và lý luận quanh co để ngụy biện rằng chế độ vẫn có thể tồn tại sau một vài thích nghi, rồi vẫn ngoan cố chống lại mọi đòi hỏi dân chủ hoá.

Đảng cộng sản sẽ chọn con đường tự sát vì lý do giản dị là chấp nhận dân chủ là một quyết định cực kỳ khó khăn đối với một đảng mà thành tích duy nhất chỉ là chiến tranh chống phương Tây và trong suốt quá trình thành lập và trưởng thành chỉ biết có một triết lý chính trị chuyên chính và khủng bố. Hơn nữa đảng cộng sản cũng không có một lãnh tụ nào đủ uy tín để áp đặt chọn lựa đau nhức này. Càng nhức nhối vì chấp nhận dân chủ cũng là chấp nhận thất bại. Không ai có thể đánh giá đầy đủ sự thù ghét của quần chúng đối với đảng và chế độ cộng sản. Nó mạnh hơn nhiều lần mức độ mà người ta có thể tưởng tượng. Đã không có đảng cộng sản nào sống sót được trong cuộc chuyển hoá về dân chủ của các nước Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ, dù so với đảng CSVN đó phần lớn là những đảng cộng sản chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn hơn và cũng gây ít oán thù hơn đảng CSVN. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà chủ nghĩa cộng sản bị coi là một tội ác đối với loài người. Trong một nước Việt Nam dân chủ và hoà giải có thể có tương lai chính trị cho những đảng viên cộng sản lương thiện và tiến bộ nếu họ lập ra một đảng hoàn toàn khác, nhưng chắc chắn sẽ không có tương lai nào cho đảng cộng sản. Nó sẽ bị quét sạch ngay trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên và mọi đảng được coi như là sự tiếp nối của nó cũng sẽ chịu cùng số phận. Điều oái oăm hiện nay chính là ở chỗ đảng CSVN tuy còn tất cả quyền lực và cũng rất giàu nhưng lại chỉ có một chọn lựa duy nhất là tự huỷ. Chọn lựa này quá khó, vì vậy có mọi triển vọng là đại hội 11 sắp tới sẽ không làm gì khác ngoài việc nhắc lại những khẳng định mà mọi người đều biết là tuyệt vọng.

Những biện luận sắp tới, theo đó chế độ vẫn có thể tiếp tục tồn tại, sẽ chẳng thuyết phục được ai vì thế đồng minh Mỹ bao hàm những hậu quả nghiêm trọng cho đảng cộng sản.
Nó khiến cuộc chiến tranh "chống Mỹ cứu nước" xuất hiện như một sai lầm đẫm máu và một thiệt hại lớn cho dân tộc mà đảng cộng sản là thủ phạm.
Nó đồng thời cũng biến sự du nhập chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam như một tội lớn. Cuộc tranh cãi về công và tội của đảng cộng sản sẽ chấm dứt và phán quyết sẽ không có phúc thẩm vì chính quyền cộng sản lại là một chính quyền cực kỳ tham nhũng.

Nó cũng khiến các áp lực dân chủ hoá gia tăng ở một mức độ ngột ngạt. Những áp lực chính trị của chính phủ Mỹ -và các nước Châu Âu- tuy sẽ gia tăng nhưng sẽ không đáng kể so với những áp lực hàng ngày đến từ sự cọ sát thường trực, qua từng hợp đồng thương mại và đầu tư, qua sự điều hành các công ty có vốn nước ngoài, qua trao đổi văn hoá, giáo dục, âm nhạc, báo chí v.v. Vài thí dụ cụ thể: chính quyền cộng sản sẽ không thể cấm các công ty nước ngoài tuyển dụng những nhân viên mà họ muốn, cấm những người Mỹ gốc Việt Nam về làm việc tại Việt Nam, cấm nhập khẩu sách báo Mỹ, công an Việt Nam không còn có thể đánh phá và gửi vi trùng vào các báo điện tử v.v. Tất cả sẽ nhanh chóng tạo ra một bối cảnh chính trị mới, khiến chính sách đàn áp trở thành vừa bất lực vừa vô duyên.

*

*

Dân chủ sẽ đến, nhưng sẽ đến lúc nào, trong vòng hai năm hay mười năm? Và sẽ đến như thế nào, dân chủ lành mạnh hay một thứ dân chủ hình thức bệnh hoạn, mafia, cũng không khá hơn bao nhiêu so với chế độ này?

Đó là những câu hỏi lớn vượt ngoài khuôn khổ của bài này. Nhưng có ít nhất hai điều cần được khẳng định ngay:

- Một là Mỹ và các nước dân chủ khác sẽ tuyệt đối không tìm cách lật đổ chính quyền cộng sản, trái lại họ không muốn có xáo trộn chính trị. Họ sẽ chỉ đòi chính quyền này tôn trọng một số quyền tự do chính trị cơ bản. Những đòi hỏi này, mà chính quyền cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục trắng trợn bác bỏ như cho tới nay, sẽ tạo ra một bối cảnh thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ hoá đất nước, nhưng có thay đổi chính quyền hay không và thay đổi sớm hay muộn hoàn toàn do người Việt Nam. Phải có một lực lượng dân chủ đủ mạnh để thắng sự ngoan cố của ban lãnh đạo cộng sản.

-Hai là để giành thắng lợi cho dân chủ cũng như để xây dựng thành công sau đó một nước Việt Nam dân chủ chúng ta cần những người dân chủ gắn bó với nhau trong một tổ chức mạnh. Phải có ít nhất một đảng dân chủ đúng nghĩa và có tầm vóc.

Trước mắt, một giai đoạn đoạn dồn dập thay đổi đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thử thách sắp mở ra. Như thường lệ sẽ vẫn có những nhân sĩ thấy tình hình thuận lợi nhảy ra đề nghị bắt đầu lại từ số không, tranh đua gây tiếng vang bằng những tuyên ngôn tuyên cáo và thành lập vội vã những kết hợp chỉ có vỏ mà không có ruột. Những manh động này cuối cùng chỉ có tác dụng đánh lạc sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh. Cũng sẽ không thiếu những "tổ chức dân chủ" do đảng cộng sản lập ra trong mục đích đánh lừa dư luận và biến môi trường dân chủ thành một chợ trời nhốn nháo. Những người dân chủ đứng đắn, dù ở trong hay ngoài nước, dù ở trong hay ngoài bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, phải cảnh giác để phân biệt hàng thực và hàng giả, những cố gắng có chiều sâu và những vọng động phù phiếm. Quan trọng hơn họ phải dám kết nghĩa với nhau một cách chặt chẽ, mạnh bạo, thực tình trong một tổ chức dân chủ thực sự, có mục tiêu trong sáng và có đội ngũ gắn bó. Tóm lại, quyết tâm và sáng suốt.

Nguyễn Gia Kiểng

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: